;
Đức Đạt-lai Lạt-ma đang trả lời phỏng vấn
(Ảnh: Tenzin Choejor - DalaiLama.com.)
Lời giới thiệu của người dịch:
Dưới đây là một cuộc phỏng vấn mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đặc biệt dành riêng cho ông Melvin McLeod Tổng Biên Tập của tổ hợp báo chí và xuất bản Lion' s Roar (Hoa Kỳ). Buổi phỏng vấn ngày 29 tháng 7 năm 2016 được diễn ra trong vòng thân mật, trong gian phòng làm việc giản dị và khiêm tốn của một cơ quan báo chí.
Đức Đạt-lai Lạt-ma quả là một con người ngoại lệ trên hành tinh này! Dù đi đến đâu trên bất cứ miền lục địa nào, Ngài cũng đều đến gần với mọi người và tất cả cũng đều đến gần với Ngài, từ những đứa trẻ cho đến các cụ già, các triết gia, khoa học gia, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo tinh thần khác. Dường như nơi nào cũng là gian nhà của Ngài, quê hương Ngài, thế nhưng thật lạ là trong số tất cả những con người đó thì chỉ có riêng Ngài là không có quê hương. Bước vào tuổi 80 thế nhưng chưa một lần Ngài được về thăm quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Điều này thật nghịch lý đối với Ngài, là một con người thật hiếm hoi trên hành tinh này không hận thù ai cả và cũng không hề tự tạo cho mình một kẻ thù nào cả!
Bài phỏng vấn dưới đây phản ảnh sức mạnh vô song phát sinh từ lòng từ bi và tình nhân ái đó của Ngài. Và cũng thật lạ lùng là Ngài luôn tìm cách kín đáo trao lại cái sức mạnh đó cho mỗi người trong chúng ta mà không giữ lại cho mình bất cứ gì cả, nếu không thì cũng chỉ là một tí xíu nào đó, thế nhưng cũng rất sâu xa, của một niềm hạnh phúc tối hậu bên trong tâm thức Ngài. (Nguồn: http://www.lionsroar.com/the-ultimate-happiness-dalai-lama/)
Đức Đạt-lai Lạt-ma và Melvin McLeod Tổng biên tập tổ hợp báo chí Lion’s Roar
(Ảnh: Tenzin Choejor - DalaiLama.com.)
Lời giới thiệu của Melvin McLeod
Trong buổi đàm thoại dưới đây Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ đề cập đến tình nhân ái, và cho biết tại sao Phật giáo chủ trương "vô ngã" nhưng trong một vài trường hợp cũng có thể là có cái “ngã”, và tại sao chăm lo cho kẻ khác lại là cội nguồn mang lại niềm hạnh phúc tối hậu cho chính mình.
Tại sao Đức Đạt-lai Lạt-ma lại được nhiều người mến mộ đến thế? Họ không nhất thiết chỉ là những người may mắn đích thân được tiếp xúc với Ngài mà còn là hàng trăm triệu người khác trên khắp thế giới chỉ được biết đến Ngài qua các thông điệp thấm đượm trí tuệ và lòng nhân ái của Ngài. Theo tôi thì Ngài đã vượt lên trên tất cả những sự dị biệt giữa chúng ta hầu kết nối mọi người với những gì tinh túy nhất trong mỗi chúng ta với tư cách là những con người như nhau. Ngài đã khai mở con tim chúng ta, hướng thẳng vào những ước vọng sâu kín nhất của chúng ta là mong cầu thực hiện được một cuộc sống hạnh phúc với thật nhiều thương yêu. Ngài đã giúp chúng ta nhận thấy được điều đó là hoàn toàn trong tầm tay của mỗi người trong chúng ta.
Trước buổi phỏng vấn, tôi được dịp trông thấy Ngài dừng lại trong sân chào hỏi mọi người. Trẻ cũng có, trọng tuổi cũng có, họ là những người Tây Tạng, Ấn Độ và cả Tây phương, một số có vẻ sang trọng, nhưng cũng có những người nghèo khó. Ngài mở rộng vòng tay với họ, và họ cũng mở rộng lòng mình với Ngài. Hình ảnh Ngài ban phúc cho một nhóm nhỏ người Tây Tạng lặn lội từ những nơi xa xôi đến đây để gặp người lãnh đạo tinh thần và quốc gia của họ là cả một dịp cho tôi chứng kiến tận mắt niềm quyến luyến sâu xa của Ngài đối với dân tộc Ngài. Trông thấy họ lau nước mắt, Ngài không khỏi cảm thương họ, an ủi họ. Trước cảnh tượng đó ai mà không cảm động. Tôi bước vào trong để cùng đàm đạo với Ngài suốt một giờ.
Buổi phỏng vấn Đức Đạt-lai Lạt-ma
Melvin McLeod (MM): Kính thưa Ngài, thay mặt độc giả và cá nhân tôi, xin cảm tạ Ngài đã sẵn lòng chia sẻ trí tuệ của Ngài với chúng tôi.
Người Tây phương thường được dạy bảo rằng phải ý thức và chọn lựa giữa hạnh phúc của cá nhân mình (sụ ích kỷ của mình) và sự an vui của kẻ khác, và họ cũng được dạy thêm rằng nếu muốn chọn cho mình thái độ đạo đức thì phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình.
