;
Đoạn I
Chỉ về quyến định đoạn lòng DÂM
"A-nan, thế nào thu-nhiếp cái tâm thì gọi là giới?
Nếu chúng-sinh lục-đạo các thế-giới, cái tâm không dâm, thì không đi theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội cốt để ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần-lao được. Dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn lòng dâm, cũng chắc lạc vào ma-đạo, hạng trên thành ma-vương, hạng giữa thành ma-dân, hạng dưới thành ma-nữ; các bọn ma kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng.
Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều bọn ma nầy sôi-nổi trong thế-gian, gây nhiều việc tham-dâm, lại giả làm người thiện-tri-thức, khiến cho các chúng-sinh sa vào hầm ái-kiến; bỏ mất con đường Bồ-đề. Ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-đề, trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy-bảo rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ nhất của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn lòng dâm mà tu thiền-định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu trải qua trăm nghìn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng, vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản-nhân của cơm vậy.
Ông đem thân dâm cầu diệu-quả của Phật, dầu được diệu-ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cỗi-gốc đã thành dâm, thì phải trôi-lăn trong tam-đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu-chứng Niết-bàn Như-lai. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tính-đoạn cũng không còn nữa, thì mới trông-mong chứng quả Bồ-đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
Đoạn II
Chỉ về quyến định đoạn lòng SÁT
"A-nan, lại các chúng-sinh lục-đạo trong các thế-giới, nếu cái tâm không sát, thì không theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội, cốt ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng sát, thì không thể ra khỏi trần-lao được. Dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn lòng sát, thì chắc phải lạc vào thần-đạo; người bậc trên thì thành đại-lực-quỷ, người bậc giữa thì thành phi-hành-dạ-xoa và các loài quỷ-soái, người bậc dưới thì thành địa-hành la-sát, các loài quỷ-thần kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng.
Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều quỷ-thần nầy sôi-nổi trong thế-gian, tự nói rằng ăn thịt, được đạo Bồ-đề. A-nan, tôi khiến hàng tỷ-khưu ăn năm thứ tịnh-nhục, thịt kia đều do thần-lực tôi hóa-sinh ra, vốn không có mạng-căn. Xứ Bà-la-môn các ông, đất-đai phần nhiều nóng-ướt, lại thêm cát đá, rau-cỏ không sinh được; tôi dùng sức đại-bi gia-bị, nhân sức đại-từ-bi, giả gọi là thịt và các ông cũng nhận được cái vị như thịt; làm sao, sau khi Như-lai diệt-độ, người ăn thịt chúng-sinh, lại gọi là Phật-tử! Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dầu cho tâm được khai-ngộ, giống như Tam-ma-đề, đều là loài la-sát, quả-báo hết rồi, phải chìm-đắm trong bể khổ, không phải đệ-tử Phật.
Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau chưa thôi, làm sao, lại được ra khỏi ba cõi. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, thứ nữa, phải đoạn lòng sát. Ấy gọi là lời dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ hai của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên A-nan, nếu không đoạn lòng sát mà tu thiền-định, thì cũng ví-như có người tự bịt lỗ tai, cất tiếng kêu to mà trông-mong người khác không nghe; bọn này gọi là muốn giấu thì càng lộ. Hàng tỷ-khưu thanh-tịnh và các vị Bồ-tát đi trong đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ; làm sao đức Đại-bi, lại lấy máu thịt của các chúng-sinh, mà làm đồ-ăn?
Nếu các hàng tỷ-khưu không mặc những đồ tơ-lụa, là-lượt phương Đông và không dùng những giày-dép, áo-cừu, áo-len hay các thứ sữa, phó-mát, đề-hồ, thì những tỷ-khưu như thế, đối với thế-gian, thật là giải-thoát, trả hết nợ cũ xong, thì không vào trong ba cõi nữa, vì cớ sao? Dùng những bộ-phận thân-thể chúng-sinh, thì đều bị ảnh-hưởng chúng-sinh, cũng như con người ăn giống bách-cốc trong đất, thì chân không rời khỏi đất.
Quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân-thể hay bộ-phận thân-thể của chúng-sinh, đều không mặc, không ăn, thì những người như thế, tôi mới gọi thật là giải-thoát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
Đoạn III
Chỉ về quyến định đoạn lòng THÂU ĐẠO
"A-nan, lại như chúng-sinh lục-đạo trong thế-giới, tâm không thâu-đạo, thì không theo dòng sinh-tử tiếp-tục. Ông tu phép Tam-muội, cốt ra khỏi trần-lao, nếu lòng thâu-đạo không trừ, thì không thể ra khỏi trần-lao được; dầu có nhiều trí thiền-định hiện-tiền, nếu không đoạn được lòng thâu-đạo, thì chắc phải lạc vào tà-đạo, hạng trên thì thành tinh-linh, hạng giữa thì thành yêu-mị, hạng dưới thì thành người tà-đạo bị các loài quỷ-mị nhập vào; các bọn tà-đạo kia cũng có đồ-chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng.
Sau khi tôi diệt-độ rồi, trong đời mạt-pháp, có nhiều những hạng yêu-mị tà-đạo ấy sôi-nổi trong thế-gian, chúng lén-núp gian-dối, tự xưng là thiện-tri-thức, mỗi người tự xưng đã được đạo-pháp thượng-nhân, lừa-gạt kẻ không biết, doạ-dẫm khiến cho mất lòng chính-tín; chúng đi qua đến đâu, cửa nhà người ta đều bị hao-tổn tan-nát. Tôi dạy hàng tỷ-khưu theo thứ lớp khất-thực để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ-đề. Các hàng tỷ-khưu không tự nấu ăn, gửi cái sống thừa tạm-bợ trong ba cõi, thị-hiện chỉ đi về một phen, đi rồi không trở lại nữa.
Làm sao, bọn giặc mượn y-phục đạo Phật, buôn-bán Như-lai, gây các thứ nghiệp mà đều gọi là Phật-pháp, lại còn chê-bai các vị tỷ-khưu đầy-đủ giới-luật xuất-gia là đạo Tiểu-thừa; do chúng làm cho vô-lượng chúng-sinh mắc phải nghi-lầm, nên sẽ bị đọa vào ngục vô-gián.
Sau khi tôi diệt-độ rồi, nếu có tỷ-khưu phát-tâm quyết-định tu phép Tam-ma-đề, biết ở trước hình-tượng Như-lai, chính mình thắp một cây đèn, đốt một đốt ngón tay hay ở trên thân, đốt một mồi hương, tôi nói người ấy, túc-trái vô-thủy, trong một thời trả hết, cáo-từ thế-gian, thoát hẳn các lậu. Người ấy, tuy chưa hiểu rõ đạo vô-thượng-giác, nhưng đối với Phật-pháp, tâm đã quyết-định; nếu không làm được cái nhân nhỏ-mọn xả-thân ấy, thì dầu thành đạo vô-vi, cùng phải lại sinh làm người, trả các nợ củ, như quả-báo mã-mạch của tôi, thật không sai khác. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, sau nữa, phải đoạn lòng thâu-đạo. Ấy gọi là lời-dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ ba của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn lòng thâu-đạo mà tu thiền-định, thì cũng như người lấy nước rót vào chén thủng, mong cho đầy chén, dầu trải qua kiếp-số như vi-trần, rốt-cuộc không thể đầy được. Nếu các hàng tỷ-khưu, ngoài y-bát ra, mảy-may không tích-trữ, xin ăn có dư, thì bố-thí cho chúng-sinh đói, nơi nhóm Hội lớn, chấp tay vái chào đại-chúng, có người đánh-mắng cũng đồng như khen-ngợi, quyết-định rời-bỏ cả thân và tâm, thân-thịt xương-máu thành sở-hữu chung của chúng-sinh, không đem những lời-dạy bất-liễu-nghĩa của Như-lai làm chỗ hiểu của mình, khiến cho kẻ sơ-học phải lầm-lạc, thì Phật ấn-chứng người ấy, thật được Tam-muội. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
Đoạn IV
Chỉ về quyến định đoạn lòng VỌNG NGỮ
"A-nan, chúng-sinh lục-đạo trong thế-giới như thế, tuy nơi thân tâm không còn sát, đạo, dâm, cả ba hạnh đã được viên-mãn, nếu mắc phải đại-vọng-ngữ, thì Tam-ma-đề không được thanh-tịnh, thành giống ma ái-kiến và mất giống Như-lai; tức như chưa được gọi rằng được, chưa chứng gọi rằng chứng, hoặc để cầu thế-gian tôn-trọng tột-bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, đạo A-la-hán, thừa Bích-chi-Phật hay các quả-vị Bồ-tát trong thập-địa hay trước thập-địa, trông-mong người kia lễ-sám, tham sự cúng-dường.
