;
Tôi cảm ơn thiện chí của họ nhưng từ chối vì những lý do:
1/ Thật sự trong phạm vi nào đó, ca nhạc cũng xoa dịu được “ bề mặt “
của tâm hồn làm cho người nghe “tạm thời” quên đi nối đau buồn, như cào gãi trên chỗ ngứa làm dễ chịu từ cảm giác đau đớn trấn áp cảm giác ngứa. Những cảm giác được xoa dịu trên bề mặt này, Đức Phật gọi là “Dục sinh hỷ lạc” hạnh phúc từ sự thỏa mãn nhu cầu các giác quan từ những đối tượng của chúng. Cảm giác hạnh phúc này là nguyên nhân của hoại khổ và hành khổ. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta đã chìm trong các loại cảm giác thay thế trên bề mặt này.
Một ngày tu học là cơ hội để chúng ta đối diện, khám phá, hiểu rõ mặt thật, chiều sâu của nỗi buồn chán, thất vọng, đau khổ của chính mình bằng thiền định và thiền quán mà không cần sự xoa dịu hời hợt nào bên ngoài cả.
Hạnh phúc từ sự đối diện, nhận ra, hiểu rõ, không lệ thuộc những phiền não, đau khổ của chính mình, Đức Phật gọi là “ly dục sinh hỷ lạc” hạnh phúc từ sự không lệ thuộc các nhu cầu của giác quan với đối tượng. Như vậy, trong ngày tu học, chúng ta không văn nghệ ca hát để có loại hạnh phúc từ ly dục.
2/ Theo giới luật Phật giáo, tất cả tu sĩ Phật giáo và Phật tử trong ngày thọ trì bát quan trai giới đều tự nguyện tránh xa (veramani- abstain) ca hát và nghe ca hát.
3/ Sinh hoạt tu học bình thường của tu viện không có nhu cầu cần số đông mà chỉ cần những người có nhu cầu tu học giới định tuệ nên không cần tổ chức ca nhạc văn nghệ để kêu gọi nhiều người đến.
TÁC DỤNG CỦA ÂM NHẠC ĐỐI VỚI BUỒN KHỔ VÀ NIỀM VUI.
Sau chia sẻ của tôi về chủ đề “Văn nghệ ca hát trong ngày tu học “, có học viên hỏi tôi, đại ý:
Thưa thầy, con nghĩ âm nhạc gồm ca hát, múa, ngâm thơ cũng xoá tan nỗi buồn khổ, đem lại niềm vui. Tu tập Tứ niệm xứ cũng xoá tan buồn khổ, phiền não, đem lại niềm vui. Như vậy, có khác gì nhau.
Tôi xin chia sẻ,
Anh nói đúng nhưng chỉ trong giới hạn nào đó và triệt để hay không. Muốn hiểu sự khác nhau sự hạnh phúc từ nghe ca hát ngâm thơ và sự thực hành Tứ niệm xứ trong ngày tu học thì chúng ta phải tìm hiểu cách xử lý buồn khổ từ hai hướng trên.
Thông thường, khi có nỗi buồn, đau khổ, chán nản thì tuỳ theo trình độ nhận thức, hoàn cảnh, khuynh hướng tôn giáo, chúng ta xử lý ( quy nạp) vào ba cách chạy trốn, quên lãng hay chống lại.
1/ Để chạy trốn phiền não, buồn, chán, khổ, chúng ta sẽ tìm vào đám đông, du lịch, công việc, thực hành một số các nghi thức tôn giáo…(có khi bằng việc đi chùa, nhà thờ…) với nhiều cách khác nhau với hy vọng thoát khỏi chúng đang ngự trị trong tâm trí chúng ta.
Cách này cũng có tác dụng nhất định của nó, tạm thời giúp chúng ta có những cảm giác hạnh phúc, ngay trong thời gian đó, thoát ra hoàn cảnh bất như ý này nhưng sau đó chúng lại hành hạ chúng ta bằng những buồn, chán, khổ từ những đối tượng khác.
2/ Để quên lãng những buồn chán khổ đang hành hạ tâm trí, chúng ta tìm mọi cách quên lãng vào men say, cuộc tình vội vã từ những cảm giác xác thịt, lời ca, tiếng nhạc, tiếng thơ, canh bài, kể cả sự “cố gắng tu tập theo pháp môn gì đó để ĐẠT ĐƯỢC GÌ ĐÓ THEO DỤC TẦM, SÂN TẦM, HẠI TẦM” …. Cách này rất hấp dẫn, hữu hiệu, ngay lúc ấy có thể đưa tâm trí chúng ta đạt đến cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc, tạm thời quên đi những nỗi ưu phiền, chán nản, đau khổ.
