;
Trước hết là khái niệm định tâm (sati). Con người thường vất vả, đau khổ vì bị tác động bởi ngoại cảnh. Thiếu định tâm là căn nguyên dẫn đến nhiều khó khăn cho nhà kinh doanh và nhà lãnh đạo. Lúc nào họ cũng bị áp lực thời gian và công việc, phải liên tục đối phó hết chuyện này tới chuyện khác đến nỗi nhiều việc đâm ra phải trì hoãn, dẫn đến bê trễ, chần chừ, và dễ thiển cận và quẫn trí vì chỉ bù đầu vào những công việc ngắn hạn trước mắt. Nói nôm na, định tâm là phải tu tập làm sao cho cái tâm được tịnh lại, được yên, lúc đó mới có khả năng tập trung nghĩ sâu và nghĩ xa được. Chính nhờ định tâm mà ông Konosuke Matsushita, người sáng lập ra tập đoàn Matsushita của Nhật, đã vạch ra một kế hoạch dài tới 250 năm cho công ty của mình.
Khái niệm vô ngã (annata), một khái niệm trọng yếu trong triết lý Phật giáo, nói đến tính chất ảo ảnh của cái ngã, tức là cái tôi, Phật giáo quan niệm rằng sự bận tâm về cái ngã là một trong những cội nguồn của nỗi khổ đau của con người. Fry cho rằng vô ngã phải là một phẩm chất thiết yếu của nhà kinh doanh, nhà lãnh đạo. Phải biết quên mình đi thì mới có thể kêu gọi tinh thần phê phán và mới có thể lắng nghe người khác thực sự. Nhà lãnh đạo nào quá chú ý đến cái tôi thường không ưa sự chỉ trích vì sợ hình ảnh của cái tôi bị lu mờ trước công chúng. Nhà lãnh đạo ấy cũng có xu hướng sử dụng quyền lực tùy tiện theo bản năng và dễ mất tự chủ, không tự kiềm chế được mình. Người chỉ nghĩ đến cái tôi thường sợ cấp dưới giỏi hơn mình và chỉ muốn có xung quanh mình những người dễ tuân phục. Có trường hợp những người này mong muốn mọi người đều thích mình, và lúc nào cũng tìm cách làm hài lòng mọi người. Trong khi đó, doanh nhân và nhà lãnh đạo giỏi là những người biết chọn và biết làm việc với những người dưới quyền có năng lực, có lòng tin vào cấp dưới và biết ủy quyền cho họ để phát huy hết khả năng của họ.
Fry còn nói tới khái niệm vô trước, theo nghĩa đen là không bị dính vào, không bị lệ thuộc, không bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Học giả chuyên về Thiền học Daisetz Suzuki từng giải thích khái niệm này như một thái độ hài lòng với một căn chòi hẹp, thỏa mãn trước một đĩa rau vừa hái ngoài vườn, và vui tai với bản nhạc của cơn mưa xuân nhẹ. Bên cạnh tính khiêm tốn và tự kiềm chế mà xã hội truyền thống Trung Quốc và Nhật thường đề cao, giáo lý Phật giáo còn nhấn mạnh tới một lối sống khiêm hạ, một thái độ chấp nhận sống trong một thế giới có nhiều giới hạn. Có sống như vậy, nhà kinh doanh và nhà quản lý mới thuyết phục được những người dưới quyền chấp nhận chịu đựng khó khăn cùng với mình.
Tư tưởng vô thường (annica) trong Phật giáo nhấn mạnh tới tính chất bất thường hằng và thay đổi không ngừng của vạn vật. Không có cái gì là trường tồn cả. Quan niệm này cũng rất gần với tư tưởng vạn vật biến hóa của Lão Tử. Trong vũ trụ, mọi sự đều là dòng chảy. Nhà kinh doanh giỏi phải là người nhận chân ra nguyên lý này. Người dưới quyền mà bạn trù dập hôm nay ngày mai có thể trở thành cấp trên của bạn. Nhà kinh doanh và nhà lãnh đạo có ý thức được tính vô thường của mọi chuyện thì mới có thể chấp nhận những sự thay đổi tích cực, và sẵn sàng đón nhận cái mới. Họ không được bám chặt vào những cách làm cũ, những cái đã quen thuộc. Người lãnh đạo nào rồi cũng có lúc phải ra đi, do đó không nên gắn bó quá đáng với cái ghế của mình. Bởi vì cái gì càng giữ chặt thì càng dễ mất. Fry nhắc đến sự kiện mất chức của tổng thống Nixon như một kinh nghiệm
Tư tưởng Phật giáo phân biệt bốn cấp độ trong thái độ của con người đối với công việc, đối với lao động. Ở cấp độ thứ nhất, người ta làm việc để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, như làm để kiếm tiền, để có tiếng tăm, danh giá. Ở cấp độ thứ hai, người ta làm việc vì coi đây là bổn phận, là nghĩa vụ. Ở cấp độ thứ ba, người ta làm việc mà không cảm thấy mình đang làm việc, nghĩa là lúc này công việc được coi như một phần tự nhiên của cuộc đời. Và cuối cùng, ở cấp độ thứ tư, và đây là cấp độ lý tưởng trong Phật giáo, đó là : không còn thấy nó là công việc nữa, bởi vì lúc này công việc và đời sống đã trở thành một, không còn sự phân biệt. Fry cho rằng đây có lẽ là một trong những căn nguyên khiến cho những câu lạc bộ chất lượng đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại Nhật.
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Xem Gerald W. Fry, "The Buddhist Entrepreneur", trong cuốn Entrepreneurship and Socioeconomic Transformation in Thailand and Southeast Asia, Hội thảo tại Bangkok tháng 2-1993, Chulalongkorn University, trang 323-338.