;
Ngày 02 tháng 10 năm 2014, nhằm ngày 09 tháng 09 năm Giáp Ngọ, tại chùa Phúc Nguyên - thôn Nghĩa Lý - xã Hiệp Hòa - huyện Vĩnh Bảo - thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức lễ rót đồng đúc Đại Hồng Chung.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa Thượng Thích Thanh Dục - Ủy viên Thường trực HĐCM TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hải Phòng; Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên thường trực HĐTS kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Đạt - Ủy viên Thường trực HĐTS; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng thư ký HĐTS TW GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Giác - Ủy viên HĐTS kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN Thành phố Hải Phòng cùng chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh.
Về phía chính quyền có: Ông Phạm Xuân Hanh - Phó phòng Nội Vụ huyện Vĩnh Bảo; Ông Lê Văn Thuận - Bí thư Đảng ủy phường Yên Sở - quận Hoàng Mai - Hà Nội; Ông Phạm Trung Nguyên - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiệp Hòa cùng đại diện các cơ quan chức năng, ban ngành sở tại và đông đảo tín đồ Phật tử gần xa cùng về tham dự buổi lễ.
Mở đầu buổi lễ là lời phát biểu khai mạc của Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Trưởng ban tổ chức chương trình.
Sau đó, Đại đức Thích Nguyên Chính đã thay mặt Ban tổ chức đọc ý nghĩa đúc Đại Hồng Chung: "Ngày nay, chuông được sử dụng một cách rộng rãi ở trong các chùa. Tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng, người ta làm ra nhiều loại mẫu chuông khác nhau, nhưng chung quy thì có ba loại căn bản: Đại hồng chung, Bảo chúng chung và Gia trì chung.
Đại hồng chung là loại chuông lớn hay còn gọi là chuông U minh, chuông này thường được đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Đánh vào lúc đầu hôm là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng: “Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra mà không trở lại là qua đời khác”. Còn đánh vào lúc cuối đêm là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc tham, sân và si là ba thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sanh tử luân hồi. Lối đánh chuông này, thường là 108 tiếng, ý nghĩa biểu trưng cho 108 thứ phiền não của chúng sinh, khi chuông đánh lên thì 108 thứ phiền não này đều bị rơi rụng, trí tuệ phát sinh, căn lành tăng trưởng, đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai.
Bảo chúng chung hay còn gọi là Tăng đường chung, tức là loại chuông này dùng để báo tin trong lúc nhóm họp Đại chúng, thọ trai hoặc khi lên khoá lễ hay kiền chuỳ ... trong các chùa.
Gia trì chung là loại chuông dùng để đánh trong trường hợp đầu bài hoặc cuối bài những câu kinh hay câu sám, hoặc cũng có lúc xuống dòng của đoạn hay của câu, và còn ra hiệu cho biết khi bắt đầu hoặc chấm dứt buổi lễ. Đồng thời cũng là để điều hoà cho người tụng kinh, lễ Phật được nhịp nhàng đều đặn, hướng người tụng vào một con đường duy nhất là Chí Tâm.
Âm ba của tiếng chuông như là một liều thuốc “trực chỉ nhân tâm”, xoáy sâu vào thức A Lại Da của mọi người, vượt thoát không gian và thời gian, phá tan mọi thành trì căn trần và thức, bức phá mọi gốc rễ của vô minh ngàn đời tăm tối, đưa hành giả tới chỗ hốt nhiên, vỡ oà, chạm được cửa ngõ của Bản Lai, vào sâu căn nhà của Diện Mục, “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”. Quả là hợp với câu:
“Hồng chung vang vọng tiếng ban đầu
Địa ngục A Tỳ thăm thẳm sâu
Thiên đường Hữu Đảnh ngân vang khắp
Trước Phật mười phương con cúi đầu”.
Sức công phá, sự lan toả của nó không chỉ hạn hữu ở thế giới hiện thực, mà nó còn quét sâu vào thế giới siêu hình, tạo nên một sự nối kết hoàn hảo, bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ, gắt kết với đời sống hiện tại, xây dựng một kết quả viên mãn trong tương lai. Tính chất này giúp cho người hiện còn có thêm những phương tiện, thể hiện lòng tri ân và báo ân của mình đối với những người đã khuất, xua đi tất cả những mặc cảm, thân phận của cuộc đời, để nhích lại gần với nhau hơn trên lộ trình “pháp giới đồng nhất thể”."
Sau đó, là lời phát biểu của Ông Phạm Trung Nguyên - đại diện chính quyền sở tại.
Cuối cùng, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã có lời đạo từ khuyến tấn tới đại chúng về ý nghĩa và công đức của việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông bởi:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông
Hòa thượng cũng mong rằng, dưới sự giúp đỡ tận tình của chính quyền sở tại, chư tăng và bà con Phật tử bản tự sẽ đoàn kết, hòa hợp, cùng xây dựng chốn già lam trang nghiêm, tố hảo.
Kết thúc buổi lễ là nghi thức niêm hương cầu nguyện của chư tôn đức chứng minh và toàn thể đại chúng tham dự.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Chùa Bằng