;
Đa phần chúng ta đều thắc mắc thiên đường là gì, địa ngục ở đâu. Bởi hầu hết các tôn giáo đều nói đến thiên đàng và địa ngục, nhằm chia tách hai cảnh giới hạnh phúc và khổ đau, thiện và bất thiện.
Cảnh giới thì có cảnh sắc (sắc pháp) và cảnh tâm (danh pháp).
Căn cứ trên danh pháp và sắc pháp, căn cứ vào tâm thiện và tâm bất thiện, thì thấy thiên đường và địa ngục đều đang tồn tại và chiêu cảm cùng với tâm thức của chúng sinh.
Đa phần khi còn sống, với nhãn quan thông thường, chúng sinh không thể nhìn ra các cảnh giới của chư Thiên. Khi chết đi, nghiệp chướng sâu dày, chiêu cảm khổ cảnh, lại càng không thể biết đến thiên đường là gì.
Đương nhiên đa phần vì không biết nên nói nó không có, nhưng không phải cái gì ta không biết thì đều không có. Tuy vậy, không biết mà nói có thì cũng chỉ là nói mò, nói theo lời người khác nói. Cả hai tâm trạng đó đều không phải thực nghiệm và thực chứng.
Địa ngục cũng tương tự như vậy, không thấy thì nói nó không có, thấy rồi cũng khó nói ra để người khác tin.
Ngay cả địa ngục ở trần gian này cũng vậy. Vào ngục rồi mới thấy khổ cảnh của nó, nhưng rời ngục rồi nói ra bằng chủ quan cảm nhận của mình thì có người tin có người không tin là nó khổ đến như thế.
Chúng ta cũng thường nghe người ta nói: “Thiên đường có lối không người đến, địa ngục không cửa lắm kẻ tìm”. Câu nói này nhằm ám chỉ sự dại dột của con người.
Ở đây người ta chỉ chú ý đến danh xưng địa ngục, thiên đường mà ít ai đặt câu hỏi con đường nào để đi đến đó?
Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”.
Rõ ràng con đường để đi đến địa ngục nằm ở tâm thức. Tạo nghiệp gì trong tâm thức thì thúc đẩy ra bằng lời nói và hành động, từ đó chiêu cảm ra cảnh sắc và cảnh tâm tương ứng.
Do y cứ theo tâm nên thiên đường và địa ngục trong quan niệm của Phật giáo có nhiều mức độ khác nhau, tuỳ theo tâm thức chiêu cảm mà mỗi người tìm đến cảnh giới tương ứng, tức không có một thiên đường hay một địa ngục duy nhất dành cho tất cả mọi chúng sinh.
Nhìn vào các tâm thiện và tâm bất thiện của mình thì sẽ biết con đường nào đang dẫn chúng ta đến thiên đường và con đường nào dẫn chúng ta vào địa ngục.
Ví dụ: Khi khởi tâm tham trộm cắp, thấy con bò người ta đang cột đó, bèn lén đến bên chuẩn bị dắt đi. Khi bị chủ nhà bắt gặp, bèn giả bộ nói, thấy con bò đẹp nên đứng xem. Theo pháp luật thế gian thì chưa đủ chứng cứ để kết tội. Nhưng theo giới điều của Phật giáo thì đã cấu thành tội trộm cắp.
Ai thường xuyên nuôi dưỡng tâm trộm cắp thì sẽ có ngày đưa đến hành độnh trộm cắp. Khi tội trộm cắp bị trừng phạt, tuỳ mức độ bị pháp luật xử lý giam cầm. Đối với các tội giết hại, tà dâm, nói dối, sử dụng chất gây nghiện gây say cũng tương tự như vậy, tuỳ mức độ nặng nhẹ mà quả báo sai khác nhau.
Ngay khi bị giam cầm là đã tạo ra nhân quả địa ngục. Nếu không kịp thời thức tỉnh, sửa chữa sai lầm, thì lúc còn sống nếu cứ tái phạm ngày một nặng hơn cũng sẽ chịu cảnh tù tội kéo dài. Và khi chết đi, những nhân địa ngục ấy nếu lớn mạnh sẽ thúc đẩy tâm thức tái sinh vào cảnh giới địa ngục.
Xin lưu ý, cảnh tâm là con đường đen tối, tuyệt vọng, không muốn sống nữa, cảnh sắc là tái sinh vào những nơi chúng sinh có hành nghiệp tương ứng để cùng trả báo hay chịu khổ.