;
Bóc trần phép lạ Lòng Chúa thương xót, một thủ đoạn cải đạo mới
Truyền thông bẩn và sự vụng về của Phật giáo
Giả sư thời @ và tội phỉ báng chánh pháp
Đánh cho sập chùa, chiến dịch số 3
Thật đáng tiếc, không phải bây giờ mà 3 năm qua, từ dư luận quần chúng cho hay, chùa Ba Vàng đã đưa tín ngưỡng dân gian thần quyền vào việc chữa bệnh và kiến giải vong linh, cô hồn bằng phương pháp tâm linh được coi là “mầu nhiệm” của Phật pháp. Song trên thực tế, thì đây là một điều làm tổn thương chánh pháp, bởi ngay cả thời đức Phật còn tại thế, Ngài cũng dè dặt nói ra điều này và ngăn cấm các đệ tử không bao giờ làm các việc huyền bí, vô hình khó kiến giải, kể cả việc chứng đắc thần thông nếu không được phép cũng không cho các đệ tử sử dụng.
Tại sao vậy?
Bởi đây là phạm trù duy thức “mờ” nếu không có huệ giác (tức chứng đắc Tam minh, Lục thông, trong đó có tha tâm thông) thì không bao giờ có khả năng để hiểu được (quá khứ, hiện tại, vị lai). Vậy, mà đệ tử của chùa Ba Vàng với tư cách tu trì như thế nào mà thấy được tiền kiếp của người hiện tại và người quá cố của họ mà kiến giải cho rằng vong linh báo oán để chữa bệnh…Đây là việc làm “quá ngã mạn” về mặt tâm linh, coi thường chánh pháp, ngang nhiên đưa tà ma ngoại đạo vào ngôi nhà chánh pháp Như Lai.
Tại sao gọi là tà ma ngoại đạo mê tín dị đoan?
Về điều này xin trả lời ngay: Đây là tín ngưỡng dân gian thần quyền (mảnh đất của vọng tưởng đồng cốt, thầy bà ngoại đạo) xâm nhập vào ngôi nhà chánh pháp đạo Phật. Theo các từ điển Tiếng Việt phổ thông, và từ điển Nho, Phật, Đạo: “Tà đạo là con đường không chính đáng, tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính tông.
Mê tín theo thuật ngữ đạo giáo cũng có nghĩa là mê tâm. Chỉ cho 10 thứ mê (thập mê): mê sự, mê lý, mê giáo, mê cảnh, mê khí, mê thần, mê tiên, mê chân, mê thánh. Là những thứ mê mà pháp lực của đạo nên bài trừ, bởi đây là đạo thuật ngoài chính thống như vu cổ (đồng cốt) yêu pháp và một số thuật nào đó…”
Là Phật tử chúng ta biết, ngay từ thời đức Phật tại thế, Ấn Độ có tới 96 tôn giáo, như vậy đủ biết ngoại đạo “hấp dẫn” hay nói khác đi là ngoại đạo hoành hành như thế nào, nhưng đức Phật vẫn kiên trì và bi mẫn truyền bá chánh pháp và Ngài coi con người là chủ nhân ông của thế giới (nếu con người có tuệ giác khai mở) tức tu hành thì có thể đạt đạo ngang với Thượng đế, Bồ-tát và cả Trí tuệ Phật nữa.
Để khẳng định điều này, qua thực chứng Giác ngộ Chánh biến Tri của mình đức Thế Tôn khuyến cáo: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Như vậy đủ biết đạo Phật không bàn nhiều đến chuyện ma, mà chỉ bàn đến chuyện tu hành để chuyển phàm thành thánh.
Đây là chánh pháp của Phật giáo, trong đó có pháp giới duyên sinh, và từ nguyên lý này, đạo Phật không coi linh hồn là bất biến, nên có cái nhìn lạc quan cởi mở về sự sinh tử luân hồi qua luật nhân quả (thiện ác của chúng sinh do chính đối tượng lựa chọn) chứ không ép buộc hù dọa gây phiền não cho bất cứ người nào, bởi lòng từ bi tới muôn loài của giáo lý này. Đó là chánh pháp vốn có từ ngàn năm của đạo Phật.
