;
Đề xuất này có thể sẽ gây “sốc” cho không ít người, và để làm rõ hơn vấn đề này, TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS Trần Trọng Dương.
TS Trần Trọng Dương
Có hay không dạng kiến trúc “Chùa Một Cột”?
* Ông có thể giải thích kỹ hơn về kiến trúc Một cột?
- Do trước nay chúng ta sử dụng tên “chùa Một Cột” thành thói quen nên không để ý đến những chi tiết khá là phi lý. “Chùa Một Cột”, theo nghĩa đen của ba chữ này cùng với hình ảnh trực quan tại di tích, có thể hiểu là “một ngôi chùa dựng trên một cái cột”. Nếu như Việt Nam có một kiến trúc chùa được xây dựng trên một cái cột như vậy, thì mới có gì đó đáng để bàn luận. Kỳ thực không phải như thế. Trong lịch sử kiến trúc Phật giáo thế giới, chưa từng có kiến trúc chùa của bất cứ quốc gia nào lại dựng trên một cái cột cả. Hơn nữa, kiến trúc một cột kia lại khá nhỏ bé khiêm nhường. Và về mặt kỹ thuật cũng chưa có gì đáng phải ca ngợi khi so sánh với bất kỳ nền kiến trúc nào.
Nhìn bình đồ mandala (ảnh), ta có thể nhận thấy rằng, kiến trúc một cột thuộc về mặt bằng của chùa Diên Hựu, điều này hoàn toàn trùng khít với các đoạn mô tả về chùa Diên Hựu và kiến trúc một cột trong Đại Việt sử ký toàn thư và văn bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi. Cái tên “Chùa Một Cột” này còn được nhiều nhà nghiên cứu liên tưởng đến Nhất Trụ tự tại Hoa Lư. Có người cho rằng, khi vua Lý Công Uẩn dời đô đã chuyển mô hình chùa này từ Hoa Lư về Thăng Long, nên mới có chùa Một Cột ngày nay. Thế nhưng, chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư, theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn được đặt tên như vậy bởi một lẽ rất đơn giản là vì chùa có một cái cột đá (kinh tràng). Như vậy, cùng một tên gọi “Nhất Trụ tự” nhưng có hai cách tư duy khác nhau về kiến trúc.
|
* Việc dùng tên “chùa Một Cột” sẽ gây ra những vấn đề gì không, thưa ông?
- Có chứ. Có một số người trước nay vẫn hiểu rằng Chùa Một Cột chỉ vỏn vẹn mỗi cái điện thờ trên một cái cột. Một số người khác lại coi Một Cột và Diên Hựu là hai ngôi chùa khác nhau. Và khá nhiều khách du lịch, cả trong nước lẫn khách nước ngoài đến đây cũng chỉ tham quan mỗi kiến trúc này (lên thắp hương, đi một vòng quanh hồ là hết).
Một người bạn tôi, người Mỹ đã từng nghiên cứu văn hóa Việt Nam hàng chục năm nay tại Việt Nam đã nói với tôi rằng, khi đi tham quan bà chỉ đi quanh cái “chùa Một Cột” rồi về mà không biết rằng kiến trúc bên cạnh đó mới là không gian chính của chùa. Bà đã thốt lên một cách kinh ngạc khi tôi bảo bà rằng cái “Chùa Một Cột” đó không phải là chùa mà chỉ là liên hoa đài - một phần của chùa Diên Hựu. Tôi giở bình đồ chùa Diên Hựu thời Lý Nhân Tông do tôi phục dựng cho bà xem, tôi nói rằng chùa đời Lý có đồ hình mandala mô phỏng thế giới quan Phật giáo. Bà lại reo lên lần nữa bởi lẽ giới nghiên cứu nghệ thuật Đông Á không ai là không biết đến khái niệm này.