Thế nhưng đối với Phật giáo thì sự đối nghịch đó tức là giữa hạnh phúc của mình và kẻ khác lại không hề có, bởi vì Phật giáo dạy rằng tu tập Dharma (Đạo Pháp) không những mang lại hạnh phúc cho kẻ khác mà cả cho chính mình. Như vậy xin Ngài giải thích như thế nào để mọi người hiểu rằng hạnh phúc không phải là một hình thức ích kỷ, hầu giúp họ tạo được hạnh phúc - và cả những sự lợi ích - cho mình và kẻ khác?
Đức Đạt-lai Lạt-ma (ĐLLM): Không có một sự đối nghịch nào cả, bởi vì chăm lo cho kẻ khác là cách tốt nhất mang lại hạnh phúc cho chính mình. Thái độ đó bên ngoài có vẻ như chỉ biết lo cho kẻ khác mà không nghĩ gì đến mình, thế nhưng thật ra thì đấy lại là cách mang lại thật nhiều hạnh phúc cho riêng mình.
Nguyên nhân sâu xa nhất mang lại hạnh phúc trong nội tâm và sức khỏe trên thân xác, phát sinh từ thái độ của tâm thức mình. Nếu chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình - tức xem mình là trung tâm của tất cả - thì đấy sẽ là cách tạo ra cho mình đủ mọi thứ phiền muộn, cô đơn, sợ hãi và oán hờn. Thái độ đó sẽ tạo ra các hậu quả nặng nề phương hại đến sự an bình trong tâm thức và cả sức khỏe trên thân xác mình. Các khoa học gia cho biết là sự sợ hãi và giận dữ sẽ làm suy giảm khả năng miễn nhiễm của cơ thể.
Chúng ta là các sinh vật sống tập thể. Niềm hạnh phúc cá nhân lệ thuộc vào cộng đồng xã hội. Thái độ cực đoan chỉ biết nghĩ đến mình đi ngược lại với nguyên tắc trên đây. Nếu các bạn thích sống tách biệt với kẻ khác thì điều đó cho thấy các bạn là những người ích kỷ và cho mình là vô cùng quan trọng.
Vậy chúng ta hãy thử hướng tầm nhìn qua một góc khác hơn - tức là biết quan tâm đến sự an vui của kẻ khác. Thái độ đó đi ngược lại với sự ích kỷ của một tâm thức hẹp hòi. Do đó thật hết sức hợp lý, khi nào biết chăm lo cho kẻ khác thì những gì tiêu cực tạo ra bởi thái độ ích kỷ sẽ giảm xuống ngay. Vậy hãy nhìn vào những kẻ đang cười nói thì sẽ rõ. Có những người bật lên thật dễ dàng những tràng cười hồn nhiên phản ảnh bản chất rất con người của họ. Trong trường hợp này chúng ta không thể không nhận thấy tỏa rộng nơi họ một sự an bình to lớn. Trái lại đối với những người chỉ có thể cười lên một cách gượng gạo, thì theo tôi họ là những người từ bên trong thâm tâm họ đang bị tách rời ra khỏi kẻ khác.
Các đứa bé may mắn lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ và bạn bè thường cảm thấy mình sung sướng. Thế nhưng nếu cha mẹ phơi bày trước mặt chúng những khía cạnh tiêu cực (cải vả, đánh nhau, cư xử ích kỷ trong gia đình và ngoài xã hội...), hoặc thường xuyên quở phạt chúng, thì chúng sẽ cảm thấy rất khổ sở. Chẳng cần đến các hiểu biết triết học, cũng chẳng cần phải nghiên cứu gì cả, bất cứ ai từ khi mới lọt lòng cũng đều cảm nhận được điều đó.
Tôi vẫn thường nói lên với những người chung quanh tôi rằng người thầy từng giảng dạy tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi. Nếu mẹ tôi không phải là một người phụ nữ tràn đầy tình thương thì biết đâu tôi cũng đã trở thành một con người khác hơn, chỉ biết đa nghi và do dự. May mắn thay, mẹ tôi là một người vô cùng từ bi, nhờ đó tôi được thừa hưởng thật nhiều thương yêu và phúc hạnh của mẹ (dù sự vận hành của nghiệp rất phức tạp, thế nhưng dường như chỉ có một người mẹ xứng đáng mới sinh được một người con xứng đáng). Điều này xảy đến với bất cứ một ai.
Tóm lại, tình thương và sự quan tâm đến niềm an vui của kẻ khác chính là cách tốt nhất mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc, một thân xác khỏe mạnh và tuổi thọ cao. Các bạn không cần đến thuốc bổ, cũng chẳng cần đến thuốc an thần. Đấy là cách luyện tập đã mang lại cho tôi thật nhiều lợi ích.
M.M: Thưa Ngài, được ngồi bên cạnh Ngài như hôm nay, thú thật chưa bao giờ tôi được trông thấy ai bước vào tuổi tám mươi mà trông vẫn trẻ trung và khỏe mạnh như Ngài. Quả Ngài là hiện thân của những lời giảng dạy của chính Ngài.
