;
Đại đức Thich Pháp Bảo: Chào bác Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân. Sau những lần gặp bác ở chùa Bát Nhã (Bảo Lộc) và một vài lần gặp ngắn ngủi ở Học Viện Phật giáo TP HCM, tôi ít có dịp được gặp bác. Tuy thế qua báo chí - nhất là qua trang Web gactholoc.net tôi vẫn thường đọc các bài viết của bác, những bài nghiên cứu về chùa Thiền Lâm, Phủ Dương Xuân, Cung điện Đan Dương.v.v. Tôi rất mong được gặp lại bác để hỏi thêm về lịch sử chùa Thiền Lâm – nơi tôi từ đó ra đi vào TP HCM và nhiều nơi ở nước ngoài. Điều mong muốn của tôi đã có từ lâu nhưng chưa có dịp để nó trở thành hiện thực. Bất ngờ hôm nay được gặp bác ngay tại chùa Thiền Lâm với sự có mặt của thầy Trú trì Chơn Trí của tôi, tôi rất mừng. Vậy, xin bác vui lòng giúp tôi hiểu rõ thêm một số vấn đề thuộc về lịch sử của ngôi chùa nầy được không ạ!
Tâm Hằng NĐX.- Hơn 30 năm qua Ôn Chơn Trí và các thầy ở Thiền Lâm đã giúp tôi biết bao công việc, nhờ thế tôi mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Tôi chưa thực hiện được một việc gì để đền đáp công ơn ấy cả cho nên tôi cũng rất băn khoăn. Hôm nay thầy ở xa về, hỏi chuyện mà tôi đã nghiên cứu được, thế có gì là khó khăn đâu mà được hay không được. Cám ơn thầy đã tạo có hội để cho tôi có dịp tạ ơn các thầy chùa Thiền Lâm!
ĐĐ Pháp Bảo.-Nghiên cứu về chùa Thiền Lâm bác có thừa kế được những thông tin lịch sử mà các nhà nghiên cứu đi trước không? Công việc của bác là gì?
Tâm Hằng NĐX.- Cơ bản là tôi tham khảo được những thông tin của các sử thần triều Nguyễn để lại trong các bộ sử chính thức của triều Nguyễn, tham khảo được các trước tác của các học giả đi trước như của thầy Hải Ân, nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm, nhóm các nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách, Trần Đại Vinh.v.v. Công việc của tôi là làm rõ những vấn đề người trước nêu lên mà chưa giải quyết, đính chính những thông tin người trước đưa ra không chính xác, khám phá những bí ẩn chồng chất trong lịch sử và ngay trên sân vườn Thiền Lâm đây.
ĐĐ Pháp Bảo.- Xin bác cho một vài ví dụ !
Tâm Hằng NĐX.- Ví dụ như vấn đề ai là người khai sơn chùa Thiền Lâm. Như tôi đã viết và các thầy cũng đã biết:
Sách Đại Nam Nhất Thông Chí (ĐNNTC) thời Tự Đức viết: “Tương truyền chùa do Thạch-liêm hòa thượng dựng”. Thời Tự Đức viết mà không in. Thời DuyTân, cụ Cao Xuân Dục biên tập lại và khắc in cũng viết: “Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên” [Tài liệu 1]
Có đúng như vậy không?
Theo Hải Ngoại Kỷ Sự của chính HT Thạch Liêm Thích Đại Sán cho biết: Do lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, trung tuần tháng 3-1695, HT Thạch Liêm Thích Đại Sán – người Quảng Đông, đến Thuận Hóa. Hòa thượng được Chúa mời trú tại chùa Thiền Lâm. Hòa thượng cho biết chùa Thiền Lâm lúc bấy giờ là một cái: “Nhà ở tối tăm chật hẹp chẳng đủ chỗ chứa 10 người, ban trưa còn thắp đuốc”(Sđd.tr.35). Sau đó, Hòa thượng được chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp. Chúa hỏi: “Nhà ở được yên chăng?”- Hòa thượng trả lời thẳng thắn: “Chật hẹp, tối tăm, không được khoan khoái” [Tài liệu 2].
Như vậy, khi Hòa thượng Thạch Liêm đến Thuận Hóa, ở đây đã có chùa Thiền Lâm rồi. Cho nên không thể viết Hòa thượng Thạch Liêm là người “dựng” hay “lập nên” chùa Thiền Lâm được. (Chùa chứ không phải viện Thiền Lâm).
Hơn thế nữa, như các thầy đã biết bên trái địa điểm gốc của chùa Thiền Lâm, hiện nay còn tồn tại tháp mộ cổ theo tấm bia mộ viết là của Hòa thượng Khắc Huyền Lão Tổ - người khai sơn chùa Thiền Lâm. [Tài liệu 3)
Qua Hải Ngoại Kỷ Sự cùng với thông tin ghi ở bia mộ HT Khắc Huyền ta có thể khẳng định HT Thạch Liêm không thể là người“dựng” hay “lập nên” chùa Thiền Lâm được. Lịch sử chùa Thiền Lâm và thông tin về những Phật sự của HT Thạch Liêm ở chùaa Thiền Lâm thời Nguyễn Phúc Chu như thế nào chắc chắn các sử thần triều Nguyễn nắm rất rõ. Thế thì tại sao các tác giả ĐNNTC lại viết một cách lấp lửng và sai lịch sử đến vậy?
Đó là cách bình luận trên những gì ta đang thấy, tức là trên văn bản ĐNNTC và bia tháp. Nhưng với phương pháp sử thông thường thì trước khi sử dụng tài liệu phải khảo chứng các hiện vật (bia) và văn bản (ĐNNNTC) đó có đúng gốc không, có đúng thực tế không rồi mới tin được.
