;
Ảnh cắt ghép: 60 năm Pháp nạn Phật giáo Việt Nam
Năm nay người con Phật trên khắp thế giới lại bày tỏ lòng kính thành của mình dâng lên Đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nhân ngày đản sanh lần thứ 2647 - Phật lịch 2567 - DL 2023).
Với Phật giáo Việt Nam (PGVN), Phật đản năm nay còn là cột mốc kỷ niệm tròn 60 năm sự kiện Pháp nạn PGVN năm 1963-PL 2507.
Trong cuộc sống, thời gian 60 năm vẫn chưa đi hết một thế kỷ trăm năm để đúc kết nên một nền tảng hay dấu ấn lịch sử mang tính chất xưa-cũ; nhưng với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thì 60 năm là thời gian đã đi qua hơn nửa đời người với biết bao buồn vui, đau khổ hay vui sướng, hạnh phúc.
Với sự kiện Pháp nạn năm 1963 thì dù là 60 hay 70 thậm chí dài theo năm tháng mai này, thì câu chuyện vẫn còn nguyên trong sách sử, còn nguyên tâm khảm hàng triệu người con Phật. Với nền tảng Từ Bi-Vị Tha của chân lý Phật đà, tất cả đểu trôi qua như giấc mộng, như áng mây bàng bạc, hờ hững bay qua giữa khoàng không vô định.
Và hơn thế nữa, từ ngàn xưa, chính bởi nền tảng cao đẹp đó mà bánh xe pháp lăn đi trên khắp các quốc độ vô biên này không để rơi một giọt máu nào trong lịch sử. Phật giáo không phải tác nhân gây chiến tranh, đau khổ cho bất kỳ ai, hay bất kỳ nơi nào mình đến, nên Phật giáo không có kẻ thù. Điều này ai cũng thừa nhận, ai cũng biết và đặc biệt cả thế giới đều biết (Liên Hiệp Quốc ngày nay chẳng đã tôn vinh Phật giáo là một tôn giáo của hòa bình và ngày lễ Vesak –Tam hợp hằng năm nhân dịp này, đó sao?).
PGVN cũng không đi ngoài con lộ cao đẹp đó, vẫn kiên trung với lý tưởng Phật đà qua hơn hai ngàn năm đến và xây dựng nền tảng đạo đức cho đất nước Việt Nam thân yêu một cách không ngừng nghĩ. Hiền từ và ôn hòa với mảnh đất mình đang hiện diện, những máu, nước mắt qua nhiều cơn pháp nạn dường như cũng được lau sạch, chỉ còn cất khiêm nhường vào ngăn tủ lịch sử đau thương!
Thế cho nên đã có khi, chính nhiều người dân trên đất nước này, ngay cả những người con Phật thân yêu của chúng ta, vẫn quên, hoặc không biết rằng 60 năm trước PGVN từng trải qua cơn nguy biến, đau khổ khôn lường.
Có lẽ trách nhiệm phần lớn thuộc về cách hành xử và tôn trọng lịch sử của chính chúng ta - những người là con Phật thuần thành, và sẽ không quên trách nhiệm các vị hoằng pháp có đủ đầy trí tuệ lẫn kiến thức lịch sử.
Kỷ niệm 60 sự kiện Pháp nạn PGVN năm 1963, không chỉ là nhắc đến con số tròn trong lịch sử đấu tranh “vì quyền bình đẳng tự do tôn giáo” mà lẽ ra đó không phải là lời nói từ một tôn giáo từng gắn liền như máu với thịt với đất nước Việt Nam từ hơn hai ngàn năm qua, bởi vì nếu không thì lời nói ấy trở nên sự mĩa mai với chính lịch sử truyển thừa của PGVN; mà là dịp để nhắc nhỡ với thế hệ mai sau một thời hàng triệu trái tim đều cùng chung nhịp đập với vận mệnh mà hơn hai năm qua chư liệt Tổ sư, Chư hiền thánh tăng đã nhọc công gầy dựng và vung đắp.
Một lý do nữa khiến sự kiện kỷ niệm 60 năm Pháp nạn của PGVN năm 1963 cần được nhắc mãi khi mà ở đó đây vẫn còn lạc lõng những lối suy định cực đoan, bóp méo sự thật và đáng nói hơn là sự xúc phạm có ý đồ không trong sáng về ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức. Để một ngọn lửa Bi-Hùng-Lực của Bồ tát Thích Quảng Đức bùng lên, cũng như nhiều sự hy sinh khác là điều khó lường một khi sự bất bạo động đã bị đè nén đến uất ức khó lường.