Với quan điểm và tinh thần bi trí của đạo Phật, xin được dẫn ra đây một vài nhận xét và đánh giá của các học giả châu Âu và Tây phương để chúng ta cùng nhìn nhận so sánh giữa chánh đạo và tà đạo: theo Giáo sư Huston Smith người Mỹ, trong cuốn “Tôn giáo của Nhân loại” qua nghiên cứu về tôn giáo nhân loại của ông, ta thấy ông đã đưa ra nhiều vấn đề sát đáng và thuyết phục về các tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo để chúng ta cùng tìm hiểu và suy ngẫm về giáo lý đạo Phật trong bối cảnh chùa Ba Vàng đang có dư luận hiện nay.
Dưới đây là đánh giá về tôn giáo của Giáo sư người Mỹ chúng ta cùng suy ngẫm:
“Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều gom tụ sáu yếu tố dưới đây:
1-Quyền uy.
2-Nghi thức.
3-Tri giải suy lường.
4-Truyền thống
5-Thần trị và ân điển.
6-Huyền bí.
Về tôn giáo của nhân loại, sáu (6) yếu tố trên đã phát huy được tác dụng quan trọng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan, tệ đoan này khiến thực trạng của tôn giáo ngày một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quẩn quanh nơi mê tín.
Phật Thích Ca quyết tâm rửa sạch khoảng đất hoang tàn này và Phật giáo đối với sáu yếu tố trên chẳng hề có sự liên quan nên khiến người đời kinh sợ. Bởi vì theo thói quan sát của người đời thì hễ tôn giáo nào thiếu mất sáu yếu tố trên đều chẳng hề tồn tại. Nhưng sự thật lại được minh chứng cụ thể như sau đối với Phật giáo:
Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có quyền uy, nghi thức, suy lường tri giải, vô truyền thống (tức truyền thống cổ hủ), không thần trị-ân điển, và chẳng huyền bí”.
Về sự huyền bí Phật Thích Ca nói: “Tất cả việc chiêm tinh, bói toán đều là những môn học thấp kém, không cho những môn đồ trong Phật giáo làm mọi pháp thuật huyền bí, bất cứ người nào sử dụng tà thuật để đặt điều kỳ lạ đều chẳng phải là Phật tử của Ta, những người làm phép huyền ảo ấy đều là việc nguy hiểm”
Qua nhận định đánh giá và trích dẫn trên của Giáo sư Hustaon Smith cho ta thấy, đạo Phật thật khác biệt với thông lệ của tất cả các tôn giáo trên thế giới, bởi đạo Phật không dung nạp tư tưởng tín ngưỡng thần quyền. Chính vì điều này, nên mặc dù Phật giáo ra đời ở châu Á, nhưng sự ảnh hưởng của giáo lý đạo Phật không bị ngăn trở giới hạn và luôn tương thích với nhịp điệu khoa học cũng như đời sống hiện đại ngày nay trên phạm vi toàn cầu.
Theo nhận định đánh gia của các nhà khoa học và các học giả Tây phươg và châu Âu đều cho rằng: “Tôn giáo mà đức Phật dựng lên không phải là một hệ thống tín ngưỡng và tôn sùng lễ bái, trung thành với thần linh siêu nhiên (mang tính thần quyền). Niềm tin người Phật tử đặt vào đức Phật cũng giống như người bệnh đặt niềm tin vào vị lương y tài giỏi, hay niềm tin của người học trò đặt trọn vẹn nơi thầy.
Mặc dù nương tựa nơi đức Phật và tôn trọng Ngài là vị hướng đạo sư, là dẫn dắt trên con đường giải thoát, người Phật tử không quy phục (và Ngài cũng không đòi hỏi quy phục) mù quáng như kẻ nô lệ. Mà người Phật tử nương theo giáo pháp của Ngài tự nỗ lực để đạt đến giác ngộ giải thoát. Về điều này Giáo sư sử học Rhys Dvid cũng đã viết về chánh pháp đạo Phật như thế này: “Tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, trong tất cả tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có vẻ đẹp hoàn toàn hơn Tứ diệu đế và Bát chánh đạo (1) của đạo Phật. Tôi chỉ còn thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy” (theo Buddha and Hí Teachinh tr. 160).
