;
Bước chân thảnh thơi, nụ cười hỷ lạc toát lên vẻ đẹp người tu sĩ. Nét đẹp ấy không phải gượng ép, không phải diễn xuất mà là nét đẹp tự nhiên, nét đẹp hồn nhiên. Những sóng gió lần hồi đi qua, người tu sĩ trở thành vị thuyền trưởng thiện nghệ lèo lái con thuyền thân tâm xuôi dòng thánh thủy. Thời gian đằng đẳng, không gian thênh thang, nhưng vị ấy vẫn nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác để bất chợt một ngày nào đó, khi ánh ban mai ló rạng, tia nắng vô tình chiếu rọi đôi mắt đen tuyền kia phản bày sâu thẳm cả bầu trời duyên sinh vũ trụ.
Hành giả xuất gia, khi thực sự nhận diện được vị ngọt của dục, nguy hiểm của dục thì tất nhiên vị ấy sẽ tìm phương thức thoát ly khỏi dục. Với đôi mắt tỉnh táo, vị ấy sẽ thấy được bản chất của dục vừa mang tính tiêu cực mà đồng thời cũng hàm dưỡng tính tíc cực. Thể tính ấy sẽ tùy thuộc vào sự tác ý như lý hay tác ý bất như lý, mà phát sinh những hoạt dụng tốt đẹp hay ô nhiễm. Khi hành giả xuất gia với tâm tham muốn phấn đấu để đạt được thiền định, tuệ giác thì đó là dục thiện, trong nhà Phật gọi là dục như ý túc hay như ý túc với dục tinh cần hành. Nhưng ngược lại, vị ấy đem tâm tham muốn làm tác động lý trí và tình cảm của tự thân trở nên bạc nhược, thấp hèn, vị kỷ hay mê lầm thì tâm ấy tuyệt nhiên là bất thiện, đáng nhờm bỏ.
Trải qua bao kiếp luân hồi, tâm tham muốn bất thiện hóa thành vị khách trần phiền não không mời mà tới, nghiễm nhiên ngự trị tâm hồn chúng ta. Chúng nhiều phen dẫn dắt chúng ta phiêu linh vào cuộc hành trì đầy kỳ hình dị thảo nhiều say đắm, hay làm ta quanh quẩn trong chốn mê cung hỗn tạp vật chất không lối thoát. Mục đích của chúng làm chúng ta thỏa mãn những cảm thọ tầm thường nhằm khỏa lấp những căn bịnh bất an, phiền muộn trầm kha nung nấu. Những cảm thọ ấy phát sinh từ sự tiếp xúc giữa các quan năng với thế giới hiện tượng xung quanh, rồi đọng lại thành khối do sự chấp thủ bền chặc.
Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go
Thân ham dùng gấm vóc se sua
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ.
Khi bước chân vào Đạo, đức Phật đã cảnh tỉnh hàng đệ tử về sức hấp dẫn của năm món dục và sức tác động của sáu trần cảnh. Do đây, Ngài khuyên mỗi cá nhân luôn phải hộ trì các căn, tỉnh giác nhiếp phục tham ưu ở đời. Hành giả sa ngã và đắm chìm vào dục lạc là con đường chướng ngại sự phát triển tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Bởi lẽ, tâm tham dục là một trong những giềng mối hiểm họa, làm khuấy động phiền não, từ đó tạo lập biển nghiệp và đưa chúng ta ngụp lặn miên viễn trong ấy. Những nỗi khổ niềm đau đều có nhân duyên để phát khởi ra nó. Trong Nikaya, Tương Ưng kinh, đức Phật dạy tôn giả A-nan rằng:
“Này Ananda! Như Lai nói rằng khổ do duyên mà sinh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Như Lai tuyên bố, không xuyên tạc Như Lai không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.”
