;
>Để trờ thành Phật tử chân chính - Phần1
BÀI 3- QUY Y TAM BẢO ĐỂ HOÀN THIỆN CHÍNH MÌNH
“Quy” nghĩa là quay về, “y” nghĩa là nương tựa. Chúng ta trở về nương tựa Phật-Pháp-Tăng gọi là quy y Tam bảo.
Từ lâu, chúng ta chìm đắm trong biển khổ sông mê, mãi chạy theo tiền bạc của cải, quyền cao chức trọng, sắp đẹp, ăn sung mặc sướng, ngủ nghỉ thoải mái mà tạo nghiệp đau khổ làm tổn hại đến người và vật. Nay chúng ta hồi tâm thức tỉnh, quyết định trở về nương tựa Tam Bảo để làm mới lại chính mình.
Chính vì vậy, trước khi muốn quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử chính thức chúng ta cần phải tìm hiểu mục đích mình muốn theo đuổi và tôn thờ. Có tìm hiểu kỹ chúng ta mới có niềm tin vững chắc và lâu dài, việc làm của ta mới có ý nghĩa và sự chọn lựa của mình mới thật sự là của người có hiểu biết chân chính.
Nhờ nương tựa Tam bảo nên chúng ta lần hồi chuyển hóa được những nghiệp xấu ác có tính cách làm mình và người khổ đau mà hay giúp đỡ, sẻ chia, đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người. Ðây chính là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện nương tựa Tam bảo để làm mới lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Chúng ta nguyện noi theo con đường đức Phật đã đi là quy y Phật, quyết tâm thực hành những lời chỉ dạy của Phật còn ghi lại trong kinh điển là quy y Pháp, tin tưởng và nghe theo sự hướng dẫn tu hành của chúng Tăng là quy y Tăng. Sau khi làm lễ quy y xong, chúng ta sẽ lấy Tam bảo làm hành trang trong cuộc sống để tiến tu cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi.
Đối với Phật pháp, người Phật tử đã có niềm tin chân chính có nghĩa là không còn gì phải nghi ngờ nữa. Tăng là đoàn thể sống an vui, hòa hợp đúng với tinh thần cùng chia vui sớt khổ không còn vì lợi ích cho riêng mình. Vị thầy nào đứng ra làm lễ quy y cho quý Phật tử thì chính vị ấy đại diện cho đoàn thể Tăng, đại diện cho Phật.
Chúng ta quy y Tăng là quy y với những vị thầy sống đúng theo tinh thần lục hòa, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Chúng ta tin chư Tăng nhưng không nên quá thần tượng. Phật tử có quyền học hỏi tất cả Tăng chúng, không nên hạn hẹp nơi vị thầy của mình, được vậy mới đúng tinh thần quy y Tam bảo hình thức bên ngoài.
Ngoài việc nương tựa Tam Bảo bên ngoài để học hỏi và tu sửa, chúng ta phải biết quay lại chính mình mà nương tựa Tam bảo tự tâm. Nếu chúng ta chỉ nương tựa suông Tam bảo bên ngoài để cầu khẩn, van xin mà không phát triển Tam bảo tự tâm thì chỉ uổng công vô ích giống như người nấu cát mà muốn thành cơm.
Như thế nào là Tam bảo tự tâm? Tánh giác sáng suốt sẵn có nơi chúng ta là Phật bảo, lòng từ bi thương xót hằng cứu giúp chúng sinh là Pháp bảo, tâm hòa hợp sống vui vẻ, thuận thảo với mọi người là Tăng bảo.
Nhờ Phật bảo bên ngoài chúng ta quay trở lại chính mình để nương tựa tánh giác thanh tịnh, sáng suốt là quy y Phật. Nhờ học Pháp bảo bên ngoài chúng ta mở lòng rộng lớn đối với chúng sinh để nương tựa lòng từ bi của chính mình là quy y Pháp. Do nương tựa, thân cận học hỏi chư Tăng bên ngoài chúng ta mới biết cách gạn lọc phiền não tham-sân-si mà quay trở lại điều phục tâm mình là quy y Tăng.
Phật-Pháp-Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật-Pháp-Tăng của tự tâm. Cũng lại như thế, có Tam bảo bên ngoài người Phật tử cố gắng quay lại Tam bảo tự tâm để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ, từ bi mà sống an vui, hạnh phúc với tinh thần vô ngã vị tha.
Tam Bảo bên ngoài là điều kiện cần thiết đối với người Phật tử, nhưng để được giác ngộ giải thoát và thành Phật thì chúng ta phải quay lại Tam bảo tự tâm, tin chính mình là Phật để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và sống lại với tính giác sáng suốt của mình.
