;
Hòa thượng trụ trì Thích Huệ Tánh và kinh Pháp Hoa
Nằm trong con hẻm nhỏ của thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), bên trong ngôi chùa có vẻ đơn sơ mang tên Phật Quang lại đang lưu giữ những báu vật rất có giá trị.
Chùa Phật Quang là một trong những ngôi chùa sớm nhất của Bình Thuận. Căn cứ vào nhiều tài liệu, có thể trước đây chùa Phật Quang còn có tên “Bồ Đề tự”, dân gian còn gọi là chùa Cát, thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa đã trải qua 18 đời truyền thừa đã được trùng tu nhiều lần, còn giữ được nhiều pho tượng và pháp khí cổ.
Ngôi chính điện hai tầng và hai lầu chuông, trống của chùa nổi bật với các mảng ghép sành sứ về nhiều đề tài trên các phù điêu, hoa văn, hàng cột..., đặc biệt là linh vật rồng 5 móng được thể hiện trên các công trình ghép sành sứ từ nóc mái đến bao lam, cửa sổ, hàng cột... Rồng 5 móng chùa Phật Quang là nét khác biệt hoàn toàn so với rồng 4 móng của nhiều đình, chùa khác trong cả nước.
Hơn 48 tấn mảnh sành được chở từ miền Bắc vào, miền Nam ra, đã được nhóm thợ người Huế chủ lực lựa chọn sử dụng khoảng 2 tấn. Chính mảng ghép sành sứ mang tính mỹ thuật và kỹ thuật cao đã tôn ngôi chùa vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính theo phong cách kiến trúc Á Đông.
Chùa có hai điện Phật được bài trí trang nghiêm. Tầng trên là điện Phật thờ đức Phật Thích Ca, hai bên vách tường có bộ tượng phù điêu Thập Bát La Hán. Điện Phật tầng dưới thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí) và tượng Bồ tát Địa Tạng.
Điều đặc biệt nhất là chùa hiện đang lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ có ghi đời vua Lê Thuần Tông (1699 - 1735). Ngày 16.11.1987, tất cả hòa thượng và phật tử chùa Phật Quang tất bật quét dọn chùa để chuẩn bị cho ngày lễ vía phật A Di đà và lễ tất niên, khi quét dọn đến tẩm thờ Tam thế Phật, các sư thầy phát hiện một số tấm ván lót dưới nền bị gập ghềnh. Khi kéo ra để sắp xếp lại, họ phát hiện một hầm ngay giữa chính điện, trong hầm có chứa một cũi rất kiên cố làm bằng gỗ căm xe. Khui nắp cũi ra, mọi người ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết vì trong cũi là một bộ kinh Pháp Hoa được khắc trên 118 tấm gỗ thị đỏ.
Bộ kinh Pháp Hoa tên đầy đủ là Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Kinh ghi lại lời thuyết giảng trong 8 năm của Đức Phật bằng chữ Hán trên cả hai mặt của 118 tấm mộc, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26m, dày 0,026m với tổng cộng hơn 60 vạn chữ. Điều đáng nói ở đây là bộ kinh được khắc ngược nhưng không sai, không lặp hay không thiếu một chữ nào so với bản gốc. Do được khắc trên gỗ thị đỏ, một loại gỗ tích nhiệt cao, không loài sâu mọt nào dám đến gần nên bộ kinh hầu như còn nguyên vẹn 100% dù đã có niên đại hơn 300 năm.
Một trong số các tấm mộc bản khắc kinh Pháp Hoa
Được biết, cây thị đỏ chỉ phát triển được duy nhất tại vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, hiện nay đã tuyệt chủng. Một năm, thị đỏ chỉ rụng 7 lá, thân cây phát ra một nhiệt lượng rất nóng không loài vật nào dám lại gần. Vào đời vua Lê - chúa Trịnh, thị đỏ được cống nạp ra Bắc để dùng chạm khắc các tài liệu quan trọng của triều đình. Ngoài những tấm mộc bản khắc nội dung kinh Pháp Hoa, còn có 7 tấm chạm khắc lại cảnh Đức Phật Thích Ca giảng kinh cho thánh chúng nghe. Đây không chỉ là những hình ảnh minh họa về Đức Phật và chúng sinh, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, quý hiếm. Cái quý nhất ở đây là bộ kinh gần như nguyên vẹn và đầy đủ.
