;
Hơn một thế kỷ sau vào năm 1741 Nữ hoàng Nga Elizaveta Petrovna ra đạo dụ chính thức thừa nhận Phật giáo là một trong những tôn giáo được tồn tại ở Nga. Phật giáo truyền vào nước Nga không những thu hút thiện nam tín nữ tu tập mà còn phản ảnh vào văn học.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoi (1828-1910) là một trong những người đầu tiên viết về cuộc đời Đức Phật. Năm 1905 ông đã viết tiểu luận Phật Đà (Budda) và vào đầu năm 1910 ông đã viết lời nói đầu cho tác phẩm Tất Đạt Đa (Siddhartha) của P.Bulanje kể về cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa từ khi ra đời cho đến lúc đắc đạo.
Đạo Phật là tôn giáo cổ truyền của dân Buriat, Tuva, Kalmyk. Những dân tộc châu Á này sinh sống trong các nước cộng hòa riêng của mình nằm trong Liên Bang Nga. Đó là Cộng hòa Buriatia, Cộng hòa Tuva (hai nước này gần hồ Baikal ở miền Đông) và Cộng hòa Kalmykia (gần biển Caspi ở miền Nam). Đã có Phật tử thì phải có chùa. Năm 1907 một ngôi chùa có tên là Ustuu - Khuree của dân Tuva được xây dựng ở Chadan.
Mác đã từng khẳng định: "Tôn giáo là thuốc phiện của loài người". Trong một tuyên bố khác ông nói nhẹ nhàng hơn: "Tôn giáo là tiếng thở dài của sinh vật bị áp bức ". Khi bàn về tôn giáo Lênin đã nói: "Mỗi ý niệm về tôn giáo, về Thượng Đế, mỗi lời tán tỉnh với ý tưởng Thượng Đế, tất cả chỉ là những gì bỉ ổi, xấu xa nhất không thể diễn tả được, một thứ bỉ ổi xấu xa nguy hiểm nhất, một thứ bệnh truyền nhiễm kinh tởm nhất".
Vì vậy sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, nhà nước đã ra sắc luật tước bỏ mọi quyền hành của các giáo hội trong đó có quyền sở hữu tài sản tôn giáo kể cả các báu vật được cất giữ trong các nhà thờ. Lúc đầu chính quyền còn bận đàn áp khốc liệt Chính thống giáo (Orthodox), Hồi giáo và Giáo hội Grigorian Armenia, nên Phật giáo hầu như chưa bị đụng đến.
Từ cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX Phật giáo ở Nga cũng không tránh khỏi số phận đen tối của mình. Hầu hết các chùa cố định (datsan) và các chùa du mục ( dugan) đều bị đóng cửa hay triệt hạ, tài sản nhà chùa bị tịch thu, các báu vật bị cướp mất. Các tượng Phật và đồ thờ cúng cái bằng gỗ thì bị thiêu đốt, bằng kim loại thì đưa vào viện bảo tàng hoặc lò luyện kim. Các sư Lạt ma bị bắt buộc hoàn tục hoặc bị bắt giam và lưu đày trong các trại tù Gulag.
Gulag là tên gọi tắt của Tổng cục Lao cải Liên Xô (Tiếng Nga: Главное управление исправительно-трудовых лагерей и колоний) được chính thức thành lập tháng 4/1930. Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt Giải Nobel Văn học năm 1970 đã viết về những trại tù này trong tác phẩm Quần đảo Gulag của mình, nơi hành hạ những tù nhân khổ sai cho đến chết.
Trong bối cảnh ấy ngôi chùa Ustuu - Khuree của dân Tuva xây dựng ở Chadan đã bị san thành bình địa vào năm 1937. Tượng Phật bị phá hủy, kinh sách bị vứt trên thảo nguyên. Đàn cừu của nhà chùa nuôi bị tịch thu và giao cho nông trang tập thể.
Pháp nạn của Phật giáo ở Nga kéo dài trong nhiều thập niên, mãi đến khi có cuộc perestroika (cải tổ), chính quyền Liên Xô buộc lòng phải nới rộng quyền tự do tín ngưỡng thì đạo Phật bắt đầu được hồi phục.
Đặc biệt trong những năm gần đây, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, ảnh hưởng của đạo Phật lan mạnh, nhiều tổ chức Phật giáo đã xuất hiện ở các thành phố lớn, trước hết là ở Moskva, Sankt Peterburg. Phật giáo cũng lan đến Ukraina (thành phố Kiev, vùng Donetsk), Belarussia (thành phố Minsk).
Cũng như ở các nước Âu Mỹ, Phật giáo có sức hấp dẫn trước tiên đối với tầng lớp thanh niên Nga có học thức, ham tìm hiểu, những người này thích nghiên cứu sâu về giáo lý của đạo Phật, về văn hóa và triết học cổ đại phương Đông, về yoga, về thiền định.
Trong bối cảnh ấy năm 2008 trên một cánh đồng gần nền cũ ngôi chùa Ustuu - Khuree của dân Tuva, ngôi chùa mới được khởi công xây dựng. Ngôi chùa mới sẽ là một bản sao chính xác ngôi chùa đã bị san bằng vào năm 1937.
Nhờ Phật phù hộ đến năm 2012 việc xây cất hoàn thành và nhằm ngày 23/7/2012 một nghi lễ hoành tráng đã được tổ chức để đánh dấu sự mở cửa trở lại của ngôi chùa. Một vạn người đã đến Chadan thuộc nước Cộng hòa Tuva (Liên bang Nga) để tham dự lễ lạc thành, trong đó bao gồm một cuộc diễu hành rước 1.000 bức tượng Phật.
Xung quanh ngôi chùa người ta dự định xây dựng một khu phức hợp gồm trường học, Trung tâm Y học Tây Tạng và một Trung Tâm Dược lý. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng giáo lý của Ngài lại được sáng tỏ.
Huỳnh Văn Úc - VCV