;
Hỏi: Kính thưa thầy, cúng dường như thế nào là đúng pháp? Trường hợp mượn tiền để cúng dường thì có phước hay không?
Đáp: Khi cúng dường một ai đó nên có sự chọn lọc, cân nhắc cẩn thận vì người được cúng giống như mảnh đất được gieo trồng. Chúng ta có nhiều cách để tạo ra phước đức, về mặt xã hội, ta thực hiện đắp đường, xây cầu, khoan giếng, trồng cây, tạo công viên, hoa viên, lập ra các nơi khám chữa bệnh miễn phí, bệnh viện từ thiện... Còn đối với đạo Phật cần có những trách nhiệm cao hơn, ngoài việc giúp đỡ vật chất còn phải hỗ trợ tinh thần để họ phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, bế tắc cuộc đời.
Tại các chùa hay các cấp của giáo hội cần lập ra các đoàn từ thiện đi đến vùng sâu, vùng xa thăm hỏi, động viên, trợ duyên cho họ bằng những món quà vật chất với tấm lòng của ít lòng nhiều, khuyến tấn họ đến chùa tu tập, nương theo lời Phật dạy, hướng dẫn họ biết cách gieo trồng phước báu, không phải chờ đến khi giàu có mới làm phước được.
Từ cúng dường là nói trại của hai chữ cung dưỡng có nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi. Về nội dung thì bố thí hay cúng dường chỉ là một, không có gì là sai khác. Tuy cùng chung một nghĩa cử, một hành động, nhưng người ta dùng hai từ khác nhau để phù hợp với đối tượng thọ nhận: cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí, còn cho với lòng ngưỡng mộ, tôn kính thì gọi là cúng dường.
Từ ngữ “cúng dường” có nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ…những người có công truyền đạt đạo lý làm người, điều hay lẽ phải như ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng đời đời giúp ta an trụ trong chánh pháp, hiểu rõ chúng sanh trong lục đạo luân hồi đều là bà con quyến thuộc của nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp, cho nên hành động bố thí đối với họ ta phải gọi là cúng dường.
Thí dụ, cha mẹ là hai đấng sanh thành mang nặng đẻ đau, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta ăn học tới nơi tới chốn, dựng vợ gã chồng, tạo cho ta gia tài sự nghiệp, ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc bệnh hoạn, ốm đau… (nghĩa là cung cấp và dưỡng nuôi cha mẹ.) Cung cấp những nhu cầu cần thiết để nuôi dưỡng cha mẹ là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn; ăn trái nhớ kẻ trồng cây” trong tập quán của người Việt nam
Thuở quá khứ, có năm người giả làm Tỳ-kheo, lạm dụng sự cúng dường của Đàn-na tín thí để nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi chết, họ tái sanh trở lại làm người thân phận nghèo hèn. Cả năm người đều phải ở đợ, phục dịch cho gia đình Hoàng hậu Mạt-lợi, phu nhân vua Ba-tư-nặc.
Một hôm, ở Tịnh xá có lễ cúng dường chư Tăng, Hoàng hậu Mạt-lợi đến dự, dẫn theo đoàn tùy tùnggiúp việc, phục dịch cho bà. Sau khi các Phật tử cúng dường tứ sự, đảnh lễ giáo đoàn Như Lai Thế Tônxong, Mạt-lợi phu nhân ngồi sang một bên, cung kính đảnh lễ bạch hỏi đức Phật nguyên nhân vì sao bà được làm Hoàng hậu.
Đức Phật cho biết, trong đời quá khứ, bà là một Phật tử thuần thành, tín tâm cúng dường cho năm thầy Tỳ-kheo với lòng chí thành, chí kính, nhờ phước báu đó, ngày nay bà được sanh vào gia đình quyền quý và được tại vị trên ngôi Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ.
