;
Tôi nhận thấy, nếu ai đó theo chủ nghĩa hoài nghi, thì sẽ lý luận thế này “chưa chết sao biết chết là gì, mà chết rồi thì càng không biết chết là gì…”. Quả thực, có những chuyện “khoa học chứng minh”, người chết (tim ngừng đập), sau khi hồi sinh, nói rằng đã nghe thấy những người thân chung quanh nói thế này thế kia…
Nhưng đó là trải nghiệm của riêng người ấy, được miêu tả lại ở một trạng thái “chưa chết” (tức ý thức, nhận thức của họ sống lại trong một thân thể bất động ở một thời điểm nào đó ngay sau khi bác sĩ kết luật tim đã ngừng đập), đây là điều rất khó khăn để tất cả những người sống có thể hoàn toàn tin vào chuyện này, nhưng lại khó có thể phủ nhận.
Nhà Phật có quan niệm tái sinh, tùy theo nghiệp thức, sau khi chết, nếu đầy đủ nhân duyên (tác hợp của vô số duyên), thì sẽ tái sinh trở vào một trong các cảnh giới (cõi giới) như sau: “trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh” (gọi là lục đạo). Trong đó, có 2 cõi mà con người có thể “kiểm chứng” được là cõi người và súc sinh, còn lại đều được ví như cảnh giới của tâm thức. Hơn nữa, tuy người và súc chia làm 2 cõi, nhưng lại sống chung với nhau trong một không gian, và tình thức, nghiệp thức thì hoàn toàn khác biệt.
Nếu không có hành nghiệp, nghiệp thức tạo tác trong một “tiền thân”, “sinh thân” và ở một mức độ ý thức, nhận thức, trí tuệ nào đó, thì con người sẽ không mang phẩm chất của “con người” như đã tiến hóa, và đương nhiên theo chính thuyết tiến hóa, nếu chỉ là tiến hóa về mặt sinh học (mà không có nghiệp thức, tình thức), thì chắc chắn động vật gần với chúng ta nhất như loài khỉ cũng sẽ thành “người”. Chẳng lẽ tiến hóa (từ con người sống như động vật, con người thông minh…) cho đến khi trở thành con người hiện đại thì dừng tiến hóa.
Nếu không có nghiệp thức, tình thức, hành nghiệp (huân tập thiện ác, tốt xấu…) trong một chu trình nhân quả, thì tất cả con người chỉ là những động vật “nhân bản” của tự nhiên, không thể giáo dục để trở thành người. Con người khác các loài động vật khác, nên dù một đứa trẻ được sinh ra, bỏ ở trong rừng cho vượn hay khỉ nuôi, trong thời gian đầu nó sống không khác “hành nghiệp” của loài khỉ, nhưng nếu đưa trở về môi trường giáo dục của con người, thì nó vẫn có nhiều cơ hội để ý thức, nhận thức (dù quá trình si ám che mờ từ lâu).
Do đó hành nghiệp, nghiệp thức sẽ quyết định việc tái sinh của con người về đâu trong các cảnh giới kia.
Nếu theo quan niệm chỉ có hai con đường hoặc cực thiện sinh về “cõi trời”, hoặc cực ác sinh xuống “địa ngục”, thì hàng ngày chúng sinh vẫn chào đời từ trong bụng mẹ là ở đâu ra (dưới địa ngục lên, hay từ trời xuống). Vì thế, dù không chấp nhận sự “tái sinh” vào các cõi giới khác nhau, thì chuyện con người vẫn liên tục được sinh ra, đồng dị về thể chất, nhận thức, là không thể phủ nhận được. Có điều người ta sẽ thắc mắc, con người hiện tại “là ai” của con người quá khứ, và sẽ “là ai” của con người tương lai?
Trước vấn đề này, sau khi chết con người đi về đâu Đức Phật đã từ chối trả lời, dù hành nghiệp của mỗi con người trong hiện tại sẽ quyết định chiều hướng tái sinh theo đúng luật nhân – duyên – quả.
Vì sao trong kinh cả Nam truyền lẫn Bắc truyền đều đề cập đến địa ngục (Nirayā), nhưng có quý thầy lại khẳng định chắc nịch “không có địa ngục”, nhưng lại chấp nhận có “trời” hay “a-tu-la”?