Đức ĐLLM: Thế à, có thể là nhờ tôi uống thuốc đấy. Thế nhưng đây lại là chuyện tối mật! [Ngài bật cười]
M.M: Thưa vâng, nhất định chúng tôi sẽ không hé môi với ai cả (nếu người đọc thật tình muốn biết Ngài dùng thuốc gì thì cứ ghé tai người chuyển ngữ sẽ mách cho biết. Mỗi ngày Ngài uống hai viên thuốc, một trước khi đi ngủ và một lúc vừa thức dậy, đấy là hai viên thuốc của từ bi mà Ngài uống với những ngụm nước thật mát và thật ngọt của sự hy sinh và tình thương yêu nhân loại. Thế nhưng bạn đọc cũng phải hứa là không được hé môi về chuyện này với ai đấy nhé!).
M.M: Nhiều người, nhất là người Tây phương, không mấy khi tự tin nơi lòng từ tâm của chính mình. Thế nhưng Phật giáo cho biết là tất cả chúng ta đều hàm chứa Phật tính, và bản chất tự nhiên và căn bản của con người là lòng tốt và tình thương yêu. Vậy Ngài thuyết phục mọi người như thế nào để họ ý thức được rằng - dù phải đối đầu với khổ đau và bất công trên thế giới và cả những khó khăn riêng tư của mình - từ bản chất mình luôn là những con người nhân ái.
Đức ĐLLM: Chỉ cần nhìn vào các đứa trẻ đang vui đùa và cười nói thì cũng đủ để nhận thấy điều đó. Chúng không hề phân biệt tín ngưỡng và hoàn cảnh gia đình của nhau. Thế nhưng dần dần sau đó khi lớn lên thì chúng bắt đầu ngày càng để ý đến quốc tịch, tôn giáo và giai cấp của nhau. Thế nhưng tôi cảm thấy các khác biệt đó chỉ là thứ yếu. Hiện có bảy tỉ người trên hành tinh này, nhưng trên căn bản tất cả đều mang cùng một bản chất con người như nhau - có nghĩa là cùng ước vọng tìm thấy tình thương yêu và hạnh phúc. Bản chất sơ đẳng nhất nơi con người là lòng từ bi và tình thân thiện, nếu nhìn qua góc cạnh đó thì bảy tỉ người đều giống như nhau. Tất cả đều là anh, chị, em với nhau.
Một số khoa học gia trắc nghiệm phản ứng của trẻ em bằng cách chiếu cho chúng xem một số phim hoạt họa. Nếu là các phim cho thấy trẻ em nô đùa và giúp đỡ lẫn nhau, thì chúng tỏ ra thật sung sướng, thế nhưng mỗi khi xem phim với các cảnh gây hấn giữa người này với người khác thì chúng tỏ ra thật khổ sở và bỏ đi. Các trẻ em ấy cũng chỉ mới lên hai hay lên ba. Các khoa học gia cho rằng trắc nghiệm trên đây chứng minh rõ rệt là bản chất căn bản của con người là lòng từ bi và tình thân thiện. Vì thế tôi nghĩ rằng trên căn bản đó, bảy tỉ con người đều giống như nhau. Từ bản chất chúng ta đều là anh, chị, em với nhau.
Ở cấp bậc thứ yếu, thì quả có những sự khác biệt, - chủng tộc, quốc gia, xã hội, tín ngưỡng... Quả là thế, có quá nhiều sự khác biệt. Thế nhưng theo tôi thì tất cả các vấn đề khó khăn do con người tự tạo ra cho mình đều thuộc vào cấp bậc thứ yếu này. Nếu nhìn sâu xa hơn - vào cấp bậc nền tảng của bản chất con người - thì chúng ta sẽ chẳng thấy một sự cách biệt hay ranh giới nào cả. Tất cả chúng ta đều là con người như nhau. Mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra từ một người mẹ, lớn lên nhờ tình thương yêu của con người. Tất cả đều như nhau!
Theo tôi nền giáo dục hiện nay không phản ảnh được đúng mức các giá trị căn bản của con người. Mỗi khi nêu lên các giá trị thì đấy cũng chỉ là các giá trị xoay quanh đức tin tôn giáo, thế nhưng chúng ta có thể bàn thảo với nhau về các giá trị con người mà không cần đá động gì đến tôn giáo cả. Chúng ta chỉ cần nêu lên những gì thật giản dị chẳng hạn như nói với nhau về tình thương yêu của cha mẹ mình, các yếu tố sinh học (các tác động sinh học đối với não bộ hoặc các yếu tố mang lại cho mình một thể xác và một tâm thần khỏe mạnh chẳng hạn), hay sự kiện chúng ta là những sinh vật sống tập thể. Đấy là các đường hướng giáo dục nhắm vào các giá trị con người.
