;
Trong dòng chảy khắc nghiệt đó, các tổ chức chính trị, xã hội bị cuốn hút vào đấy để mong tìm ra hướng đi gọi là mới cho mình mà thực chất đó cũng chỉ là tùy thuận. Riêng về khía cạnh kinh tế, sự nhạy bén và thích ứng triệt để luôn là thế thượng phong, luôn dành cho mình sự chủ động mạnh mẻ để sống còn mà… kinh doanh! Vì thế, người ta cho rằng “sự thích ứng” của kinh tế không phải là mệnh đề nói thay các mặt khác, không thể là tiêu biểu của cách sống và lới sống của đạo đức con người.
Về mặt đạo đức - xã hội thì sao? Không nói ai cũng nhận ra ngay câu trả lời là nó luôn đi ngược lại tất cả những cái “mới”, cái “thích ứng” đó. Vì sao? Vì nó là hình thể và là bản chất sống của con người lẫn vạn vật. Nó đi trước tất cả và sớm có mặt ngay từ thuở hoang sơ của sự sống.
Dường như về sau này, trong nhiều lĩnh vực, chúng ta quên hẳn những cách biệt tự nhiên đó, dồn chung tất cả vào một khái niệm “thich nghi” và “ứng phó” vốn là căn bệnh trầm kha, triền miên của cõi người ta. Thật sai lầm biết bao, để từ đó phát sinh nhiều hệ lụy do bám chặt vào tư tưởng này. Xung đột, chia rẽ nhận thức cũng từ đó manh nha, cộng hưởng mà phát sinh.
Chúng ta nên nhớ, đã gọi là chân lý hoặc chánh đạo (con đường đúng đắn, thẳng hướng) thì không có chuyện sửa sai . Nếu là như vậy thì phải gọi là “đa lý-tạp lý “ và “cong đạo”! Điều này khiến chúng ta nhớ đến câu nói bất hủ của nhà vật lý lừng danh Albert Einstein (1879 – 1955) dành cho Phật giáo, đại ý trong đó có câu”…Tôn giáo của tương lai phải là tôn giáo của khoa học vũ trụ. Tôn giáo đó không cần sửa đổi chân lý cho phù hợp với khoa học… Tôn giáo đó chỉ có thể là Phật giáo mà thôi…”. Nhà vật lý lừng danh này đã cho thời đại chúng ta thấy được sự thật từ lời nói đó với rất nhiều “sửa sai” và “đổi mới” của nhiều học thuyết, nhiều tôn giáo mà cách đây không lâu họ còn cho là tà đạo và không ngần ngại xử chết ai đi ngược với niềm tin hoang đường của họ. Thật là trớ trêu !
Cái “bài học ngàn vàng “ hiện hữu đó lẽ nào không giúp chúng ta thêm sáng mắt tỏ lòng để nhìn về một hướng mà từ hơn hai ngàn năm trăm năm qua đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã vạch ra, cho đến tận thời đại ngày nay con đường ấy ngày càng thênh thang rộng mở, chưa hoen rỉ một giọt máu nào trên con đường chúng ta đi theo Ngài và chưa một lần phả làm môt động tác sửa sai hay đổi mới nào?
Vì sao? Vì chư Tổ sư ngàn xưa, chư tôn đức tài ba, trong các biến động xã hội hay thậm chi nguy hại đến bản thân mình, các Ngài vì đã nhận thức rõ chân lý vô thường Như Thị mà điềm tỉnh dung nạp, dù đó là nghịch duyên khốc liệt. Các Ngài không đối phó mà chỉ ứng phó một cách hiền từ. Nhờ vậy đức thêm dày, hạnh thêm cao, tự thân “đánh đổ” được dòng chảy đa sắc màu của cuộc sống với nụ cười vô cùng an lạc. Đây chính là nền tảng đạo lý muôn đời noi theo để gầy dựng một xã hội an lành, hạnh phúc, như phần đầu trên người viết đã có đề cập đến. Nó không bị tác động của thời cuộc bào mòn, không bị nghịch duyên làm méo mó hình ảnh chân lý Phật đà.