Chắc chắn sẽ có không ít người hoang mang về vấn đề này, vì xưa nay đều được nghe giảng là có lục đạo luân hồi (trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh), nay lại nói không có. Tuy nhiên, nếu như chúng ta hỏi vậy “trời” và “a-tu-la” đang “ở đâu”, “như thế nào”, chắc chắn câu trả lời sẽ lại trở về với cảnh giới của tâm thức.
Bởi thừa nhận a-tu-la tức là thừa nhận một cõi khổ (do chiến tranh, ham ưa chiến tranh, lấy chiến tranh làm hành nghiệp) trong khi “dục giới” có cả thảy 11 cõi, trong đó có 4 cõi khổ (a-tu-la, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh) và 7 cõi vui gồm: Tứ Đại Thiên, Đạo Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Xuất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên (vui sướng), và cõi người (vừa khổ, vừa vui, vừa không khổ không vui). Đó là chưa kể đến các cõi sắc, cõi tịnh cư và cõi vô sắc.
Thế thì phủ nhận một cõi khổ mang tên “địa ngục” không giải quyết được gì cảnh khổ của con người. Vì nếu nhìn giáo lý Tứ đế bằng cái nhìn “Vô lượng tứ đế”, thì món khổ đâu chỉ có 11 (khổ khổ, hành khổ, hoại khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thịnh khổ), mà có vô lượng thứ khổ và vô lượng nguyên nhân gây ra nỗi khổ, nhưng đồng thời cũng có vô lượng pháp dứt khổ và vô lượng cõi Niết bàn, giải thoát.
Nếu bỏ đi cõi địa ngục (trong đó phân ra rất nhiều trạng thái tâm thức địa ngục tùy theo hành nghiệp chúng sinh đã gây ra), thì bỏ đi một khoảng trống rất lớn của các loại tội ác và tội cực ác mà hành nghiệp, nghiệp thức phải mang. Vì sao có những tội phạm giết người sau khi hối hận tự trách rằng “tội của tôi dù có phải chết nghìn vạn lần cũng không hết được”, cái tâm thức dày vò ấy đau khổ khác gì trong cảnh “vô gián địa ngục”. Hơn nữa cùng một tội ác hay cực ác, mức độ khác nhau sẽ tương ứng với nghiệp thức địa ngục phải trả báo, bởi không có nó thì mọi loại tội ác đều như nhau, giết một người cũng không khác giết hàng trăm nghìn người… Điểm đáng chú ý khác, dù kẻ giết người có trốn khỏi lưới pháp luật (tức không chịu cảnh tù ngục), nhưng tâm thức tù ngục luôn theo đuổi họ suốt cuộc đời, đó cũng là một thứ địa ngục hiện tiền. Nhưng cảnh địa ngục cũng là cảnh bất định, nên vẫn có khả năng chuyển nghiệp nhờ vào công năng tu hành.
Và như vậy dù có chia ra làm các cõi giới (khổ vui), thì tất cả vẫn đều do tâm tạo. Nếu cảnh giới đã do tâm tạo, thì không cần phải bàn đến một thứ địa ngục có trong lòng đất hay không, hay lái sang chuyện “nhà tù” theo nghĩa đen ở nhân gian làm gì…
Thiền sư Từ Đạo Hạnh nói: “Có thì có tựa mảy may, không thì cả thế gian này cũng không”. Nếu đã phủ nhận “địa ngục” được thì phủ nhận luôn cả Niết bàn, Phật cũng không mà tâm cũng không cho trọn vẹn (nhìn theo lý Đại thừa là như vậy).
Tuy nhiên, nói về mặt “sự”, thì việc tin có thiên đàng (khuyến khích điều thiện) và tin có địa ngục (ngăn ngừa điều ác), phần nào vẫn còn hơn không tin có thiên đường và không tin có địa ngục.
Người giải thoát giác ngộ, thì “Hang quỷ ở chính là lâu đài Di Lặc. Núi Hắc sơn không khác cảnh giới Phổ Hiền”, khi ấy cõi khổ hay cõi vui không còn tác động được đến họ nữa vậy.
(Mong có thêm các kiến giải khác của quý vị)
***************************************************
Bài tham khảo thêm:
Địa ngục có thật không?