Các giá trị căn bản của con người về tình thương yêu và lòng từ bi trên đây còn giữ được sự tươi mát ở tuổi ấu thơ. Thế nhưng khi bắt đầu cắp sách đến trường, thì các điều ấy (lòng hiếu thảo, tình mẫu tử, các yếu tố mang lại một thể xác và một tâm thần khỏe mạnh...) không mấy khi được nhắc đến. Theo tôi nền giáo dục hiện tại hướng quá nhiều vào đồng tiền và các giá trị vật chất. Các thế hệ lớn lên với nền giáo dục đó cũng sẽ dần dần chỉ biết đến vật chất mà thôi. Do đó mỗi khi bàn thảo với nhau về các giá trị thì cũng chỉ xoay quanh đức tin tôn giáo (có nghĩa là khuyến khích và nêu cao các giá trị tôn giáo nhằm đương đầu với các khuynh hướng vật chất hóa xã hội) - dường như là chỉ để mỗi người phải tự áp đặt mình phát động lòng từ bi và sự rộng lượng (tình thương yêu và lòng từ bi phải là những thứ xúc cảm tự nhiên, bùng lên từ bên trong tâm thức mình. Tình thương và lòng nhân ái áp đặt bởi giáo dục chỉ là những thứ xúc cảm gượng ép và hời hợt. Chẳng hạn như lòng hiếu thảo rất khó giáo dục, không thể dạy một đứa trẻ bất hiếu phải "thương yêu" cha mẹ mình. Trái lại đối với một đứa trẻ có hiếu thì không phải dạy gì cả, dù nặng tay hay chửi mắng nó thì nó vẫn cứ thương cha mẹ nó, bởi vì nó thuơng cả những sự lầm lẫn của cha mẹ mình, tức là những khổ đau của chính họ mà nó không làm gì khác hơn để làm nhẹ bớt đi những khổ đau ấy của cha mẹ mình, ngoài tình thương yêu của nó. Hiếu thảo và tình mẫu tử là các tác động bản năng rất sâu kín và tích cực, nói lên giá trị của con người và cả muôn thú, khác hơn với các xúc cảm bản năng tàn phá khác).
Theo tôi thì tất cả tình trạng trên đây đều do sự thiếu ý thức về các nhu cầu căn bản của con người là tình thương yêu và lòng từ bi mà ra. Giáo dục nào có phải chỉ cần phát huy khối óc tuyệt vời của mình là đủ, mà còn phải sưởi ấm con tim của mình nữa. Đấy là quan điểm của tôi.
MM: Làm thế nào để có thể thật sự mở rộng lòng từ bi và thương cảm của mình nếu không có một ý niệm sơ đẳng nào về khái niệm vô ngã (có nghĩa là nếu xem nặng "cái tôi" và cái "của tôi" - tức là không hiểu gì về vô ngã - thì sẽ không sao có thể phát huy lòng từ bị được)? Ngoài việc giáo huấn nhằm khơi động lòng từ bi, phải chăng cũng thật hết sức quan trọng là phải giảng dạy thêm về sự ý thức tuyệt vời về tính cách vô ngã của một cá thể, hay ít nhất cũng phải làm cho cái ngã ấy nhẹ bớt đi (quên bớt "cái tôi" hầu có thể khơi động lòng từ bi của mình)?
Đức ĐLLM: Tôn giáo trên thế giới gồm có hai nhóm: hữu thần và vô thần. Đối với các tôn giáo hữu thần thì phải tin vào Thượng Đế, tức là Vị Sáng Tạo, là Tình Thương Cảm Vô Biên. Đấy là phương pháp nhằm phát huy tình thương yêu trong các tôn giáo này. Theo các tôn giáo ấy thì chúng ta được tạo ra bởi một vị Trời tuyệt vời, từ bi và tràn ngập thương yêu đã tạo ra cho chúng ta một thứ nhiệt tình hay một sự can đảm nào đó. Một khi đã được một Vị Trời như thế sáng tạo ra thì mình cũng hàm chứa cái tia lửa thương yêu đó bên trong chúng ta (thế nhưng phải cẩn thận, chớ để cho cái tia lửa thương yêu, nhiệt tình và can đảm đó bùng lên quá "mạnh" để trở thành một trận hỏa hoạn thiêu đốt nhau). Đấy là một cách tiếp cận [với Thượng Đế] vô cùng mạnh mẽ.
Đối với các tôn giáo vô thần, thì tầm quan trọng liên hệ đến bản thân của chính mình nhiều hơn. Đối với các tôn giáo vô thần thì không có Vị Trời hay Vị Sáng Tạo nào cả. Chính mình là người sáng tạo ra mình (các hành động của mình - tức là nghiệp của mình - sẽ đưa đến sự hình thành của chính mình trong thế giới hiện tượng, phù hợp với tư duy và các hành động đó của chính mình). Do đó tất cả những điều tốt đẹp hay tiêu cực xảy ra là do chính mình tạo lại cho mình. Đức Phật có nói rằng mình cũng là vị chủ nhân của chính mình là vậy.
Vậy đến đây chúng ta hãy tìm hiểu xem "vô ngã" và sự giảm bớt của cái “ngã” theo như các bạn vừa nêu lên là gì [Ngài bật cười]. Nếu thật sự muốn phát huy thái độ vị tha nhằm làm giảm bớt đi cảm tính chỉ biết nghĩ đến mình, thì trái lại các bạn cần phải cảm nhận được một cái ngã thật mạnh! Chúng ta cần phải thấu triệt thật rõ ràng vô ngã theo Phật giáo có nghĩa là gì. Phật giáo cho biết là mình không có một thứ linh hồn (soul) nào cả. Vô ngã (no-self) có nghĩa là mình không hề có một cái ngã nào mang tính cách độc lập, cá biệt, và trường tồn cả. Một cái ngã như thế không hề có. Đấy là cách mà Phật giáo nói lên mỗi khi đề cập đến khái niệm vô ngã (cảm tính về một "cái tôi" là một hình thức tác động hay biểu lộ của bản năng, là một phương tiện nhằm bảo vệ và duy trì sự hiện hữu của một cá thể. Không nên lầm lẫn động cơ thúc đẩy mang chủ đích bảo tồn sự sống đó của bản năng với một "cái ngã" trường tồn và bất biến, độc lập với năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể, như một thứ "linh hồn" hoàn toàn phát sinh từ trí tưởng tượng).