Giáo lý đạo Phật là minh triết, sâu mầu. Đạo Phật không “mê tín dị đoan” như người ta lầm tưởng. Bởi vì đạo Phật là trí tuệ có thể giải thích thỏa đàng được những thắc mắc về siêu hình mà dân gian đã gặp phải. Đối với các tôn giáo khác không có luận cứ nào để giải thích được, vì nếu một đấng tạo hóa tạo ra loài người, cho họ sống trong một đời và họ lại sống với hành động theo ý muốn của đấng tạo hóa đó là tàn ác, thì thật là khó giải thích, bởi khi con người trở nên ác, và đấng tối cao ấy cũng đồng với thể tính tàn ác và thiện lành như họ, thì ai là người giáo dục-nuôi dưỡng lòng vị tha và cao thượng của họ đây…nếu một tôn giáo không mang được ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ thì tôn giáo ấy đã chẳng phải là tôn giáo nữa.
Nếu chúng ta lấy giáo lý để suy niệm về duy thức học Phật giáo (tức về tâm linh) thì có lẽ không mấy tôn giáo trên thế gian này có thể giải thích được những điều vi diệu sâu mầu như đạo Phật. Nhưng với đức Phật, ngài chỉ khuyên các đệ tử nỗ lực giữ giới tu trì hướng đến đạo pháp cao thượng, chứ ngài không nói nhiều đến sự huyền nhiệm, bởi nhiều khi sự huyền nhiệm ấy vượt quá căn cơ và tuệ giác của chúng sinh, và nó hiện tại không giúp gì cho việc giác ngộ-giải thoát nên đức Thế Tôn không nói (bởi thế trí biện thông) không giúp gì cho giải thoát mà chỉ làm rối bời thực tại.
Vậy chánh pháp của đạo Phật được hiểu là lời nói từ kim khẩu Phật, và sau đó các chư đại Bồ-tát, tổ thầy tuyên lại nội dung lời Phật dạy đúng với tam pháp ấn: (khổ-vô thường- vô ngã) đây là chánh pháp giáo lý. Như vậy, đạo Phật dạy chúng ta phải hiểu cho rõ về lý lẽ vô thường và chân thường. Mục đích là để dẹp trừ (tham, sân, si) phiền não, sợ hãi và vọng tưởng, đây là bản chất và cũng là những đặc tánh cố hữu của con người.
Theo bước chân Phật nếu là Phật tử chúng ta phải hiểu rõ điều này, nhưng “Phật tử” Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng (Uông Bí-Quảng Ninh) lại đi ngược với chánh pháp của đạo Phật, thực hiện các thao tác “ tâm linh” của tín ngưỡng dân gian thần quyền gieo rắc tệ nạn mê tín dị đoan gây hoang mang sợ hãi cho quần chúng mà dư luận xã hội, cũng như báo chí đã đưa tin, đây là việc làm tà pháp cần ngăn chặn, bởi khi còn tại thế, Đức Phật đã cho đây là ngoại đạo “nguy hiểm”.
Với việc bói dựa, bắt vong, nói chuyện tiền kiếp báo oán, chuyện xem đất làm nhả cũng như chuyện vong linh bất hảo… để dọa lạt người nhẹ dạ cả tin đến với đạo Phật. Sau đó, dùng nghi thức Phật giáo được gọi là hóa giải oan khiên (chữa bệnh) kêu gọi việc làm công đức cúng dường của Phật tử. Phải chăng, đây là cách sám hối, cầu nguyện theo giáo lý đạo Phật để đoạn nghiệp xấu ác cho Phât tử … việc làm này đúng sai đến đâu? Câu trả lời này rất cần đạo hữu, cũng như những ai quan tâm đến vấn đề này cùng tìm hiểu và suy ngẫm.