ĐĐ Pháp Bảo.- Tháp và bia lăng Hoà thượng Khắc Huyền cũng chưa đáng tin cậy sao ?
Tâm Hằng NĐX.- Hơn 30 năm qua tôi đã đến khảo sát nghiên cứu Tháp và bia lăng HT Khắc Huyền nhiều lần. Như các thầy đã biết: Dòng lạc khoản bên trái (người đọc) khắc:
“Chính Hòa nhị thập thất niên, tứ nguyệt cát nhật”.
Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên Biểu của Nguyễn Bá Trác, thì không có năm Chính Hòa Thập thất niên (năm thứ 27). Nếu có thì nhằm vào năm 1706. Niên hiệu Chính Hòa của vua Lê Hy Tông chỉ đến năm Chính Hòa Thập ngũ niên (năm thứ 25) mà thôi. Năm 1706 là năm Vĩnh Thịnh thứ hai của vua Lê Dụ Tông. Chùa Thiền Lâm của chúa Nguyễn Phúc Chu mà khắc sai đến thế được sao? Còn dòng chữ lớn giữa lòng bia khắc:
“Sắc tứ Động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng chi tháp”.
Cho đến nay chưa tìm được tài liệu để có thể biết chính xác chùa Thiền Lâm được ra đời vào tháng năm nào hồi cuối thế kỷ XVII. Đến năm 1695 (năm HT Thạch Liêm Thích Đại Sán đến Thiền Lâm) thì chùa Thiền Lâm chỉ là một ngôi chùa rất nhỏ như tôi vừa nêu trên. Và cũng từ năm 1695, mọi việc diễn ra ở chùa Thiền Lâm đều do Hòa thượng Quả Hoằng – quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu – đảm trách. Tất cả các Phật sự ở chùa Thiền Lâm được ghi chép trong Hải Ngoại Kỷ Sự đều không thấy bóng dáng tên tuổi nào của HT Khắc Huyền cả. Như thế ta có thể tin là HT Khắc Huyền khai sơn và trú trì chùa Thiền Lâm cho đến trước năm 1695 – năm HT Thạch Liêm đến chùa Thiền Lâm là cùng. Do đó bia khắc: Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng khai sơn Thiền Lâm viện là sai. Một cái chùa “chật hẹp chẳng đủ chỗ chứa 10 người” làm sao có thể gọi là viện được ? Dựng lên Thiền Lâm Viện là Thạch Liêm Thích Đại Sán mới đúng chứ! Phải chăng vì thế mà ĐNNTC viết: “Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên” như tôi vừa dẫn chăng !
Có lẽ các Ngài lo Phật sự ở Thiền Lâm trước đây thấy bia khắc : “Khắc Huyền Lão Tổ Hòa Thượng khai sơn Thiền Lâm viện” là sai nên cho khắc lại long vị thờ Ngài, đã thay Thiền Lâm Viện thành Thiền Lâm Tự. Long vị đang an vị trên bàn thờ tổ sau chánh điện chùa Thiền Lâm đây. Long vị khắc:
“Tào động chánh tông khai sơn Thiền Lâm tự húy Như Tư thượng Khắc hạ Huyền đại lão Hòa thượng chi giác linh”. [Tài liệu 4)
Căn cứ nội dung được khắc trên bia mộ và long vị thờ ở bàn thờ tổ chùa Thiền Lâm mà tôi có lời bình như vậy. Sự thực, những nội dung khắc trên bia mộ tháp và long vị đã đủ độ tin cậy chưa? Tôi chưa yên tâm.
Đ Đ Pháp Bảo.- Vì sao ?
Tâm Hằng NĐX.- Bởi vì:
- Thông thường long vị được khắc ngay sau khi các vị Hòa thượng viên tịch. Theo tấm bia nêu trên thì HT Khắc Huyền viên tịch vào năm 1706, mà long vị thờ Ngài thì quá mới nên không có mấy giá trị lịch sử;
- Dòng chữ chính giữa “Sắc tứ động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện Khắc Huyền Lão tổ Hòa thượng chi tháp” không phải dòng chữ khắc gốc mà là dòng chứ khắc lại trên mặt đá đã bị mài dòng chữ cũ. Dòng chữ cũ là gì? Vì sao bị mài để khắc lại? Khắc lại từ khi nào? Qua nghiên cứu, được biết chùa Thiền Lâm đã trải qua hai biến động lớn.
- Biến động thứ nhất diễn ra sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802) chùa Thiền Lâm gốc đổ nát được Thừa Thiên Cao Hoàng hậu quyên tiền trùng tu;
- Biến động thứ hai: Vào khoảng đầu đời Thành Thái (1889), người Pháp được sự đồng ý của Nam triều đã xẻ một con đường từ bờ sông Lợi Nông (cũng thường gọi là An Cựu) ngang qua 2 ấp Trường Giang và Bình An lên thẳng tới Đàn Nam Giao. Con đường nầy lúc đầu mang tên là Nam Giao Tân Lộ. Công trình kéo dài gần 10 năm (1889-1898) do kỹ sư cầu đường người Pháp tên là Sali thực hiện. Để dành đất mở con đường quan trọng nầy nhiều mồ mã của dân và lăng tháp của các chùa phải di dời đi nơi khác. Hiện nay, trong vòng thành vuông ở hướng đông nam vườn chùa Báo Quốc, có một nhóm 5 ngôi tháp đã được cải táng đến đây. Việc cải táng được khắc bia rõ ràng. Ví dụ bia ngôi tháp của Ngài Minh Hoằng Tử Dung – hòa thượng khai sơn chùa Ân Tôn (Từ Đàm) đã được khắc lại với lạc khoản “Thành Thái cửu niên tuế thứ Đinh Dậu chánh nguyệt thập bát nhật cát táng” (nhằm ngày 29 tháng 2 (nhuận) năm 1897) “chư quan sơn tự kính phụng lập”.