Không những thế, “Chùa Một Cột” còn được dịch sang tiếng Anh là “One Pillar Pagoda”, để quảng bá cho hình ảnh văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. Đây là một việc hết sức tai hại đối với văn hóa. Những người khách phổ thông (ở không gian văn hóa khác như châu Mỹ, châu Âu,…) sẽ tin tuyệt đối vào những gì ta thuyết minh. Còn những khách du lịch có trình độ văn hóa Phật giáo (như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản…) sẽ biết ngay rằng chính ta cũng không hiểu văn hóa của ta (tôi xin nhấn mạnh). Bởi hoành phi trong kiến trúc kia cũng như một số câu đối trong chùa Diên Hựu đã rành rành ba chữ “Liên hoa đài”. Và ba chữ này cũng được tìm thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư khi các sử gia thời cổ miêu tả về chùa Diên Hựu.
Như vậy, nếu dùng tên “chùa Một Cột” sẽ không đúng với lịch sử, không đúng với văn hóa. Nó cho thấy chúng ta lười tư duy và không hiểu gì về văn hóa Phật giáo cả. Nó sẽ làm hỏng cả quá khứ lẫn tương lai - nhất là khi chúng ta đang có chủ trương trùng tu, phục dựng.
Liên hoa đài hiện nay
Không phải “chùa”, mà là “liên hoa đài”
* Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về “Liên hoa đài”?
- Liên hoa đài là một dạng thức kiến trúc Phật giáo, chức năng là để sùng phụng, thờ cúng đức Phật hoặc chư vị Bồ Tát. Về mặt từ nguyên, “đài” chỉ loại công trình được xây cao, để có thể nhìn ra bốn phía (tứ vọng). “Đài sen” là dạng kiến trúc truyền thống trong các tín ngưỡng thuộc Phật giáo có mặt trong nhiều nền văn hóa Đông Á. Phật Thích Ca và Quan Âm tọa trên tòa sen báu là hình tượng biểu trưng đa nghĩa, vốn có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Ấn Độ cổ đại cụ thể là trong văn hóa Hindu. Du nhập vào văn hóa Phật giáo, hoa sen là loài hoa mang biểu tượng cao quý nhất, loài hoa này biểu trưng cho Phật tính vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh.
Liên hoa đài ở chùa Diên Hựu, theo Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ, đó là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ”. Còn theo tôi, Thích Ca liên hoa đài thời Lý Nhân Tông nằm ở trung tâm quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu, ngoài việc mô phỏng hình ảnh hoa sen, kiến trúc này còn biểu trưng cho ngọn núi vũ trụ Tu Di (ngọn núi hoa sen), đó là một bông hoa vũ trụ.
* Vậy “Liên hoa đài” sẽ thờ tượng gì, thưa ông?
Trong Liên hoa đài hiện nay thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Nhưng nếu đọc sử liệu rộng hơn thì ta thấy vấn đề sẽ khá phức tạp. Tôi đề nghị rằng nên phân tách các tầng lịch sử của kiến trúc này cũng như tượng thờ và tín ngưỡng trong đó.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Diên Hựu khởi dựng vào năm 1049 đời vua Lý Thái Tông, trong đó kiến trúc là Quan âm liên hoa đài dựng trên nền đất (chưa có ao).
Văn bia Sùng Thiện Diên Linh đời Lý ghi năm 1105 có sự kiện trùng tu như sau: “điện trung tọa kim tướng chi Năng Nhân”, Thơ văn Lý Trần dịch là “trong đền dựng pho tượng sắc vàng”, bản dịch của Đỗ Bằng Đoàn dịch chữ “kim tướng” là “bằng vàng”; còn tôi và một số đồng nghiệp như nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh dịch là “trong điện đặt tượng Thích Ca Mâu Ni dát vàng” (bởi chữ “Năng Nhân” là trỏ Phật Thích Ca). Điều này cho thấy, thời vua Lý Nhân Tông đã chuyển sang thờ Thích Ca.