Ngược dòng về cái gọi là “Đạo Dụ số 10” dẫn đến chuyện lá cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử ở Huế bị triệt hạ thô bạo, là một khoàng cách khá dài, từ đó những hệ lụy kéo theo, khiến sụp đổ luôn tham vọng suốt chín năm trường chế độ gia đình trị họ nhà Ngô dốc lòng xây dựng. Sự kiện này đã có nhiều tài liệu trong và ngoài nước đều có nói đến với nhiều mối tương quan và ngày càng mở ra thêm nhiều góc khuất trong lịch sử.
Một trong những tài liệu ấy, bài viết này xin được chọn và trích một đoạn ngắn sau đây cũng tương đương đối bao quát toàn cảnh, chú ý nhất vẫn là lá cờ Phật giáo:
“…Biến cố Phật giáo là một biến cố lớn, không những cho chế độ Ngô Đình Diệm 1963 mà còn cho cả chính Đạo Phật tại Việt nam. Biến cố này cũng đã đóng góp vào sự vươn mình của dân tộc cũng như cho những chuyển động của trí thức nhân bản hơn của nhân loại trong thập niên 60.
Rất nhiều máu đỏ đã chảy trong biến cố này. Cũng có nhiều nhân vật đen cũng đã chảy vào trong biến cố này. Để ghi chép và lưu trữ lại những chứng tích, những suy nghiệm về các tội ác của Ngô Đình Diệm trong lần trở mình hùng tráng của dân tộc và Phật giáo tại Việt Nam.
Với những biện pháp hành chính quỷ quyệt, những thủ đoạn tàn ác và các chủ trương văn hóa nham hiểm. Trong 9 năm trời chế độ Diệm đã tìm mọi phương cách tiêu diệt dần dần mọi lực lượng và ảnh hưởng PGVN theo kề hoạch “tằm ăn dâu”.
Đến những năm 1962, 1963 chế độ Diệm lại có thêm chương trình ấp chiến lược mà họ tin tưởng có thể sẽ chiến thắng công sản, lại vừa có thể Công Giáo hóa toàn dân nông thôn. Chiếm được nông thôn là chiếm được địa bàn căn bản và lâu đời nhất của PGVN.
Họ sẽ bao vây Phật giáo, cô lập Phật giáo ở các vùng nông thôn, các đô thị và như vậy Phật giáo như cá trong ao hồ cạn, không còn nước nữa để bơi lội vẫy vùng.Nếu anh em Ngô Đình Diệm kiên nhẫn dùng kế hoạch trên thì có lẽ biến cố Phật giáo năm 1963 đã chưa xảy ra vì một lý do rất dễ hiểu dù nổi thống khổ của Phật tử đã cùng cực nhưng Phật tử đã cắn răng chịu đựng. Nhưng “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”.
Nhà Ngô đã đi ngược lòng dân và đi ngược ý trời nên mới lấy quyết định cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản, một quyết định bàn đầu nhà Ngô tưởng là không mang lại hiệu quẩ đáng kể nhưng thật sự lại đưa chế độ Diệm vào đường cùng…”. (Trích “Tâm Sự Tướng Lưu Vong” của tác giả Hoàng Linh - Đỗ Mậu - tức Tướng Đỗ Mậu (1917 – 2002 ), NXB Công An Nhân Dân 1995.
Đến nỗi niềm treo cờ Phật giáo hôm nay
Từ chuyện lá cờ Phật giáo 60 năm trước, cho đến tận hôm nay, lá cờ Phật giáo với người con Phật chúng ta luôn có ý nghĩa quan trọng, vượt rất xa quan niệm thông thường. Ở đây là chuyện những lá cờ Phật giáo trong Pháp nạn 63, trong chiến tranh lọan lạc và trong bình an no ấm.
Với người viết, từ độ tuổi Oanh Vũ hồn nhiên cho đến khi trưởng thành, làm huynh trưởng, nhất là khi được biệt phái sang Học sinh Phật tử để phát triển đoàn thể này, lá cờ ngũ sắc tuyệt đẹp ây luôn được tôi gắn bên ngực áo một cách hảnh tiến.