HỎI: Tôi được biết trong lục đạo có trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhưng một lần nghe pháp, một vị thầy nói là không có địa ngục, vậy địa ngục có thật không? Và, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày, điều này đúng không? Đức Phật có thực sự phù hộ không vì mọi việc đều do nghiệp của mình quyết định? Tôi cũng có nghe một vị thầy giảng việc xây chùa, đúc tượng Phật là vô ích, không nên thờ xá-lợi Phật, vậy có đúng không? Có phải việc làm phước của tôi là vô ích? Cuối cùng cho tôi hỏi, nên xem kinh điển nào? Vì có vị thầy cho rằng kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng là ngụy tạo. Hiện tại tôi cũng rất hoang mang không biết đúng sai thế nào. Mong được quý Báo sẻ chia. (NHẬT THUẦN, sk9a1r@gmail.com
ĐÁP: Bạn Nhật Thuần thân mến!
Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam hiện nay là dung hội đầy đủ hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) và Phật giáo Phát triển (Bắc tông - Đại thừa). Từ Ấn Độ, đạo Phật truyền xuống phía Nam như các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, sử dụng Kinh tạng Pali, gọi là Phật giáo Nam tông. Từ Ấn Độ, đạo Phật truyền lên phía Bắc như các nước vùng Bắc Á, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, sử dụng Kinh tạng Sanskrit (chuyển ngữ thành Hán tạng), gọi là Phật giáo Bắc tông. Do đặc điểm lịch sử phát triển, tư tưởng bộ phái, sự tiếp biến văn hóa có khác nhau nên dẫn đến: Ngoài việc thống nhất về giáo điển căn bản, hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông có một số quan điểm khác nhau. Người học Phật cần hiểu điểm mấu chốt này khi tiếp nhận giáo pháp để tránh hoang mang, khó hiểu vì cùng một vấn đề mà đôi khi chư Tăng lại nói khác nhau.
Thứ nhất là vấn đề có địa ngục không? Dĩ nhiên là người phàm chúng ta không ai thấy được địa ngục, trừ Đức Phật và các bậc Thánh La-hán. Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận có địa ngục. Địa ngục là một trong sáu cảnh giới của lục đạo. Do đó, nói không có địa ngục là sai với kinh điển Phật giáo.
Thứ hai, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày hay có thân trung ấm và thường trải qua 49 ngày? Vấn đề này đã được chư Tăng bàn thảo từ hai ngàn năm trước và kéo dài đến ngày nay. Có thể tóm gọn, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày là quan điểm của Phật giáo Nam tông. Quan điểm của Phật giáo Bắc tông là sau khi chết nếu tạo nghiệp cực ác hay cực thiện thì đi đầu thai liền, còn người tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn thì thọ thân trung ấm, tối đa khoảng 49 ngày sẽ tái sinh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp nhân đã tạo.
Thứ ba, Đức Phật có phù hộ không? Đức Phật là Bậc Giác ngộ, Ngài có những phẩm tính đặc thù như Tam minh, Lục thông, Thập lực v.v…, tuy vậy Ngài tuyên bố không có quyền ban phúc hay giáng họa cho ai cả. Nhân quả luôn rõ ràng và công bằng. Mỗi người tự quyết cuộc đời của mình thông qua nghiệp mà mình tạo tác. Tu tập theo đạo Phật căn bản dựa trên nền tảng tự lực. Phật giáo Bắc tông tuy có nói đến tha lực nhưng tự lực vẫn là chính. Người đệ tử Phật không cầu xin Ngài ban cho mình điều này điều kia mà chỉ cầu Phật soi sáng, giúp mình tỉnh thức để học theo hạnh nguyện của Ngài mà chuyển hóa nghiệp của chính mình.
Thứ tư, việc xây chùa, đúc tượng Phật là vô ích, không nên thờ xá-lợi Phật có đúng không? Trong giáo pháp, có hai phương diện mà người sơ học cần nắm vững, đó là Tục đế và Chân đế, hiện tượng và bản thể, tương đối và tuyệt đối. Ở mỗi phương diện có lý luận, cách thức tiếp cận khác nhau. Về Tục đế, dĩ nhiên xây chùa, đúc tượng, thờ Phật là được phước vô lượng. Không ai có thể phủ nhận điều này. Trong Tục đế, nhân quả và tội phước thật rõ ràng. Nên việc làm phước của bạn lâu nay rất hữu ích, bạn đã gieo nhân lành thì chắc chắn gặt quả lành. Trong một số trường hợp, các thiền sư nói đến Chân đế, tuyệt đối thì cách thức thông thường là phủ định để phá chấp rốt ráo. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này là dùng để khai thị cho người đương cơ, không phải cho số đông, đại chúng.