Trong vụ di dời mồ mã, lăng tháp dành đất làm Nam Giao Tân Lộ năm ấy, theo địa bạ ấp Bình An lập thời Thành Thái, khuôn viên tọa lạc chùa Thiền Lâm bị cắt làm ba mảnh [Tài liệu 5]. Mảnh giữa làm đường, mảnh phía đông dành cho ngôi tháp cho là của HT khai sơn Khắc Huyền, mảnh phía tây xây lại một ngôi chùa nhỏ - nơi ta đang ngồi hôm nay. Mộ tháp Ngài Khắc Huyền hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc đắp đường. Cho nên bia tháp bị mài dòng chữ cũ khắc lại là vì một lý do nào khác chứ không phải vì làm đường Nam Giao Tân lộ như trường hợp tháp mộ của Ngài Tử Dung trình bày trên. Nếu mộ tháp gốc của Ngài Khắc Huyền nằm trên phần đất làm đường nên phải dời vào vị trí hiện nay thì dòng lạc khoản bia tháp ngài Khắc Huyền phải được khắc thêm hai chữ “cát táng”. Với tấm bia tháp ngài Khắc Huyền còn lại ngày nay không hề thấy hai chữ “cát táng” ấy. Như vậy, tấm bia ngài Khắc Huyền bị mài và khắc lại diễn ra hồi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu xây dựng lại chùa Thiền Lâm chăng ! Nhưng cũng khó hiểu, chùa hư nát sập đổ thì làm lại, bia tháp của Ngài khai sơn đã viên tịch cách đó hơn một thế kỷ mắc chi mà đi mài bia và khắc lại? Chắc Thừa Thiên Cao Hoàng hậu không cho phép làm một việc vô lễ như thế.
ĐĐ Pháp Bảo.- Sao mà rắc rối vậy, Bác Xuân!
Tâm Hằng NĐX.- Rắc rối như vậy mà gỡ để hiểu được mới thú vị. Mà muốn gỡ phải đặt sự kiện ấy về lại hoàn cảnh lịch sử của nó, hiểu nó bằng kiến thức, trải nghiệm của thời đại đó.
Cho đến nay tôi hiểu những việc rắc rối ấy như thế nầy:
1. Những ngôi chùa do vua chúa dựng lên trong cung phủ để phục vụ cho Hoàng gia ở Thuận Hóa Phú Xuân thì không có người khai sơn. Các chùa trong cung cấm khi cần thì mời các nhà sư có uy tín nhất vào tụng kinh, chứ không có bất cứ nhà sư nào được vào ở trong các chùa trong cung cấm. Ví dụ như chùa Thiền Lâm là một cái am nhỏ dành riêng cho Hoàng gia ở Phủ Dương Xuân, đến năm 1695, HT Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời qua Thuận Hóa hoằng pháp, Thiền Lâm được phát triển thành một Thiền Lâm Viện lớn nhất ở xứ Đàng Trong và dành cho đại chúng. Khi ấy chúa Nguyễn Phúc Chu phải dựng trong Phủ một ngôi chùa khác để Hoàng gia tu tập. Trước ngày Phật đản năm đó (1695), HT Thích Đại Sán được Chúa mời vào dự lễ khánh thành và đặt tên là Giác Viên Nội viện chứ không được ở trong Phủ. Đến đầu triều Nguyễn, vua Minh Mạng dựng lên chùa Giác Hoàng (1839) trên mảnh đất tiềm để của nhà vua (Hiện nay là nơi tọa lạc của khu Tam Tòa đang được sử dùng làm cơ quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng không có một vị sư nào khai sơn cả. (Tài liệu 6) Do đó tôi nghĩ chùa Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân không có người khai sơn. Đến khi Thiền Lâm tự được phát triển thành Thiền Lâm Viện, khai sơn Thiền Lâm Viện chính là HT Thạch Liêm Thích Đại Sán thuộc hệ phái Tào Động. Thích Đại Sán là HT khai sơn, có như thế sau khi HT về Trung Quốc một người đệ tử của HT là HT Hương Liên hiệu là Quả Hoằng – quốc sư của chúa Nguyễn Phúc Chu mới được kế vị, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền Lâm Viện. (Bia tháp của Ngài, lúc làm Nam Giao Tân Lộ đã được chuyển vào và xây lại bên cạnh con đường vào chùa Vạn Phước ngày nay) (Tài liệu 7).