Nhân đây đức phật cũng cho bà rõ là năm vị Tỷ-kheo được bà cúng dường đời trước không phải là thầy tu thật, mà năm vị giả làm Tỳ-kheo để ăn của cúng dường. Do vì nghiệp báo giả làm Tỷ-kheo, lạm dụngtài vật cúng dường của đàn-na tín thí để nuôi thân và gia đình. Cho nên, đời nay năm người ấy được sanh lại làm người phải chịu thân phận kẻ nghèo hèn. Năm người đó nay đang có mặt trong đoàn người giúp việc, phục dịch cho Hoàng hậu đang đứng bên ngoài.
Nghe đức Phật nói vậy, Hoàng hậu Mạc-lợi với lòng từ bi và đức khoan dung, muốn phóng thích năm người đó ra khỏi đoàn tùy tùng để tự do làm ăn, bà xin đức Phật cho biết danh tánh của năm người ấy. Đức Phật bảo, đó là bốn người khiêng kiệu và người lo vệ sinh riêng cho bà đấy.
Vừa nghe, bà giật mình, liền ra lệnh cho năm người ấy tự do đi tìm công việc làm ăn sinh sống, nhưng họ không biết phải làm gì và đi đâu, nên cả năm người đều xin ở lại phục vụ cho bà suốt đời. Đó là cách trả nợ theo luật nhân quả của người xuất gia không tu hành đàng hoàng.
Qua câu chuyện, ta thấy thực hành bố thí, cúng dường với tâm thành kính và hoan hỷ cho thầy tu giả dối mà vẫn được phước lớn như vậy huống hồ gì là cúng dường cho các vị cao Tăng tu hành chân chánh hay các vị Thánh Tăng thì phước lực không thể nghĩ bàn. Cho nên, trong kinh có ví người cúng dường như con dao, người nhận cúng dường như cục đá mài, hành động cúng dường như việc mài dao. Dao càng mài càng sắc. Đá càng mài càng mòn.
Một thời, lúc Phật còn tại thế, gặp năm hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ, thiếu thốn, khó khăn, đức Phật cũng không ngoại lệ, một vị Tỳ-kheo thấy Phật thiếu ăn, liền đem chiếc y của mình đổi lấy bát cơm dâng lên cúng Phật.
Phật hỏi rằng:
- Ông còn cha mẹ không?
-Bạch Phật, cha con chết rồi chỉ còn mẹ già.
Phật hỏi tiếp:
- Mẹ ông dùng cơm chưa?
- Dạ chưa.
Phật nói:
- Người xứng đáng nhận bát cơm này là mẹ ông chứ không phải Ta.
Sau đó Phật dạy tiếp:
- Người xuất gia còn cha mẹ không ai nuôi dưỡng thì người đó có quyền khất thực đem về cúng dườngcha mẹ.
Ngoài việc cúng dường cha mẹ, người Phật tử còn có trách nhiệm và bổn phận cúng dường người tu hành chân chánh, có đạo đức, có nhân cách, suốt đời phục vụ vì Tam Bảo, vì lợi ích chúng sanh.
Tai sao ta phải cúng dường người tu hành chân chánh?
Cha mẹ làm nên thân ta, Thầy Tổ giúp ta biết được điều hay lẽ phải để vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không rơi vào hố sâu tội lỗi. Vì vậy từ cúng dường được dùng đối với các bậc trưởng thượng, tôn kínhnhư cha, mẹ, Thầy, Tổ v.v.. là những người có công nuôi dưỡng, dạy dỗ, chỉ bày, giúp ta nên người. Ngoài từ ngữ bố thí, cúng dường còn có nhiều từ ngữ khác như kính tặng, kính biếu… để nói lên lòng tôn kính của người cho.
Từ ngữ “bố thí” được người Việt Nam sử dụng với nhiều ý nghĩa như: cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ…Tất cả đều mang ý nghĩa tốt đẹp của hành động cho.
Khi gặp người nghèo khổ ta thương tình giúp đỡ gọi là cho hay gọi là bố thí cũng được. Người có tâm từ bi rộng lớn không những biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ cho người mà còn giúp các loài vật nữa. Đó là người biết gieo trồng phước đức đúng pháp. Người tu hành theo đạo Phật rất cần thực tậpđể có được tâm từ bi rộng lớn này.