Nhưng, "khi cố quên là khi lòng nhớ thêm" cảm giác luôn thay đổi và tâm luôn chạy tìm cảm giác mới, sau những phút giây hạnh phúc đó, đau khổ, buồn chán, thất vọng quay trở lại với chúng ta mạnh hơn. Và, chúng ta lại tìm những thú vui hấp dẫn hơn để giải quyết những buồn chán khổ mới. Thế là, cái vòng lẫn quẩn này xoay chuyển chúng ta trong khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
3/ Cố gắng chống lại buồn,chán,khổ bằng kiến thức, suy nghĩ, niềm tin tôn giáo của mình mà thường là cố gắng, nổ lực, nghiêm khắc thực hành bằng niềm tin chí thành các phương pháp tu tập tôn giáo không đúng Bát Chánh đạo.
Với cách này, khi đang thực hành thì có thể có những cảm giác hạnh phúc từ niềm tin tôn giáo, đình chỉ, đè nén phiền não buồn khổ nhưng sau đó chúng lại phát sinh trở lại.
Vì sao? Phiền não buồn khổ phát sinh từ nội tâm do sự tiếp xúc với đối tượng bên ngoài (xúc => thọ=> ái (phi hữu ái, hữu ái, dục ái) => khổ khổ, hoại khổ, hành khổ). Nếu không nhận ra buồn khổ từ đối tượng trong tâm mà CỐ GẮNG tu tập để CHỐNG LẠI phiền não từ đối tượng bên ngoài thì khổ chồng thêm khổ.
Ví dụ: Nhìn sợi dây trên đường đi mà thấy là con rắn, nổi buồn khổ, sợ hãi phát sinh từ hình ảnh con rắn trong ý nghĩ nhưng lại cho rằng do con rắn bên ngoài.
1/ Chạy ngược rồi cũng phải quay lại vì chỉ có 1 đường.
2/ Cố quên con rắn thì không được vì hình ảnh con rắn đang chi phối cả tâm trí.
3/ Chống lại bằng cách dùng cây roi tu tập theo lòng tin nghi thức tôn giáo đập nó nhưng con rắn vẫn không đi vì…. Nó là sợi dây.
Là một vị Đạo sư đã khám phá ra sự bất toàn của 3 cách giải quyết trên, Đức Phật dạy chúng ta giải quyết những vấn nạn buồn, chán, khổ, sợ bằng cách nhìn thẳng vào chúng, nhận ra chúng, hiểu đúng chúng thì không còn lệ thuộc chúng, không cần diệt gì cả, chúng có sinh thì phải diệt, không lệ thuộc chúng là hạnh phúc, an lạc ( …Uppajjitvà nirujjhanti tesam vūpasamo sukho_ Having come into existence they pass away. Happiness is the peace when they forever cease.)( Trường Bộ kinh_ ĐBNBK)
Theo ví dụ con rắn trên.
Đứng lại nhìn thẳng vào đối tượng đang nằm trên đường, nhận ra nó là sợi dây. Khi nhận ra nó là sợi dây thì hình ảnh con rắn trong ý nghĩ tự động biến mất. Khi hình ảnh con rắn (tục đế) được thay thế bằng sợi dây (chân đế) bằng tỉnh giác chánh niệm thì nỗi sợ hãi đau khổ tự nhiên biến mất. Khi tâm không bị lo lắng, buồn, chán, khổ ngự trị thì hạnh phúc có mặt. Không cần tiêu diệt đau khổ hay đi tìm hạnh phúc bằng cảm giác hời hợt trên bề mặt của tâm thức.
Thế nên, sự tu tập của tu viện là chỉ ghi nhận quan sát những sinh hoạt bình thường để nhận ra con rắn và sợi dây, không cần sự xoa dịu nào từ ca hát ngâm thơ.
CON PHẢI LÀM GÌ?
Sau chia sẻ ngắn của tôi về ca hát trong ngày tu học, một Phật tử hỏi tôi, đại ý:
Thưa thầy, xin thầy cho con lời khuyên, con nên làm gì: Con đi tu học ở…. thọ Bát quan trai. Trong ngày tu học có ca hát văn nghệ, có khi chính vị truyền giới bát quan trình diễn. Trong tình huống này, ngồi lại nghe ca hát thì phạm giới bát quan, bỏ đi ra ngoài thì không tiện; con phải làm gì?
Thú thật, thật khó trả lời vì tình trạng này phổ biến khắp nơi, nói thật thì mất lòng, tôi chỉ dám trả lời bằng lời Đức Phật dạy. Đã thọ giới thì phải giữ, không nên vi phạm, trong trường hợp có thể thì nên tránh ra như Đức Phật dạy là một trong bảy cách đoạn trừ phiền não trong kinh Tất Cả Lậu hoặc, Trung bộ 2.
Nếu không thể tránh xa thì dùng cách tu tập, lấy tiếng hát làm đối tượng để chú tâm, tinh cần, tỉnh giác, Chánh niệm quán thân trên thân trên đối tượng này, nhận ra sắc uẩn, vô thường, khổ, vô ngã ngay trên âm thanh đó (chân đế). Thế nên, với một Phật tử biết Phật pháp tu tập tứ niệm xứ thì bất kỳ hoàn cảnh nào xảy ra cho mình cũng đều là cơ hội tu tập, không chạy theo, không xua đuổi.
*Tựa đề do Người Phật tử đặt lại
Citta Hạnh (Thích Tâm Hạnh) - TVHS