;
Cựu Tổng thống Latvia Vaira Vīķe-Freiberga nhấn mạnh tại Hội nghị Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương.
Những đồng điệu từ ước mơ hòa hợp dân tộc
Cựu tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga sinh ra tại Riga, Latvia nhưng bà đã cùng cha mẹ rời khỏi đó sau chiến tranh Thế giới thứ 2. Phần lớn tuổi thơ trải qua trong các trại tị nạn ở Đức nên Vaira hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình và hòa hợp dân tộc.
Bà Vaira chia sẻ, khi còn là một cô bé sống trong trại tị nạn ở Đông Đức, bà đã có cơ hội đọc một cuốn sách của một tác giả Latvia viết về thời điểm lịch sử đó của đất nước Latvia. Khi đó, Latvia cũng đã có một vị vua đứng lên lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách xâm lược nhưng cuộc kháng chiến đó đã thất bại. Cả nhà vua và hàng nghìn người dân đã phải chạy trốn hoặc chịu đi đày khỏi đất nước của mình và không bao giờ xuất hiện lại trong lịch sử của đất nước tôi nữa.
"Khi ấy, tôi đã khóc nhiều ngày liền vì không thể tin được là đất nước của tôi đã thất bại như thế và tôi đã nghĩ rằng, nếu mình là một vị vua vào thời điểm đó, nhất định mình sẽ tìm ra phương cách nào đó lãnh đạo đất nước đứng lên chống lại ách xâm lược của ngoại bang.", bà chia sẻ ước mơ thuở thiếu thời.
Chính vì thế, mọi người đều có thể hiểu được niềm hạnh phúc và tự hào của người phụ nữ Latvia với ý chí sắt đá, sau bao nhiêu năm tị nạn, lưu lạc ở nước ngoài, đã tìm đường trở về quê hương, ứng cử trở thành tổng thống.
Và bây giờ, ngay cả khi đã thôi giữ chức Tổng thống, Vaira Vike-Freiberga hoàn toàn có quyền giữ niềm tự hào ấy trọn đời khi bà từng được nhân dân Latvia tin cậy bầu giữ chức tổng thống hai nhiệm kỳ với tổng số phiếu tín nhiệm trên 90% ở lần bầu cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.
Bà Vaira Vike - Freiberga- Cựu Tổng thống Latvia. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Vaira đã lãnh đạo thành công một đất nước bây giờ đã là một quốc gia tự do, đưa được nước mình gia nhập liên minh châu Âu và sau đó là khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
"Tôi tin rằng điều đó đã giúp cho đất nước tôi ở vào một thế an toàn, được bảo vệ, và hy vọng là sẽ không bao giờ phải trải qua những đau thương của chiến tranh thêm một lần nào nữa.", bà Vaira tự tin khẳng định.
Ngay cả hiện nay, khi đã rời nhiệm kỳ Tổng thống, bà Vaira vẫn vừa một mặt vừa tích cực tham gia các hoạt đông quốc tế và lên tiếng bảo vệ tự do, bình đẳng và công bằng xã hội, mặt khác vẫn cùng cùng chồng là Imants Freibergs, giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính giảng dạy tại Canada nghiên cứu và 'số hóa' các tác phẩm văn hóa dân gian như một phần của tình yêu quê hương, dân tộc.
"Một đất nước nhỏ bé chỉ có vài triệu dân như Latvia lại có kho tàng văn hóa nghệ thuật hết sức phong phú. Chúng tôi muốn lưu giữ các giá trị tốt đẹp đó".
Ở bà Vaira, người ta vừa tìm thấy một ý chí chính trị 'thép', vừa nhận thấy tình yêu mãnh liệt với quê hương Latvia và các giá trị văn hóa truyền thống khi nghe bà hăng say nói về các công trình nghiên cứu văn học dân gian của mình.
Ấn tượng mạnh mẽ về vị vua hiền nước Việt
Với ý chí và tình yêu ấy, "Vaira Vike-Freiberga dường như là Trần Nhân Tông của đất nước Latvia thế kỷ 20", nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên TBT VietNamNet, TBT Open Minds Union chia sẻ suy nghĩ.
Có lẽ vì những đồng điệu ấy, tuy mới tìm hiểu về Việt Nam và Trần Nhân Tông, bà Vaira có thể nói rõ ràng mạch lạc những ấn tượng, suy nghĩ của mình về vị vua hiền nước Việt, và tỏ ra thấu hiểu các giá trị nhân văn, tinh thần hòa giải, yêu thương trong tư tưởng Trần Nhân Tông.