Theo dư luận và từ kênh thông tin báo chí cho hay: “Phật tử” Phạm Thị Yến mặc dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng, nhưng được cho là người rất có sức ảnh hưởng tại chùa này. Phạm Thị Yến thường xuyên xuất hiện trong các ấn phẩm truyền bá về tâm linh của chùa Ba Vàng. “Phật tử” Yến còn có mặt trong các buổi thuyết pháp (với sắc áo màu lam) trong cả các khóa tu có tới vài trăm người đến nghe giảng, và thật may mắn chưa mặc (sắc y vàng).
Bà Yến (theo thông tin báo chí) năm nay 49 tuổi, quê Đồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên. Hiện có 2 con và đã ly hôn chồng. Được biết bà có khả năng “ngoại cảm” câu thông được với người âm (cái gọi là ngoại cảm này xin nói tới phần sau) Và cũng chính vì điều này, mà bà Yến rao giảng nhiều về chuyện “tâm linh” khiến nhiều người giật mình kính nể.
Nhân chuyện này, chúng ta cùng nhau nhận diện và suy ngẫm đôi điều về tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng đạo Phật để hiểu thêm vấn đề: Thường thì chúng ta hay nghe người của dân gian phân biệt về “cõi âm” và “cõi dương”. Cõi dương thường gọi là dương thế, đây là cõi của người đang sống, tức cõi ban ngày; “cõi âm” là cõi của người chết hay cõi lạnh lẽo thuộc về ban đêm mà người chết thường hay xuất hiện ra những hình dáng mơ hồ, hư hư thực thực.
Thông thường, những chúng sinh bị chết thình lình (bất đắc kỳ tử), hoặc những người chết trong trận mạc, chết sông nước, tai nạn trên đường, hay chết vì oan ức bị hại nào đó, cái chết này người ta cho rằng đây là những “cô hồn” các đảng chưa được siêu thoát, nên vẫn tồn tại lẩn quất trong thế gian, vương vấn cõi hồng trần.
Đôi lúc họ hiện về để làm cho người sống phải sợ hãi; nhiều khi vì nhu cầu phụng dưỡng thiếu đói nên họ đòi hỏi và thông qua “kênh” đồng bóng, bói toán, bốc phệ , xem bài…để nói nên ý nguyện của mình, thông qua kênh “đồng bóng” này mà người dương thế thường đáp ứng như đốt vàng mã, giấy tiền, quần áo mong người chết nhận được mà không phải thiếu thốn khổ đau trong thế giới cõi âm vô hình.
Từ tín ngưỡng dân gian xa xưa này, nên sinh ra các thầy cúng bái theo tín ngưỡng, và trước đây cũng không ít chùa cúng lễ theo tín ngưỡng này, bởi tam giáo đồng nguyên hiện diện và pha trộn ở nước ta từ bao đời.
Nhưng ngày nay với tinh thần và đường lối tu trì hiểu biết hơn, bởi trình độ tăng sĩ, cư sĩ Phật giáo đã nâng cao, cho nên việc tu hành làm Phật sự và cầu cho vong linh được siêu thoát đã làm thay đổi khá nhiều quan niệm của người thế gian đối với giáo lý minh triết của đạo Phật.
Trở lại vấn đề nêu trên với cái gọi là “ngoại cảm” hay gọi theo tín ngưỡng dân gian là “đồng cốt hay đồng bóng” họ cũng có khả năng tiếp thông được với người âm. Với (khả năng) dị biệt này, nhiều người chưa nắm được cơ chế sinh học của con người cũng như giáo lý của đạo Phật đã đề cập nên thường đặt câu hỏi? Tại sao nhiều người chẳng tu chứng gì cả, nhưng họ có khả năng tiếp thông được với người âm và cho đây là (thần thánh).
Theo giáo lý đạo Phật và khoa cận tâm lý cũng như khoa học ngày nay cho rằng: “khi con người bị xung chấn bởi một tai nạn “vượt độ” nào đó như bệnh dại cắn, tan nạn chết đuối, ngã cây, hoặc một tai nạn bất thường nào đó tưởng như chết rồi sống lại, thì bỗng nhiên tần số âm dương của người đó thay đổi.