- Bia tháp lâu nay tưởng là của HT Khắc Huyền, theo tôi là bia tháp của một vị HT nào đó viên tịch vào năm 1706, bia bị mài nhẵn và khắc lại tên “HT Khắc Huyền”. Cho đến nay, ngoài mỹ danh Khắc Huyền khắc trên tấm bia bị mài nhẵn đó, không có bất cứ một tài liệu nào khác viết về ngài Khắc Huyền. Như trên tôi đã đề cập đến, từ tháng 3-1695 không thấy bất cứ một tài liệu nào khác nhắc đến tên HT Khắc Huyền, không có một chữ nào về Khắc Huyền được ghi trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Năm chùa Thiền Lâm phát triển thành Thiền Lâm Viện (1695), HT Khắc Huyền đi đâu? Sau khi HT Thạch Liêm Thích Đại Sán về Trung Quốc thì HT Quả Hoằng tiếp nối trú trì Thiền Lâm Viện, HT Khắc Huyền có trở lại Thiền Lâm không ? Nếu không trở lại Thiền Lâm thì vì sao khi viên tịch (năm 1706) Thiền Lâm lại xây mộ tháp cho Ngài? Phi lý. Vì thế tôi không tin tháp mộ lâu nay tưởng của HT Khắc Huyền là của HT Khắc Huyền. Còn vì sao lại có chuyện mài bia cũ rồi khắc lên một tên hư cấu Khắc Huyền để làm gì, thầy sẽ hiểu khi tiếp cận với những biện pháp nhà nhà Nguyễn đã thực hiện để phủ một lớp mù lên lịch sử và địa chỉ của chùa Thiền Lâm.
ĐĐ Pháp Bảo.- Tôi sẽ chờ. Nhưng bây giờ nếu có thể bác nêu cho biết tài liệu nào chứng minh chùa Thiền Lâm là của Phủ Dương Xuân và một vài chuyện gọi là “phủ một lớp mù” gì đó mà bác vừa nói.
Tâm Hằng NĐX.- Vâng. Như vậy có hai vấn đề.
“Tài liệu nào trực tiếp chứng minh chùa Thiền Lâm là của Phủ Dương Xuân? Không cần phải có tài liệu trực tiếp mới chứng minh được. Qua thực tế của hoàn cảnh thời bấy giờ ta cũng có thể biết được.
Trước hết phải xác định khoản cách giữa Phủ Dương Xuân và chùa Thiền Lâm xem sao. Hải Ngoại Kỷ Sự cho biết: Chiều hôm HT Thích Đại Sán đến Phú Xuân, HT vừa rời thuyền lên bờ ngồi định nghỉ một chút rồi lên chùa Thiền Lâm. Nhưng không ngờ người trong Phủ Dương Xuân đến quỳ lạy khẩn khoản mời HT vào Phủ Dương Xuân để cho chúa Nguyễn Phúc Chu thăm. Vì đang mệt nên HT từ chối, hẹn sẽ đến yết kiến Chúa trong vài hôm nữa, Nhưng chúa đòi gặp ngay nên buộc lòng HT phải vào Phủ ngay chiều hôm đó. Thế là chủ khách gặp nhau rất hoan hỉ. Mời ăn cơm chay, hai bên đàm đạo đến nửa đêm vẫn chưa cho về. Sau về đến chùa Thiền Lâm thì trống canh ba vừa điểm. Ta biết thời khắc nửa đêm cũng là giờ Tý hay Canh ba đều có nghĩa là nửa đêm. Thời gian HT Thích Đại Sán đi từ Phủ Dương Xuân qua chùa Thiền Lâm không tốn thời gian bao nhiêu cả. Điều đó chứng tỏ chùa Thiền Lâm tọa lạc ở một một nơi rất gần Phủ Dương Xuân.
HT Thích Đại Sán là khách của chúa Nguyễn Phúc Chu, khách của nhà nước. Chúa bố trí cho HT trú tại chùa Thiền Lâm. Khi nghe HT than chùa chật hẹp, Chúa cho lính và thợ xây dựng thành một đại tùng lâm. Sau ngày HT đi rồi Chúa cho giở bớt cơ sở mới dựng của Thiền Lâm đem lên dựng lại ở chùa Thiên Mụ. Chùa Thiền Lâm phải là chùa của Chúa, chùa của nhà nước thì chúa Nguyễn Phúc Chu mới quyết đoán như vậy được;
Năm 1689 chúa Nguyễn Phúc Tần lập Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân thì vùng nầy (sau nầy có tên là Long Sơn) chưa có một ngôi chùa nào cả. Sau năm 1680, phủ Dương Xuân đã dựng lên ở gõ Dương Xuân rồi thì không một người nào được phép lên dựng một ngôi chùa gần phủ Dương Xuân được. Cho nên chùa Thiền Lâm tọa lạc gần phủ Dương Xuân dứt khoát phải là chùa của Phủ;
Giá như chùa Thiền Lâm là chùa tư mà tọa lạc gần Phủ Dương Xuân như thế thì không một Phật tử nào dám mon men đến chùa cả mà có ai đó mạo hiểm mon men đến thì cũng bị người của Phủ mời ra ngay.
Dù chưa tìm được tài liệu trực tiếp nhưng qua thực tế như thế ta cũng có thể kết luận chùa Thiên Lâm là một ngôi chùa của Phủ Dương Xuan.