Điều này khơi mở cho chúng ta một nhận thức rằng, sự tiếp xúc hay giao thoa nếu có sự tác ý sẽ dẫn đến lãnh thọ và phát khởi dục tâm. Trong đạo Phật, giáo lý có nói đến bốn dạng thức ăn, những thức ăn này chúng sanh luôn luôn tiếp xúc, giúp chúng sanh tồn tại và thúc đẩy chúng sanh có cuộc sống khác. Trong sinh hoạt thường nhật, con người tùy theo sự tu tập hay không tu tập mà khi tiếp xúc bốn loại thức ăn đó mà mang lại lợi ích tốt đẹp hay bất lợi khổ đau. Hễ sinh ra làm người thì ai ai cũng phải thọ nhận bốn thức ăn này. Vì vậy, đối với hành giả xuất gia, các vị nhờ áp dụng đời sống “tam thường bất túc” mà khi đối diện với bốn dạng thức ăn này, chúng sẽ không mê hoặc, dẫn dắt hay đưa đẩy ta tạo nghiệp bất thiện. Khi hành giả nhận thấy sự ràng buộc của bốn dạng thức ăn làm chúng sanh quay quần, quanh quẩn không giải thoát, thì càng phải nhiệt tâm quán tưởng sâu sắc về những cảm thọ đang khởi lên và hoại diệt trong đó. Bốn thứ thức ăn tác động đến đời sống con người chính là thức ăn đưa vào bằng miệng; thức ăn bằng những cảm giác, xúc chạm của các giác quan đối với hoàn cảnh; thức ăn bằng sự tư duy, nhớ nghĩ đến những hiện tượng hay ý niệm đã qua; và thức ăn chứa chất bằng sự ao ước, mơ mộng, ôm ấp hay phát triển những hạt giống trong đất tâm. Khi chúng ta đã biết quán tưởng những công năng của từng dạng thức ăn thì chúng ta dễ dàng không bị chúng đưa đường dẫn lối, và không chấp trước, vướng mắc vào chúng. Trong bốn dạng thức ăn đó, chúng có loại thức ăn nuôi dưỡng thân và có loại thức ăn kích hoạt tâm. Đối với hành giả xuất gia, vì mục đích giải thoát và thấy được tính chất tạm bợ, thay đổi của bốn loại thức ăn cho nên vị ấy càng không hệ lụy vào chúng và dễ dàng buông xả chúng, nếu như không cần thiết đến đời sống phạm hạnh. Giả như chúng ta không đủ tuệ giác quán chiếu cho sâu bốn dạng thức ăn này thì thật là bài toán nan giải về tham dục.
Như đã đề cập, thức ăn được đưa vào bằng miệng thì trong kinh gọi đó là đoạn thực hay đoàn thực. Thức ăn này có công dụng chuyển hóa thành dinh dưỡng và khí huyết để nuôi dưỡng xác thân vật lý. Ngay buổi đầu, trước lúc đoàn thực được đưa vào miệng, nhờ sự tu tập, chúng ta quán chiếu được rằng bản thân của đoàn thực này có công năng giúp thân khỏe mạnh hay làm thân suy hoại. Chẳng hạn ta quán xem đoàn thực này có làm lục phủ ngũ tạng yếu đi không, có làm thần kinh say nghiện không hay quán xem đoàn thực này giúp bổ dưỡng như thế nào…Dạng thứ hai là thức ăn bằng cảm giác hay xúc chạm do các giác quan giao tiếp với thế giới xung quanh, trong kinh gọi là xúc thực. Những giác quan trong cơ thể gồm có mắt để xem hình sắc, tai để nghe âm thanh, mũi để ngửi hương vị, lưỡi để nếm mùi vị, thân để chạm sự vật, ý để biết muôn sự muôn vật. Nếu chúng ta nghe những âm thanh ủy mị, buồn thương hay ầm ỉ thì khi đó chúng ta đang dùng xúc thực có hại cho tâm và các tế bào của thân, thức ăn trên làm cho độ thẩm âm của tai bị giảm, tâm ta bị loạn, trí ta bị lãng. Nhưng ngược lại, chúng ta nghe giảng giáo lý, nghe nhạc thanh nhã, thiền vị thì tâm trí được thanh thản, thư thái. Dạng thứ ba là thức ăn bằng sự tư duy, nhớ nghĩ đến những hiện tượng hay ý niệm đã qua, trong kinh gọi là tư niệm thực. Ví dụ ta nhớ nghĩ đến cảnh hơn thua với một đối tượng đã qua, nếu mình thua thì làm tâm dấy khởi buồn đau, nếu mình hơn thì thích thú trong đó. Hay nhớ cảnh cơm dưa, rau muống nơi quê nhà mà lòng bồn chồn xót xa:
Chiều chiều ra đứng bờ ao
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Dạng thứ tư là thức ăn bằng sự ao ước, mơ mộng, ôm ấp và phát triển những hiểu biết có sẵn trong đất tâm, trong kinh gọi là thức thực. Chúng ta rất dễ rơi vào thành trì tư kiến của bản thân, khi một kiến thức nào đó nó nằm sẵn trong tâm nhưng khi mình đối diện với thực tế thì lại hoàn toàn khác biệt, mình vẫn khư khư ôm giữ cái hiểu biết kia, không chịu buông bỏ để chấp nhận sự hiểu biết mới. Thưở trước, nơi mảnh đất này là một con sông, nhưng vì nhân duyên đưa đẩy mình đi chốn khác, khi gặp lại người đồng hương thì họ bảo rằng con sông ấy giờ không còn nữa nhưng mình vẫn không tin đó là sự thật, mình vẫn còn ôm ấp hình bóng cũ và để thương nhớ về chúng:
Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Câu thơ diễn tả sự biến thiên của cảnh vật, không còn mang những hình ảnh cũ nữa. Trong thiền quán sử dụng thức thực như một đề mục quán chiếu sẽ giúp hành giả tiến bộ trên đời sống tâm linh. Sự tiến triển đó kéo theo sự thăng tiến của dòng tâm thức, chẳng hạn tầng tâm thức sơ thiền có cảm thọ khác với nhị thiền, tầng tâm thức nhị thiền có cảm thọ khác dòng tâm thức của đệ tam thiền…Khi ấy, thức ăn ở dạng này sẽ chuyển hóa thành thiền duyệt thực hay pháp hỷ thực. Tóm lại, xúc thực, tư niệm thực, thức thực có tác dụng nuôi dưỡng tâm lý, bổ trợ sự tráng kiện thân thể.
Đứng trên phương diện tâm linh, chúng ta thấy được rằng phần nhiều do thân thể quá sung mãn, quá đầy đủ mà làm cho tâm phát sinh những đòi hỏi mơn trớn, quá độ. Vì vậy, sự tu thân là tác nhân khá quan trọng để đạt được tâm trong sáng, tâm giải thoát. Trong đời sống thường nhật, đức Phật khuyên nhắc hành giả xuất gia đối với ba thứ ăn uống, may mặc và ngủ nghỉ thì không nên quá đầy đủ. Sự tiện nghi thoải mái, sự hưởng thụ vô chừng là nguyên nhân chính làm cho thân tâm phóng túng, giải đãi, trụy lạc trong bất thiện pháp. Do đó, người xuất gia thực hành giới luật như là hàng rào để thân tâm đi vào trong quy củ, trong khuôn khổ. Chẳng hạn, vị ấy tiết độ trong ăn uống, không dùng thức ăn trái bữa chính, ngủ nghỉ chừng mực, may mặc vải thô, màu nhạt …sẽ giúp vị ấy có cơ hội chế ngự các pháp bất thiện và chế tác các pháp thiện ích. Khi đức Phật còn tại thế, tăng đoàn lúc ấy chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa ngọ, ngủ nghỉ dưới gốc cây chỉ một đêm, thời khóa Ngài dạy:
“Ban ngày thì phải siêng năng, chuyên cần làm các việc thiện, không nên để thời giờ trôi qua luống uổng. Đầu đêm, cuối đêm cũng phải nên hành trì; nữa đêm lại phải tụng niệm để tự thân tiêu trừ nghiệp xấu. Không nên vì chút lý do ngủ nghỉ mà làm uổng phí một đời, để rồi tự thân không có được lợi ích gì cả.” (kinh Di Giáo)
Sau đức Phật mười lăm thế kỷ, thiền sư Quy Sơn cũng cảnh sách các thiền sinh của mình bằng ngôn từ chân tình, thắm thiết:
“Đức Phật đã từng khuyên bảo các vị xuất gia là muốn đi tới trên đường đạo nghiệp và trang nghiêm pháp thân thì phải biết sống một cuộc sống tam thường bất túc, nghĩa là trong ba cái ăn, mặc, và ở đừng bao giờ đầy đủ quá. Phần đông cứ bị đam mê trong lề thói hưởng thụ ấy mà không để ý đến chuyện ngày tháng qua mau, khi giật mình tỉnh dậy thì đầu mình đã bạc. Kẻ mới học đạo chưa có cơ hội tìm thấy hướng đi thì phải hết lòng học hỏi rộng rãi với các bậc đi trước có nhiều kinh nghiệm, đừng làm như thể xuất gia là chỉ vì miếng cơm manh áo.”(TS. Nhất Hạnh dịch)
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dầu có sự thay đổi về đời sống sinh hoạt để phù hợp với truyền thống văn hóa tập tục mỗi dân tộc, luật pháp của mỗi quốc gia nhưng sự thực tập về đạo lý “tam thường bất túc” vẫn còn giá trị và ý nghĩ vi diệu miên viễn. Trong nhân gian, các nước chiến tranh đả kích nhau, quyến thuộc xung đột bất hòa nhau, người người chống báng hiềm hận nhau, xã hội ngập tràn tệ nạn rối ren, muôn loài điêu linh, môi sinh thảm hại…đều phát sinh từ lòng tham dục vô cùng tận. Thế nhưng, không một ai đủ tỉnh thức để giật mình trước sự gieo rắc hiểm họa của tâm tham.
Sự thay đổi khí hậu, thiên tai bùng phát khắp nơi, nguồn nước đang khan hiếm, thế giới môi sinh đang hấp hối trong tuyệt vọng…phải chăng nhân loại làm ra? Tâm tham đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sống muôn loại nói chung và bản thân của chủ thể tâm tham đó nói riêng. Thủ thuật “tam thường bất túc” và định lý “thiểu dục tri túc” là phương thức giải quyết các bài toán đố trong gia đình, ở xã hội, và cả quốc gia. Chúng ta cùng chia sẽ không khí với nhau để thở, bảo vệ chung nguồn nước để uống, san sẽ bớt thực phẩm để cùng nhau sống, chăm sóc hành tinh xanh để cùng nhau thưởng ngoạn, thì thế giới chúng ta đang sống là một thế giới đầy huyền nhiệm và hạnh phúc.
Dòng ái dục chảy khắp
Như dây leo vừa sanh
Thấy dây leo vừa sanh
Với tuệ, hãy đoạn gốc. (Pháp cú)
Con người từ sớm đến tối, ngày này tháng nọ mãi miết làm việc, quần quật bon chen để tự ràng buộc vào miếng cơm manh áo, xong miếng cơm manh áo lại tranh đua danh vọng địa vị. Tâm tưởng luôn luôn ruổi rong kiếm tìm, hưởng thụ năm món dục trong vô vọng. Mọi người tự trở thành tri kỷ với những buồn lo, so đo ,tính toán. Tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống và ngủ nghỉ đều có tính chất tạm bợ, nhờ duyên mà thành, chuyển biến thay đổi khôn lường; khi nhận ra được điều ấy thì “trên đầu già đến rồi”, loay hoay phút chốc thì “chuyển sinh thành đời khác”. Người có của cải vật chất đầy đủ thì có nỗi khổ về của cải vật chất, người bần hàn thiếu thốn thì có nỗi khổ của bần hàn thiếu thốn, người biết tự hài lòng với những gì mình có thì nhẹ bớt gánh khổ đau.
Hành giả xuất gia tìm về uyên nguyên của bản thể thì rất cần hướng thân tâm vượt ngoài hệ lụy của ăn uống, may mặc và ngủ nghỉ. Với tâm niệm chúng chỉ là những phương tiện để thực hành đạo nghiệp, không vì bận tâm đến chúng mà ngày qua tháng lại không có chút lợi lạc. Tự ràng buộc vào chúng là tự xuôi thuyền theo ái, thủ, hữu- căn nguyên tiến trình sanh tử. Thực hành theo hạnh buông xả để nhẹ nhàng, thư thả bước đi trên đại lộ tự do, hạnh phúc.
NHẤT TÂM
Nguồn: chuahaiquang.com