Nếu chúng ta chỉ biết có Tam bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý, chỉ theo hình thức suông. Một bề tin vào Tam bảo của tự tâm mà không cần biết đến Tam bảo bên ngoài là chấp lý bỏ sự, vô tình rơi vào bệnh cống cao ngã mạn. Người Phật tử chân chính phải khéo léo vận dụng sự lý hài hòa mới có thể tiến tu mà thành tựu được kết quả tốt đẹp.
Nếu chúng ta tin hiểu Phật pháp mà không quy y Tam bảo thì như vậy có thiệt thòi gì không? Dĩ nhiên chúng ta sẽ thiệt thòi rất nhiều, trước tiên là không được dịp thân cận chư Tăng để được học hỏi và tu hành theo lời Phật dạy, sau hết là không kết duyên với Tam bảo nên chúng ta dễ lầm đường lạc lối, không biết đâu là chánh tà, đúng sai, phải quấy, tốt xấu…
Người đã quy y Tam bảo và người không quy y khi phạm tội sẽ bị tội bằng nhau. Nhiều người không hiểu sợ quy y rồi thì tội sẽ nặng hơn, hiểu như vậy còn quá thiển cận. Người không quy y khi phạm tội vì không có chỗ nương tựa nên quan niệm chết là hết, do đó họ có thể tiếp tục gây tạo tội lỗi mà không biết hồi đầu, ăn năn sám hối.
Người đã quy y sẽ ý thức rằng mình là đệ tử Phật thì phải là người tốt, vì tập khí thói quen nhiều đời nên họ mới phạm tội như vậy. Nghĩ như thế nên họ biết hổ thẹn, ăn năn sám hối hứa chừa bỏ và cố gắng không tái phạm nữa, nhờ vậy mà tội lỗi lần hồi được tiêu trừ.
Chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay tham lam, sân giận, si mê, ganh ghét, tật đố, tranh giành, giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta không quy y Tam bảo, không bắt chước công hạnh độ sinh từ-bi-hỷ-xả của Phật thì sự tham lam, sân hận mỗi ngày lại tăng thêm. Sân hận lâu ngày thì sẽ mắng chửi rồi đánh đập và giết hại. Đó là nguyên nhân dẫn đến tù tội và sau này bị đọa địa ngục chịu khổ đau vô số kiếp.
Không quy y Pháp tức là không tìm hiểu lời dạy chân chính của Đức Phật để biết phân biệt chánh tà, đúng sai nên dấy khởi tâm tham muốn quá đáng làm cho ta trở thành kẻ ích kỷ, bỏn sẻn mà bị đọa vào chỗ thiếu thốn, đói khát là loài ngạ quỷ (quỷ đói).
Không quy y Tăng có nghĩa là chúng ta không biết nương tựa vào gương sáng của những người tu hành chân chính mà biết tin sâu nhân quả để tránh ác làm lành nên tâm si mê ngày càng thêm lớn, nhân ngu si sau này sẽ khiến ta bị đọa vào loài súc sinh để trả quả.
Vậy người muốn quy y Tam bảo phải làm sao? Trước nhất là tìm một vị tu hành có giới hạnh trang nghiêm, học thức uyên bác thay mặt chúng Tăng bạch Phật làm lễ truyền thọ ba pháp quy y trước điện Phật. Trong lúc nghe ba pháp quy y thì mình nhất tâm hướng về Tam Bảo và thiết tha phát nguyện giữ ba pháp ấy trọn đời dù gặp hoàn cảnh nào cũng không thay đổi, như thế lễ quy y mới được thành tựu viên mãn.
Khi chúng ta đã tin Phật mà chưa quy y thì có được gọi là Phật tử không? Chỉ bắt đầu từ giờ phút nhất tâm thọ trì ba pháp quy y trước điện Phật do các vị tu hành thanh tịnh truyền thọ giới pháp thì ta mới chính thức là một Phật tử, hay nói đúng hơn là một người cư sĩ tại gia.
BÀI 4- XÁC ĐỊNH LẬP TRƯỜNG KHI QUY Y
Trọng tâm chủ yếu trong buổi lễ Quy y cho người cư sĩ tại gia là quý Phật tử sẽ quỳ trước Tam Bảo phát nguyện ba lần: "Ðệ tử tên là... xin suốt đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng".
Ba lần phát nguyện như vậy là chúng ta đã bắt đầu gieo hạt giống từ bi, trí tuệ vào sâu trong tàng thức khiến ta luôn ghi nhớ mãi đời đời không quên. Ðây là tinh thần tự nguyện, tự giác của một người khi mới bước chân vào đạo sau khi đã nhận thức rằng một người Phật tử sẽ có cơ hội sống tốt hơn để ngày càng hoàn thiện chính mình.