Từ hơn mười năm trở lại đây, mỗi mùa Phật đản tôi thường vận động mọi người chung quanh và gia đình bản thân, nên treo một lá cở Phật giáo để tỏ rõ niềm kính tin Phật pháp và tưởng nhớ công đức của chư Phật, chư Tổ cùng bao người đi trước.
Nhiều bài viết được thực hiện trong việc cổ súy này. Một cá nhân dù có cố gắng bao nhiêu thì kết quả cũng chỉ hạn chế theo tầm ảnh hưởng của cá nhân. Vì vậy tôi luôn lắng nghe và tìm xem các chùa, các thầy có khuyên Phật tử mình về nhà nên treo một lá cờ Phật giáo nhân mùa Phật đản hay không, thú thật lòng rất buồn so với mong đợi. Rồi lắng nghe các giảng sư, các đạo tràng đông đảo, nhất là những nơi quy tụ được giới trẻ, nhưng cũng rất hiếm.
Cờ Phật giáo trong bình yên
Nơi tôi ở hiện nay là giữa lòng chẳng những một mà hai giáo xứ lâu đời, việc mỗi năm vận động và treo những dãy cờ ở vài khúc đường chung quanh, cũng như biếu những lá cờ cho các hộ tư gia treo, là một việc là hết sức khó khăn và có phần mạo hiểm với cá nhân chúng tôi.
Không xa hai khu giáo xứ này có một ngôi chùa. Ngôi chùa nay tuy không bề thế và cũng chưa hẳn là nơi quy tụ đông nhất các Phật tử thường xuyên đến lễ bái nhưng cũng là điểm đáng lưu ý vì là nơi gần hai giáo xứ kia.
Mùa Phật đản 5 năm trước, ngôi chùa này tự dưng treo mỗi cột đèn một lá cờ Phật giáo, kéo dài hết cả một con đường, làm mình vui biết bao. Khi hỏi ra thì được biết số cờ cây để treo đó là do mấy bác tài xế có xe gởi ở chùa mỗi đêm, góp cúng dường. Chúng tôi thầm tính như vậy số cờ và cây ấy phải nhiều năm sau mới cũ hoặc không còn sử dụng được.
Những tưởng từ đó về sau họ cũng sẽ tiếp tục như thế, bởi vì viễn cảnh rợp trời cờ Phật giáo đã hình thành trong trí tưởng tượng của mình, phía trong hai khu giáo xứ này có chúng tôi hợp thành, phía ngoài có cung đường ngôi chùa đó tạo thế liên hoàn tốt đẹp!
Thế mà chỉ một lần duy nhất đó thôi, một năm guy nhất đó thôi, Phật đản năm sau và cho đến hôm nay họ im bặt luôn!
Một hình ảnh khó hiểu khác có nên buồn cười chăng khi có ngôi chùa hào phóng mua tặng cờ đèn để gởi tặng (nhưng không phải cho Phật tử của mình) mà gởi lên tận rừng sâu đâu đâu nói rằng tặng các đồng bào dân tộc họ treo trong buôn làng cho vui mùa Phật đản!
Hỏi vì sao thì họ trả lời những người dân tộc này khi thấy cờ hoa màu mè của Phật giáo họ rất thích, nên trước tiên tận dụng cái sở thích đó để tạo không khí hân hoan, hồ hởi nơi núi rừng (!) kính mừng Phật đản! Họ muốn “chơi đẹp” để thể hiện trí tưởng tượng “hoằng pháp không biên độ” cho thỏa mãn sở thích cá nhân hơn là thiết thực kính mửng Phật đản thật sự?
Như đã nói, lá cờ Phật giáo với mình ngoài ý nghĩa thiêng liêng còn có hình ảnh công lao của bao tiền nhân đi trước, đặc biệt từ sự kiện Pháp nạn 60 năm trước. Do vậy trong những lần làm công việc chuyên môn, vô tình bắt gặp những lá cờ Phật giáo, dù có thoáng qua, tôi cũng cố gắng ghi lại để trước hết tự cõi lòng mình ngưỡng mộ và sau nữa để lưu giữ lại hình ảnh làm bạn đồng hành, an ủi trên lộ trình vận động treo cờ Phật giáo hằng năm. Một những lần đó, khi xem các đoạn phim thời sự về chiến tranh, thấy đó đây những lá cờ Phật giáo cô đơn, tơi tả bay trong lửa đạn chiến tranh khi chiến sự tràn vào thành phố, thị tứ, xóm làng.
