;
Chân dung Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa
Hòa thượng Thạch Som - tấm gương vì đạo pháp và dân tộc
Tân Quy là tên một cù lao nhỏ trên dòng sông Hậu, thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đây là một cù lao trẻ, được khai phá vào giữa thế kỷ XIX nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi, quanh năm nước ngọt, mỡ màng phù sa nên kinh tế vườn phát triển, với nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng.
Hiện nay, cù lao Tân Quy đang được huyện Cầu Kè và tỉnh Trà Vinh quy hoạch thành địa chỉ du lịch sinh thái vườn, sông nước, kết hợp du khảo lịch sử và văn hóa tâm linh.
Bên trong màu xanh bạt ngàn của những vườn cây ăn trái nối tiếp nhau, Tân Quy ẩn chứa trầm tích văn hóa Phật giáo đáng tự hào – nơi sinh ra và lớn lên của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Cố Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một danh tăng từ lâu đã hiển linh Bồ tát trong lòng người phật tử Việt Nam.
Từ những thế kỷ trước, tư tưởng và giáo lý Phật giáo từ những vùng quê gốc đã theo bàn chân nhiều gia đình, dòng tộc thuộc thế hệ lưu dân đầu tiên đến khai pháp, mở mang vùng đất Tân Quy.
Trong đó, gia tộc cụ Nguyễn Văn Khê là những tín đồ Phật giáo thuần thành. Từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, gia tộc này có nhiều đóng góp cho việc xây dựng, trùng tu, phát triển ngôi chùa Phước Hậu (một ngôi cổ tự và là di tích lịch sử văn hóa tại huyện Trà Ôn).
Khi về khai phá cù lao Tân Quy vào thập niên 1880, gia tộc họ Nguyễn dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ gìn nếp sống hướng về cội phúc nhà Phật và tích cực quảng bá phật pháp ra cộng đồng dân cư cù lao.
Trong số 8 người con của cụ Nguyễn Văn Khê, có bà Nguyễn Thị Sáo cùng chồng là Trần Văn Khê (Hương cả Khê, cũng là một tín đồ thuần thành), sanh ra 8 người con thì có đến 5 người xuất gia đầu Phật, trong đó có 4 người là những bậc chân tu trụ trì những ngôi chùa nổi tiếng tại các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, mà xuất chúng nhất chính là Hòa thượng Thích Thiện Hoa.
Hòa thượng Thích Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, thế danh Trần Thiện Hoa (tên thường gọi Chín Nở), sanh năm Mậu Ngọ - 1918, tại làng Tân Quy, tổng Tuân giáo, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Tân Quy 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).
Vừa tròn sáu tuổi, cậu Chín Nở thọ giới quy y tại chùa Phi Lai (Thất Sơn) và được ban cho pháp danh là Thiện Hoa. Năm 7 tuổi, Thiện Hoa xuất gia tại chùa Phước Hậu (làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn), rồi về chùa Đông Phước (huyện Bình Minh), tu học với Hòa thượng Khánh Anh và được đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên.
Sang thập niên 1930, Hòa thượng Khánh Anh cùng các danh tăng Khánh Hòa, Huệ Quang khởi xướng phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam kỳ và thành lập Phật học đường Lưỡng Xuyên (tại chùa Lưỡng Xuyên, nay thuộc Phường 1, thành phố Trà Vinh). Khi Hòa thượng Khánh Anh về giảng dạy đã mang theo đệ tử Thiện Hoa tòng học lớp Sơ đẳng Phật học khóa đầu tiên (1935) và ngài chính thức thọ giới Sa di năm 17 tuổi (đến năm 29 tuổi, ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Kim Huê, Sa Đéc).