Thứ năm, các kinh Dược Sư, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng là ngụy tạo? Theo các nhà nghiên cứu văn bản học, thời Phật không ghi chép kinh điển. Khoảng hơn ba trăm năm sau Phật Niết-bàn, Kinh tạng Pali (Phật giáo Nam tông) mới được ghi chép. Kinh điển Phật giáo Bắc tông được kiết tập muộn hơn. Trong đó, có những kinh không tìm được nguồn gốc Phạn bản (Sanskrit) hoặc có thêm vào các yếu tố văn hóa Trung Hoa (vì nhiều nguyên nhân). Người học Phật theo cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông đều căn cứ vào các dấu ấn Chánh pháp (Tam pháp ấn, Tứ pháp ấn) để xác lập tính chính thống và khả tín của kinh điển. Nếu bản kinh nào thiếu vắng các dấu ấn Chánh pháp thì có thể xem đó là ngụy tạo, không phải lời Phật dạy.
Chúc bạn tinh tấn!
Quảng Tánh - Nhiên Như
Bài tham khảo thêm:
Hỏi: Tôi đã được nghe quý Tăng Ni giảng pháp và đọc qua các kinh sách Phật đều nói về cảnh giới Địa ngục.
Gần đây có một vị thầy tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ phát biểu trên đài truyền hình An Viên là: “Đạo Phật gốc, kinh Nguyên thủy nhất, không có nói đến Địa ngục. Về sau chư Tổ mượn cảnh giới Địa ngục của Bà-la-môn đưa vào kinh sách Phật”.(1) Là người Phật tử chúng tôi rất hoang mang không biết tin vào đâu? Kinh sách Phật nói có Địa ngục, sao vị thầy đó lại nói không có Địa ngục?
Đáp: Người Phật tử tại gia hay xuất gia từ xưa đến nay đều biết đến cảnh giới Địa ngục qua các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và kinh điển Phật giáo Đại thừa. Vị thầy mà quý vị vừa nêu có nói đến đạo Phật gốc, hay kinh Nguyên thủy nhất nào thì tôi không rõ. Tôi chỉ biết hiện nay Phật giáo Nguyên thủy trên thế giới đang phổ biến 5 bộ kinh, gọi là 5 bộ Nikaya gồm: Trường bộ, Trung bộ, Tăng chi bộ, Tương ưng bộ và Tiểu bộ. Trong 5 bộ này tôi được đọc sơ qua 3 bộ: Trung bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ. Trong 3 bộ này đều có nói đến Địa ngục. Cụ thể trong Trung bộ có bài kinh Thiên sứ số 130 nói rất rõ về cảnh giới Địa ngục. Tôi xin lược trích để quý vị tham khảo:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Xá-vệ, tại Kỳ Viên, nơi tinh xá ông Cấp Cô Độc. Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo.” “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có hai nhà có cửa; ở đây, một người có mắt đứng chính giữa có thể thấy những người đi vào nhà, đi ra khỏi nhà, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy các chúng hữu tình chết đi sanh lại, hạ liệt, cao sang, đẹp trai, xấu hình, thiện thú, ác thú, tùy theo hạnh nghiệp của họ, (và Ta nghĩ): “Các bậc hữu tình này do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời này. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với chánh kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh ra giữa loài Người. Còn các hữu tình, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi Ngạ quỷ. Hay các hữu tình này, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào các loại Bàng sanh. Hay các hữu tình này, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến, các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Địa ngục".
Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ Ðịa ngục, sau khi bắt giữ người ấy với nhiều cánh tay, dẫn người ấy đến trước vua Yama và thưa:
- Tâu Ðại vương, người này không có từ tâm, không xứng là Sa-môn, không xứng là Bà-la-môn, không kính trọng các vị lớn tuổi trong gia đình. Ðại vương hãy trừng phạt nó !
Lúc đó, vua Yama chất vấn người tội và sau đó những tội nhân bị hành hình...
Rồi đức Phật kể tiếp các cảnh giới Địa ngục như:
- Đại phấn nị Địa ngục: Ở Địa ngục này, tội nhân bị cắt da, thịt, gân, xương…
- Đại châm thọ lâm Địa ngục: Ở Địa ngục này, tội nhân bị leo lên cây gai nhọn cháy đỏ rực.