Hình thức nghi lễ chỉ giúp cho ta có đủ niềm tin đối với Tam bảo trong giờ phút phát nguyện ấy thôi, còn thực hành được hay không là do ta phải cố gắng, quyết tâm, kiên trì bền bỉ làm chủ bản thân từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động không làm tổn hại mình và người khác.
Câu phát nguyện này phát xuất tự đáy lòng quý Phật tử, không do sự ép buộc, xúi giục nào từ bên ngoài. Đạo Phật không bắt buộc chúng ta thề thốt nặng nề để không bỏ đạo mà kêu gọi người Phật tử phải tự ý thức trách nhiệm của mình khi muốn làm một việc gì.
Trong đạo Phật hoàn toàn không có sự dụ dỗ, ép buộc để theo đạo mà chỉ khuyên nhủ mọi người trước khi tin một điều gì phải tìm hiểu cho kỹ. Khi chúng ta đã tự nhận thức rõ ràng về đạo Phật thì sẽ phát triển lòng tin với đạo không còn nghi ngờ điều gì vì đã tin sâu nhân quả, biết làm lành tránh dữ, tin mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.
Khi muốn làm một việc gì chúng ta trước tiên phải hiểu rõ rồi mới theo là hành động đúng đắn của người Phật tử chân chính. Sử dụng những chiêu thuật huyền bí hay phép lạ, hoặc dùng tiền bạc để dụ dỗ người vào đạo là sự lường gạt. Chư Tăng và Phật tử có bổn phận giải thích để người khác hiểu mà tự giác phát tâm quy y chớ không nên dùng phù phép tà ma ủy mị. Nghi thức trang nghiêm, trịnh trọng trong buổi lễ quy y chỉ là trợ duyên cho lời phát nguyện của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Sau khi quy y Tam bảo rồi chúng ta xác định lập trường của mình một lần nữa bằng cách lặp lại câu:
"Quy y Phật, không quy y thiên, thần, quỉ, vật".
Chúng ta sau khi đã tìm hiểu và nhận định kỹ càng, quyết chí tu hành theo Phật vì Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, không còn bị phiền não tham-sân-si chi phối nữa. Các thiên, thần, quỉ, vật vẫn còn chịu luân hồi sinh tử khổ đau trong 3 cõi 6 đường, chính vì vậy khi quy y Phật rồi chúng ta không quy y theo thiên, thần, quỉ, vật. Tuy nhiên, vẫn có một số Phật tử đã qui y Phật rồi mà vẫn chạy theo sùng bái quỉ thần do họ chưa đủ niềm tin về Phật pháp bởi lòng tham muốn quá đáng sai sử hoặc thích sự mầu nhiệm, linh thiêng, huyền bí.
"Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo".
Lời Phật dạy là chân lý do sự tu chứng mà thấy chứ không phải do suy đoán vu vơ, huyền hoặc luôn cứu giúp chúng sinh chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ như ông thầy thuốc giỏi chữa lành cho bệnh nhân. Vì hiểu được lẽ chân thực do gieo nhân tốt mà gặt quả tốt nên chúng ta không quy y ngoại đạo tà giáo.
Lời dạy của Phật thiết thực và chân lý dựa trên nền tảng nhân quả theo nguyên lý duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt”. Do đó, chúng ta sẽ không còn mê tín dị đoan mà tin theo ngoại đạo tà giáo như tin có ông trời ban phước giáng họa, hoặc nghe ai nói tu theo tôi từ 3 tháng đến 6 tháng là thành Phật thì ta biết những người này là tà đạo, không phải Phật pháp chân chính.
"Quy y Tăng, không quy y thầy tà bạn dữ nhóm ác".
Chúng ta đã chọn đoàn thể Tăng sống an vui, hạnh phúc theo tinh thần lục hòa. Nhờ vậy, chúng ta thường xuyên thân cận bậc có giới đức để được học hỏi và tu hành mà còn có cơ hội đóng góp những lợi ích thiết thực khác.
Thầy tà bạn dữ nhóm ác là những người có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự tu học của chúng ta. Chính vì vậy, ta cần phải tránh xa vì "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Người Phật tử chân chính phải can đảm giữ vững lập trường về con đường mình đã chọn, cho dù có bị mọi người khinh rẽ, coi thường ta vẫn giữ trọn vẹn niềm tin vì khi muốn làm việc gì ta đã nghiệm xét rõ ràng, đâu phải kẻ si mê mù quáng không biết tốt xấu, đúng sai.
Quy y Tam bảo là nấc thang đầu tiên giúp ta từng bước tiến trên con đường giác ngộ, trở về quê hương cực lạc. Chính vì thế, Quy y Tam bảo có tầm quan trọng vô cùng giúp chúng ta ý thức rằng mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, do đó mà ta không ỷ lại nương tựa suông mà càng cố gắng nhiều hơn nữa.