Thứ hai, vài chuyện gọi là “phủ một lớp mù”, Tôi lấy một chuyện mà Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân rất kính quý. Đó là trường hợp sử sách nhà Nguyễn viết về HT Thạch Liêm Thích Đại Sán. Đọc Hải Ngoại Kỷ Sự ta biết HT Thạch Liêm Thích Đại Sán đã đến Thuận Hóa từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6 năm Ất Hợi (1695). Tại chùa Thiền Lâm HT Thạch Liêm truyền Sa-nhi-Giới, Truyền Tỳ-kheo-giới, với hàng ngàn người ở Thuận Hóa, Quảng Nam đến thọ giới, chùa Thiền Lâm được mở rộng thành một Thiền viện lớn nhất đầu tiên ở xứ Đàng Trong. HT dự lễ lạc thành Phật viện trong Vương cung, truyền dạy cho chúa Nguyễn Phúc Chu thuật trị nước.v.v. Tháng 6 năm ấy HT vào Đà Nẵng để về Trung Quốc. Không ngờ gió bảo HT không về được chúa Nguyễn Phúc Chu cho người vào Đà Nẵng vời HT về Huế nghỉ lại an dưỡng ở chùa Thiền Mu. Tám tháng sau HT về Trung Quốc. Thế nhưng khi viết tiểu sử HT Thạch Liêm Thích Đại Sán, Đại Nam Liệt Truyện Tiền biên chỉ viết chuyện HT ở chùa Thiên Mụ và khai sơn chùa Thiên Mụ mà không hề nhắc đến một chữ Thiền Lâm trong Tiểu truyện của Hòa thương Thạch Liêm [Tài liệu thứ 8]. Thầy có tin có chuyện đó không? Tức là các sử thần Triều Nguyễn giấu chuyện HT Thạch Liêm liên quan đến chùa Thiền Lâm. Viết lịch sử chùa Thiền Lâm ĐNNTC chỉ viết lấp lửng “Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên” Tương truyền có nghĩa là chưa chắc. Phải chăng các sử thần viết Liệt truyện thiếu tài liệu về Thạch Liêm ? Không. Chính trong Liệt truyện viết về Thạch Liêm các sử thần có cho biết: “Liêm trước tác có tập Ly lục đường thi, và tập Hải ngoại kỷ sự lưu hành ở đời.”. Biết Hải Ngoại Kỷ Sự mà không biết Thạch Liêm là người khai sơn Thiền Lâm Viện sao? Rõ ràng họ biết rõ nhưng giấu. Và để đừng ai nhắc đến Thạch Liêm Thích Đại Sán là người khai sơn Thiền Lâm Viện, các ngài cho khắc lại tấm bia một ngôi tháp cũ rằng HT Khắc Huyền khai sơn Thiền Lâm viện là bịt kín thông tin luôn cho đến ngày nay. Thiên hạ yên chí, không ai quan tâm gì đến mối liên hệ chùa Thiền Lâm với HT Thạch Liêm nữa. Vì sao muốn giấu mối quan hệ đó vì HT Thạch Liêm hay vì chùa Thiền Lâm ở gần Cung điện Đan Dương có lăng Đan Dương của vua Quang Trung đã bị quật phá chôn sâu dưới đất ? Nếu có dịp mời thầy đọc công trình Dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi sẽ rõ.
ĐĐ Pháp Bảo.- Tôi sẽ đọc, nhưng bây giờ nếu được bác cho biết chùa Thiền Lâm ở gần lăng Đan Dương của vua Quang Trung như thế nào được không ?
Tâm Hằng NĐX.- Hân hạnh được trình bày với thầy. Chuyện như thế nầy:
Văn thần Phan Huy Ích từ Hà Nội vào Phú Xuân, ở trọ trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm để đêm đêm vào chùa Thiền Lâm làm việc với Bùi Đắc Tuyên. Ông Bùi có thói quen làm việc ban đêm, ban ngày ngủ. Phan Huy Ích thức đêm làm việc với Thái sư Bùi, nhưng ban ngày ông không ngủ được. Để giải buồn ông thường bày rượu ra uống. Mỗi lần ông uống rượu thì các Tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu ông. Trong một bài thơ ông có ghi một lời chú về chuyện ấy. Một lời chú nhỏ thôi nhưng chứng tỏ lăng vua Quang Trung ở gần ngôi chùa ông đang trọ. Lăng Hoàng đế Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm thì các Tiểu giám giữ lăng mới thường đến hầu rượu Phan Huy Ích được chứ. Một lời chú đáng giá ngàn vàng [Tài liệu 9].
ĐĐ Pháp Bảo.- Cám ơn bác. Thưa bác, lúc mở đầu câu chuyện bác có nói: Công việc của bác là làm rõ những vấn đề người trước nêu lên mà chưa giải quyết. Chắc có nhiều việc bác đã làm, xin bác kể cho một việc thôi!
Tâm Hằng NĐX.- Viết về chùa Thiền Lâm trong cuốn Danh Lam Xứ Huế mà các tác giả có đưa một chi tiết hết sức quan trọng: “Cuộc chiến giành giật Huế giữa Nguyễn Vương và Quang Toản có thể làm cho chùa hư hỏng, chung quanh khu vực chùa đã phát hiện hầm xác tập thể”.(tr.221). Tôi có hỏi lại Ôn Chơn Trí, ôn cho biết khi đào đất xây móng nhà một người dân ở hướng đông bắc sau lưng chùa Thiền Lâm gần đường Điện Biên Phủ đã gặp phải một hầm xương cốt chôn tập thể.
Hỏi chuyện Tỳ-kheo Thích Chơn Trí
Chuyện có hầm xác chôn tập thể là có.
