;
Đại đức Thích Tâm Kiên với chậu hứng nước mưa dột. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Điệp khúc chờ
Sau khi báo chí đưa thông tin về tình trạng dột nát, xập xệ ở di tích chùa Một Cột thời gian qua, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Ba Đình chịu trách nhiệm thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo. Hội nghị hôm 30-9 quy tụ các nhà khoa học, các cấp quản lý, sở ban ngành mới chỉ dừng lại ở lấy ý kiến. Dự án tu bổ muốn triển khai được phải chờ nhiều cuộc bàn thảo, xin ý kiến của các nhà khoa học, lịch sử, các nhà nghiên cứu.
Theo đề cương đề xuất của Ban quản lý dự án quận, cuối năm nay mới hoàn thành chuẩn bị đầu tư, sang năm triển khai và dự kiến 2013 mới kết thúc tu bổ, tôn tạo chùa, với số tiền dự kiến 31 tỷ đồng.
Liên hệ với ông Vũ Kim Khánh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Ba Đình, ông nói rằng tất cả những gì cần nói, ông đã trình bày trong hội nghị hôm 30-9; muốn biết thông tin thì hỏi phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) quận. Đại diện phòng VHTT lại nói, phòng không có quyền phát ngôn, nhưng cho biết dự kiến giữa tháng 10 sẽ có hội thảo đầu tiên, trưng cầu ý kiến giới chuyên gia.
Theo quyết định ngày 23-11-2009 của UBND quận Ba Đình, quận giao cho Ban Quản lý dự án thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Diên Hựu-Một Cột, dự kiến trình UBND quận phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I năm 2010.
Trước thềm Đại lễ, đại diện UBND TP Hà Nội có cuộc họp về dự án tu bổ này. Việc làm ngay khi ấy chính là chỉnh trang hạ tầng cơ sở, cảnh quan khu di tích, sân vườn, hệ thống thoát nước, khắc phục hiện tượng dột mái. Về lâu dài, UBND quận Ba Đình vẫn lãnh trách nhiệm nghiên cứu tư liệu lịch sử để thực hiện thiết kế quy hoạch tổng thể các hạng mục, bảo đảm đồng bộ và phù hợp cảnh quan.
Chiều 3-10, sư trụ trì Thích Tâm Kiên cho biết, hiện tại, hiện tượng dột tại chùa Một Cột (đặt ở hồ Linh Chiểu) không còn, nhưng khu thờ tự trong chùa vẫn chịu cảnh dột mái khi mưa to, gần nhất là sân chùa ngập nước ngày 8-8 năm nay.
“Bình thường chúng tôi có thể tự duy tu, đảo ngói, chống dột; nhưng do chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962, nên mọi việc đều chờ trình đủ các cấp”, trụ trì chùa nói. Người chịu trách nhiệm cai quản chùa vẫn nhắc lại chuyện đảo ngói phải xin hơn chục con dấu, tiến độ triển khai tu bổ chùa nhiều khi so ngang rùa bò: Dù bây giờ đã có phương án, nhưng nhất thiết lại chờ bàn thảo.
Thận trọng khi trùng tu
Chỉnh trang cảnh quan chùa, chống dột mái ở chùa Một Cột được xem là giai đoạn 1. Giai đoạn 2 đi vào tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Dự án nhằm bảo tồn và chống xuống cấp các thành phần gốc của di tích: Tam Quan, Tam Bảo, nhà Mẫu, chùa Một Cột, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ (hiện đang phải thờ chung trong nhà Mẫu do bị dỡ bỏ trước dây), xây dựng nhà Tăng kết hợp khu vệ sinh phục vụ sinh hoạt.
Theo nhận định của đơn vị thực hiện, do chùa Một Cột nằm trong tổng thể khu vực các di tích lịch sử văn hóa: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hồ Chí Minh và các công trình quan trọng trong khu A1, nên tu bổ, tôn tạo chùa phải hài hòa với cảnh quan chung.
Như lời trụ trì Thích Tâm Kiên, dự án tôn tạo quần thể chùa phải đảm bảo nhìn tổng thể không được che lấp chùa Một Cột ngự ở hồ Linh Chiểu. Ngoài ra, yêu cầu tách nhà Tổ khỏi nhà Mẫu, và nhu cầu có nhà Tăng cấp thiết không kém.
Trong báo cáo đề xuất phương án tu bổ, đơn vị thực hiện thuyết trình 2 phương án. Theo đó, cả hai đều tôn trọng phương pháp bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay yếu tố hỏng, đảm bảo yếu tố nguyên gốc. Phương án đầu đi theo hướng dỡ bỏ nhà xây mới như nhà Tăng, khu ăn ở, vệ sinh mới mọc lên trong khuôn viên chùa, được đánh giá không phù hợp quần thể di tích. Phương án còn lại chủ đích ghép nhà Tăng, trai đường vào một diện tích để tiết kiệm không gian sử dụng.
GS Phan Khanh - chuyên gia về di tích, di sản bày tỏ ý kiến: Phải thận trọng khi thực hiện dự án. Ông cũng cho rằng, chùa Một Cột xưa quy mô lớn hơn rất nhiều. Xét về giá trị lịch sử, văn hóa thì trùng tu chùa nhất thiết phải đưa chùa thành “viên ngọc của thủ đô”. Theo kiến trúc nguyên bản, cột chùa chắc chắn bằng đá, nhưng đợt xây dựng lại sau năm 1954 do điều kiện khó khăn, nên phải thay bằng cột bê tông cốt thép.
Theo : TPO