Ai muốn đến với đạo Phật để được giác ngộ phải từ cửa quy y mà vào, nếu không như thế thì việc học Phật sẽ mất căn bản. Bởi nó đóng vai trò quan trọng như vậy nên người Phật tử phải thận trọng trong việc phát nguyện quy y với sự tự nguyện tha thiết của mình.
Nghe nói có vô lượng chư Phật trong 10 phương thế giới, vậy chúng ta nên thờ đức Phật nào là đúng nhất? Dĩ nhiên chúng ta phải thờ đức Phật Thích ca Mâu-ni vì ngài là người khai sáng ra đạo Phật, các vị Phật khác là do đức phật Thích-ca nói lại trong các bản kinh, tùy theo quan niệm của mọi người mà việc thờ Phật được trang nghiêm hơn.
Để việc thờ được trang nghiêm ta nên thờ Tam thế Phật, Phật Thích-ca ở giữa hai vị Phật khác, hoặc thờ Phật Thích-ca ở giữa hai vị Bồ tát. Nếu chúng ta không thờ Phật Thích-ca mà thờ các vị Phật khác là có lỗi, chúng ta phải tôn trọng đức Phật lịch sử vì nếu không có ngài làm sao chúng ta biết được đạo Phật. Đây là cách thờ Phật đúng nguồn gốc lịch sử và chúng ta là người biết cung kính, tôn trọng người sáng lập ra đạo Phật.
BÀI 5- GIỮ NĂM GIỚI LÀ NGUỒN AN VUI, HẠNH PHÚC
Thế giới loài người chúng ta từ ngàn xưa cho đến nay thường xảy ra chiến tranh binh đao, ganh ghét thù hận. Con người giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư của chính mình, gia đình mình, đất nước mình bởi do lòng tham muốn quá đáng, do sự chấp ngã là ta, là tôi, là mình…
Đức Phật đã thấy rõ thế giới này phải tương tàn tương sát lẫn nhau để bảo tồn mạng sống theo nguyên lý duyên sinh lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, ăn nuốt lẫn nhau không có ngày thôi dứt.
Một gia đình nếu có thương yêu và hiểu biết thì cha mẹ luôn khuyên răn và dạy dỗ con em không nên làm các việc xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.
Giới như ngọn đèn sáng hay phá tan tối tăm, mờ mịt. Giới như sức mạnh hay dựng đứng những gì đã ngã. Giới như ánh sáng trí tuệ hay chuyển hóa các phiền muộn, khổ đau.
Giới là phương thuốc nhiệm mầu,
Chữa lành các bệnh khổ đau ở đời.
1-Giới thứ nhất: Tôn trọng và bảo vệ sự sống
5 Giới là con đường sáng hay dập tắt tối tăm, si mê, mờ mịt, là thành trì vững chắc để chúng ta thăng tiến trên con đường giác ngộ và thành Phật. 5 Giới là nền tảng căn bản của thế giới loài người do Phật chế ra vì lòng từ bi thương xót chúng sinh giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để được sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Nếu chúng ta là người sống có văn hóa, có đạo đức, có nhân cách, có hiểu biết, có kết nối, có yêu thương, có đức tính từ bi thì ta phải biết tôn trọng, bảo vệ sự sống chung của muôn loài. Người Phật tử chân chính phải phát nguyện không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác phá hủy bừa bãi làm ảnh hưởng chung cho thế giới loài người.
Chúng ta không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng. Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại kẻ khác. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng.
Giới thứ nhất giúp ta thấy được những khổ đau do sự giết hại gây ra nên người Phật tử chân chính quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài. Chúng ta không giết người, không trực tiếp giết hay xúi bảo người khác giết, hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết.
Người Phật tử chân chính biết hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào không còn tâm niệm giết hại nữa. Muốn được như vậy chúng ta phải tự biết xấu hổ khi cố ý hoặc vô tình làm tổn hại các loài vật khác, phải cảm thấy thẹn thùng mắc cỡ vì mình không làm được như thế khi thấy người khác biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.
Sự sống vô cùng quý giá, từ con người cho đến muôn vật ai cũng tham sống sợ chết, niềm vui căn bản của tất cả chúng sinh là được sống an vui, bình yên, hạnh phúc, mạng sống không bị đe dọa.
Khi thấy con người bị bất hạnh khổ đau đang sống trong phập phòng lo sợ, chúng ta tìm cách chia sẻ nhằm xoa dịu bớt nỗi khổ niềm đau giúp người qua cơn hoạn nạn. Chúng ta biết hiến tặng niềm vui cho kẻ khác để mọi người đều được sống an vui và hạnh phúc, biết san sẻ nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt sự lo lắng và sợ hãi cho mọi người. Nếu chúng ta làm được như vậy thì ta đã thực hiện được 4 tâm niệm lớn của một vị Bồ tát, mà Bồ tát là người giác ngộ từng phần cho đến khi nào viên mãn bằng Phật mới thôi.
