;
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - nơi diễn ra đại lễ Vesak 2019
Sau 2 lần đăng cai rất thành công vào năm 2008 và 2014, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Sự kiện dự kiến thu hút sự tham dự của 1500 đại biểu thuộc hơn 500 phái đoàn quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ các nước. Sự kiện cũng dự kiến có khoảng 20.000 đại biểu trong nước tham dự.
Chủ đề xuyên suốt của Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, theo đó, các đại biểu sẽ cùng thảo luận ở các diễn đàn "Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững", "Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp", "Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục", "Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0" và "Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm".
Bên cạnh chủ đề chính của Đại lễ, Vesak 2019 còn có hàng loạt sự kiện tâm linh, văn hóa dự kiến sẽ thu hút rất đông người dân và Phật tử tham dự.
Càng gần đến ngày diễn ra đại lễ, chùa Tam Chúc là cái tên gây được sự chú ý và được nhắc tên nhiều nhất. Không chỉ có cái tên rất đẹp, chùa Tam Chúc còn sở hữu nhiều kỷ lục đáng ngưỡng mộ.
Chùa Tam Chúc được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn".. (Ảnh: Lao động)
Chùa Tam Chúc thuộc quần thể Khu du lịch Tam Chúc thuộc Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, cách TP. Phủ Lý khoảng 12 km về phía Tây.
Ngày 22/01/2013, khu du lịch Tam Chúc được Thủ tướng công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ-TTG ngày, khi mở cửa tham quan sẽ là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, đồng thời có sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi cùng vẻ hùng vĩ của non nước bao la.
Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế…
Bảo Tháp tại quần thể chùa Tam Chúc. (Ảnh: Minh Đức)
Những công trình đáng chú ý phải kể đến chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác.
Điện Tam Thế ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.
4 bức tường cực lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá chạm khắc tinh xảo gửi gắm biết bao câu chuyện nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật. Trong khi đó, 4 bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. 4 bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát.
Không những thế, Chùa Tam Chúc còn đang trồng cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam. Cây bồ đề này được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay và được coi là báu vật của quốc đảo này.
Ngoài ra, Trung tâm Hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ cao 31 m, đủ sức phục vụ gần 3.500 khách, hứa hẹn sẽ là nơi tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2019, gây ấn tượng mạnh mẽ với các đoàn đại biểu trong và ngoài nước.
Với những công trình là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đến cảm giác kỳ vỹ nhưng cũng rất linh thiêng cùng cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình, chùa Tam Chúc xứng đáng trở thành di sản văn hóa đáng tự hào của người Việt.
Hải Yến