Với sự thông minh mẫn tuệ, ý chí hiếu học và sự cầu tiến, sau khi mãn lớp Sơ đẳng tại Trà Vinh, Sa di Thiện Hoa được cử ra Huế suốt 8 năm toàn tâm tu học ở nhiều Phật học đường khác nhau khắp vùng Thần kinh đất Phật, Quy Nhơn…
Năm 1945, danh tăng Thiện Hoa rời đất Thần kinh, trở về Nam và trở thành vị Giảng sư Phật học nổi tiếng. Giảng sư Thiện Hoa có mặt ở nhiều giảng đường Phật học như Phật Quang (Trà Ôn), Nam Việt Ấn Quang (Sài Gòn), trực tiếp giảng dạy bậc Trung đẳng và Cao đẳng Phật học, đào tạo nhiều thế hệ danh tăng, danh ni sau này như Huyền Vi, Thanh Từ, Liễu Minh, Trí Quảng; các Sư cô Như Huyền, Diệu Hoa, Minh Ngọc, Giác Nhẫn.... Ngài cũng là người sáng lập các Trường Phật học Bình An (Long Xuyên), Trường Phật học Phước Hòa (Trà Vinh), Trường Phật học Giác Sanh (Chợ Lớn), Trường Phật học Biên Hòa, Trường Phật Ân ở Mỹ Tho…
Có thề nói, đại bộ phận tăng ni khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam đều tinh tấn từ sự giáo huấn (hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp) của Giảng sư Thiện Hoa.
Kể từ sau 1954, cùng chung với số phận dân tộc, Phật giáo Việt Nam bước vào giai đoạn “kiếp nạn”, do sự bài xích, kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo được thành lập và Hòa thượng Thiện Hoa được suy cử làm Phó Chủ tịch..
Với chủ trương “Bảo vệ đạo pháp và cứu nước, cứu dân, lất sự tồn tại của đạo pháp trng sự tồn tại của dân tộc và nhân loại làm ngọn hải đăng”, Hoa thượng Phó Chủ tịch đã cùng Ủy ban Liên phái kêu gọi chư tăng ni, phật tử cùng đồng bào các giới liên tục đấu tranh bảo vệ Phật giáo và dân tộc, chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (một trong những tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay) ra đời, Hòa thượng Thích Thiện Hoa được Giáo hội suy tôn làm Đệ nhất Phó Viện trưởng (đến năm 1966 là Viện trưởng) Viện Hóa đạo kiêm trụ trì Việt Nam Quốc tự cho đến ngày viên tịch. Viện Hóa đạo khi ấy là cơ quan tổ chức, quản lý, điều hành phật sự cả nước, giống như Hội đồng Trị sự Giáo hội ngày nay).
Thời lỳ Hòa thượng Thích Thiện Hoa đảm nhiệm cương vị Phó Việt trưởng rồi Viện trưởng Viện Hóa đạo (1963 – 1973), là giai đoạn lịch sử đất nước cũng như lịch sử Phật giáo gặp nhiều sóng gió.
Vững vàng trước mọi âm mưu chia rẻ, mua chuộc, Viện trưởng Thiện Hoa và Viện Hóa đạo luôn giữ vững vai trò trung tâm lèo lái để Giáo hội và người phật tử Việt Nam sát cánh cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo viên tịch ngày 27/01/1973, nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý, trụ thế 55 năm và 48 năm cống hiến cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc.
Vào những năm đầu thế kỷ XXI, ngôi chùa Phật giáo tại ấp Tân Quy 2 – quê hương Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, được trùng tu và chính thức mang tên chùa Phước Hoa. Tên chùa Phước Hoa hàm ý khẳng định sự kế thừa Tổ đình Phước Hậu và công lao vĩ đại của Cố Hòa thượng Thiện Hoa.
Ngày nay, ngôi chùa Phước Hoa không chỉ là nơi tụng niệm kinh kệ, chiêm bái đức Phật của tín đồ Phật giáo và nhân dân Tân Quy mà còn là địa chỉ hành hương của đông đảo đồng bào phật tử cả nước hàng năm tìm về cội nguồn xuất thế một bậc chân tu suốt đời vì đạo pháp và dân tộc.
Trần Dũng