;
Việc làm từ ngàn xưa
Phật giáo tại Việt Nam thừa nhận việc dùng lửa, nhang hay trầm để đốt tay, chân, thân là sự hy sinh cao thượng nhất cho sự hiến thân vì đạo.
Ngay từ thời nhà Trần, hai vi sư là Minh Tâm và Bảo Tính sau khi tụng và giảng Kinh Pháp Hoa, cảm ân Phật nhiều kiếp vì chúng sinh hy sinh vô số thân hình đầu mắt cùng những thân phần khác của cơ thể, nên đã nhập “hoả quang tam muội” (lửa trong thân - PV) thiêu thân cúng dường.
Tiếp đó là ngài Trí Thông đã đốt cánh tay cúng dường Phật nhân ngày Điều Ngự Nhân Tông làm lễ thế phát xuất gia, mà vẽ mặt vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra.
Rồi vào những năm của đầu thập niên sáu mươi để phản đối sự đàn áp Phật giáo, ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã bùng lên đốt tan sự vô minh và Ngài đã để lại một bằng chứng về chân lý và sức sống của đạo Phật là “trái tim bất diệt”. Trái tim của Ngài dù bị thiêu ở bất cứ nhiệt độ nào cũng không thể phá hủy.
Tuy nhiên đại sư Thật Hiền dịch từ cuốn Thiền sư Chín ngón phỏng dịch Phật lịch 2446 (Năm 1902 - PV) chỉ rõ: “Việc “vì pháp thiêu thân” là đáng trọng đáng kính tuy nhiên, mỗi người con Phật không thể hễ một chút là thiêu, hễ một chút là đốt làm vậy e rằng sẽ đem đến một cái nhìn không đúng đắn về Phật giáo”.
Theo đại sự, việc làm này không phải ai muốn cũng làm được. Tuy nhiên nếu “vì pháp thiêu thân” để giải trừ pháp nạn thì khi đốt phải có sự đồng ý của giáo hội và phải có cách làm sao cho đúng để có một kết quả như ý, xứng đáng với sự hy sinh. Bằng ngược lại hành động ấy e rằng chỉ dẫn đến việc hại nhiều hơn lợi.
Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo (ảnh tư liệu) |
Mong chúng sinh bớt khổ
Ngày nay việc đốt ngón tay rất ít người thực hiện mà đa số những người con Phật hay chọn cách dùng hương hay trầm để đốt lên thân thể của mình.
Ngoài việc đốt 3 chấm hương trên đỉnh đầu trong dịp thọ Bồ tát giới, một số người còn chọn cách tự đốt bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải có sự trợ giúp của người khác, cũng không cần trong dịp lễ lớn… có nghĩa là lúc nào thâm tâm của người tu đạo nghĩ đến điều gì lợi ích cho chúng sanh thì họ thực hiện.
Điển hình như có những người vì thương những loài động vật đang ngày ngày bị giết thịt để phục vụ miếng ăn cho con người hoặc những ngày lễ vía của Phật, Bồ tát thì họ phát nguyện làm một điều gì đó để mong chúng sinh bớt khổ…
Khi thực hiện, người tu mang y hậu (trang phục của người xuất gia), áo tràng (người tu tại gia) chỉnh tề, ngồi trang nghiêm trước bàn Phật, không gian yên tĩnh dùng những dụng cụ như trầm viên, hương cây, keo hồ… để đốt.
Đối với người con Phật việc đốt thân mạng nhằm thể hiện lòng từ bi với chúng sinh |
Sư cô Thích Nữ Quảng Tùng (tại Đà Nẵng) tâm sự: “Khi mới vô chùa, sáng nào dậy thỉnh chuông U Minh tôi đều nghe tiếng kêu gào thét của heo, bò từ ngôi nhà bên cạnh. Sau đó phát hiện đây là một lò mổ. Tôi nghĩ, mình đứt một tí nơi tay đã đau nhói vậy mà sáng nào người ta cũng đem những con vật đó ra giết?.
Thấy vậy nên tôi phát nguyện mỗi khuya thức dậy thỉnh chuông nghe tiếng heo, bò kêu là lấy hương tự đốt lên người mình, mà nơi tự làm dễ dàng nhất là hai cánh tay. Làm để cầu nguyện cho những con còn lại không bị giết và những con đã bị giết thì được siêu thoát.
“Đốt bằng cây hương thì tôi chấm được 3 lỗ, nếu đốt bằng trầm viên thì một viên là 1 lỗ, nhưng trước khi đốt phải có keo hồ để dán. Khi đốt tôi không thấy đau mấy, sau khi đốt thì nó cũng đau, nhưng khoảng 1 tuần là hết, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc làm vô nghĩa nhưng tôi không quan tâm bởi đấy là tâm nguyện của bản thân” - Sư cô Quảng Tùng cũng cho biết thêm.
Không chỉ đốt hương để cúng dường nhiều người còn dùng cách đốt hương lên cơ thể để trị bệnh. Như bệnh thấp khớp, thông thường khi đau người ta hay chạy chữa các loại thuốc nhưng nếu ai chịu đau khi đốt hương để mở thông các huyệt thì sẽ hết ngay, trừ khi bệnh đã quá nặng.
Theo Hoài Lương - An Phong - KH&ĐS