Con cháu đem vật phẩm nuôi dưỡng ông bà cha mẹ thì gọi là cúng dường phẩm vật, còn ông bà cha mẹ đem của cải vật chất lo cho con cháu thì ta gọi bằng từ cho, giúp đỡ hay chia sẻ. Hoặc người dân bình thường muốn đem phẩm vật cho những người có địa vị trong xã hội thì gọi là kính biếu hay kính tặng…
Cùng một hành động “bố thí” mà tùy theo đối tượng, tùy theo hoàn cảnh, mà ta dùng từ ngữ sao cho phù hợp, để không làm mất đi sự tôn kính, lòng thương cảm của ta.
Là Phật tử, chúng ta phải học hiểu rõ ràng chỗ này, để dùng từ ngữ không bị sai lệch làm ảnh hưởngkhông tốt đến hành động bố thí của mình.
Bố thí, cúng dường là hành động làm phước thiện, theo luật nhân quả, nó là điều kiện thiết yếu để ta tiêu trừ đau khổ, chuyển hóa nghèo cùng khốn đốn, không còn sợ nghèo đói và vượt qua nỗi bất an sợ hãi trong cuộc đời như mũi tên chỉ đường, để ta không bị đi lạc.
Hai từ này tuy viết khác, nói khác, nhưng nó cùng một ý nghĩa, tùy theo đối tượng của sự cho (người nhận) mà ta có cách gọi khác nhau để phù hợp, làm đẹp, làm hài lòng cả hai đối tượng cho và nhận mà thôi.
Phật dạy pháp bố thí
Giúp ta gieo trồng phước
Giúp ta bỏ tham si
Để an vui hạnh phúc.
Việc thiện dù nhỏ mà ta chịu khó làm như đức Phật đã làm thì vinh hoa phú quý sẽ đến với ta trong hiện tại và tương lai. Nhờ bố thí, mà lòng tham lam, ích kỷ của ta được giảm bớt. Nếu chất chứa lòng tham không đáy sẽ tạo cho ta nhiều tội lỗi, nuôi dưỡng lòng hiềm hận, nỗi bất an, lo sợ nhiều điều trong cuộc sống.
Trong các trường hợp giúp đỡ người nghèo, người bị thiên tai, hoạn nạn, bịnh tật … ta có thể gọi là cho, tặng hay biếu… Còn con cái giúp đỡ ông bà cha mẹ thì ta dùng từ ngữ “cúng dường” (đọc trại âm của chữ cung dưỡng). Đối với người có địa vị cao trong xã hội hoặc người cao niên, lớn tuổi thì ta dùng từ “kính tặng, kính biếu…” Chung quy, tất cả đều là hành động “bố thí” được triển khai bằng nhiều từ ngữkhác nhau để sử dụng rộng rãi, phù hợp cho nhiều đối tượng mà thôi.
Nếu biết người chúng ta định cúng sẽ sử dụng đồng tiền hợp lý, có lợi cho đạo hoặc cho chúng sinh thì mình được phước đầy đủ.
Thời đức Phật, có hai vợ chồng là Phật tử rất tín tâm Tam Bảo, nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no. Một hôm, người chồng đến chùa thấy nhiều người đem vật thực đến cúng dườngTam Bảo, anh phát tâm hoan hỷ vô cùng.
Về nhà, anh thấy nhà mình quá nghèo, không có cái gì có thể mang đến chùa để cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, đau khổ, đến nỗi anh ta không muốn ăn, chẵng muốn làm. Người vợ biết được, bèn đưa ra ý kiến: hay là anh đem em bán đi lấy tiền cúng dường, khi nào có tiền thì anh chuộc em về. Người chồng suy nghĩ, thấy làm như vậy thì quá nhẫn tâm, nên cả hai vợ chồng bàn nhau đi vay tiền cúng dường, nếu không trả nỗi thì đến ở đợ làm việc cho họ để trừ nợ.