Giết hại tức hủy diệt mạng sống của một chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng trong hiện tại và mai sau là bệnh hoạn, chết yểu và bị giết hại trở lại bởi oán giận, thù hằn. Người Phật chân chính cần phải suy xét cho thấu đáo giới này vì nó là nhân của người không có lòng từ bi thương yêu bình đẳng muôn loài vật.
2-Giới thứ hai: Không được gian tham trộm cướp
Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, người Phật tử chân chính nguyện mở rộng tấm lòng thương xót, không xâm hại tài sản vật chất của người khác để đem lại niềm vui sống đến với tất cả mọi người. Chúng ta phải ý thức dù là một cây kim cọng chỉ nếu không phải của mình hay người khác không cho thì không được tự ý lấy làm của riêng.
Trộm có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.
Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.
Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm giờ thì tiền mất tật mang. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của thì cũng không thể tự do sử dụng.
Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhãn mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hội mà báo chí thường đăng tải là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt.
Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.
3-Giới thứ ba: Bảo vệ hạnh phúc gia đình
Ý thức được những khổ đau do xâm phạm tiết hạnh của người khác, người Phật tử chân chính nguyện chỉ sống một vợ một chồng chung thủy có đôi, không dan díu ăn nằm với người khác nếu không phải là vợ hoặc chồng. Chúng ta phải ý thức rằng tà dâm là hành động sai lầm về tình dục nam nữ làm mất đi nhân cách của con người.
Người Phật tử chân chính khi lớn khôn có quyền cưới vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình. Song, ngoài vợ chồng chính thức ta không được quan hệ tình dục với người khác vì đó là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người. Đi tìm thú vui trong chốn thanh lâu cho đến cưỡng bức xâm hại người khác, hoặc nam nữ đã có gia đình hay chưa có thường phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm.
Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra. Nhiều vụ án xảy ra do ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch hoặc giết người dã man.
Bản chất của chúng sinh là ái dục, chính vì điều đó mà chúng ta có mặt trong cuộc đời này nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng trong vấn đề tình dục. Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép thì dễ đánh mất nhân cách, phẩm chất đạo đức. Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, mắng nhiếc, đánh đập và chia lìa, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, người Phật tử chân chính hãy sống chung thủy một chồng một vợ để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình.
Việc sinh hoạt tình dục với người cùng huyết thống, tức là người thân trong gia đình, hay còn gọi là loạn luân còn tệ hại hơn cả tà dâm. Quan hệ tình dục giữa người và thú gọi là cuồng dâm vì đánh mất hết tính người. Một vấn đề hết sức tréo ngoe khác là quan hệ tình dục giữa người nam với người nam gọi là pê đê, người nữ với người nữ gọi là đồng tính luyến ái đã phá bỏ tập tục truyền giống làm người. Còn một điều tệ hại hơn nữa là quan hệ tình dục giữa người trưởng thành và trẻ em thiếu niên nhi đồng. Trường hợp này gọi là bạo dâm và không còn từ ngữ nào diễn tả xác đáng hơn nữa.
Nói chung, do hưởng thụ khoái lạc xác thịt quá đáng và sai lầm trong quan hệ tình dục nên phát sinh ra những trường hợp lắc léo trên. Người Phật tử chân chính nếu muốn có một nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt trong hiện tại và mai sau để không rơi vào trường hợp ngoại tình và các quan hệ tình dục bất chính khác thì phải phát nguyện làm đệ tử Phật, gìn giữ 5 Giới pháp trong sạch mới không bị rơi vào hố sâu của đam mê, tội lỗi.
4-Giới thứ tư: Không nói dối và biết lắng nghe
Bồ tát Quán Thế Âm là một người do tu hạnh nhĩ căn viên thông - phản văn văn tự tánh, trở về tánh nghe của mình mà thành tựu đạo quả, sau đó phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh bằng hạnh lắng nghe và dùng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu để giúp mọi người vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi, bất hạnh, khổ đau.
Bồ tát là một con người mẫu mực đã mở ra cánh cửa “Phổ Môn” rộng khắp thế giới Ta bà để mang lại niềm an vui, hạnh phúc chân thật cho nhiều người và sẵn sàng san sẻ để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tất cả chúng sinh với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu tỉnh giác gây ra, người Phật tử chân chính xin học và làm theo hạnh lắng nghe cùng lời nói thương yêu, hòa nhã bằng trái tim hiểu biết.