Căn cứ vào đoạn văn ghi trong kinh: “Long Đức tam niên tuệ thứ Giáp Dần, tứ nguyệt thơ nhất nhật khánh tạo”, bộ kinh bắt đầu khởi công vào năm 1704 và hoàn thành năm 1732 vào thời nhà Lê Trung hưng. Căn cứ vào ghi chú trong bộ kinh âm bản, bộ kinh này do 3 vị thiền sư là ngài Minh Dung hiệu Pháp Không, ngài Khánh Tài tự là Thiện Huệ, ngài Thiện Pháp hiệu là Bảo Hương và 12 đệ tử khác thực hiện trong 28 năm (1704 - 1732) mới hoàn thành tuyệt tác gồm 7 quyển, 28 phẩm, 60.000 từ; tóm gọn trong 9 chữ “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”.
Hiện nay, trên thế giới các nhà nghiên cứu chỉ mới tìm được 3 bộ kinh Pháp Hoa có niên đại lâu đời, gồm 2 bộ kinh của Trung Quốc và 1 bộ của chùa Phật Quang tại Việt Nam. Tuy nhiên, 2 bộ kinh kia được khắc trên đồng và đá tại Trung Quốc do trải qua thời gian lâu dài nên đã bị phong hóa, mục nát và mất nhiều bản khắc nên nội dung không còn đầy đủ, nguyên vẹn, chỉ còn lại khoảng 20%.
Do vậy, bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang được xem như bộ kinh quý hiếm và trọn vẹn duy nhất là chính xác. Ngày 2.1.2006, bộ kinh Pháp Hoa này đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu bộ kinh Phật khắc gỗ cổ nhất Việt Nam.
Theo hòa thượng Thích Huệ Tánh trụ trì ngôi chùa, điều đáng tiếc nhất hiện nay là vẫn chưa tìm thấy người biên dịch, soạn thảo nội dung cho 60 vạn chữ Hán của bộ kinh Pháp Hoa này. Đội ngũ tăng ni, sư sãi của chùa đã tập trung vào công tác biên tập, phiên dịch trong nhiều năm qua, nhưng vì thiếu kiến thức chuyên môn và sự khác nhau về cách sử dụng ngôn ngữ của hai thời đại nên ý nghĩa bộ kinh vẫn chưa được khai thác triệt để.
Chùa Phật Quang
Tính đến thời điểm này, chùa Phật Quang đã được công nhận là ngôi chùa có 3 kỷ lục Guiness Việt Nam bao gồm bộ kinh Phật khắc bằng gỗ đầy đủ và cổ xưa nhất, quả chuông gia trì lớn nhất, cặp mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất. Quả chuông gia trì có đường kính 1,2m, cao 1m, nặng 400 kg, chuông do nhóm thợ người Quảng Nam thực hiện. Cặp mõ gia trì mỗi chiếc cao 0,8, ngang 0,92m làm bằng gỗ mít lấy từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình do nhóm thợ Quảng Nam làm trong 7 năm (1997 - 2004).
Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ đại hồng chung có niên đại từ đời vua Lê Chiêu Thống (1741) do hai vị thiền sư đúc tại Phú Yên mang vào, bàn cờ Phật do Đại đức Thích Nguyên Minh mang từ Pháp về. Bàn cờ Phật bằng chữ Hán, chép tay, khổ lớn, hình vuông. Tổng cộng có 76 ô vuông, xếp thành 4 vòng và 1 ô trong cùng, tượng trưng cho 5 cấp bậc thể hiện lộ trình của người bắt đầu xuất gia tu Phật cho đến khi đạt quả vị Vô Thượng Chánh Giác - thành Phật. Mỗi ván cờ có từ 2 - 6 người chơi, gieo hột xúc xắc để di chuyển giữa các ô, từ “Sơ khởi phát tâm” đến “Vô thượng chánh giác”. Vừa giải trí, vừa luyện tâm và nhắc nhở đường tu hành chính quả.
Du khách đến viếng chùa Phật Quang có thể ngủ lại, gặp bữa nếu muốn, được dùng cơm chay hoặc thỉnh mấy cây cảnh về làm lộc. Của chùa nên cứ thoải mái, ai có lòng thì gửi lại ít tiền công quả để người sau tiếp tục được phần.
ĐỨC HẠNH
https://laodong.vn/van-hoa/bo-kinh-khac-go-300-nam-tuoi-486142.bld