Bà cũng bày tỏ sự khâm phục với quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam với đầy hiểu biết lịch sử,"Tôi hiểu niềm tự hào của các bạn về một vị vua đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông không những một lần, hai lần mà những ba lần chỉ trong vòng một thế kỷ. Quân Nguyên - Mông khi đó là một đế chế mạnh nhất thế giới. Gót ngựa của họ không dừng lại ở châu Âu, châu Á nhưng đã bị đánh bại khi chạm đến biên giới Việt Nam"
Vào thế kỷ 13, khi Việt Nam đang trải qua những biến cố lịch sử lớn, thì đất nước Latvia cũng trải qua giai đoạn lịch sử tương đồng khi bị Tây Âu xâm lược. Cuộc thập tự chinh khi đó đã xâm lược cả một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm Latvia và Estonia ngày nay.
Theo bà Vaira, thời điểm khi đó nhân dân Latvia không thể đứng lên chống lại quân xâm lược bởi hai lí do. Thứ nhất, đó là sự thua kém về trình độ sản xuất vũ khí. Lí do thứ hai, mà cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Latvia và đất nước Việt Nam vào thế kỷ 15, "đó là nhân dân Latvia đã không thể đoàn kết với nhau dưới sự lãnh đạo của một vị lãnh đạo sáng suốt", bà Vaira khảng khái chia sẻ những ấn tượng về Trần Nhân Tông.
Có rất nhiều khía cạnh trong nhân cách con người Phật hoàng Trần Nhân Tông mà chúng ta đều cảm phục, nhưng theo Vaira, điều mà bà ấn tượng nhất là khi đang ở đỉnh cao của quyền lực, đang ngồi trên ngai vàng, Trần Nhân Tông vẫn sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, từ bỏ đỉnh cao của quyền lực và sống cuộc sống của một người tu hành bình thường.
Thực tế ngày nay, nhiều vị lãnh đạo trên thế giới trở thành lãnh đạo qua bầu cử, khi ở đỉnh cao của quyền lực, có địa vị trong tay, họ không muốn đánh mất quyền lực đó, không muốn rời bỏ vị trí của mình mà cứ bám rễ ở đó, gây cản trở cho đất nước mình, mà một trong những ví dụ mà chúng ta vừa chứng kiến là sự sụp đổ của chế độ Gaddafi, Lybia.
Bà chia sẻ câu chuyện cá nhân khi giảng ở Budapest với cử tọa là nhiều sinh viên và lãnh đạo trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều người đến từ châu Phi. Khi nghe bài giảng của bà Vaira, họ đã yêu cầu bà đến lục địa đen của họ và nói cho những nhà lãnh đạo ở Lục địa đen hiểu rằng, sau khi rời bỏ những vị trí tối cao của một đất nước, họ vẫn có thể có cuộc sống hạnh phúc, không cứ gì cứ phải bám lấy vị trí của mình bằng mọi cách.
Một danh nhân nổi tiếng thế giới đã từng nói "Tham nhũng quyền lực là tham nhũng tuyệt đối và những người đã có quyền lực luôn cảm thấy khó khăn khi phải từ bỏ quyền lực".
"Chính vì thế, bài học từ Phật hoàng Trần Nhân Tông từ cách đây 7 thế kỷ, người đã sẵn sàng từ bỏ quyền lực tuyệt đố để trở về cuộc sống đời thường, đã để lại bài học cho nhiều nhà lãnh đạo thế giới.", bà Vaira nhận định.
Đó không chỉ là vị vua đã đoàn kết nhân dân chống lại giặc ngoại xâm, mà còn là vị vua nhân từ, đức độ, không tìm cách trả thù sau những cuộc chiến, không trừng phạt những người dân thường đã đầu hàng quân địch bởi người hiểu họ quá sợ trước sức mạnh của quân địch. Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là nhà lãnh đạo chính trị, quân sự tài ba, mà ông còn là con người sống rất nhân văn, tâm linh, đó có lẽ là điều khiến ông quyết định trở thành nhà tu hành ở cuối đời.
"Tôi thấy đất nước Việt Nam của các bạn hết sức may mắn khi cách đây nhiều thế kỷ các bạn đã có một vị vua, vừa là một nhà thơ, một học giả, vừa là nhà nghiên cứu, một người rất vĩ đại, đã để lại nhiều tư tưởng, giá trị nhân văn cho các thế hệ sau. Những giá trị đó không chỉ đóng góp cho đất nước Việt Nam, mà còn có ý nghĩa với toàn nhân loại.", Cựu Tổng thống Vaira mỉm cười kết luận.
