;
Hình minh họa - internet
Ngài nói: “Phù trụ trì giả, tu cụ tam chủng lực, thứ bất bại sự” (phàm trụ trì thì cần phải có đủ ba lực, mới khỏi hỏng việc). Nói như bây giờ, làm trụ trì phải có ba điều kiện thì quý vị mới trở thành vị trụ trì giỏi, hộ trì chính pháp, giáo hóa chúng sinh. Ba điều kiện gì vậy?
Thứ nhất là ĐẠO lực, thứ hai là DUYÊN lực, thứ ba là TRÍ lực. Ba điều kiện ấy rất trọng yếu. “Đạo là Thể, Duyên và Trí là Dụng”. Phải thực sự có Đạo!
Thế nào là Đạo? Minh tâm kiến tính là Đạo.......Đạo là Thể, đạo là gì? Đạo là thực sự thông đạt, hiểu rõ Thật Tướng của các pháp. Trong thế gian này, bất cứ hoàn cảnh nào, thuận cảnh, nghịch cảnh, thuận duyên, ác duyên, thực sự chẳng nhiễm mảy trần. Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng...
Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” toàn là nói về sự thật. Chẳng những pháp thế gian chẳng nhiễm trước, mà Phật pháp cũng chẳng nhiễm trước, đấy là chân chính hữu đạo! Như trong kinh luận thường hay nói “Tùy duyên nhưng chẳng phan duyên”, tùy duyên nhưng chẳng chấp vào tướng tùy duyên. Đấy là điều kiện đầu tiên.
Nếu vẫn còn có một mảy vọng tưởng, chấp trước chưa thể buông xuống thì sẽ không được! Làm sao anh có thể lãnh chúng? Tự mình vẫn chưa có thành tựu thì dẫn mọi người đi về đâu đây? Chẳng cáng đáng nổi địa vị ấy, trách nhiệm rất nặng!
Duyên, quan trọng nhất là pháp duyên và nhân duyên. Pháp duyên và nhân duyên tốt, làm việc dễ dàng, có người giúp đỡ, ít nhọc lòng. Nói như bây giờ là nhân lực, tài lực, vật lực thảy đều là duyên. Quý vị trụ trì một đạo tràng lớn nào, trong đạo tràng có nhiều người cùng tu một chỗ, nếu nhân lực, vật lực, tài lực khó khăn, tu hành ắt gặp chướng ngại.
Nhà Phật thường nói: “Pháp luân vị chuyển, thực luân tiên” (bánh xe pháp chưa chuyển, bánh xe ăn đã lăn trước). Nếu quý vị ăn chẳng no, tu đạo rất nhọc nhằn. Cuộc sống khổ sở một chút không quan trọng lắm, nói chung, cốt sao ăn no, mặc ấm. Áo cũ rách một chút cũng không sao, miễn sao chống được lạnh. Trà thô, cơm nhạt, miễn sao no dạ, tâm yên, đạo thịnh. Thân tâm bất an chắc chắc tu hành có trở ngại, nhất là khi tiếp dẫn kẻ sơ cơ, duyên rất trọng yếu. Xử sự, tiếp người, đãi vật phải có trí tuệ; không có trí tuệ sẽ chẳng thể viên dung.
Quý vị thấy lão nhân gia nói làm trụ trì phải có đủ ba điều kiện như thế, trọng yếu nhất là đạo. Đạo là Thể- Duyên và Trí là Dụng. “Hữu kỳ Thể, nhi khuyết kỳ Dụng, thượng khả vi chi” (Có Thể mà thiếu Dụng thì vẫn có thể làm được):
Có đạo, nhưng duyên và trí chẳng đủ thì vẫn ổn. Khuyết điểm là “hóa quyền bất châu, sự nghi bất bị” (quyền giáo hóa chẳng trọn, sự nghi chẳng đủ), giáo hóa chúng sinh chẳng viên mãn lắm, chẳng thành công lắm, trật tự lo liệu mọi việc chẳng hoàn bị.
Vì sao vậy? Do chẳng đủ trí, thường hay bị sơ sót, vẫn cứ phải cho qua, làm miễn cưỡng!
“Sử đạo thể ký khuy, tiện vô dị vô toán, tuy duyên dữ trí, diệc hề vi tai” (Nếu đạo thể đã khuyết, thì chẳng khác gì không đáng kể đến nữa. Dù có duyên và trí cũng chẳng làm gì được!). Đây là lời cảm thán, nếu đạo thể chẳng có, chưa kiến đạo, chưa ngộ đạo thì cũng chẳng đáng tính đến. Chữ “toán” trong câu “vô dị vô toán” (chẳng khác gì không đáng tính đến) là tính toán. Dù có chút duyên và trí, vẫn là vô dụng, chẳng cách nào bổ cứu được!
Nói cách khác, hoằng pháp lợi sinh, nối tiếp tuệ mạng Phật, việc ấy anh làm chẳng được. Nếu “Thể, Dụng tịnh khuyết, nhi mạo yên cư chi, viết nhân, viết quả” (Thể, Dụng cùng khuyết, cứ mạo muội nhận lãnh, nói nhân, nói quả): Đây là trách nhiệm phải gánh lấy nhân quả.