Lời nói rất quan trọng, có thể tác động tới tâm tư mọi người khiến họ hạnh phúc hay đau khổ. Do đó, chúng ta nguyện sẽ nói lời chân thật và không nói dối để tránh làm tổn hại mọi người.
Lời nói có thể mang lại niềm an vui hạnh phúc cho nhiều người, giúp họ có niềm tin, ý chí và nghị lực trong cuộc sống để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lời từ ái, hòa nhã, dễ thương làm cho con người thích gần gũi nhau hơn.
Người Phật tử chân chính nguyện không nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc hứa với người mà không giữ lời, hay hứa rồi mà tráo trở, lật lọng. Chúng ta không nói lời ly gián làm hai bên hiểu lầm nhau mà sinh ra thù hận. Việc làm này còn độc hại hơn cả rắn độc vì làm cho người thân chia lìa, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù, xã hội trở nên loạn lạc, lầm than vì không còn tin tưởng lẫn nhau. Ta không dùng lời nói thêu dệt, nịnh hót làm xiêu lòng người, hoặc dùng lời nói thô ác như nói nặng, mắng nhiếc, chửi rủa, dùng lời lẽ thô tục để lăng nhục người. Người Phật tử hãy học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để lắng nghe, nói lời hòa nhã từ ái và luôn đem niềm vui đến với tất cả mọi người.
5-Giới thứ năm: Nguyện giữ thân tâm trong sáng, lành mạnh
Xã hội ngày nay đang trên đà tiến bộ của nhân loại làm con người ngày càng sa đọa bởi những thói quen hưởng thụ không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích độc hại như xì ke ma túy. Một khi đã nghiện rượu và ma túy con nghiện sẽ làm bất cứ điều gì khi cơn ghiền đến như nói dối, lường gạt, ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm và ngay cả giết người.
Rượu chè, ma túy, xì ke
Say sưa, nghiện ngập khiến người ngu si.
Túng cùng chẳng biết làm sao
Lường gạt, trộm cướp, giết người như chơi.
Rượu là chỉ chung cho những chất gây say, gây nghiện làm con người mất hết lý trí, mất bình tĩnh khi đã quá đà. Rượu làm thân tâm nóng nãy dẫn đến tranh chấp, cãi vã, nói nặng lời với nhau khiến tự ái phát sinh rồi giận dỗi đưa đến xô xát gây thương tích và có thể giết người. Tai nạn giao thông chiếm 60% bởi do uống rượu lái xe. Trộm cướp, hiếp dâm, giết người do uống rượu chiếm 10%. Bạo hành gia đình chiếm 20%, gây mất trật tự an toàn lối xóm chiếm 10% cũng do uống rượu.
Rượu còn là nguyên nhân gây bạo hành gia đình làm khổ lụy vợ con, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm làm hao tài tốn của và mau chết sớm.
Ma túy làm hao tiền tốn của, hủy diệt con người không còn lý trí, lương tâm và là tệ nạn nguy hiểm số một của nhân loại, tác hại của nó còn gấp trăm ngàn lần rượu. Vì lòng tham của con người và vì lợi nhuận quá cao nên việc mua bán ma túy là một hiểm họa diệt vong của loài người trong tương lai nếu không có biện pháp ngăn chặn thích đáng.
Bản chất của chúng sinh là ái dục và đam mê hưởng thụ. Chỉ có các bậc hiền thánh và các vị Bồ tát mới biết ngăn ngừa từ nhân vì biết rõ sự tác hại của nó.
Ma túy hủy diệt mầm sống con người nhanh nhất trong hiện tại và mai sau, làm tổn thất tài sản lớn nhất hiện nay và làm cho con người mất hết phẩm chất đạo đức, nhân cách sống bình thường. Người mua bán ma túy vì lợi nhuận quá cao nên bất chấp luân thường đạo lý đem thứ chết người gieo giắc trong thiên hạ. Người đã nghiện ma túy sẽ trở thành tội phạm đến 95%, họ có thể trộm cướp, lường gạt và giết người một cách vô tội vạ. Đã dính vào vòng này muôn người chỉ có một hai người mới thoát ra được.
Rượu tác hại một, ma túy tác hại gấp trăm ngàn lần. Chính vì vậy, chúng ta hãy ý thức được những khổ đau do uống rượu say sưa, nghiện ngập và sử dụng các chất ma túy độc hại gây ra làm cho con người mất hết lý trí, lương tâm, tự hủy diệt chính mình và làm hại nhiều người khác. Người Phật tử chân chính nguyện sẽ không dùng những chất độc hại đó để tâm trí được sáng suốt, lắng trong mà có cơ hội hoàn thiện chính mình, giúp ích cho gia đình và xã hội.