Những tên nhất-điên-ca ấy, tự tiêu-diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây đa-la; Phật ấn-ký người ấy, mất hẳn thiện-căn, không còn chính-tri-kiến, chìm-đắm trong ba bể khổ, không thành-tựu pháp Tam-muội. Tôi bảo các hàng Bồ-tát và A-la-hán, sau khi tôi diệt-độ rồi, hiện ra ứng-thân, sinh trong đời mạt-pháp kia, hiện ra nhiều hình-tướng khác nhau, đề độ những người còn trong vòng luân-hồi, hoặc làm sa-môn, bạch-y-cư-sĩ, vua-chúa, quan-lại, đồng-nam, đồng-nữ, như thế cho đến người dâm-nữ, người quả-phụ, người gian-dối, trộm-cắp, người hàng-thịt, buôn-bán, để khen-ngợi Phật-thừa với những người đồng-sự, khiến cho thân tâm của họ vào được Tam-ma-đề; nhưng rốt-ráo không tự bảo rằng tôi thật là Bồ-tát, thật là A-la-hán, khinh-xuất nói với những người chưa học, làm tiết-lậu mật-nhân của Phật, chỉ trừ đến lâm-chung, hoặc chăng, thầm có những lời di-chúc; làm sao, lại còn có lừa-gạt chúng-sinh, thành tội đại-vọng-ngữ. Ông dạy người đời tu phép Tam-ma-đề, sau-rốt phải đoạn-trừ các đại-vọng-ngữ. Ấy gọi là lời-dạy rõ-ràng thanh-tịnh, quyết-định thứ tư của các đức Như-lai Tiên-Phật Thế-tôn.
Vậy nên ông A-nan, nếu không đoạn-trừ lòng đại-vọng-ngữ, thì cũng như khắc phân người làm thành hình cây chiên-đàn, mà muốn được hương-thơm, thật không có lẽ nào như vậy. Tôi dạy hàng tỷ-khưu lấy trực-tâm làm đạo-trường, trong hết thảy hành-động, nơi bốn uy-nghi, còn không có giả-dối, làm sao, lại có kẻ tự xưng đã được đạo-pháp thượng-nhân! Ví-như người dân-cùng xưng càn là đế-vương để tự chuốc lấy sự tru-diệt, huống nữa, là vị Pháp-vương, làm sao, lại dám xưng-càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh-co, như thế, mà cầu đạo Bồ-đề của Phật, thì cũng như người muốn cắn rốn, làm sao, mà thành-tựu được. Nếu như các hàng tỷ-khưu, tâm như dây đàn thẳng, tất-cả đều chân-thật mà vào Tam-ma-đề, thì hẳn không có các ma-sự, tôi ấn-chứng người đó, thành-tựu được vô-thượng tri-giác của các hàng Bồ-tát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần."
(Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển sáu. Dịch giả: Tâm Minh Lê Đình Thám)