Nhưng không rõ các tác giả căn cứ vào tài liệu nào mà cho biết hầm xác chôn tập thể đó diễn ra trong “Cuộc chiến giành giật Huế giữa Nguyễn Vương và Quang Toản” tức là vào cuối năm 1801 (thời gian Nguyễn Vương vừa về lại Phú Xuân). Trên đây tôi có dẫn ĐNNTC của triều Nguyễn viết về chùa Thiền Lâm, tôi nhớ có đoạn : “Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại” Bùi Đắc Tuyên “bại” vào năm 1795, và sau đó Phan Huy Ích có dịp đi ngang và cảm xúc viết bài thơ Kinh Thiền Lâm Phế Tự cảm tác, ông cho biết chùa Thiền Lâm đã dùng làm kho than. (Tư liệu 10). Như vậy những người lính bị giết trong trận chiến năm 1801 và được chôn tập thể đó không phải là những người bảo vệ kho than ở chùa Thiền Lâm mà là của một cơ sở quan trọng nào đó của Quang Trung – Quang Toản. Điều mà các tác giả Danh Lam Xứ Huế gợi ý cho tôi phải tiếp tục là chuyện “Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở…” như ĐNNTC đã viết. Thời Quang Trung-Quang Toản ở Phú Xuân có nhiều chùa lớn như Báo Quốc, Thiên Mụ, Kim Tiên … tại sao Bùi Đắc Tuyên không chiếm một trong các chùa ấy để ở mà lại chọn chùa Thiền Lâm? Thiền Lâm có gì đặc biệt đối với triều Quang Toản không? Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm không những làm nơi ở của vị Thái sư của triều Quang Toản mà còn là nơi làm việc, nơi họp triều của triều Quang Toản. Phan Huy Ích là một trong những trọng thần của các triều Quang Trung – Quang Toản, từ ngoài Bắc vào ông được ở trọ trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm để đêm đêm ông vào làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm. Mở đầu bài thơ Mùa xuân ở công quán ghi việc, Phan Huy Ích ghi một lời dẫn: « Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía nam sông Hương, nha thuộc cũng đến ở chung quanh chùa». [Tài liệu 11). “…nha thuộc cũng đến ở chung quanh chùa» có nghĩa là các cơ quan (các Bộ) của triều Quang Toản đều tập trung về ở chung quanh chùa Thiền Lâm. Như vậy ta có thể khẳng định: Chùa Thiền Lâm là cung đình của triều Quang Toản. Ít nhất là từ năm Quang Toản lên ngôi (cuối năm 1792) cho đến ngày Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị chính biến bắt giết (1795), thời gian 3 năm Chùa Thiền Lâm - Thiền Viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong (1695) về sau được sử dụng làm Cung đình đầu triều vua Quang Toản (1792-1795).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đeo máy ảnh) giới thiệu về những hiện vật được phát hiện dưới lòng đất chùa Thiền Lâm - Ảnh: Minh Tự
ĐĐ Pháp Bảo.- Trước khi nghe bác nói, tuy chưa được biết cặn kẽ như thế nhưng chúng tôi ở chùa Thiền Lâm cũng đã biết chuyện ấy. Điều khó hiểu là trải qua các thời kỳ, ngành văn hóa của các chính quyền, cũng như Giáo hội Phật giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân hầu như không quan tâm đến di tích lịch sử quan trọng nầy!
Tâm Hằng NĐX.- Đối với Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân, Thiền Lâm viện theo dòng tu Tào Động. Mà Tào Động thì sau HT Thạch Liêm và Quốc sư Quả Hoằng thì thất truyền. Không có người thừa kế nên Thiền Lâm đã chuyển qua tu theo dòng Lâm Tế. Đôi với dòng tu Lâm Tế thì Thiền Lâm không thể giữ được vị thế lúc đầu. Vị thế chùa Thiền Lâm xuống dốc và tàn lụi. Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân tu theo dòng Lâm Tế nên không quan tâm đến di tích của Tào Động là chuyện bình thường. Ngoài chuyện từ Tào Động chuyển qua Lâm Tế, Thiền Lâm bị mai một vì một một lý do khác nữa. Lý do đó là Thiền Lâm vào cuối thế kỷ XVIII dính đến Phong trào Tây Sơn như ĐNNTC nêu trên đã hé lộ cho biết “Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở”. Phong trào Tây Sơn là kẻ thù không đội chung trời của triều Nguyễn. Nhưng chuyện Thiền Lâm liên hệ đến Bùi Đắc Tuyên của Phong trào Tây Sơn là chuyện nhỏ. Vì sao Thiền Lâm bị mai một như thầy nghĩ mà còn vì một lý do quan trọng bậc nhất thời Nguyễn kia.
Đó là vì chùa Thiền Lâm ở gần Phủ Dương Xuân đã được vua Quang Trung chọn làm Cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương mà triều Nguyễn đã “tận pháp trừng trị” xóa hết dấu tích. Nếu phục hồi chùa Thiền Lâm gốc đúng chỗ cũ, xiển dương lịch sử thật của Thiền Lâm thì rồi ra từ đó người ta có thể biết được địa điểm Phủ Dương Xuân – nơi chùa Thiền Lâm phụ thuộc. Mà Phủ Dương Xuân là tiền thân của Cung điện và lăng Đan Dương đã bị nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị” hủy diệt chôn sâu xuống đất và ghi rõ vào ĐNNTC khi viết về Gò Dương Xuân rằng “ Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”.(Có nghĩa từ khi Tây Sơn chiếm Phú Xuân, Phủ Dương Xuân mất tích). Phục hồi đúng lịch sử và địa điểm chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An là phạm vào điều cấm nghiệt ngã của Triều Nguyễn. Vì thế triều Nguyễn còn trị vì không ai dám quan tâm đến Thiền Lâm.
ĐĐ Pháp Bảo.- Bác có thể cho biết nhà Nguyễn đã - nói như ngôn ngữ bây giờ - “xử lý vụ” chùa Thiền Lâm như thế nào không?
Tâm Hằng NĐX.- Thứ nhất là hạn chế thông tin về mối quan hệ trong lịch sử với chùa Thiền Lâm. Viết Liệt Truyện không cho HT Thạch Liêm liên quan đến chùa Thiền Lâm. Những không tin không thể loại được như chuyện người khai sơn chùa Thiền Lâm là ai thì gây nhiễu thông tin bằng cách cho HT Khắc Huyền là người khai sơn Thiền Lâm Viện như tôi vừa trình bày với thầy trên đây.