BÀI 6- CHẮP TAY VÀ CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
A- Chắp tay xá chào Tăng Ni
Khi Phật tử gặp quý Thầy Cô thì đứng ngay ngắn trang nghiêm, hai tay chắp lại theo hình búp sen trước ngực, đầu cuối xuống và miệng niệm câu Nam mô Phật-đà.
Chắp tay hình búp sen trước ngực đầu cuối xuống là tỏ lòng thành kính đối với Tăng, Ni. Chúng ta niệm nam mô Phật-đà là cung kính tưởng nhớ đức Phật Thích-ca là con người bằng xương bằng thịt được sinh ra từ bụng mẹ tại đất nước Ấn Độ.
Nam mô có nghĩa là cung kính. Phật-đà là dịch âm tiếng Phạn của chữ ”Buddha”, dịch nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức, là người có tấm lòng từ bi rộng lớn thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.
Nam mô Phật-đà nghĩa là chúng ta cung kính tôn trọng đức Phật, đức Phật ở đây là chỉ cho Phật Thích-ca Mâu-ni, là người đã khai sáng ra đạo Phật. Phật và chúng sinh đều có tính giác sáng suốt bình đẳng như nhau vì ngài là một con người giống như tất cả mọi người chúng ta.
Xá chào cung kính là sự khiêm cung tỏ lòng biết ơn với người đã dày công hướng dẫn Phật pháp cho chúng ta, nhờ vậy làm giảm đi sự cống cao ngã mạn của bản thân do ngu si, mê muội chấp thân tâm này làm ngã.
B- Tin tâm mình là Phật
Chúng ta tin tâm mình là Phật và tỏ lòng biết ơn, cung kính đức Phật để bắt chước công hạnh của Ngài, “trên nguyện cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh”. Chúng ta tin Phật có khả năng giác ngộ thì chúng ta cũng có khả năng giác ngộ nhờ tu hạnh Bồ tát đạo phước huệ song tu.
C- Chắp tay lễ Phật
Phật tử khi vào chánh điện lễ Phật phải đi đứng nghiêm trang, mắt nhìn thẳng, thân tâm hướng về điện Phật. Trước khi lễ Phật phải rửa mặt, tay, chân và súc miệng thật sạch. Khi lạy Phật hai tay chắp trước ngực từ từ đưa lên trước trán và từ từ hạ xuống theo năm vóc toàn thân, hai tay úp xuống khi cách đất khoảng 40 cm, đầu cúi sát đất khoảng giữa hai bàn tay và hai đầu gối phải sát đất.
Khi lạy xong chúng ta bật hai tay lên và toàn thân năm vóc theo thế đàn hồi giống như một lò xo tự động bật lên, úp xuống mà không cần phải dùng sức để trở về tư thế ban đầu hai tay chắp trước ngực.
Và cứ như thế chúng ta lễ lạy thật trang nghiêm làm cho thân tâm được an lạc, nhẹ nhàng mà không hao công tốn sức. Người bệnh cũng có thể lễ lạy thoải mái theo phương pháp này mà không bị chướng ngại nhờ thân tâm chuyên nhất theo nguyên tắc “miệng niệm, tai lắng nghe”. Đây là phương pháp lạy căn bản, toàn thân năm vóc sát đất, thân tâm cung kính lễ sẽ giúp ta tiêu trừ bệnh cống cao ngã mạn và chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Khi tụng kinh hai tay chắp trước ngực, ngón tay không được so le, bàn tay khít và thẳng, mắt nhìn phía trước, tâm chuyên nhất đọc theo vị chủ lễ, không được đọc trước hoặc sau, đọc kinh phải chậm rãi đều đặn, không đọc quá to cũng không đọc quá nhỏ.
Khi cầm kinh đọc thì mắt phải nhìn thẳng vào kinh y như thể chúng ta tôn trọng, cung kính Phật. Khi xá chào mọi người chúng ta tôn kính như một vị Phật. Chúng ta tuyệt đối không cầm kinh mà chào người, không được cặp kinh vào hai bên nách, khi đọc kinh xong chúng ta để lại trên bàn thờ Phật hay trong tủ thờ, không được để kinh bừa bãi sau khi đọc xong dù ở nhà hay ở trong chùa.
D- Cách xưng hô
Lời nói hay danh từ chỉ là phương tiện trong đối nhân xử thế để đảm bảo mối quan hệ mật thiết có tôn ty trật tự giữa con người với nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ danh xưng có thể thay đổi theo thời gian nên cách xưng hô trong đạo Phật cũng không có nguyên tắc cố định, tùy theo hoàn cảnh mà có sự đổi thay.
a- Khi nào quý Phật tử gọi các vị xuất gia bằng thầy, bằng cô, bằng đại đức, thượng tọa hay hòa thượng? Khi xuất gia từ 20 tuổi và bắt đầu thọ giới cụ túc thì gọi là đại đức. Thọ giới cụ túc 25 năm gọi là thượng tọa, thọ giới 40 năm trở lên gọi là hòa thượng.
b- Khi ông bà cha mẹ gọi một vị xuất gia là “thầy hay sư phụ”, người con hay cháu phải gọi là “sư ông” mới phù hợp đạo lý thầy trò.
c- Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể gọi một vị tại gia nhiều tuổi từ 60 tuổi trở lên bằng “con” được chăng dù người Phật tử tại gia cao niên đó xưng “con” với vị xuất gia?
d- Sau khi xuất gia, một vị Tăng hay Ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình?