Sau khi suy tính, chọn lựa, hai vợ chồng đến một nhà phú hộ trong làng trình bày sự việc, được nhà phú hộ đồng ý cho vay một số tiền với điều kiện trong bảy ngày phải mang tiền đến trả. Nếu không thì cả hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời.
Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường cho lễ Trai Tăng với tâm thành kính và hoan hỷ. Mấy ngày sau, hai vợ chồng đều cảm thấy thật hạnh phúc được góp phần vào công đức này, sẵn sàng tinh thần đến nhà Phú hộ ở đợ vào ngày mai thì hôm ấy nhà vua hay tin nhà chùa thiết lễ cúng dường Trai Tăng, Ngài thân hành đến chùa xin được cúng dường cho lễ này. Sau khi được biết đã có hai vợ chồng nhà nghèo cúng dường, nhà vua yêu cầu hai vợ chồng phải nhường phần cúng dường lễ này cho Ngài. Hai vợ chồng nhà nghèo nghe lệnh vua như vậy, bèn đến trình bày: Chúng con nhà quá nghèo, may mà có nhà phú hộ trong làng cho vay tiền cúng dường, xin nhà vua để cho chúng con lo trọn, chứ lần này con không được cúng dường Tam Bảo thì e rằng suốt đời, con không có cơ hội nào nữa. Chúng con phải đi ở đợ làm việc suốt đời cho nhà phú hộ để trả món nợ này. Xin đức vua nhân từban ân, để chúng con được làm trọn công đức với Tam Bảo.
Tuy bị từ chối, nhưng nhà vua rất cảm phục tấm lòng cao thượng của hai vợ chồng. Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần nghe, ai cũng đem lòng cảm phục. Và Ngài truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng làm ăn sinh sống để có cơ hội làm việc phước thiện. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có, tin sâu Tam Bảo hơn, thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường lợi ích cho tha nhân.
Thật là “nhân quả nhãn tiền,” người thực hành bố thí cúng dường với tâm thành kính, hoan hỷ, dám hy sinh như hai vợ chồng trong câu chuyện thật là hiếm thấy trong thời chúng ta.
Một vị minh quân, một ông vua sáng suốt, biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho dân, cho nuớc. Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng ngoại xâm, bên trong dân chúng sống thanh bình, no ấm, an vui như đang sống trong cõi Cực Lạc hiện tiền.
Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người Phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ. Tuy hành động bố thí vẫn có phước báu, nhưng lại tăng trưởng tâm cống cao, ngã mạn làm cho người nhận không vui ắt phải chịu quả báo không tốt về sau.
Chúng ta không nên mượn tiền để cúng dường, trừ trường hợp đặc biệt khi thấy người ta lâm vào hoàn cảnh quá ngặt nghèo mà không thể vận động được ai khác giúp đỡ, thế là buộc mình hy sinh mượn tiền để cúng dường thì đây là việc làm cao quý khó ai sánh bằng. Chỉ sợ trong tâm chúng ta có ý mong cầu danh lợi nên mới mượn tiền để cúng dường. Có trường hợp đặc biệt những người vay tiền để làm ăn chứ không phải để chủ tâm cúng dường, họ trích ra một phần nhỏ để cúng dường để cầu may mắn trong làm ăn. Đến lúc nào đó sự nghiệp sụp đổ, mọi người mới thắc mắc sao thấy người đó làm phước nhiều mà tại sao vẫn bị phá sản? Thật ra, mọi người đâu biết rằng cái phước ông làm được, nó quá nhỏ so với số tiền đã vay mượn quá lớn, nhưng làm ăn có khi thành công, có khi sụp đổ. Chính vì vậy, khi làm ăn chúng ta phải cân đối vừa với khả năng của mình, đừng vay mượn quá nhiều.
