;
Tác bạch cúng dường Trai tăng vừa xong, toàn gia quyến đãnh lễ hiến cúng; Tuấn dẫn tang gia mang phẩm vật vòng quanh trai bàn để dâng tịnh vật tịnh tài lên chư Tăng - ni.
Thoáng mà cụ bà đã từ biệt con cháu được hai tuần; Hạnh, Mai, Phượng, từ lúc mai táng cho mẹ đến lúc hạ quan rồi làm tuần thất, chuẩn bị hậu sự cho mẹ thật chu toàn. Gia đình không chấp điếu, vì thế ngoài những cơ quan của các cô em, không mấy ai đến viếng. Tuyệt nhiên không một ai nhỏ lệ, vì sự mất mát đó đã được tiên liệu như một tất yếu. 90 năm, cụ bà sống thật trọn vẹn với chồng con và minh mẫn lúc xế chiều, như cánh Lan ngã màu hoàng hôn để chuẩn bị đón nhận bóng đêm, không còn gì luyến tiếc. Đám trẻ trong gia đình, ngoài Hạnh, không ai hiểu đạo để phát tâm làm phước hồi hướng cho thân mẫu, nhưng kết cục, vẫn đồng ý phóng sanh và cúng trai tăng. Xuân, người con gái trong gia đình chống việc phóng sanh: -“mấy người làm chuyện tốn kém vô ích. Việc trai tăng, ai có tiền thì tự góp, tôi hết nhiệm vụ rồi. Bao nhiêu năm tôi đóng góp cho hội, cuối đời, hội lo, ai bảo mấy người đòi hỏi dịch vụ mai táng cao cấp thì ráng mà chịu...”
Anh em góp ý, thiêu thì không cần hòm tốt, nhưng ít nữa, muốn cho cái đám cuối đời của mẹ coi cho được, nhân viên nhà quàng bắt trúng mạch: “hiện giờ hòm xấu chưa làm kịp cho giờ tẩn liệm, phải đổi hàng Đài Loan thêm 16 triệu, Hạnh, Phương, Mai, Mạnh..và anh chị đồng ý để kịp giờ theo lịch thầy xem.
Tuấn ôm khung hình mẹ, Ba Chánh bê lư hương, Phước thỉnh bài vị đi sau chư Tăng ra đầu con lộ đông đúc xe. Đám tang diễn ra như bao đám tang khác, con cháu và khách tham dự trên 40 người, mỗi người một tâm trạng trước sự ra đi của một đời người. Phượng, Mai, Loan, Hương... xót thương như vừa đánh mất cái gì vô giá, cô Ái, tuy bị mẹ bạc đãi, thoát ly gia đình từ tấm bé, cũng tỏ ra thương tiếc, sự thương tiếc thật lòng hay làm cho xong nghĩa vụ người con, có lẽ tự mình mới biết. Sống chung một Thành phố, phương tiện đi lại dễ dàng, thời gian tuy bận nhưng ai cũng có thể sắp xếp để đến với nhau, huống nữa là mẹ mình, cô Ái không như vậy, nhiều tháng năm anh chị em chưa gặp mặt, đến khi nghe tin mẹ nhập viện, cô đến thăm một lần, khi chết đến một lần nữa để tiển đưa đến lò thiêu. Làm tuần, người con trai thứ ba tên Chánh, gọi là ba Chánh, cả vợ con không ai tham dự. Cậu là người được mẹ dành nhiều tình thương và chăm sóc nhiều nhất, thế nhưng, cũng ít bén mãng đến thăm viếng suốt thời gian bà cụ bệnh, cuộc tiễn đưa là tình nghĩa cuối cùng cậu dành cho bà. Dĩ nhiên cô Ái và con cái không ai đến cúng cơm mỗi tuần. Các cô con dâu cũng chẳng mấy ai tha thiết.