Ngày nay, Phật giáo hòa nhập vào xã hội bằng hình thức tổ chức Giáo Hội, hội đoàn… một phần nào đó tự thân nó nói lên tiến trình làm bạn với tha nhân, sẵn sàng chấp nhận những va đập trần thế, dù chịu mất dần đôi chút tư thế tự tại vốn có của Phật gia. Biết hòa nhập cũng tức là biết chấp nhận đúng-saicủa trần thế. Từ đây chúng ta phải trang bị cho mình một tinh thần cầu thị, biết lắng nghe để từng bước hoàn thiện tinh thần hòa nhập. Trên tinh thần này, không nên dùng hình ảnh đức Thế Tôn khi xưa so sánh với tổ chức mình, dù đang tích cực hay tiêu cực, e quá đáng và rất nghịch lý. Ngay như những biến động thời cuộc, con người và hoàn cảnh thời Phật còn tại thế hoàn toàn không phải toàn vẹn như suy viễn của những tư duy áp đặt hiện nay. Đó là chưa nói đến các quốc gia có tinh thần Phật giáo khác trên toàn thế giới, nếu tất cả đều dành phần hình ảnh của Ngài so sánh cho riêng nước mình với nhiều dẫn dụ , màu sắc hình ảnh và lý lẽ khác nhau thì sẽ ra sao ? Đó chắc chắn sẽ là một hình ảnh đức Thế Tôn dị dạng không hơn. Tội lắm !
Mấy ngày nay, lang thang trên Net, đọc nhiều thông tin thú vị với nhiều cuộc đại hội Phật giáo khắp các tỉnh thành. Nhưng đáng buồn thay, chỉ đếm được trên đầu ngón tay một vài bài viết hết sức chân tình, muốn gởi gắm thiện ý mình cho tổ chức Giáo Hội mà mình tin tưởng. Rất bái phục. Nhưng có lẽ buồn hơn thế nữa là có những comments, có cả bài viết công kích lại những thiện chí đó bằng những lối sát hạch từ chương, rất tiểu tiết. Người viết thì có wesite riêng hay có blog cá nhân và dùng tên thật hoặc pháp danh hẳn hoi. Người viết phản hồi và những commanets thiếu thiện cảm này lại chỉ là những nickname bay bổng, tỏ rõ dấu hiệu thiếu chân thật. Tất nhiên, không quy định nào trong việc dùng nicname vô thưởng vô phạt nhưng với trường hợp này thì rất đối lập. Tính chân thật bao giờ cũng vẫn luôn được trân trọng.
Như vậy chẳng khác nào chúng ta tự lâm vào mê trận, luôn luôn cảnh giác và đối phó. Sẽ rất khó khăn nếu như muốn người khác đồng thuận mà thiếu tính chân thật và tư tưởng luôn dao động, đối phó như vậy.
Biết nghe lời trái ý mình (Nói theo nhà thơ trào phúng Tô Liên Bửu là dám nghe lời trái ý mình) là một điều không phải ai cũng dễ dàng làm được. Đôi khi đó còn là vướng mắc của quyền lợi, danh vọng. Có tổ chức tức có chức vị, có chức vị tức đã là danh lợi, nên rất khó tránh khỏi bị vướng mắc. Các ý kiến, dẫu có thiện chí xuất phát từ đây cũng mất đi phần nào giá trị.
Chúng ta thật diễm phúc biết bao khi đã có một nền tảng đạo lý bất di dịch tuyệt hảo đến là như vậy làm chỗ tựa nương vững chắc. Còn lại chỉ là công hạnh tu tập, nỗ lực vươn lên của mỗi cá thể chúng ta mà thôi. Niềm tự hào to lớn này luôn là hành trang tiến bước của nhiều thế hệ Phật tử chúng tôi, nhưng nó cũng khác rất xa những điều bất di bất dịch của một tổ chức Giáo Hội mà việc đổi mới nhiều mặt hãy vẫn còn là điều rất xa lạ.
Khi người viết trách móc mấy vị đạo hữu phụ trách vài website Phật giáo rằng sao cả tuần nay không có bài nào mới thì được trả lời rằng: Anh ơi! Giáo Hội ba mươi năm kia mà còn y nguyên thì trách chi website chúng em chỉ mới có hai ba năm nay!
Nhập thế thì phải tùy thuận những hình thái trần thế để tồn tại mà hóa đạo. Đó là bước đầu tiên rất quan trọng. Đối phó không thể là chiến luợc khôn ngoan của hậu duệ chư Tổ sư ngàn đời còn lưu danh hậu thế.
Theo: Tôn giáo & Dân tộc