Thời vua Tự Đức soạn ĐNNTC, viết vị trí các chùa Thiền Lâm, Tuệ Lâm, Ấn Tôn (Từ Đàm), Kim Tiên đều ở ấp Bình An. Nếu viết như vậy thì - thưa ông tôi ở bụi nầy - người ta sẽ tìm được Phủ Dương Xuân “đã mất tích” ngay”. Có lẽ vì thế mà vua Tự Đức không cho in. Đến đời Thành Thái Duy Tân, cụ Cao Xuân Dục biên tập lại bản thảo cũ, các chùa Tuệ Lâm, Từ Đàm, Kim Tiên vẫn giữ ở nguyên vị trí cũ là ấp Bình An, riêng chùa Thiền Lâm thì cho chuyển qua xã An Cựu, cách ấp Bình An hàng cây số. Nếu cứ bám theo vị trí chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu thì có trời cũng không thể biết được Phủ Dương Xuân ở đâu. Và tôi cũng đã mất nhiều năm mới phục hồi lại được vị trí gốc của chùa Thiền Lâm ở phía đông trước chùa Thiền Lâm ngày nay.
ĐĐ Pháp Bảo.- Xin lỗi bác, cho tôi hỏi bác phục hồi bằng cách nào?
Tâm Hằng NĐX.- Như trong các sách của tôi đã in, tôi sử dụng 3 tư liệu:
1. Lấy lại thông tin gốc chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An của ĐNNTC soạn thời vua Tự Đức. Thông tin ban đầu nầy là chính xác nhất;
2. Phan Huy Ích viết trong lời dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác rằng “Tự tại Dương Xuân xã sơn” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân) (Tư liệu 11) như thế chùa Thiền Lâm không thể đẩy qua xã An Cựu được;
3. Tham khảo sơ đồ vị trí các chùa trong sách Hàm Long Sơn Chí (Tài liệu 12) ra đời từ cuối thế kỷ XIX cho thấy chùa Thiền Lâm mang số 3 nằm ở trung độ con đường từ bờ sông Lợi Nông lên đàn Nam Giao thuộc xã Phú Xuân (tức thuộc xã Dương Xuân cũ) chứ không phải ở xã An Cựu. Sau khi xác định được địa điểm gốc của chùa Thiền Lâm tôi mới tìm được địa điểm Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương trên gò ấp Bình An (khuôn viên chùa Vạn Phước ngày nay).
ĐĐ Pháp Bảo.- Quá công phu, rất thú vị. Xin bác kể tiếp những cách “xử lý” chuyện chùa Thiền Lâm.
Tâm Hằng NĐX.- Vì đã chuyển địa điểm chùa Thiền Lâm qua xã An Cựu nên những gì liên quan đến chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An đã bị “xử lý” tận gốc bằng cách khắc lại bia với tên một vị HT hư cấu (Bia Khắc Huyền), phủ lên nội dung bia cũ một lớp hồ (bia HT Quả Hoằng), hoặc đục xóa sạch chữ trên các bia và chôn sâu xuống đất. Các hiện vật bị vi phạm đó các thầy ở chùa Thiền Lâm - trong đó có thầy Pháp Bảo - biết rõ hơn tôi. Chỉ có điều trước đây các thầy không biết lý do vì sao có sự thể ấy mà thôi. (Tài liệu 13)
ĐĐ Pháp Bảo.- Vậy bác hiểu như thế nào về hiện tượng thầy trò chúng tôi khi mới từ chùa Tường Vân ra đây đào xới sân vườn để trồng khoai sắn, trồng rau tự túc thì gặp rất nhiều hầm gạch đá chôn sâu dưới đất, ôn Chơn Trí đã tận dụng gạch đá đó làm vật liệu xây dựng nên chánh điện và nhiều kiến trúc của Thiền Lâm như chúng ta đang ngồi ở đây?
Tâm Hằng NĐX.- Tôi may mắn được chứng kiến hiện tượng đó từ những ngày đầu mấy thầy vừa từ chùa Tường Vân ra Thiền Lâm. Mấy chục năm qua tôi, anh Nguyễn Hữu Oánh và Ôn Chơn Trí cũng đã tìm hiểu và thống nhất một nhận định như sau: Hàng ngàn viên gạch đá đủ loại phát hiện được dưới lòng đất sân vườn chùa nầy còn mới, nhiều viên có con dấu…là giải hạ của một công trình kiến trúc bị đập phá chôn vùi xuống đất. Gạch đá đó không thể của dân, phải là của một kiến trúc của nhà nước. Kiến trúc đó là kiến trúc gì, của ai, vì sao hàng ngàn viên gạch còn mới không được dùng lại mà đập phá chôn vùi ? Những hiện vật đá khối, đá táng cột các loại, bia. chân bia, một số gạch vồ đang còn lưu giữ ở sân trước sân sau chánh điện có thể là: Đá táng cột chùa Thiền Lâm gốc, sau khi triệt hạ chùa cũ nhường đất làm Nam Giao Lân Lộ người ta dời vào phía tây sau ngôi chùa cũ. Ở đây người ta dựng một ngôi chùa nhỏ như cái am (trên địa điểm ta đang ngồi đây) Cái am nầy không thể dùng các viên đá táng cũ lớn nên nó còn lưa lại cho đến ngày nay. Một số đá táng khác được chính các thầy phát hiện dưới lòng đất dọc đường Điện Biên Phủ. Những bia, chân bia như ta còn thấy chắc chắn là của chùa Thiền Lâm cũ. Có thể nói nơi chúng ta đang ngồi ở đây đã từng là nơi tọa lạc của một kiến trúc nhà nước (cung đình) đã bị triệt hạ, chôn vùi. Theo tôi kiến trúc nầy là một bộ phận thuộc Cung điện Đang Dương thời Quang Trung Quang Tỏan - hậu thân của Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn.