Trong bệnh viện, lúc cụ bà khi tĩnh khi mê, cô Xuân là người tình nguyện trực ban ngày, cô Hạnh và cô Phượng trực về đêm; Tuấn đến thăm mẹ , cô Xuân than phiền: “con hàng đống, chuyện gì cũng kêu em, em cũng có gia đình, nhà tận mãi Thủ Đức. Anh ba Chánh, thằng Phước ở gần không nhờ họ. Căn nhà lầu ba tấm ở Bình Tân di chúc cho Mai và Loan, anh nghĩ có bất công không?”
Xuân cũng có lý của nó, bà cụ xử sự nhiều bất công đối với con cái. Tuấn cũng là đứa con bị nhiều hà khắc nhất nhà. Từ bé, Tuấn trốn khỏi nhà vì những trận đòn chí tử; bà trữ bó roi mây trong nhà cũng chỉ để ra đòn với Tuấn. Con trai đầu bị hà khắc như con ghẻ; không được cho ăn học tử tế; giữ em bị té mà cả ông bà đều dồn trận đánh thừa chết thiếu sống; Tuấn nhớ lại lúc gia đình còn ở Phan Rí, cha mẹ và mấy em ngủ nhà trên, Tuấn nằm trên chiếc chỏng tre phía sau bếp, chong ngọn đèn dầu mần mò tự học làm toán của những đứa em được đến trường, khuya bà xuất hiện, tay cầm cây củi bổ vào đầu Tuấn: “mầy phá của tao cho sạt nghiệp, dầu đâu mà mầy thắp suốt đêm như rứa?” vừa đánh bà vừa mắng chửi làm cả xóm thức giấc, rồi ai nấy tiếp tục chìm vào giấc mộng, vì họ cũng đã quen cách đánh đập của bà hàng ngày với Tuấn, chẳng ai muốn dây vào chuyện gia đình người khác. Lúc nhà còn ở Đà Nẵng, bà nội từ Sơn Trà qua thăm, hai bà cháu phải ra đường đứng suốt ngày đợi khi ba Tuấn đi làm về mới dám vô nhà, dăm ba câu thăm hỏi, bà về lại quê, tiền nội cho đều bị mẹ tịch thu. Qua nhiều trận đòn khắc nghiệt, Tuấn bỏ nhà ra đi vào Thành phố xa lạ, không bà con họ hàng; bị cảnh sát gửi vào viện mồ côi, rồi không thích hợp với tập thể ô hợp, Tuấn lại trốn, được đám giang hồ tiếp đón giúp đỡ, ăn bụi ngủ bờ, chẳng bao lâu, Tuấn tách khỏi kiếp bụi đời, được nhà chùa tiếp nhận; một ngả rẽ đúng với tâm trạng của Tuấn, 8 tuổi, Tuấn hãnh diện mang trên người tấm áo nâu sòng của một chú Tiểu.
Cũng như Tuấn, cô năm Ái là con gái đầu lòng cũng sống trong tâm trạng luôn lo sợ bị hành hạ đánh đập, cô cũng bỏ nhà ra đi, nhưng năm Ái không được may mắn như Tuấn, cuộc đời cô truân chuyên lang bạt, đến lúc tóc bạc, cô tiển đưa mẹ bằng tâm trạng bạc hận. Bầy em cũng xem thường vì cô đánh mất nhân cách do cuộc sống quá cơ cực. Anh em trên 12 người, không ai hạp ai, mạnh ai nấy sống; có lẽ do sinh kế khó khăn nên không ai giúp ai được. Mấy cô con gái tương đối thân thiện nhau; ngoài cô năm Ái thì các cô phần lớn có hiếu với mẹ.
Thuở trẻ, cụ bà bị ảnh hưởng tính độc đoán, nóng nãy, cương quyết, khi còn trong quân đội của Việt minh, sau ngày hòa bình, hai ông bà về lại, tính gia trưởng trở thành cấp chỉ huy cho mọi sinh hạt trong gia đình, cũng vì thế mà ông cụ và con cái đều răm rắp nghe theo mọi chỉ thị của cụ bà.
