;
Tỷ phú T. Ananda Krishnan là một trong những doanh nhân thành đạt và tên tuổi trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như truyền thông, dầu khí, viễn thông, bất động sản, giải trí… Khối tài sản của ông được ước tính lên tới 10 tỷ USD vào tháng 8/2015. Mặc dù là người rất kín tiếng và sống không khoa trương, thế nhưng Ananda Krishnan được cả đất nước biết đến. Ông được coi như là cha đẻ của toà tháp đôi Petronas nổi tiếng của Malaysia.
Năm 1989, Ajahn Siripanno (18 tuổi) – con trai duy nhất của tỷ phú Malaysia – đã tham dự một khóa tu hành ngắn hạn nhằm bày tỏ sự biết ơn và lòng kính trọng đối với người mẹ và gia đình của mình khi trở về quê mẹ ở Thái Lan.
Sau nhiều năm sinh sống và học tập tại Anh, đây là lần đầu tiên Ajahn Siripanno được tiếp xúc với Phật giáo. Với tư tưởng cởi mở tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Ajahn Siripanno đã tìm thấy niềm vui và sự thanh thản trong khoảng thời gian tu hành ngắn ngủi tại Thái Lan.
Khoảng thời gian ngắn ngủi đó đã hoàn toàn làm Ajahn thay đổi suy nghĩ về Đạo phật và cuộc sống của các vị tu sĩ. Chương trình dự trù chỉ sống đời tu sĩ trong hai tuần lễ nào ngờ đã trở nên vĩnh viễn.
Khoảng 10 năm về trước, tỷ phú T. Ananda Krishnan đột nhiên mất liên lạc với người con trai duy nhất của mình. Sau nhiều lần tìm kiếm, ông T. Ananda Krishnan bất ngờ khi nhìn thấy con trai trong chiếc áo vàng, bình bát trên tay đang đi khất thực tại một ngôi chùa ở Thái Lan.
Tỷ phú T. Ananda Krishnan đã tiến lại gần và mời cậu con trai một bữa ăn sau nhiều năm xa cách. Tuy nhiên, nhà sư Ajahn Siripanno đã đáp: “Con xin lỗi cha nhưng con không thể nhận lời mời của cha được, con phải đi khất thực như các bạn đồng tu khác”.
Quá bất ngờ trước lời từ chối của con trai, tỷ phú T. Ananda Krishnan chia sẻ: “Với tất cả tài sản trong sự nghiệp của mình, tôi vẫn không thể mời được con trai một bữa cơm”.
Vài năm trước, trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara, Malaysia, nhà sư Ajahn Siripanno cho biết ông chưa bao giờ có ý định để trở thành một nhà sư cho tới khi ông được đến thăm và trò chuyện với Thiền sư Ajahn Chah – một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada. Sau lần gặp gỡ đầu tiên và duy nhất đó, tư tưởng của Ajahn Siripanno đã thay đổi và ông quyết tâm lựa chọn con đường riêng cho bản thân, con đường đến với Phật giáo.
Hiện nay, sau hơn 20 năm, nhà sư Ajahn Siripanno đã trở thành trụ trì của Tu viện Dhao Dham tại Khu bảo tồn rừng quốc gia gần biên giới Thái Lan và Myanmar. Nhà sư Ajahn Siripanno cũng chia sẻ, ông chưa từng hối hận hay nuối tiếc về sự lựa chọn trong cuộc đời mình.
Tỷ phú T. Ananda Krishnan và nhà sư Ajahn Siripanno vẫn thường xuyên liên lạc và ghé thăm tu viện để trò chuyện cùng nhau. Ajahn Siripanno được nhiều người biết đến sau khi tham dự buổi tiệc sinh nhật lần thứ 70 của người cha tỷ phú. Nhà sư Ajahn Siripanno vẫn xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, mang dép và xách một chiếc túi nhỏ di chuyển bằng máy bay riêng và nghỉ ngơi tại một khách sạn trang trọng ở Italy.
Câu chuyện xuất gia của nhà sư Ajahn Siripanno là ví dụ điển hình cho việc tiền tài và vật chất không phải là cái đích đến cuối cùng trong cuộc sống. Nhà sư Ajahn Siripanno đã bỏ lại tất cả khối tài sản khổng lồ của người cha tỷ phú để tìm kiếm sự bình an trong cõi tu hành.
Hình minh họa các nhà sư khất thực
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Dù cho dân số năm tỷ người hiện đang sống trên trái đất này trở thành triệu phú hết, nhưng thiếu vắng sự an lạc nội tâm thì con người vẫn không thể có sự bình an và hạnh phúc lâu dài” và “Nếu tiền bạc, của cải, quyền lực mang đến sự an vui thì có lẽ những vị vua chúa hay các vị lãnh đạo đất nước đều đã được an vui rồi”.
Vì vậy, hãy học cách buông bỏ để tìm kiếm những giá trị đích thực trong cuộc sống và sự yên bình trong tâm hồn của mỗi người.
Theo Tâm Nguyễn
Trí thức trẻ/Tổng hợp