ĐĐ Pháp Bảo.- Thưa bác, nghe bác kể chuyện tâm trí tôi vừa vui rồi lại vừa buồn. Vui buồn cứ lẫn lộn với nhau. Đến lúc nầy bác nghĩ gì về chùa Thiền Lâm trong tương lai ?
Tâm Hằng NĐX.- Cám ơn thầy đã đặt cho tôi câu hỏi nầy.
Kết luận Hội thảo Khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế (TTH) phối hợp với Hội Sử học TTH tổ chức tại UBND tỉnh TTH vào ngày 30-10-2015, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam chủ trì hội thảo. Kết luận Hội thảo GS Phan Huy Lê đề cập đến hai vấn đề trong tham luận của tôi. Đại ý: Vấn đề thứ nhất: Lịch sử chùa Thiền Lâm đã quá rõ ràng, một Thiền viện thời các chúa Nguyễn đồng thời là Cung đình đầu triều Quang Toản. Lịch sử chùa Thiền Lâm đã rõ ràng không có vấn đề gì phải thảo luận thêm nữa. Vấn đề thứ hai: Cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước, cũng có cả Lăng Đan Dương ở đó. Cụ thể như thế nào còn phải chờ khai quật khảo cổ học. Không nên chờ bao giờ khảo cổ học xong rồi mới đưa hai di tích nầy vào sử dụng. Biết được đến đâu tổ chức tham quan du lịch đến đó.
Sau Hội thảo, Viện Sử học Việt Nam cũng đã gởi văn bản vào đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nội dung kết luận trên. (Tài liệu 14) Và, hiện nay tôi đang cùng ngành văn hóa TTH, với sự tài trợ của Công-ty Du lịch quốc tế Vietravel, đang thực hiện những gì có thể thực hiện được theo đề xuất của Hội Sử học.
Riêng tôi nghĩ về chùa Thiền Lâm trong tương lai. Trước tiên tôi nghĩ đến việc đi tìm cái chuông mà ĐNNTC đã nhắc đến “Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạnh tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹp xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa” Nay ở đâu? Thứ hai phải khai quật đưa lên mặt đất những gạch đá, những mảnh vỡ của các kiến trúc cổ mà các thầy đã đào lên rồi dập xuống làm nhà lên trên như Hồ Hữu Đồng – một huynh đệ của các thầy trước đây - đã nhiều lần chỉ dẫn cho nhóm nghiên cứu Đan Dương của chúng tôi. Những vật thể ấy có thể đánh giá là những cổ vật quý cho Bảo tàng Nguyễn Huệ Quang Trung trong tương lai.
Như tôi vừa trình bày với thầy, chùa Thiền Lâm một di tích đóng hai vai trò trong lịch sử. Vai trò một Thiền viện lớn nhất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo ở xứ Đàng Trong do các chúa Nguyễn lập nên và vai trò chốn Cung đình đầu triều vua Quang Toản. Không một ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam một lần đóng cả hai vai trò quan trọng đến vậy. Ngôi chùa đó cũng là nơi đụng đầu của hai thế lực chính trị không đội chung trời, đã “tận pháp trừng trị” nhau. Hai thế lực chính trị ấy đã cáo chung từ lâu, nhưng trong lòng “hậu duệ” của họ đó đây vẫn chưa nguôi. Các nhân vật lịch sử của cả hai bên đã để lại dấu ấn sâu đậm ở Thiền Lâm: Trước tiên là các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu – người tổ chức xây dựng Thiền Lâm viện và mời HT Thích Đại Sán từ Trung Quốc qua chủ trì (1695), Thừa Thiên Cao Hoàng hậu -.quyên tiền trùng tu thời Gia Long (sau 1802). Giữa hai mốc thời gian ấy, một thế lực đối nghịch nhà Nguyễn là triều đại Quang Trung - Quang Toản chen vào giữa gần 15 năm (từ 1786 đến 1801). Người của Quang Trung Quang Toản đã đến đây có thể nêu tên Bùi Đắc Tuyên, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ, đặc biệt là các văn thần Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã đến và còn để lại bao nhiêu thơ văn. Chùa Thiền Lâm đã có bàn thờ tổ, nên chăng chùa nên lập thêm một bàn thờ thờ các vong linh của hai triều đại nêu trên. Trên bàn thờ ấy vong linh của hai bên ngồi lại với nhau hóa giải buông thả hết những mâu thuẫn dị biệt nghiệt ngã ngày xưa. Người trong cõi âm mà hóa giải được thì người trong cõi dương nầy mới biết thương nhau, xã hội mới yên ổn được. Tôi nghĩ về chùa Thiền Lâm trong tương lai như thế.
ĐĐ Pháp Bảo.- Xin chân thành cám ơn Phật tử Tâm Hằng - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Thân chúc đạo hữu thân tâm an lạc, không ngừng cống hiến để ước mơ lịch sử sớm thành hiện thực.
Nam mô A di đà Phật.
Chùa Thiền Lâm 15-8-2016
Gác Thọ Lộc 24-8-2016.