- Đại kiếm diệp lâm Địa ngục: Ở Địa ngục này, tội nhân bị các lá cây lay động cắt đứt tay, chân, tai, mũi…
- Đại khôi hà Địa ngục: Ở Địa ngục này, tội nhân bị trôi thuận, ngược theo dòng nước.
……
Sau khi kể rõ hình phạt nơi các Địa ngục trên, đức Phật nói thêm:
- Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi.
Câu kết của đức Phật trong bài kinh này thật là hay. Tôi có cảm tưởng như đức Phật đã biết trước đời sau có người sẽ nói Địa ngục không phải Phật thuyết mà do Bà-la-môn nói, nên Ngài đã khẳng định: “Những lời Ta nói về Địa ngục không phải nghe từ Sa-môn hay Bà-la-môn nói, mà chính Ta được thấy, được hiểu và được biết”. Thật kỳ diệu thay! Con xin thành kính đảnh lễ bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Gần đây, người Phật tử Việt Nam rất hoang mang không biết tin vào lời giảng của vị thầy nào. Cũng là Tăng Ni đạo Phật, người nói kinh này đúng, người nói sai. Người nói Địa ngục có, người nói không. Người nói pháp môn này đúng, người nói sai. Người nói kinh Đại thừa do Phật thuyết, người nói không phải…. Vậy ai đúng, ai sai? Theo tôi nghĩ, Phật giáo Việt Nam hiện nay có rất nhiều Tăng Ni tốt nghiệp tiến sĩ Phật học. Chúng ta có nên tổ chức đại hội kết tập lại kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa? Dựa vào tư tưởng cốt lõi của đức Phật, chọn lọc ra những lời dạy nào đúng chánh pháp thì giữ lại, những lời dạy nào sai chánh pháp thì bỏ đi. Chúng ta mạnh dạn làm một cuộc cách mạng giáo điển này. Để từ đây về sau, Tăng, Ni, Phật tử căn cứ vào những bộ kinh đó mà học tu. Những giáo lý nào không đúng, pháp môn nào không đúng, kinh sách nào không đúng chánh pháp chúng ta cương quyết xóa bỏ để không rơi vào tình trạng như ngày nay rồng rắn lẫn lộn, chánh tà khó phân. Như vậy mới định hướng được đường lối tu học đúng chánh pháp của Phật giáo Việt Nam. Mong lắm thay!
Minh Tâm
Quý vị nên đọc trọn vẹn bài kinh Thiên Sứ tại đường link sau: (2)
(1) https://www.youtube.com/watch?v=R1xuaWUFudA>
(2) http://vnbet.vn/kinh-trung-bo-2/130-kinh-thien-su-178.html
Hoàng Ân
Hiện nay có 2 vị giảng sư là TT.Nhật Từ và TT.Chân Quang-một người hay phỉ báng kinh điển Đại Thừa,một người hay nói chính trị. Cả 2 vị ấy cứ tưởng mình là số 1 nên chẳng xem ai ra gì.Không biết Ban Hoằng Pháp GHPGVN có biện pháp ngăn chặn gì không,chứ kiểu này thì cuối cùng Phật giáo thành tà giáo mất thôi !!!
Hoàng Lân
Nếu là TT Nhật Từ thì thật là oái ăm.Vì Ngài ấy nói thường mâu thuẩn,như làm chùa không đem lại phước đức nhưng chùa của Ngài lớn và hiện đại lắm.Phỉ báng đại thừa nhưng vẫn mang y áo đại thừa.Chê các chùa tôn tạo tượng Phật giống Trung Quốc hoặc Ân Độ không có nét gì là Việt Nam nhưng chùa Giác Ngộ của Ngài thì tượng Phật lại giống Tháii Lan v..v...!!!
Quang Thuấn
Tôi ko phải hàng tu sĩ hoặc cư sĩ nhưng tôi rất muốn tìm hiểu về đạo Phật, nhưng tôi lại cứ thấy mỗi thầy giảng một kiểu nói chung là ông chẳng bà chuộc cho nên ko biết tin theo đâu cả.Vậy theo cá nhân tôi thì GHPGVN nên giải quyết những tồn đọng để mọi người vui vẻ Xin chân thành cám ơn
Thích Trả lời 5/16/2019 8:20:04 AM