Sau ngày cụ ông mất, bà tính toán tài sản còn lại, làm đồ trang sức một phần chia cho các con, riêng cô năm Ái và Tuấn không có phần, ngược lại, cô con nuôi mãi tận xa xôi, cũng có được chiếc nhẫn.
Nghe tin mẹ bệnh, Tuấn về thăm; cụ bà nằm trên chiếc đi văng vẫn còn tỉnh táo, vài hôm sau lại cấp báo ở trong bệnh viện. Trên thì giây truyền oxy để thở, dưới thì ống dẫn tiểu ra ngoài, chiếc thân không còn cử động theo ý thức. Cô Phương từ Mỹ, cũng cấp tốc bay về chăm sóc mẹ.
Tuấn đứng trầm ngâm, trí tưởng dần trôi vế quá khứ, một thời oanh liệt nay còn đâu; đời người vô nghĩa, tại sao phải khó khăn, khắc khe để đánh mất tình nghĩa với mọi người trong kiếp sống. Những năm còn lại, cụ bà hiền hơn, nhưng cung cách xử sự với con cái cũng thiếu sự công bằng; thường phê phán những đứa con khi hắn không có mặt, làm cho anh chị em thiếu thiện cảm lẫn nhau. Tuấn cố tìm một cảm xúc đối với mẹ trước khi bà ra đi. Mỗi mùa Vu Lan, cánh hoa hồng hay hoa trắng không còn ý nghĩa đối với Tuấn, cảm thấy mình trơ trọi như cây khô giữa sa mạc, một chút xúc cảm rung nhẹ như chiếc lá trên cao cũng thiếu hơi gió tác động.Nhưng rồi, Tuấn lại thầm tưởng, tất cả chúng sanh đều là mẹ cha lẫn nhau trong vô số kiếp, kiếp nầy cụ bà cũng chỉ là một trong vô số mẹ cha đã trôi lăn trong 6 nẽo luân hồi, xúc động cho riêng cụ bà hay xúc động cho mọi chúng sanh thân bằng quyến thuộc đều là sợi giây níu kéo ái nghiệp tử sanh, oan nghiệp chập chùng.
Khi quan tài chuẩn bị hạ giàn đưa vào lò thiêu, mọi người lăng xăn tranh nhau đến đặt tay lên quan tài tiển biệt. Tuấn trầm lặng trước di ảnh thầm nguyện: “mọi oan gia trái chủ nhiều đời sẽ chấm dứt từ đây, nguyện hương linh cụ bà sớm vãng sanh về cỏi lành” .
Cúng cơm, tuần thất, Tuấn vẫn là con trai trưởng đứng ra thực hiện mọi động tác dâng lễ.Tiếng cúng trai đường của đại chúng, hồi hướng phước báu cho cụ bà, tác động vào tâm tưởng con cháu đang quỳ trước hương án. Tang gia hiếu quyến như mãn nguyện bổn phận làm con làm cháu tiển đưa mẹ, bà về chốn an lạc. Uy lực Tam bảo, đạo đức của vị trụ trì trẻ đã dẫn dắt tín tâm con cháu, họ về quy y và thỉnh cốt cụ bà về chùa thờ cúng.
Đạo từ của chư Tăng như cơn mưa tẩm tưới, toàn bộ gia quyến đãnh lễ thỉnh dâng tịnh vật tịnh tài. Tiếng khánh làm Tuấn chợt tỉnh giữa cơn mê vô thường, giữa Đạo và Đời mà chàng đang trãi nghiệm; niềm vui và khổ đau, tình thương và oan trái của kiếp chúng sanh, tất cả theo khói hương tản mát vào không gian. Tình huyết thống xóa tan mọi mắc mứu suốt đời, sự ra đi của cụ bà giúp Tuấn thanh thản như sự thanh thản trong kiếp sống Đạo.Tấm di ảnh mỉm cười phúc hậu, đẹp lão của cụ bà như ẩn như hiện, tha thứ mọi lẫm lỗi của cháu con.
28/10/2014