;
Đồng thau, không phải đồng đen
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý - Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, ngay sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL đã thành lập Hội đồng khoa học để giám định chiếc chuông này. Thành phần có thêm TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH-TT-DL). Qua nghiên cứu, phân tích, hội đồng đã đi đến kết luận: Chiếc chuông này bằng đồng thau, được chế tác từ thế kỷ 18 và mang phong cách nghệ thuật Phật giáo thời nhà Nguyễn.
Theo ông Lý, chuông có quai là 2 hình rồng đấu lưng vào nhau. Rồng có đuôi xoáy 5 dải, râu và bờm dài. Thân chuông hình trụ trên thu nhỏ, dưới to, miệng loe dày. Thân trên của chuông chia đều 4 ô đứng hình chữ nhật bằng các đường chỉ nổi. Cả 4 góc của ô đúc nổi hoa văn hình thước thợ gấp khúc. Trong mỗi ô khắc một dòng ngang 3 chữ Hán: Phú Sơn tự (chùa Phú Sơn). Phía dưới khắc một hàng dọc 9 chữ Hán: Đinh Sửu niên tạo, giá ngân thất thập nguyên (chế tạo năm Đinh Sửu, 1877, giá trị 70 quan tiền). Giữa 4 ô trên và 4 ô dưới phân cách bằng một đai nổi đúc nổi 4 núm gõ tròn hình bông sen. Phía trên và dưới của đai nổi đúc 2 băng hoa chanh 4 cánh. 4 ô dưới hình chữ nhật, bên trong đúc nổi hình rồng, đầu rồng quay thuận chiều kim đồng hồ, xen kẽ giữa 4 ô rồng, 4 ô vuông bên trong đúc nổi 4 chữ: Xuân - Hạ - Thu - Đông trong khuôn hình lá bồ đề. Chuông có màu đồng xám còn nguyên vẹn; đường kính 52 cm, chiều cao 100 cm, trọng lượng khoảng 100 kg.
TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
đang xem chiếc “chuông thần” - Ảnh do Bảo tàng Bình Thuận cung cấp
Tài sản vô giá của chùa
Sư Quảng Độ, trụ trì chùa Phước Sơn cho biết: "Chuông đồng là tài sản vô giá của chùa, nên không hề có chuyện mua bán ở đây. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều người đến hỏi mua. Cơ quan chức năng của huyện, kể cả công an huyện cũng đã đến xem chiếc chuông này và đề nghị thầy giữ gìn cẩn thận". Anh Lê Ba, một cán bộ xã Phú Lạc, cho biết chuông được bảo vệ rất cẩn thận. “Hằng đêm chúng tôi cho anh em dân phòng đến ngủ tại chùa để bảo vệ. Đó là chưa kể nhiều phật tử, do lo ngại cho số phận của quả chuông "thần” nên đã đến ngủ ở chùa để cùng canh giữ”.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý cho rằng, chuông được làm bằng “đồng đen” hay “đồng lạnh” là cách nói dân gian, chứ không có tài liệu khoa học nào minh chứng. “Chuông đồng này gắn liền với sự hình thành của chùa Phước Sơn. Nó chỉ có ý nghĩa và giá trị về mặt văn hóa tâm linh. Việc đồn đoán “chuông thần, bằng đồng đen, biết buồn vui gì đó là lời đồn đoán, thêu dệt chứ không có cơ sở” - ông Lý nói.
Theo Quế Hà - TNO