Trong đạo Phật có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là “tuổi đời và tuổi đạo”. Tuổi đời là tuổi tính theo ngày tháng năm sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia vào chùa tu học. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thọ cụ túc giới và hằng năm phải nhập hạ hay tùng hạ theo chúng tu học mùa an cư kiết hạ, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ hay tuổi đạo. Trong nhà Phật, tất cả mọi việc kể cả cách xưng hô chỉ tính theo tuổi đạo hoặc ngày xuất gia trước sau, không quan trọng tuổi đời.
Khi tiếp xúc với chư Tăng Ni, người Phật tử tại gia thường đơn giản gọi bằng “thầy hay cô” và thường xưng “con” để tỏ lòng tôn kính. Có những vị Phật tử lớn tuổi xưng “tôi hay chúng tôi” với những vị Tăng Ni trẻ để phù hợp với đạo lý làm người.
Khi đã qui y Tam bảo thọ 5 Giới tại chùa, mỗi vị Phật tử tại gia có một vị thầy cao cả, đó là Phật bảo và vị tăng truyền giới là Tăng bảo chân chính. Vị ấy được gọi là “thầy Bổn sư”. Cả gia đình có thể thọ giới cùng chung một vị thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng “thầy”.
Khi Tăng Ni tiếp xúc với quý Phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia đình, chư Tăng Ni thường xưng là “tôi hay chúng tôi” (hay xưng pháp danh, pháp hiệu hoặc bần Tăng, bần Ni); cũng có khi chư Tăng Ni xưng là “thầy hay cô” và gọi quý Phật tử là “đạo hữu hay quý Phật tử”; cũng có khi chư Tăng Ni gọi quý Phật tử tại gia bằng pháp danh hay xưng hô theo địa vị xã hội, hoặc theo thứ bậc trong gia đình.
Sự việc chư Tăng Ni xuất gia ít tuổi gọi một Phật tử tại gia lớn tuổi là cha mẹ hoặc ông bà bằng “con” là không hợp với lý lẽ làm người. Chư Tăng Ni còn trẻ không nên gọi như vậy vì thiếu sự tôn trọng. Chúng ta biết mọi chuyện trên đời đều có thể thay đổi, ngôi thứ, cấp bậc cũng vậy. Nhưng giá trị tuổi đời lớn nhỏ không đổi, cứ theo thời gian mà càng tăng lên. Theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, tuổi đời rất được kính trọng trong xã hội dù là người Phật tử tại gia hay người xuất gia.
Tuy nhiên, trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo thế gian chư Tăng Ni có thể gọi các vị Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia đình một cách trân trọng, tôn kính tùy theo tuổi tác.
Nói chung, cách xưng hô trong đạo Phật giữa người xuất gia và Phật tử nên thể hiện lòng tôn kính lẫn nhau để học đạo giác ngộ, giải thoát. Nhờ vậy, chúng ta có thể phá trừ tâm cống cao ngã mạn mà chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô ngã, vị tha.
Chư Tăng Ni phát tâm xuất gia tu hành, quý Phật tử phát tâm tu tập tại gia, như vậy là đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ nếu có trong nhà chùa. Chúng ta xưng hô như thế nào để hợp với đạo lý mà không đánh mất giá trị làm người trong tu tâm sửa tánh để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Trong đạo Phật, cách xưng hô có thể thay đổi theo hoàn cảnh mà vẫn giữ được phẩm chất cao quý của người học đạo giác ngộ, giải thoát đối với Phật tử tại gia cũng như người xuất gia.
Tăng Ni là những người vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho chúng ta biết được đạo lý làm người. Là những người tiếp tục kế thừa sự nghiệp của đức Phật để truyền dạy giới đức cho mọi người nên chúng ta phải gọi là “thầy, cô” hoặc gọi theo giới phẩm “đại đức, thượng tọa hay hòa thượng”.
Đối với thầy, cô chúng ta có thể xưng bằng “chúng con hay chúng tôi” là tùy theo tuổi tác của vị Tăng Ni đó cho phù hợp với đạo lý làm người mà vẫn một lòng tôn kính để học đạo giác ngộ, giải thoát.
Còn tiếp....