MM: Theo quan điểm Phật giáo, tất cả các xúc cảm tiêu cực và bám víu đều phát sinh từ quan điểm sai lầm cho rằng bên trong chúng ta có một cái "cái tôi" vững chắc và độc lập.
Đức ĐLLM: Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phải phủ nhận sự hiện hữu của cái ngã. Cái ngã vẫn sờ sờ ra đó. Không có ai có thể phủ nhận được điều đó [Ngài bật cười] (như đã được ghi chú trên đây: chúng ta luôn bị các sự thúc dục của bản năng chi phối, điều khiển và sai khiến mình. Sức mạnh gây ra bởi các tác động đó của bản năng được chúng ta biến nó trở thành "cái ngã", "cái tôi" hay "cái "linh hồn" của mình nhờ vào sự tưởng tượng của mình. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng những sự thúc đẩy đó đôi khi cũng mang những khía cạnh tích cực: chẳng hạn như lòng hiếu thảo, lòng từ bi, tình nhân ái, v.v. Và đấy cũng là những thứ xúc cảm trực tiếp góp phần vào sự duy trì và bảo tồn sự sống). Như đã nói đến trên đây, nếu các bạn muốn tự biến cải mình bằng cách làm giảm bớt "các xúc cảm tàn phá" (kilesa, xem ghi chú dưới đây) thì các bạn cần phải có một cái ngã thật mạnh (tức là các sự thúc dục bản năng thật mạnh đã được ghi chú trên đây). Các bạn cảm thấy: "Tôi đủ sức làm được việc đó. Tôi có thể biến cải được tâm thức tôi. Tôi có thể làm cho các cơn giận dữ, các sự thù ghét và lánh xa kẻ khác phải giảm xuống". Nếu muốn làm được như thế thì các bạn phải cần đến một sự cảm nhận thật mạnh về cái ngã (nói một cách khác là phải có một sự tự tin thật mạnh, phía sau sự tự tin đó là "cái ngã" của mình, nhưng không phải là cái "linh hồn" trường tồn và bất biến hiểu theo các tôn giáo độc thần).
(Trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma có nói đến "các xúc cảm tàn phá"/destructive emotions, vậy có nghĩa là gì? "Các xúc cảm tàn phá" còn được gọi là các "xúc cảm bấn loạn"/disturbing emotions, các "độc tố " hay "ô nhiễm tâm thần"/defilements, v.v., tiếng Pa-li là kilesa, tiếng Phạn là klesa, kinh sách gốc Hán ngữ dịch là "phiền não" (?!). Khái niệm này được giải thích trong tập Visuddhimagga/"Con đường của sự tinh khiết" trong Tạng Luận, kinh sách Hán ngữ dịch là Thanh Tịnh Đạo. "Các xúc cảm tàn phá" hay các thứ "ô nhiễm tâm thần" gồm 10 thứ: thèm khát/loba, hận thù/dosa, hoang mang/moha, tự kiêu/mana, quán thấy sai lầm/ditti, nghi ngờ/vicikiccha, đờ đẫn/thina, xao động/uddhacca, không biết hổ thẹn/ahirika, thiếu suy xét/anottappa. Sở dĩ dài dòng là để cho thấy Đức Đạt-lai Lạt-ma đã tóm lược toàn bộ một khái niệm phức tạp là kilesa bằng vài chữ ngắn gọn "các xúc cảm tàn phá". Đó là một cách đơn giản hóa một số các khái niệm trong giáo lý Phật giáo để thích ứng với thời đại ngày nay hầu giúp mọi người thấu triệt trực tiếp và dễ dàng hơn về các khái niệm này)
MM: Thế nhưng dù sao thì đấy (tức sự tự tin vào một "cái tôi" thật mạnh) cũng không phải là một thứ linh hồn trường tồn hay một "cái ngã" nào cả.
Đức ĐLLM: Chuyện đó không dính dáng gì đến một "cái ngã" trường tồn và bất biến (xin mạn phép nhắc lại; đó chỉ là những sự thúc dục của bản năng). Nếu không đủ sức chấp nhận điều đó (tức là vô ngã), thì các bạn sẽ không thể nào có thể biến đổi và cải thiện chính mình được (nếu khư khư ôm cứng "cái ngã" hay cái "linh hồn" của mình thì đấy là cách trở thành nô lệ cho chúng, ngoan ngoãn tuân theo những sự sai khiến của chúng). Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả các xúc cảm tiêu cực chẳng hạn như giận dữ và bám víu (kilesa) đều liên hệ đến các quan điểm sai lầm là có một "cái tôi" thật vững chắc và trường tồn ẩn nấp sâu kín bên trong chính mình. Khi nào ý thức được là mình không có cái ngã độc lập, cá biệt và trường tồn đại loại như thế thì khi đó chúng ta mới mong giải tỏa được sức mạnh của các xúc cảm tàn phá của mình.
Chỉ vì cảm thấy mình có một cái ngã độc lập, như là một thứ gì đó thật vững chắc, nên chúng ta cho rằng các đối tượng của sự giận dữ hay sự bám víu của mình cũng thế, nghĩa là cũng thật một cách tuyệt đối và độc lập như chính cái ngã ấy của mình vậy. Chúng ta không hề nhận biết được chúng chỉ mang tính cách tương đối và lệ thuộc vào các yếu tố khác để hiện hữu (interdependence/nguyên tắc tương liên/lý duyên khởi). Khi sự tiêu cực của kẻ thù hiện lên với mình như là một thứ gì đó mang tính cách tuyệt đối và độc lập (có nghĩa là rất thật và đúng là như thế), thì tức khắc sự giận dữ của mình sẽ bùng lên ngay.
Khi nào ý thức được điều đó thì các bạn mới có thể làm giảm bớt các nguyên nhân tạo ra kẻ thù cho mình. Các bạn cũng sẽ nhận thấy thái độ hành xử của mình cũng dự phần đưa đến các cảnh huống ấy (tức tạo ra kẻ thù cho mình). Các bạn sẽ ý thức được: "Ồ! hóa ra là thế, sở dĩ con người ấy nổi giận với tôi là vì chính tôi đã tạo ra tình trạng ấy cho hắn ", và mình sẽ không còn trút hết lỗi lầm lên đầu hắn nữa. Sự ý thức đó sẽ làm nguôi bớt cơn giận của mình.
MM: Một hôm tôi có dịp đọc một câu phát biểu tuyệt vời nhất mà tôi chưa từng được đọc từ trước đến nay, theo tôi thì câu này có thể tóm lược toàn bộ việc tu tập Phật giáo. Câu ấy thật hết sức đơn giản: "Phật giáo cũng chỉ là sự phát huy thể dạng tỉnh thức (awareness/tỉnh giác, tỉnh táo, sáng suốt) của tâm thức mình.” Tuy nhiên theo Ngài thì con đường căn bản nhất của Phật giáo là gì?
Đức ĐLLM: Tôi phải nhấn mạnh một điều là con đường luyện tập Phật giáo là con đường của Trí Tuệ, có nghĩa là phải vận dụng tối đa trí thông minh con người hầu biến cải các xúc cảm tàn phá (kilesa/phiền não đã ghi chú trên đây) của mình trên con đường đó. Cũng tương tự như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng xem trọng đức tin, thế nhưng đồng thời cũng chủ trương đức tin phải được kết hợp với trí tuệ (đức tin không trí tuệ chỉ là một sự mù quáng). Cũng tương tự như thế, tình thương và lòng từ bi cũng phải kết hợp với trí tuệ (tình thương không trí tuệ là sự đam mê, từ bi không trí tuệ là một sự hy sinh vô ích).
Đối với Phật giáo, nhất là truyền thống giảng dạy của đại học Nalanda (Na-lan-đà) mà tôi đã được học hỏi, thì trí thông minh và sự lý luận được đặt lên hàng đầu. Đức Phật là một triết gia vĩ đại, một tư tưởng gia và cũng là một khoa học gia. Ngài từng dạy bảo các đệ tử của mình không nên chấp nhận giáo huấn của Ngài bằng cách dựa vào đức tin, mà phải xét đoán và thử nghiệm thật kỹ lưỡng. Vì thế đối với Phật giáo, khảo sát, lý luận, và chứng nghiệm là các yếu tố then chốt. Đức tin đích thật chỉ có thể phát sinh từ sự chứng nghiệm của các yếu tố đó.
Cách nay nhiều năm tôi có nói với một người bạn Tây Phương theo Phật giáo rằng tôi rất muốn thảo luận nghiêm chỉnh và thường xuyên hơn với các khoa học gia. Người bạn này khuyên tôi phải cẩn thận, bởi vì khoa học sẽ giết chết tín ngưỡng. Để đáp lại tôi bèn mượn một một lời dạy của Đức Phật như sau: "Không nên chấp nhận bất cứ một lời giảng huấn nào chỉ vì đức tin hay sự tôn kính, mà phải khảo sát thật cẩn thận".
Khoa học là một phương pháp tìm hiểu thực tại. Các khoa học gia ngày nay cũng như các học giả Phật giáo vào các thời kỳ xa xưa, chẳng hạn như Nagarjuna (Long Thụ), tất cả đều phải khảo sát để mang lại sự hiểu biết! Thế nhưng phần đông các khoa học gia Tây Phương ngày nay chỉ hướng vào lãnh vực vật chất, tức thế giới vật lý, nhưng không quan tâm gì đến lãnh vực tâm thần. Kể từ khoảng cuối thế kỷ XX đến nay, khoa học mới bắt đầu chú ý đến các lãnh vực tri thức và xúc cảm, và đưa dần các lãnh vực này vào các chương trình khảo cứu. Dù sao chúng ta cũng phải luôn khảo sát giáo huấn của chính Đức Phật, nếu có một số điều nào đó ghi chép trong một số kinh sách nào đó đi ngược lại với với các chứng nghiệm khoa học thì phải loại bỏ.
(Thật ra sự hiểu biết khoa học cũng rất giới hạn bởi tính cách chủ quan trong sự lý luận của các khoa học gia và độ chính xác của máy móc đo đạt. Trên một bình diện thật tổng quát thì khoa học cũng chỉ là một chuỗi dài các giả thuyết liên tục đánh đổ nhau. Sự hiểu biết của Phật giáo hướng thẳng vào các lãnh vực siêu hình, vượt qua không gian và thời gian, và chỉ có các kỹ thuật thiền định mới tiếp cận được. Do đó thiết nghĩ khoa học còn phải cố gắng rất nhiều mới có thể "chạm" vào các lãnh vực thâm thuý này của Phật giáo. Ngoài ra giữa khoa học và Phật giáo cũng có một sự khác biệt chủ yếu và nổi bật: sự hiểu biết khoa học mang tính cách đa chiều, nếu không muốn nói là bất định hướng, chẳng hạn như một số hiểu biết về vật lý hạt nhân có thể giúp thiết kế các trung tâm điện lực nhưng cũng có thể áp dụng vào việc chế tạo các quả bom hạt nhân. Trong khi đó thì sự hiểu biết Phật giáo chỉ hướng vào một mục tiêu duy nhất là loại bỏ khổ đau cho con người. Các "hiểu biết" mang tính cách khoa học của Phật giáo chỉ là các kết quả thứ yếu và tự nhiên mang lại bởi trí tuệ. Chẳng hạn như khái niệm về Tánh Không của mọi hiện tượng trong đó kể cả vật chất, chỉ được ngành Vật lý lượng tử/Quantum Physics khám phá ra gần đây, hoặc khái niệm tương liên giữa các hiện tượng - interdependence - mang tính cách toàn cầu nhằm giải thích sự vận hành và chuyển động của cả vũ trụ đã khiến các khoa học gia và triết gia phải thán phục, đã được Đức Phật thuyết giảng cho những con người chất phác 2500 năm trước).
MM: Trong thế giới Tây Phương ngày càng có nhiều người luyện tập phép thiền định về sự chú tâm tỉnh giác (mindfulness) nhưng lại không xem đó là một phương pháp tu tập tâm linh mà chỉ nhắm vào những lợi ích cụ thể mà phép luyện tập này mang lại cho cuộc sống và xã hội của chúng tôi. Nhiều kỹ thuật luyện tập đã được rút tỉa hoặc vay mượn thẳng từ các phương pháp luyện tập thiền định của Phật giáo.Vậy với tư cách là một vị Thầy giảng dạy Phật giáo được xem là nổi tiếng nhất thế giới ngày nay, Ngài nghĩ thế nào về phong trào đang lên tại Tây Phương về phép luyện tập tâm linh tỉnh thức của Phật giáo đã có từ ngàn năm?
Đức ĐLLM: Những người tu tập Phật giáo nói chung, nhất là đối với những người bước theo con đường Đại Thừa (Mahayana) như chúng tôi, đều một lòng nguyện cầu sao cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc. Nếu thật lòng quan tâm đến niềm an vui của kẻ khác, thì các bạn sẽ không có lý do gì để nghĩ đến là mình sẽ khai thác, chà đạp hay lường gạt họ, đấy là vì các bạn lúc nào cũng chỉ một lòng lo lắng cho sự an vui của họ mà thôi. Nói chung sự ý thức đó về niềm an vui của kẻ khác chính là một cách bộc lộ tình thương yêu và lòng nhân ái bên trong chính mình.
Hiện nay ít nhất có bảy tỉ người trên hành tinh này, và mỗi chúng ta thì đều phải trực tiếp hay gián tiếp liên kết với họ. Tương lai của chúng ta lệ thuộc vào sự an lành của bảy tỉ chúng sinh ấy, vì thế nếu nhận thấy mình có một khả năng nào đó có thể góp phần vào sự an vui của nhân loại thì không nên do dự.
Trong số bảy tỉ người, khoảng sáu tỉ tin vào tôn giáo và khoảng một tỉ không tin vào tôn giáo. Thiền định phát sinh từ tôn giáo, và nếu mọi người tìm thấy lợi ích [thiết thực và cụ thể] mang lại từ con đường tu tập đã có từ ngàn năm [của Phật giáo] thì cũng là điều tốt thôi. Tương tự như trường hợp của phép luyện tập du-già, tuy cũng phát sinh từ một tôn giáo, thế nhưng ngày nay thì lại được sử dụng như một phương tiện mang lại sức khỏe. Phép thiền định về tâm linh tỉnh thức (mindfulness meditation) giúp cho tâm thức trở nên sắc bén và làm gia tăng khả năng xét đoán (câu này vô cùng quan trọng: phép luyện tập tâm linh tỉnh thức hay sự chú tâm tỉnh giác - vipassana hay satipatthana - còn gọi là "chánh niệm" chỉ là giai đoạn đầu của việc hành thiền, tức là mang lại sự sáng suốt và tỉnh táo cho tâm thức. Giai đoạn tiếp theo là sử dụng sự sáng suốt đó để quán thấy bản chất vô thường, khổ đau và vô thực thể của mọi hiện tượng cấu hợp để buông bỏ chúng. Giai đoạn thứ hai này mới thật là chủ yếu và gay go, thực hiện được giai đoạn này mới thật sự mang lại được sự giải thoát. Một tâm linh tỉnh thức hay "chánh niệm" chỉ là những bước đầu trên con đường. Sự giải thoát thật sự còn rất xa, ở tận cuối con đường). Các phẩm tính này quả vô cùng hữu ích trong bối cảnh ngày nay. Theo tôi thực hiện được điều này cũng hết sức tốt (đối với bối cảnh xã hội xô bồ ngày nay, thực hiện được giai đoạn tỉnh thức/"chánh niệm" cũng có thể cải thiện cuộc sống của mình rất nhiều).
