;
Theo quan niệm của đạo Phật bản chất của khổ đau, sự xuất hiện và tồn tại của nó chính là nền tảng tham ái và chấp ngã (tham, sân, si)
Trong đau khổ nếu ta biết chấp nhận thì sẽ hết khổ. Đây là đạo lý cực kỳ quan trọng. Nhưng không dễ gì để một người chấp nhận được số phận.
Chỉ những ai tin vào luật Nhân quả, hiểu rằng những nỗi khổ đến với mình chính là quả báo từ những nghiệp nhân xấu mà mình đã gieo trong quá khứ thì mới can đảm chấp nhận những đau khổ mà mình đang phải đối diện.
Hiểu vậy nên ta bình an trả nghiệp. Nỗi khổ bỗng được hóa giải nhẹ nhàng bằng niềm tin nhân quả.
Ví dụ, ta có một số tiền dành dụm để chi tiêu cho gia đình, phần thì đóng học cho con, phần thì mua thực phẩm, phần đóng tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền dự phòng,... bỗng nhiên bị trộm lấy mất. Mất tiền rồi tự nhiên cuộc sống của ta rối loạn lên liền, những dự định bị gián đoạn, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, thiếu chỗ nọ hụt chỗ kia. Tâm lý thường tình là ta phiền não, khổ đau, trách móc, giận hờn, tiếc rẻ.
Nhưng nếu tin vào luật Nhân quả, áp dụng được đạo lý trong lúc này thì ta sẽ biết rằng, trong vô lượng kiếp chắc chắn thế nào mình cũng đã có những lầm lỗi, từng gây đau khổ hoặc lấy mất của ai một số tài sản, và đây là lúc mình phải trả quả báo.
Hiểu như vậy bỗng nhiên cái phiền não, tiếc rẻ, khổ đau vơi đi gần hết. Vấn đề còn lại là chấp nhận. Ta chấp nhận gia đình mình ăn uống thiếu thốn một chút, những kế hoạch sẽ bị gián đoạn một chút, chấp nhận trả quả báo, vậy mà lại nhẹ lòng.
Mà việc chấp nhận được khổ đau cũng chính là một sức mạnh. Người yếu đuối không chấp nhận nghịch cảnh thì càng lúc càng đau khổ, còn người mạnh mẽ chấp nhận thì ngay đó họ bước qua nỗi khổ. Đó là đạo lý, là bí quyết sống ở trên đời.
Quán Niệm