Quý vị có sợ nhân quả hay không? Chẳng có Thể cũng chẳng có Dụng, duyên chẳng đủ, duyên chẳng đủ sẽ thành gì? Thành ra phan duyên! Ngày ngày ở trong nhà vắt óc, tà tri, tà kiến, nghĩ mọi phương pháp phan duyên, thật là lầm lạc quá sức, khởi tâm động niệm không gì chẳng phải tội!
Pháp duyên do đời trước, đời này kết thành, tự nhiên xảy đến. Nếu khởi tâm động niệm toan đi ra ngoài hóa duyên (kêu gọi quyên góp) là lầm mất rồi, chẳng có đạo gì cả!
Chúng ta hãy lắng lòng quan sát tổ sư đại đức trong các đời, các Ngài kiến lập đạo tràng giáo hóa chúng sinh, duyên đều tự động đưa đến, đã vậy, còn sao nữa? [Các Ngài] có muốn cự tuyệt cũng cự chẳng được. Người ta thành tâm thành ý đến chỗ Ngài tu bố thí cúng dường, họ đến tu phúc, tuyệt đối chẳng cần chèo kéo họ.
Đối với danh vọng, hễ thật tu bèn được tiếng, chẳng phải như trong hiện tại, dùng đủ mọi phương pháp để được nổi danh, chẳng phải vậy! Người tu đạo phải làm như thế nào? Nhất định chẳng được phan duyên. Hoàng đế triệu kiến thiền sư Trung Phong mấy lượt, Ngài chẳng đến chầu!
Rốt cuộc, Thiền Sư vẫn từ khước trụ trì chùa Linh Ẩn. Lời Ngài vừa nói đó đáng để cho chúng ta ngày nay phản tỉnh. Nếu chính chúng ta kiến lập một đạo tràng, quý vị phải dùng tiêu chuẩn của Ngài để cân nhắc: Rốt cuộc, đối với Phật pháp, đối với xã hội, đối với chúng sinh, chúng ta có công hay có tội vậy?
(Trích khai thị của thiền sư Trung Phong)
Trung Phong Thiền Sư. Ngài sanh vào cuối đời Tống, Sư sống qua năm đời hoàng đế triều Nguyên. Đầu tiên là Hốt Tất Liệt, tức Nguyên Thế Tổ. Thứ hai là Thành Tông Thiết Mục Nhĩ, thứ ba là Võ Tông, thứ tư là Nhân Tông, thứ năm là Anh Tông, sống suốt năm đời hoàng đế.
Năm 1313, nhằm thời đại Nguyên Nhân Tông, là đời hoàng đế thứ tư của nhà Nguyên. Năm ấy, Thừa Tướng lễ thỉnh pháp sư đến tư dinh, ta thường gọi là Tướng Phủ, khẩn khoản thỉnh thiền sư Trung Phong trụ trì Linh Ẩn Thiền Tự. Ngôi chùa này rất nổi tiếng tại Hàng Châu.
Quý vị đều biết đời Tống có một vị hòa thường rất lừng danh là trưởng lão Tế Công, Tế Công trưởng lão trụ tại chùa Linh Ẩn. Nơi đây còn giữ rất nhiều di tích về Ngài, có thể nói là đạo tràng bậc nhất của Hàng Châu. Thừa Tướng khẩn khoản thỉnh Sư về làm trụ trì. Thiền sư Trung Phong từ tạ. Trong Tướng Phủ có một số quan lớn hiện diện, lại lễ thỉnh, mọi người đều thỉnh, tợ hồ đương thời không có ai có đạo đức, được mọi người ngưỡng vọng hơn Ngài cả!
Họ lại thỉnh cầu Ngài thuận theo nguyện vọng của đại chúng, mong Ngài sẽ làm trụ trì, nhằm khôi phục lại đạo tràng này, xin Ngài đừng thoái thác. Lão nhân gia bèn nói một câu hết sức quan trọng. Ngài nói: “Phù trụ trì giả, tu cụ tam chủng lực, thứ bất bại sự” (phàm trụ trì thì cần phải có đủ ba lực, mới khỏi hỏng việc).
Nói như bây giờ, làm trụ trì phải có ba điều kiện thì quý vị mới trở thành vị trụ trì giỏi, hộ trì chánh pháp, giáo hóa chúng sanh. Ba điều kiện gì vậy? Thứ nhất là đạo lực, thứ hai là duyên lực, thứ ba là trí lực.
Ba điều kiện ấy rất trọng yếu. “Đạo là Thể, Duyên và Trí là Dụng”. Phải thực sự có Đạo! Thế nào là Đạo? Minh tâm kiến tánh là Đạo. Nói thật ra, lão nhân gia thực sự có đạo, ba điều kiện đều hội đủ, vì sao Ngài lại phải làm như vậy? Nhằm giáo hóa đệ tử đời sau. Ở đây, Ngài diễn tuồng, biểu diễn, khiêm hư nói mình thiếu đạo, chẳng có trí, chẳng thể nói là không duyên. Pháp duyên của Ngài rất thạnh.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
凈空老法師主講
地點: 澳州凈宗学會
寳光字弟子如和譯
Tập 2: 0'0 -7'34
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa