;
Cha tao, cha mày
Tôi rất ngán thái độ chia rẽ con người với con người bằng cách dán cho tôn giáo này nhãn hiệu này, tôn giáo khác nhãn hiệu khác, rồi phong cho cái này là tốt, là đúng, chê bai cái kia là thấp kém, là lầm lạc. Thái độ ấy cũng vô lý và đáng thương như câu chuyện mấy đứa trẻ mồ côi đập nhau chí tử, để tranh cãi rằng: “Cha tao giàu hơn cha mày, mạnh hơn cha mày, v.v…”, mà không biết rằng chúng đều là anh em ruột cùng chung cha mẹ!
Thông thường, người ta hay bảo Ky Tô Giáo, Khổng Giáo, là “tích cực, nhập thế”, còn Phật giáo, Lão Giáo là “tiêu cực, xuất thế”. Để dẹp bớt cái luận điệu tào lao này, tôi sẽ nêu lên một số tính chất tiêu cực và xuất thế trong tư tưởng Ky Tô Giáo, rồi nhìn qua vài khía cạnh tích cực, nhập thế của Phật giáo. Tôi cũng có thể viết một bài tương tự với Khổng và Lão Giáo, nhưng đó không phải là chủ đề của bài viết này.
Vài mặt tiêu cực trong tư tưởng Ky Tô giáo
Xin chọn vài thí dụ, lấy từ thần học của Thánh Augustin (354-430), được coi như một cột trụ của Giáo Lý Ky Tô Giáo. Vị thánh này là người đã “sáng chế” ra “tội Tổ Tông” hay “tội nguyên thủy” (péché originel), để chống lại quan điểm “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của Thầy Tu Pélage (mất năm 418). Trong khi Pélage cho rằng con người có tự do, và có thể tích cực chọn lựa giữa làm việc thiện hay làm việc ác, thì Augustin quả quyết con người chỉ có thể làm việc ác, và chỉ khi nào được hưởng nhờ Hồng Ân Thiên Chúa con người mới biết làm việc thiện, để hy vọng được cứu rỗi. Quan điểm này hoàn toàn tiêu cực, nhất là khi Augustin nhấn mạnh là Thiên Chúa chỉ ban phát Hồng Ân của Ngài cho một số người được chọn lọc (praedestinati), theo những tiêu chuẩn riêng của Ngài mà không ai có thể hiểu nổi. Tuy nói vậy, nhưng Augustin cũng vẫn “bật mí” cho chúng ta biết một tiêu chuẩn trọng yếu: đó là số người được hưởng nhờ ơn Chúa, và được giải thoát, phải bằng với con số Thiên Thần bị giáng chức và bị tống cổ ra khỏi Thiên Đàng. Những người còn lại, thuộc về tập thể bị loại trừ (massa perditionis), sẽ bị thiêu đốt đời đời trong Hỏa Ngục. Ý kiến “tiền định” tương tự cũng có thể được nhận thấy trong Thánh Thư của Thánh Phao Lô gửi tín hữu La Mã (8:28-30).
Như vậy, bạn đọc thân mến, tôi rất hân hạnh được báo cho bạn biết, nếu bạn chưa biết, rằng trên nguyên tắc, bạn là một tên tội lỗi, hèn hạ, xấu xa, dơ dáy, ác ôn, độc địa. Một tên… phản động, phản cách mạng! Tương lai tốt đẹp nhất mà bạn có thể mơ ước là sự thiêu đốt đời đời trong Hỏa Ngục giữa một bầy ác quỷ vô cùng kinh tởm. Tuy nhiên, giả sử trong muôn một, có một anh Thiên Thần ấm ớ nào đó bị đuổi khỏi Thiên Quốc, và bạn lọt được lên trên ấy để thế vào chỗ của anh ta, thì đó là do Ơn Chúa, được ban phát cho bạn, chứ chẳng phải vì bạn xứng đáng chi cả. Vả lại, bạn cũng chẳng thể làm được điều gì xứng đáng, vì bản thân của bạn là xấu xa, tội lỗi. Nói cách khác, bạn hoàn toàn bó tay và chỉ có thể trông nhờ nơi Ơn Chúa. Mà Ơn Chúa có ban phát hay không ban phát cho ai thì lại đã được định đoạt từ ngàn đời trước rồi! Tôi gọi đó là một tư tưởng tiêu cực, bạn nghĩ sao ?
Nếu từ lập luận này mà tôi bảo Ky Tô Giáo là tiêu cực, thì nhiều người sẽ trích dẫn một triệu lẻ một kinh điển ra để minh chứng ngược lại, rằng Ky Tô giáo rất tích cực, và họ có lý. Điều này cho thấy không thể từ một số suy tưởng cục bộ mà dán một nhãn hiệu lên cho một tôn giáo !
Vài khía cạnh tích cực trong tư tưởng Phật giáo
Phật giáo coi bản tánh của mọi chúng sanh đều là Phật. Chỉ cần bỏ những mù quáng, mê chấp, thì nhận ngay ra mình là Phật. Không ai bị bỏ rơi, không có “massa perditionnis” vì mọi người đều là Phật, bỏ sao được? Đó là một điểm tích cực quan trọng. Mặt khác, cũng không cần sự cứu rỗi từ bên ngoài vì Phật ở sẵn trong mình rồi, chứ nào có ở đâu trên mây trên gió mà phải nhào tới cứu độ mình? Tức là mỗi người cần tích cực đi tìm giải thoát, với sự soi sáng tự nhiên của Phật Tính nơi mình, để thay đổi cách nhìn của mình về sự vật, về mình, và để tìm thấy chính mình.
Trên con đường tu tập, Phật giáo dạy phải thực nghiệm, chẳng nên tin vào giáo điều lý thuyết chi cả. Tức là phải tích cực tìm hiểu, chứ không thụ động tin theo ông thần này hay ông thánh nọ, để rồi mù quáng tiêu cực loại bỏ những gì không nằm trong “giáo lý” của mình.
Đối với vấn đề thiện ác, Phật giáo có một nhãn quan đặc biệt tích cực. Khi sự ác được chấp nhận như hậu quả của lẽ nhân duyên, thì không còn có thái độ tiêu cực loại bỏ. Kẻ sát nhân, người gian hiểm, chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân của nghiệp báo chập chùng, nhân duyên trùng điệp, chứ trong bản tánh họ vẫn là Phật kia mà! Biết đâu chính vì những hành động tàn ác kia mà họ ý thức, giác ngộ và trở thành bậc Chánh Giác ? Với tinh thần ấy, người ta thông cảm, tìm hiểu những nhân duyên của một hành động tàn ác, và tìm cách nâng đỡ, chứ không loại trừ cá nhân làm việc ác ấy. Nếu có phê phán, thì người ta phê phán hành động chứ không phê phán con người. Điều này rất tích cực, vì nó không bao giờ loại bỏ khả năng hướng thiện dù trong bất cứ tình huống nào.
Nói: Anh “là” xấu xa, như trong ngôn ngữ Tây phương thông thường (you are bad), rất khác với: “anh đã làm một việc xấu xa”. Câu nói thứ hai có ý nghĩa tích cực quan trọng. Tương tự như vậy, trong trị liệu, tôi thường cố gắng nói với bệnh nhân: “Vous avez une dépression” (anh hay chị đang mắc chứng suy nhược thần kinh), thay vì: “Vous êtes déprimé” (anh chị “là” suy nhược thần kinh). Với câu nói ấy, tôi cố gieo một chủng tử tích cực, hướng tâm lý người bệnh về một hướng tích cực, thuận lợi cho sự lành bệnh.
Những quan điểm vừa nêu có phải là đặc thù của Phật giáo hay không ? Hoàn toàn không. Chẳng hạn dưới một hình thức khác, những quan điểm ấy đều hiện hữu trong tư tưởng Ky Tô giáo. Thật vậy, tôi có thể tìm thấy tất cả những gì tôi vừa nói về Phật giáo trong Thánh Kinh. Vậy, đạo nào tích cực ? Đạo nào tiêu cực ?
Tư tưởng xuất thế trong Ky Tô giáo
Chúng ta có thể dựa vào một số lời nói của chính Đức Ky Tô để nhận ra một khuynh hướng xuất thế rất đậm nét trong Kitô giáo.
- Trong Phúc Âm thánh Gioan (15:19), Đức Ky Tô nói rất rõ với các môn đệ, tức là với toàn thể Ky Tô hữu: “Các con không thuộc về thế gian, thầy đã đặt các con ra ngoài thế gian”. Và khi toàn quyền La Mã Pilatô tra vấn Ngài, Ngài cũng tuyên bố: “Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian” (Gio-An.18:36).
- Thật ra, Đức Ky Tô không những chủ trương đứng ngoài thế gian, mà Ngài còn coi thế gian là nguồn của sự dữ, là vương quốc của Ác quỷ, là sự chống phá lại công trình của Ngài. Ngài nói: “Thế gian thù ghét Ta vì Ta chứng minh được rằng những công trình của thế gian đều xấu xa” (Gio-an 7:7). Một lúc khác, trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài nói: “Con đã truyền cho họ (các môn đệ) lời nói của Cha và thế gian đã thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, như chính con cũng không thuộc về thế gian.” (Gioan 17:14). Rõ rệt hơn nhất, trong Gioan 12:31, Ngài gọi Ác quỷ là “Vua của thế gian” và trong Gioan 12:30, Ngài phán: “Từ nay, Ta không còn nói chuyện với anh em được nữa, vì Vua của thế gian này đã đến”.
Bây giờ tôi xin bạn chú ý đến một câu chuyện được kể lại trong tất cả các bộ Phúc Âm trừ Phúc Âm Gioan. Đó là chuyện Ác quỷ cám dỗ Đức Ki Tô : Trước khi Đức Ki Tô thu nhận môn đệ và bắt đầu giảng dạy, Ngài đã vào sa mạc tĩnh tâm một thời gian. Lúc ấy, Ác quỷ đến cám dỗ Ngài. Có ba sự cám dỗ, sau khi Đức Ki Tô đã vượt qua hai sự cám dỗ đầu tiên, thì Ác quỷ đưa Ngài lên một đỉnh núi cao và chỉ cho Ngài thấy tất cả thế gian với những vương quốc giàu mạnh, vinh quang, những lâu đài lộng lẫy, những thú vui vô số và bảo Ngài phải khuất phục nó, thì thế gian sẽ thuộc về Ngài. Đương nhiên là Đức Ky Tô lại khước từ thêm một lần nữa, với câu nói bất hủ: “Vade retro, Satanas” (Sa Tăng, hãy cút đi !). Đức Thích Ca cũng đã từng bị Quỷ Vương cám dỗ một cách tương tự ...
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy Ác quỷ Satăng chính là Vua của thế gian, và Đức Ky Tô với quyền năng của Ngài, cũng có thể ngự trị trên thế gian, y hệt như Ác quỷ. Mặc dầu vậy, Đức Kitô đã chọn khước từ thế gian, thậm chí sau này còn chấp nhận cho thế gian giết chết mình …
Thật ra quan điểm xuất thế đã hiện hữu trong tư tưởng Do Thái, đặc biệt từ khi dân tộc này bị lưu đày vào năm 538 tới 587 trước Công Nguyên. Khi ấy trong nổi buồn tha hương, vong quốc, đất nước hoàn toàn bị phá hủy, người Do Thái chỉ còn biết ngước mắt kỳ vọng nơi một quê hương trên trời. Quê hương thật, đất nước thật của họ, từ đó, chính là Nước Trời, chứ không còn là một mảnh đất nào trên cõi thế nữa. Thánh Phao Lô, trong Thánh Thư gửi người Do Thái (11:14), cũng đã nhắc lại niềm tin này.
Một tư tưởng khác rất phổ thông trong Ky Tô giáo, là sự xác quyết sẽ có một ngày tận thế. Tất cả những gì con người xây dựng được nơi thế gian đều sẽ bị hủy diệt. Đức Ky Tô, trong các đoạn Phúc Âm Mát-Têô 24, Mác-cô 13 và Lu-ca 21 đã nói về vấn đề này. Tức là sẽ không có một thế gian tốt đẹp, viên mãn, trường cửu như con người thường ước mong. Lịch sử sẽ không phải là giòng sông đưa nhân loại đến bờ hạnh phúc, hay con đường xa lộ dẫn cái xã hội mà ta đang sống đến với Thiên Chúa như Hegel từng quan niệm. Nước Chúa sẽ không phải là sự nối dài của cái xã hội mà ta đang sống, đang chăm lo bồi đắp. “Tất cả đều sẽ bị hủy diệt” đó là lời Chúa !
Nhiều người sẽ nói: đó là chuyện xa vời, ngay bây giờ, vẫn phải chăm lo cho gia đình, cho xã hội, cố sức xây dựng bình an hạnh phúc, v.v.. Đó là những ý tưởng rất chính đáng của đại đa số con người. Nhưng Đức Ky Tô nghĩ sao ?
Về gia đình, Ngài bảo với các môn đệ, tức với tất cả chúng ta, rằng phải bỏ hết tất cả những ràng buộc gia đình, để theo Ngài: “Nếu kẻ nào đến với ta mà không từ bỏ cha mẹ mình, vợ con mình, và cả chính đời sống của mình, thì người ấy không thể là môn đệ của ta” (Lu-ca 14-26). Khi có môn đệ xin được về nhà từ giã gia đình trước khi lên đường theo Ngài, Đức Kitô từ chối ngay tức khắc và nạt rằng: “Kẻ nào đã bắt tay vào cày ruộng (tức là đã theo Ta) mà còn nhìn về phía sau, thì kẻ ấy không xứng đáng vào Nước Chúa!” (Lu-ca 9-26). Một môn đệ khác xin về chôn cất cha mình vừa mới qua đời, ngài cũng từ chối rằng: “Cứ để người chết chôn người chết, phần anh hãy đi rao giảng nước Trời” (Lu-ca 9:59-60). Phải nói là Chính Đức Ky Tô cũng đã hoàn toàn từ bỏ gia đình mình. Trong Phúc Âm, không khi nào thấy Ngài gọi mẹ Ngài là “mẹ”, mà chỉ nói “Bà kia”. Và một ngày nọ khi đang ở giữa đám đông, thì có người đến báo tin cho Ngài biết rằng: “ Mẹ anh và các em anh đang tìm anh ngoài kia”. Đức Ky Ttô rảo mắt nhìn quanh cử tọa, rồi nói: “Đây là mẹ ta, đây là anh em ta, tất cả những ai hành động theo thánh ý Chúa, đều là mẹ và anh em ta” (Mác-cô 3:32-35).
Còn đối với xã hội ? Đức Ky Tô nói rất rõ: “Đừng lầm tưởng rằng ta đến để mang lại hòa bình trên trần thế, ta không đến để đem lại bình an, mà chính là để đem lại gươm đao, cho người con trai nổi lên chống lại cha mình, người con gái chống lại mẹ mình, người con dâu chống lại mẹ chồng, người trong một gia đình đối nghịch lại với nhau” (Mát-Thêô 10:34-35). Trong Phúc Âm Lu-ca, Ngài cũng nói một câu tương tự (Lu-ca 12:51-53). Việc “đem lại gươm đao” cũng được nhắc đến ở đoạn Phúc Âm Lu-ca 22-36, khi Đức Ky Tô nói với các môn đệ: “Ai chưa có võ khí thì hãy bán áo choàng của mình đi mà mua lấy một thanh gươm”.
Đương nhiên là thái độ này của Đức Ky Tô không mấy gì là “politically correct”, và nhiều người “thông minh” hơn Ngài đã phải lập tức giải thích rằng: Ngài nói vậy nhưng phải hiểu khác, phải hiểu rằng, thì, mà, là … ngược lại ! Cũng như khi Ngài dạy phải bỏ hết tiền bạc, tài sản, hay cho rằng “Người có của vào nước Trời còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Những lời nói ấy làm rộn sự “bình an” hưởng thụ của nhiều người. Họ không thể nào chấp nhận chúng được. Vì thế, họ phải dạy khôn Đức Ky Tô, bảo Ngài phải hiểu những lời Ngài nói một cách khác, hợp với những nếp suy tư trưởng giả và những ham muốn thường tình của họ hơn. Đừng quên, người đương thời đã đem Chúa Kitô ra đóng đinh trên thập giá, thậm chí ngay chính những kẻ trong gia đình Ngài cũng đã muốn bắt giữ Ngài, vì họ cho rằng: “Nó đã mất trí !” (Mác-cô 13:21)
Phật giáo và khái niệm nhập thế
Phật giáo không phân biệt thế gian với “ngoài thế gian”. Tất cả đều là tâm (vạn Pháp quy tâm). Vậy thì chỉ có Tâm. Nếu chỉ có Tâm mà thôi, thì xuất thế phải ra ngoài Tâm. Khi ấy, thử hỏi cái gì sẽ ra ngoài Tâm? Có phải cũng là tâm hay không? Tâm làm sao phải ra ngoài Tâm được? Vậy, Phật giáo không thể xuất thế !
Một cách nói khác: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, vậy thì Phật ở đầy trong thế gian này, nhìn đâu cũng thấy Phật, Phật làm sao mà xuất thế được? Đây cũng là một cách giải thích nghệ thuật của Phật giáo, đặc biệt là của Thiền Tông, với những bài thơ hay những bức họa đầy tình thân ái, mô tả những cảnh vật nhiều khi rất nhỏ nhoi, những con người nhiều khi rất bé mọn, những động tác nhiều khi rất tầm thường, diễn đạt niềm cảm thông sâu sắc với tất cả những gì chung quanh. Nhất định là các nghệ sĩ và Thiền sĩ ấy không khước từ thế gian, không coi thế gian là hiện thân của sự Ác… Sự Ác có chăng thì chỉ là kết quả của vô minh, chứ dưới tấm màn vô minh ấy, vẫn luôn tiềm tàng Phật tính. Có khác với tư tưởng của Đức Ky Tô hay không? Tôi nghĩ là không khác mặc dù những gì tôi vừa viết ở đoạn trên còn cần được trình bày rõ ràng hơn. Xin hẹn bạn dịp khác.
Một loại lập luận khác có thể được nêu lên là: hạnh nguyện Bồ Tát, từ chối sự giải thoát cho riêng mình khi còn bất cứ chúng sinh nào chưa được giải thoát, chính là một tư tưởng nhập thế triệt để. Phật giáo Mật Tông cũng tin ở Phương Đông có một vị Phật tên là Aksobhya (A Súc Bệ), tượng trưng cho sự nhập thế, cứu độ, đi từ vô biên vào thế giới hữu hạn để thực hiện sự cứu độ và đi từ hữu hạn đến vô biên để thực hiện sự giải thoát...
Danh hiệu của Quỷ vương
Trong truyền thống Do Thái, Ky Tô và Hồi Giáo, người ta gọi Ác Quỷ là Sa Tăng. Bạn có biết chữ ấy nghĩa là gì không? Trong tiếng Do Thái cổ, chữ ấy được dùng để chỉ người có trách nhiệm lên án trong một phiên tòa, như một loại Công Tố Viên ngày nay vậy. Nói rộng ra, tất cả những kẻ lên án người khác, đều có thể được gọi là Sa Tăng ! Và khi chúng ta lên án bất cứ ai, thì đó chính là tiếng nói của Quỷ Vương trong chúng ta. Vì thế, Đức Kitô mới nói: “Đừng lên án, để khỏi bị lên án”. Và nhất là đừng lên án cả một tập thể, cả một cộng đồng, thậm chí cả một phần nhân loại, vì tín ngưỡng của họ. Bạn có thể nghĩ được rằng tất cả những người không cùng tôn giáo với bạn, trong đó có bạn bè của bạn, thậm chí ông bà tổ tiên của bạn, đều đáng bị liệng xuống một địa ngục nào đó hay không? Phải chăng họ đều là những ác quỷ, hay những “chuẩn ác quỷ”? Dù cho bạn có thuộc về tôn giáo nào đi chăng nữa, thì bạn cũng vẫn là thiểu số trong toàn nhân loại. Vì thế lên án những người khác tôn giáo với mình, chính là tự đặt mình vào một địa ngục ngay từ bây giờ với vô số “ác quỷ” nhan nhản chung quanh mình !
Thật ra, có những sự lên án gay gắt, nhưng cũng có những chê bai lịch sự, tuy không kém phần trịch thượng, kiểu như: Đạo ấy chưa hiểu tới, hay chưa đạt đến trình độ này, trình độ khác. Tôi nói thái độ này cũng vẫn là một sự lên án, vì ta không thể biết nó sẽ trở thành gay gắt lúc nào, và vì nó có thể gợi lên những phản ứng gay gắt nơi những người bị mình chỉ trích. Thái độ ấy cũng vẫn là thái độ của Sa Tăng, của Ác Quỷ.
Hơn lúc nào hết, cần đi tìm những điều giống nhau trong các tôn giáo, các giòng tư tưởng, hơn là đào sâu những khác biệt. Riêng trong sự tìm hiểu những điều cốt lõi của Ky Tô giáo và Phật giáo, thì tôi có thể xác quyết với bạn rằng : quả thực, tôi không hề thấy điều chi mâu thuẫn giữa hai tôn giáo này.
Nguyễn Hoài Vân
Đặng thai qui Đặng
Có sự khác biệt căn bản : Đạo Phật khuyên từ bi - hỉ xả. Phật không nói ai đi ngược với giáo lí của Phật thì sẽ chết. Còn Ky tô giáo khuyên tất cả mọi người phải theo về với Chúa. Ai đi ngược với ý Chúa (không làm theo lời của Chúa ) đều phải chết . Một phía thì ôn hòa , một phía thì mạnh mẽ , kiên quyết .
Thích Trả lời 11/4/2016 2:50:11 PM