Tuy nhiên, cần nhận định lại rằng, dù liên hoa đài đó đặt tôn tượng nào đi chăng nữa thì đó không phải là chùa, mà kiến trúc một cột đó chỉ là một phần thuộc khuôn viên chùa Diên Hựu.
Chính vì từ những nghiên cứu trên, tôi đề xuất rằng không nên sử dùng tên gọi “Chùa Một Cột” nữa, mà thay vào đó là dùng khái niệm “Liên hoa đài” cho kiến trúc một cột, và dùng lại tên “chùa Diên Hựu” cho tổng thể kiến trúc Phật giáo này.
* Xin cảm ơn ông!
Về đề xuất đổi tên Chùa Một Cột của TS Trần Trọng Dương, TT&VH đã tham khảo ý kiến của Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, Họa sĩ Kiến trúc sư Lý Trực Dũng, Họa sĩ Lê Thiết Cương.
Chùa Một Cột năm 1939. Ảnh Tư liệu
* Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Gọi là chùa hay không, không quan trọng
Trong kiến trúc Phật giáo có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, tùy theo quốc gia, dòng phái Phật giáo mà khác nhau. Những khái niệm mà ta đang dùng, như chùa (tự), là do ta và Trung Quốc dùng, không hẳn trùng khít với kiến trúc Phật giáo ban đầu. Và ngay kiến trúc Phật giáo thời Lý, thời của chùa Một cột, cũng rất khác với quan niệm bây giờ.
Kiến trúc Phật giáo ban đầu, chỉ có một cái cột đá, trên có chạm khắc con sư tử, là biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ của Phật. Hoàn toàn có tính chất tưởng niệm, gọi là chùa hay không cũng chỉ có thế. Sau đó có những hang đá rỗng không có gì, cho các nhà sư tu tập gọi là Chaity. Dần dần những hang đá này có một cái tháp ở dưới cùng, và có thể có hai tượng Phật Thích ca và Ananda. Rồi đến Stupa - một cái tháp hình cái bát úp - stupa Sanchi, tượng trưng cho y bát của Phật. Stupa chính là khái niệm kiến trúc Phật giáo, mà người Trung Quốc sau này gọi là Tháp. Stupa biến đổi, có mặt bằng hình chữ thập, gọi là Mandala. Thực ra Mandala là biểu đồ vũ trụ bởi các hình vuông và tròn lồng vào nhau. Ngôi chùa là một Mandala, cũng là một vũ trụ.
Thời Lý, kiến trúc Mandala rất phổ biến, chùa hoàn toàn lộ thiên, chỉ có một tháp. Nên nhớ là kiến trúc Phật giáo xưa không phải là nơi ở của các nhà sư như hiện nay, mà chỉ có tính chất tưởng niệm. Các nhà sư đến đó tưởng niệm, tranh luận, rồi đi lang bạt, khất thực, ngủ ở các gốc cây. Mỗi ngày chỉ nhận bố thí một bữa ăn, không nhận tiền, mỗi đêm ngủ ở một gốc cây khác nhau. Chùa Phật Tích, chùa Dạm... thời Lý dù rất to rộng, cũng theo hình thức Mandala, không có nội thất, lòng tháp hẹp chỉ có một tượng Phật. Tức là chùa lộ thiên. Chùa Một Cột cũng vậy thôi, gọi là chùa hay không không quan trọng, vì nó chỉ có những hồ vuông tròn, theo lối Mandala, chính tâm có một tháp.
Càng về sau do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, chùa được xây như những ngôi nhà lớn, có tăng phòng, tự viện, điện Phật... Nhà sư ở luôn trong đó, Phật giáo Việt Nam về sau thời Lý theo lối này.
Quan niệm của anh Dương không có gì sai, chỉ máy móc thôi. Vì gọi là chùa thì người Việt ai cũng hiểu, gọi là Mandala hay Stupa thì chả ai biết là gì cả. Các khái niệm chùa - mandala- stupa không khác nhau về bản chất.
* Kiến trúc sư/ Họa sĩ Lý Trực Dũng: Nên trả lại cho lịch sử những giá trị đích thực
“Từ thế giới quan phật giáo khảo về kiến trúc Mandala chùa Diên Hựu thời Lý” là một nghiên cứu công phu với nhiều cứ liệu thuyết phục về nguồn gốc “Chùa Một Cột” và “Chùa Diên Hựu” của TS Trần Trọng Dương. Qua đó đến nay tôi mới rõ cái gọi là “Chùa Một Cột” theo cách gọi dân gian thực chất chỉ là Thích ca liên hoa đài từ thời Lý là một biểu tượng rất sâu xa trong thế giới của triết học Phật giáo, nằm trong khuôn viên Chùa Diên Hựu, chứ không phải là một ngôi chùa độc lập.
Theo tôi Thích ca liên hoa đài, hình tượng bông sen vươn lên từ bùn, nước, không khí rồi rộng nở và trên đó có Thích ca ngự sâu sắc về ý tưởng, đẹp về hình, có tầm về vóc dáng - xứng đáng đế ta tôn thờ, ca ngợi. Trong khi với kích cỡ của “Chùa Một Cột” hiện nay, cột cao 4m, chùa rộng 3x3m không hề khiến tôi khâm phục về phương diện kiến trúc, mặc dù nó khá thanh thoát về kết cấu, chỉnh về hình khối, được phục dựng năm 1955, sau khi nó bị phá năm 1954.
Tôi mong kiến giải này của TS Dương sẽ được bàn cãi nhiều sắp tới trong giới nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, khảo cổ để đi đến giá trị đích thực của một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, thậm chí còn được coi là biểu tượng kiến trúc Việt Nam!
* Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chùa Một Cột nên là Thích Ca Liên hoa đài
Đã là chùa thì cho dù to hay nhỏ thế nào cũng phải đủ diện tích để sắp đặt hệ thống tượng Phật. Đông Tây kim cổ chả có chùa nào lại chỉ có một pho tượng Phật cả. Giả sử có một ngôi chùa như thế đi chăng nữa thì người ta cũng không gọi kiến trúc đó là chùa. Nếu được quyền thích thì tôi thích có một “ngôi chùa” với tên gọi “nhà phật” vẫn đầy đủ tam quan, tòa ngang dãy dọc, tháp chuông... Nhưng chỉ có một pho Thích Ca thôi, không có Tam thế, Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... để nêu rõ căn cốt, tinh túy của triết Phật đó là tư tưởng của một, của như nhất.
Trở lại chuyện “Chùa Một Cột”, tôi hoàn toàn đồng ý với TS Trần Trọng Dương rằng: Liên hoa đài chỉ là một đơn vị kiến trúc trong tổng thể chùa Diên Hựu.
Tôi nghĩ nếu tu bổ lại thì Liên hoa đài nên là Thích Ca liên hoa đài bởi vì: Liên hoa đài có một cột, thờ một pho tượng và nên là pho Thích Ca sơ sinh (duy ngã độc tôn) lại càng hay, càng ra cái “tư tưởng một” của Phật giáo. Đành rằng sau mọi sự (chùa hay đài) cũng chỉ là hình ảnh để bám vào, chỉ là phương tiện thôi.
Việc đổi tên không quan trọng bằng làm người ta hiểu bản chất: cái nhà có một cột chỉ là một phần của chùa Diên Hựu. Đây là chuyện ngôn ngữ, mà ngôn ngữ lại có quy luật riêng của nó trong đời sống.
Ví dụ: Khu vực phố cổ của Hà Nội có nhiều hơn 36 phố nhưng người ta vẫn quen gọi Hà Nội 36 phố phường. Ai cũng biết 36 là con số không chính xác, chỉ tượng trưng. Chẳng ai đòi đổi cách gọi thành Hà Nội 46 phố cả.
Việt Quỳnh (ghi) Nguồn: Thể Thao và Văn Hóa