Trường hợp vì quá cần thiết để giúp người mà mình không có tiền nên buộc lòng phải vay mượn và cúng dường trọn vẹn số tiền đó thì chắc chắn người đó sẽ có phước báo lớn khi đủ duyên. Tuy nhiên, vẫn còn tốt hơn khi chúng ta biết cúng dường Tam bảo dù ít hay nhiều đó vẫn là thiện chí. Do đó, mọi chuyện làm phước cũng như chuyện làm ăn, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng trong khả năng cho phép.
Tam Bảo là ngọn đèn sáng giúp con người vượt qua tăm tối vô minh. Tam Bảo có khả năng chuyển hóaphiền não khổ đau thành an vui, hạnh phúc. Nhờ Tam Bảo ta biết được điều hay, lẽ phải, biết rõ thật sự sống của con người và muôn loài đều phải cưu mang, nương nhờ lẫn nhau. Vì vậy, người tu hành theo đạo Phật cần phát triển lòng thương yêu, tinh thần trách nhiệm và bổn phận giúp đỡ, gìn giữ sự sống cho mình và muôn loài chúng sanh. Do đó Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) như ba viên ngọc quý, không gì có thể so sánh được. Và Tam Bảo có sáu ý nghĩa không thể nghĩ bàn:
Một là nghĩa hy hữu, tức là hiếm có, khó được như vàng, bạc, kim cương, ngọc quý… người nghèo không thể có được. Phật, Pháp, Tăng cũng vậy, dù người ở sát bên chùa, nhưng thiếu phước cũng khó gặp, không thể thân cận với Tam Bảo nên gọi là hy hữu.
Hai là nghĩa ly cấu, tức lìa xa những việc xấu ác hay làm những việc tốt lành, như châu báu thế gian, trong sáng, sạch đẹp không tỳ vết, khó vấy bẩn. Phật, Pháp, Tăng cũng vậy, hay xa lìa phiền não, xấu ác nên gọi là Ly cấu.
Ba là nghĩa thế lực, như châu báu ở thế gian có thế lực lớn, giúp người vượt qua nghèo khó, còn dùng trị bệnh trúng độc. Tam Bảo cũng vậy, có đủ sáu thông (Lục thông), tùy cơ ứng biến, dứt kiếp nghèo khổ, giải thoát được sanh tử luân hồi nên gọi là thế lực.
Bốn là nghĩa trang nghiêm, như châu báu ở thế gian, làm đồ trang sức cho thân thể trở nên xinh đẹp, lộng lẫy, ai cũng muốn ngắm nhìn. Tam Bảo cũng vậy, lấy nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên làm nền tảng giúp người làm chủ bản thân, tâm trí trở nên sáng suốt, thanh tịnh, làm việc chân chánh nên gọi là trang nghiêm.
Năm là nghĩa tối thắng, như châu báu ở thế gian quý hơn tất cả mọi vật, nhưng xét cho cùng không quý bằng mạng sống con người. Tam Bảo cũng vậy, là pháp thù thắng hơn hết giúp người vượt qua nỗi khổ, niềm đau, sống được an vui, hạnh phúc nên gọi là tối thắng.
Sáu là nghĩa bất biến (không thay đổi) như vàng ròng ở thế gian, dù đập, nấu, mài, dủa vẫn không thay đổi bản chất. Tam Bảo cũng vậy, người thân cận Tam Bảo tất được an vui, hạnh phúc, không có gì cao hơn, hay hơn, không ai có thể làm tốt hơn, không bị vô thường chi phối, nước không thể cuốn trôi, lửa không thể thiêu đốt nên gọi là bất biến.
Vì vậy, thực hành cúng dường Tam Bảo là phước báu thù thắng hơn tất cả, bởi nhờ sự cúng dường này mà Tam Bảo được lan truyền rộng khắp và trường tồn ở thế gian để nhiều người nương tựa, tu học, thực hành những lời Phật dạy mà biết cách sống tốt đạo đẹp đời bằng tình người trong cuộc sống.