;
Thắm tình quân dân với Phật giáo
Khi đoàn chúng tôi đặt chân đến thị trấn Trường Sa – huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cũng là quãng thời gian vừa hơn 2 tuần Đại đức Thích Giác Nghĩa chính thức lên đảo làm trụ trì chùa Trường Sa Lớn.
Nếu cuộc đời là những chuyến đi, thì với Đại đức Thích Giác Nghĩa, được phân công ra làm trụ trì chùa Trường Sa Lớn có lẽ là chuyến đi nhiều ý nghĩa nhất. Đấy không chỉ là chuyến đi vì nhiệm vụ Phật giáo giao phó mà còn thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc của một người dân đất Việt.
So với hai ngôi chùa lớn của Khánh Hòa là Vạn Đức và Phước Trí – nơi Đại đức Thích Giác Nghĩa đã từng trụ trì, chùa Trường Sa Lớn không khang trang, đầy đủ bằng (Ở hai ngôi chùa này, Đại đức Thích Giác Nghĩa có gần 50 đệ tử) nhưng đối với Đại đức, cuộc sống ở thị trấn Trường Sa lại êm dịu, trong lành và thanh tịnh rất phù hợp để tu luyện Phật pháp.
Cứ mỗi buổi sáng tinh mơ, hay khi bóng chiều sắp xế tà, Đại đức Thích Giác Nghĩa lại làm lễ, tụng kinh và khấn vái cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu cho cuộc sống mỗi ngày được thêm thanh bình.
Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết, so với cuộc sống ở đất liền, Trường Sa vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đổi lại, ở thị trấn này, tình quân dân với Phật giáo rất thắm thiết, mặn mà.
Từ ngày Đại đức Thích Giác Nghĩa làm trụ trì, Trường Sa Lớn như có thêm gia vị của cuộc sống, ngoài sự nhộn nhịp vốn có thì cuộc sống ở đây sinh động, phong phú hơn với hoạt động của đời sống tâm linh.
Khi màn đêm buông xuống, ánh điện ở thị trấn Trường Sa được thắp lên cũng là lúc những đứa trẻ trong thị trấn lại tíu tít vào chùa trò chuyện với các thầy, có đứa học thầy tụng kinh, niệm Phật, được nghe thầy kể chuyện…
Điều thay đổi hẳn trong nếp sống của người dân trên đảo kể từ khi Đại đức lên trụ trì chùa Trường Sa Lớn là vào mỗi dịp lễ hàng tháng, người dân đi hành hương cửa Phật, để cầu mong hạnh phúc, cầu cho cuộc sống bình an. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của người dân trên đảo Trường Sa Lớn với Phật giáo.
“Không chỉ người dân mà chiến sỹ trên đảo cũng rất quan tâm đến các thầy. Các thầy hết nước, các chiến sỹ đã đưa nước đến, khi các thầy hết rau xanh, các chiến sỹ đi hái tặng”, Đại đức Thích Giác Nghĩa xúc động cho biết.
Khi tôi rời Trường Sa Lớn được vài ngày cũng là lúc Đại đức tổ chức Lễ Phật đản đầu tiên kể từ khi nhận chức trụ trì. Tôi gọi điện chúc mừng thì Đại đức mừng rỡ bảo: “Thầy đã làm được một việc lớn đầu tiên cho quân dân ở Trường Sa Lớn”.
Lời nhắn gửi
“Mỗi chúng ta, những người con đất Việt dù theo tôn giáo nào, ở cương vị nào sẽ cũng vì một mục đích chung làm thế nào để quốc thái dân an, dân tộc trường tồn” – Đấy là câu chuyện trao đổi của hai người ở hai cương vị trị trí khác nhau: Một người đang là trụ trì ở chùa Trường Sa Lớn còn một người là lãnh đạo ngành tài chính ra thăm đảo.
Trong câu chuyện của mình với bà Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, Đại đức Thích Giác Nghĩa thể hiện niềm tự hào khi được ra Trường Sa Lớn để hành đạo, được chăm lo đời sống tâm linh cho nhân dân, chiến sỹ ở nơi đây. Trong câu chuyện của mình, Đại đức thể hiện niềm trăn trở.
Trên biển Đông, qua thời gian, đã vùi chôn sinh mạng của nhiều đồng bào dân tộc ta, trong đó có những chiến sỹ ta đã hy sinh vì sự toàn vẹn của lãnh thổ, cũng như linh hồn những con người của dân tộc khác.
Đại đức mong muốn, những người đang sống nên cùng nhau chia sẻ nỗi đau thương với người nằm ở dưới đáy biển. Một chút tri ân, một lễ cầu siêu của những đoàn đến thăm đảo cũng đủ làm yên lòng phần nào những người đã ngã xuống.
Chiều Trường Sa vẫn nắng gắt. Ánh nắng trải dài, lấp lánh trên mặt biển. Nắng bao phủ khắp thị trấn như thêu như dệt nên cái chất sống cứng cỏi vốn có ở nơi đây. Trong giờ phút chia tay đoàn công tác, Đại đức ra tận cầu tàu đưa tiễn. Với cây bút lông trên tay, thầy nắn nót viết từng chữ lên những viên đá làm kỷ niệm cho các thành viên trong đoàn công tác. Đấy là kỷ niệm của một chuyến đi trong đời đối với mỗi người, là cơ duyên gặp gỡ của những người sống ở đất liền với Phật giáo ở Trường Sa./.
Việt Đức/ VOV online