Theo quan điểm khoa học cũng như giáo lý đạo Phật giải thích và cho rằng, trong mỗi con người đều có điện từ âm dương lưu xuất khắp châu thân. Bỗng nhiên gặp tai chướng bất thường nào đó thì tần số “âm” thay đổi, tỷ dụ như sau tai nạn lớn như đã nói ở phần trên bỗng nhiên người tai nạn sống lại đó tiếp thông được với cõi âm, tức tần số âm của người đó ngang bằng với cõi âm, nên có hiện tượng nêu trên.
Trong thực tế, nhiều người đã thấy và cũng như người viết đã gặp những hiện tượng như vậy. Và hiện tượng này, người ta thường nói là hiên tượng âm âm dương dương chỉ cho người “đồng bóng” hoặc nói quá lên theo cách diễn đạt dân gian gọi là (thánh cho ăn lộc) tức họ biết chuyện trên trời dưới đất và đặc biệt là biết về phần âm. Trường hợp này theo giáo lý nhà Phật gọi là người “tâm bệnh”.
Với “khả năng”này, họ lầm tưởng cho là mình có khả năng “đặc biệt” tức thánh nhập, nên lập nơi thờ tự và hành nghề đồng bóng bói toán, đến khi khả năng này vãn hồi (mất) đi, nhưng vì đã hành nghề rồi khó bỏ nên ai đến xem thì bói dựa. Vậy, theo chánh pháp gọi là tín ngưỡng dân gian thần quyền. Vì không có tu hành nên không thể gọi là khai mở tuệ giác theo chánh đạo, nên trong đạo Phật gọi trường hợp này là tà ma ngoại đạo.
Nếu chúng ta cả tin sợ hãi hỏi họ (tức người đồng bóng) thì nhà Phật cho đây là việc của người mà đi hỏi ma (đánh mất chủ nhân ông của mình). Vậy, trong kinh Hoa Nghiêm có câu “tất cả duy tâm tạo” mọi việc là do cái tâm này sinh ra. Nên người có trí tuệ thì không hỏi việc ma. Chính vì lẽ này mà tổ thầy dạy “niệm Phật thì khỏi niệm ma” tức trong tâm chúng ta lúc nào cũng có Phật thì chẳng ma chướng nào hội nhập, đó là chánh pháp vậy.
Chùa Ba Vàng dung nạp tín ngưỡng dân gian thần quyền vào việc chữa bệnh, giải vong thông qua hình thức làm công đức cúng dường đây là việc làm tổn hại đến chánh pháp đạo Phật.
Từ sự việc nói trên, khiến dư luận quần chúng cũng như các cơ quan báo chí vào cuộc lên tiếng phản đối. Trên trang (phatgiao.org.vn) tác giả Nguyên Phong có bài “Từ việc ở chùa Ba Vàng, hiểu thêm về nhân quả, vong linh, tiền kiếp theo quan điểm đạo Phật”.
Bài viết nêu ra một vấn đề: “bệnh tật, tai ách do rất nhiều nguyên nhân mà đến, có loại do nghiệp báo, cũng có loại do ách kiếp, có những bệnh do chính mình huân tập từ đời sống nhiễm ô, và phần rất nhỏ là do nghiệp báo, nhưng sẽ không có một ai có thể (cúng tế) để giải trừ nếu mình không tự thay đổi cách sống của mình đó là hành thiện, tích đức”.
Đây là vấn đề thuộc quy luật nhân quả mà giáo lý đạo Phật luôn nhắc tới trong các kinh điển cũng như các bài pháp được tổ thầy thuyết giảng. Với phương châm của giáo lý, độ sinh trước khi độ tử, chánh pháp đạo Phật phải đến được với người đang hiện hữu tại thế.
Đây là việc làm cứu độ hữu ích nhất và lợi lạc nhất, chứ không phải đến khi việc xấu ác tạo rồi mới dùng giáo lý diễn giải, răn đe, hù dọa và cầu nguyện sám hối hóa giải để mong lợi dưỡng (đây là tà đạo).
Đề cập về lối hành đạo (kiểu này) cố HT Tuyên Hóa nói với các đệ tử của mình: “Suốt đời tôi, tôi không bao giờ muốn tham gia việc chạy theo các lễ hội “tụng kinh, sám hối, phóng diệm khẩu, thủy lục không”, bởi tôi không đủ hạnh-đạo, không đủ để cảm động người, đức không đủ để giáo hóa người. Chính mình còn chưa siêu độ giải thoát được mình, thì làm sao có thể đi siêu độ các vong hồn báo oán kia chứ? Cho nên, tôi không dám ‘to gan’ đến thế”.