Xem những hình ảnh đó lòng dâng lên niềm xúc động khôn tả, một góc nơi trái tim thấy nhói đau vì tự nghĩ: Trong lúc hoạn nạn, khó khăn, hay giữa lúc chiến tranh khói lửa mà vẫn có người treo được lá cờ Phật giáo ấy tung bay trong vô vàn chướng duyên được như vậy, thì ngày nay, giữa lúc bình yên, điều kiện đầy đủ thuận duyên mà mình không hoặc chưa treo được một là cờ Phật giáo như vậy trước tư gia để chào mừng ngày đản sanh, và ngày lễ Vesak của LHQ thì còn thiếu sót nào hơn?
Những lá cờ Phật giáo trong chiến tranh, loạn lạc
Một đơn cử xin được nói đến là ở nước Hoa Kỳ xa xôi kia, trước căn nhà của cố Giáo sư Trần Chung Ngọc (1931 – 2014) đã hãnh diện treo lá cờ Phật giáo như để khằng định lý tưởng và lòng ngưỡng mộ đối với chân lý Phật giáo.
Là một vị Giáo sư từng giảng dạy môn sử học ở các trường Đại học Hoa Kỳ, một nhà nghiên cứu kỳ cựu, và cũng từng là một nhà khoa học có thời gian công tác trong ngành khoa học trên đất nước này.Hình ảnh luôn là điểm sáng, làm gương soi cho chúng ta ngưỡng mộ.
Nhà cố Giáo sư Trần Chung Ngọc treo cờ Phật giáo
Một điểm sáng được thắp lên khiến những người con Phật quan tâm rất vui và hài lòng giữa rất nhiều nơi chỉ lo thủ phận và vun quén cho ngôi chùa mình. Đó là việc Tu viện Tường Vân (Huyện Bình Chánh) do Thượng tọa Thích Phước Tiến làm viện chủ, đã ra tâm thư kêu gọi Phật tử khắp nơi (không chỉ riêng ở ngôi chùa mình) treo cờ, băng rôn nhân mùa Phật đản PL 2561 – 2017.
Tâm thư mang ý nghĩa tích cực này còn được nhắc lại những mùa Phật đản tiếp theo sau đó. Việc làm ít thấy các nơi khác thực hiện, vì vậy mọi người thêm ngưỡng mộ tinh thần Phật đản tuyệt vời của Chư tăng Tu viện Tường Vân, và hôm nay, trong bài viết này tác giả xin được nhắc lại để tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa này.
Được biết thêm, ngoài tâm thư tích cực đó, Tu viện Tường Vân còn thực hiện một clip chào cờ Phật giáo với kỷ thuật khá hay, giữ lá cờ luôn tung bay no tron màn hình và dòng nhạc, tuy vẫn là điện tử nhưng vừa vặn với nghi thức chào cờ đúng cách, tạo nên cảm xúc tuyệt vời khi xem. Và clip được đưa lên Youtube để được lan tỏa rộng rãi. Đúng là những việc làm hữu ích, cần thiết cho nền tảng phát triển văn hóa Phật giáo.
Chuyện về lá cờ Phật giáo tuy nghe qua những tưởng đó chỉ là biểu tượng đơn thuần, nhưng với anh em chúng tôi đó là câu chuyện dài nhiều tập mà nhiều năm qua, mỗi một mùa Phật đản đến rồi đi thường được luôn nhắc nhớ và mở ra thêm nhiều suy tư chưa dứt.
Đó đây vẫn có nhiều việc làm tích cực nhằm đứa lá cờ Phật giáo đến được với công chúng mỗi khi Phật đản về, ai cũng mang tâm nguyện thiết tha và rất thiêng liêng ấy gởi vào việc làm của mình nhưng rất đáng tiếc là những việc làm tích cực ấy không được thường xuyên, liên tục, phần lớn dựa vào chỉ tiêu và được đóng khung trước trong bảng đúc kết thành tích tổng kết, bỏ lại sau lưng những mùa Phật đản rời rạc, xơ xác vài ba lá cờ Phật giáo cô đơn bay trong sự cố gắng quá sức của một vài cá nhân mòn mõi!
Viết trong mùa Phật đản 2647-2567