Cam kết đồng hành với ý tưởng lớn
Sau khi tìm hiểu và nghe nhiều chia sẻ của giới học giả, chuyên gia trong nước về Phật hoàng Trần Nhân Tông, Cựu Tổng thống Vaira Vike-Freiberga khẳng định sự ủng hộ và đồng hành của bà với Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương.
Lịch sử châu Âu cũng cho thấy, các cuộc chiến thường là sự đối đầu của các tôn giáo. Thực tế không có tôn giáo nào là tuyệt đối cả, nên được hiểu theo những cách khác nhau dựa trên các nền tảng văn hóa khác nhau.
"Điều đó nghĩa là mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo cần có quan điểm của riêng mình, không việc gì phải đối đầu với các tôn giáo, các quốc gia khác.", bà Vaira nhấn mạnh
Để có sự hòa hợp này có lẽ không có gì là khó, chỉ cần nhìn nhận, tất cả mọi người đều là con người, đều có cha, có mẹ. Một khi đã sống trên trái đất này, chúng ta đều có thể là anh em của nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể chung sống trên đất nước này bằng cách tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Các chính phủ của mỗi quốc gia cũng có thể tiến đến hòa bình trên toàn thế giới bằng cách tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia và hoàn toàn có thể xây dựng đất nước mình chung sống trong hòa bình, tôn trọng nhân quyền, thực thi pháp quyền, không có ai đứng trên luật pháp và mỗi người dân đều có cơ hội có những đóng góp cho xã hội bằng những khả năng tốt đẹp nhất của bản thân mình.
"Đó chính là lí do tại sao tôi rất ủng hộ ý tưởng và mong muốn thành lập giải thưởng Trần Nhân Tông để cổ vũ cho tình yêu thương và hòa giải trên trái đất, để chúng ta có thể chung sống hòa hợp trong cùng một thế giới.", nữ chính khách Latvia hào sảng nhấn mạnh trong tiếng vỗ tay không ngớt của các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam, như một sự khẳng định đồng hành và cổ vũ cho giải thưởng mang tên vị vua hiền, vị Phật hoàng nước Việt.
Tiến sỹ Vaira Vike-Freiberga là cựu tổng thống nước Cộng hòa Latvia nhiệm kì năm 1999 -2007. Bà đã thực hiện thành công chính sách đối ngoại của Latvia bằng cách hướng chúng vào EU và NATO. Đồng thời bà đã đưa Latvia có vị trí cao hơn trên thế giới thông qua những hoạt động của mình ở LHQ, Liên minh châu Âu và một số tổ chức quốc tế quan trọng khác.
Từng theo học tại thuộc địa của Pháp là Morocco và định cư ở Canada vào năm 1954. Năm 1965, sau khi có bằng tiến sĩ tại Đại học McGill, bà làm giáo sư tâm lý học tại Đại học Montreal trong nhiều năm và đã được công nhận là học giả liên ngành và chuyên gia về chính sách khoa học.
Hiện nay bà vẫn rất tích cực trong các hoạt đông quốc tế và tiếp tục lên tiếng bảo vệ tự do, bình đẳng và công bằng xã hội. Năm 2007, bà được bầu làm phó chủ tịch nhóm Đối lập về tương lai lâu dài của Châu Âu và bà còn là chủ tịch của nhóm cấp cao về tự do và đa sắc tộc trong truyền thông ở Liên minh Châu Âu.
Bà là thành viên của Hội đồng lãnh đạo phụ nữ thế giới, Câu lạc bộ Madrid ( nơi quy tụ các cựu Tổng thống, cựu Thủ tướng ),, và Hội đồng Châu Âu về Quan hệ đối ngoại. Bà đã được trao tặng hạng nhất tại giải thưởng Order of Merit lần thứ 37 và 17 học vị tiến sĩ danh dự, cũng như nhiều giải thưởng và danh hiệu vinh dự, bao gồm cả giải thưởng Hannah Arendt cho tư duy chính trị vào năm 2005 , huy chương Hayek năm 2009 trong việc thúc đẩy thương mại tự do , và giải thưởng Konrad Adenauer vào năm 2010 cho những đóng góp của bà trong việc xây dựng chính trị của một Châu Âu thống nhất.