Ngày nay, không những chỉ có các ‘trung tâm siêu độ vong linh’ mọc nhan nhản, mà còn có ‘giá cả’ấn định tùy theo tình hình nữa. Ngay cả người tại gia cũng tham gia hành “nghề” này. Những người chuyên môn lấy việc cầu nguyện sám hối siêu độ để kiếm tiền này thực sự là hàng ngoại đạo trà trộn vào ăn bám cửa Phật”.
Nói về sự sâu mầu của giáo lý thậm thâm vi diệu, Tuyên Hóa thượng nhân cũng cho rằng, “Phật giáo có được Tam tạng kinh điển với 12 bộ kinh quý giá như thế, đây là bảo tàng trí huệ vô lượng vô biên, thế mà người ta không chịu khai phát giáo nghĩa trong đó, chỉ toàn là dụng công hời hợt bên ngoài (ý HT muốn nói các việc sám hối cầu nguện giải vong). Đây quả thật là một việc rất đáng tiếc!”
Theo dấu chân Phật, là người Phật tử những dư luận mà chúng ta nghe được, thấy được từ chùa Ba Vàng khiến chúng ta se lòng trước thâm ân của tổ thầy giáo dưỡng bấy lâu nay về chánh pháp. Và chẳng phải vô tình, trên các trang báo của cổng thông tin điện tử (phatgiao.vn) mới đây, chúng ta đều đọc được điều pháp nhẫn mà Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thích Phổ Tuệ răn dạy: “Người tu hành không được lạm dụng đồng tiền tín thí thập phương. Chùa to giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì Phật pháp”.
Trong xu thế Phật giáo hội nhập phát triển hiện nay, chúng ta càng thấy chân lý của câu nói các tổ thầy dạy, tùy duyên hành đạo nhưng với chánh pháp thì “bất biến”. Đó mới là người sáng đạo để dẫn dắt quần chúng đi đúng lộ trình giác ngộ-giải thoát. Người sáng đạo chúng ta thấy lối sống thường là giản dị.
Với nội dung này, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ nói lời dưới đây ta thấy lời tự bạch, nhưng theo thiển nghĩ của người viết, thì đây cũng là lời dạy tâm huyết: “Tôi sống đời hơn trăm tuổi, đã gần trăm năm xuất gia theo nghiệp tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương.Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta, mà xuất gia để làm những điều Phật tổ dạy chúng ta, làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê. Cho nên học đạo phải nhớ thực hành”.
Những lời nhắc nhủ của Đức Pháp chủ và bài học của chùa Ba Vàng như thức tỉnh chúng ta những người con Phật phải luôn luôn tinh tấn trau giồi chánh pháp để có cái nhìn chánh kiến, chánh tư duy trên lộ trình thực hiện đạo pháp. Đó mới là không phụ lòng thâm ân của Đức Bổn sư và các tổ thầy đã gian nan tử sinh vì đạo.
Cư sĩ: Thiện Trí Chân
Chú thích (1) Tư diệu đế - Bát chánh đạo: đây là giáo pháp căn bản của giáo lý đạo Phật. (Để tìm hiểu thấu đáo hai giáo lý này xin tìm đọc các cuốn Phật học phổ thông của HT. Thiền sư Thanh Từ và cố HT Thiện Hoa)
Tài liệu tham khảo:
-Bài :Yếu chỉ Phật pháp – Thiền sư Duy Lực (phatgiao.org.vn 24/12/2017)
-Đức Phật lịch sử đức Phật tôn giáo Báo Điện tử (ĐPNN 22/9/2009)
-Các bài: Từ việc ở chùa Ba Vàng hiểu thêm về nhân quả, vong linh, tiền kiếp theo quan điểm đạo Phật. Bài Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo VN Thích phổ Tuệ (Điện tử phatgiao.org.vn cập nhật các ngày 20, 21, 23/3/2019)