(Thiền định ngày càng phổ biến rộng rãi trong thế giới Tây phương, trong các bệnh viện, trường tiểu học và cả đại học, cho đến các trung tâm dạy thiền mà mọi người ở các tầng lớp khác nhau đều có thể tham dự nhằm mục đích mang lại cho mình sức khỏe tinh thần và thể xác. Điều đó cho thấy dấu hiệu Phật giáo bắt đầu ăn sâu vào các xã hội Tây phương, thế nhưng đồng thời cũng nói lên một sự thích nghi lệch lạc của Giáo Huấn Phật giáo với các xã hội thực tế và thực dụng của phuơng Tây. Nếu nhìn trở lại Á Châu thì chúng ta cũng sẽ thấy qua lịch sử phát triển của Phật giáo đã từng xảy ra không biết bao nhiêu các hình thức lệch lạc như thế với mục đích thích nghi với các tập quán và các nền văn hóa khác nhau. Thiết nghĩ chúng ta nên nhìn vào các hình thức với ít nhiều lệch lạc đó - dù là ở phương Tây hay phương Đông - như là các "phương tiện thiện xảo" mà thôi. Dầu sao thì xã hội, văn hóa và tư tưởng con người luôn biến đổi, đó là sự tiến hoá tự nhiên của toàn thể nhân loại, vậy nếu cứ khư khư giữ nguyên một số các hình thức "thích nghi" trong quá khứ nay đã lỗi thời, chẳng hạn như trường hợp của một số các nước Á Châu, thì đấy là cách khiến Phật giáo ngày càng bị tách rời với xã hội).
MM: Nhằm thay cho lời kết luận xin Ngài cho biết vì sao Ngài lại được quảng đại quần chúng mến mộ đến thế. Theo tôi thì có thể là vì Ngài được mọi người xem là mang nhiều phẩm tính tích cực nhất trên toàn thế giới. Vậy những điều giáo huấn nào của Ngài hay là những gì phản ảnh từ bản thân Ngài đã khơi động được sự mến mộ đó mà tôi dám nói là của hàng tỉ người?
Đức ĐLLM: Mỗi khi tiếp xúc hay thuyết giảng thì tôi luôn ý thức thật mạnh đến một điều là tất cả chúng ta cũng đều là những con người như nhau. Có thể là vì tôi từng phải đối đầu với nhiều khó khăn trong cuộc đời tôi, và nhờ đó tôi đã đạt được một số kinh nghiệm có thể ích lợi cho kẻ khác. Thật vậy tất cả chúng ta cũng chỉ như nhau (mỗi người đều có những khó khăn của mình - nghiệp của mình). Mỗi khi thuyết giảng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là một thứ gì đó ngoại lệ, một vị Lạt-ma chẳng hạn. Mỗi khi nói chuyện trước đông đảo quần chúng tôi không bao giờ tự nhận mình là một người Phật giáo. Nhất định không. Tất cả đều như nhau. Chúng ta chỉ là những con người thế thôi.
Điều đó sẽ tức khắc mang tất cả chúng ta đến gần với nhau hơn. Nếu tôi tỏ ra mình là một nhân vật nào đó - chẳng hạn như nói lên "Tôi là vị Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV" - thì tự động một sự cách biệt sẽ hiện ra. Nếu tôi tự cho mình là một nhân vật đặc biệt thì đấy cũng chỉ là cách tự lừa dối mình. Đôi khi người Tây Tạng tỏ bày sự quý mến đối với tôi với ít nhiều nghi thức. Quả thật tôi không thích điều đó tí nào.
Chấp nhận hay không một đức tin tôn giáo nào đó thì đấy là chuyện cá nhân. Thế nhưng một khi đã bước theo một tôn giáo nào thì phải nghiêm túc và thành thật.
Tôi liên tưởng đến trường hợp của Đức Phật và cảm thấy Ngài là một con người vô cùng bình dị. Ngài đi khất thực cùng với các đệ tử của mình, và tôi nghĩ rằng thường thì Ngài đi chân đất. Có một lần ở Thái Lan tôi được gặp một nhà sư và học giả lỗi lạc Buddhadasa. Tôi trông thấy vị này ngồi trên một tảng đá dưới bóng mát của một cây cổ thụ, đang thuyết giảng cho các đệ tử của mình. Vị Thầy lừng danh đó, cũng không khác gì như Đức Phật và nhà sư Nagarjuna (Long Thụ) trước kia, tất cả đã đưa ra những lời thuyết giảng vô cùng quý giá trong cùng một khung cảnh đơn sơ như thế. Các vị Lạt-ma Tây Tạng, trong đó có cả tôi, thì ngồi trên ngai cao, trang trí cầu kỳ, và thuyết giảng thì đôi khi vẫn còn lầm lẫn [Ngài bật cười].
Nhà sư Buddhadasa Bhikkhu (1906-1993)
(Ảnh do người chuyển ngữ ghép thêm)
MM: Vậy Thưa Ngài, trước khi chấm dứt Ngài có lời khuyên nào cho chúng tôi hay không?
Đức ĐLLM: Tin vào tôn giáo hay không là chuyện cá nhân. Thế nhưng một khi đã bước theo một tôn giáo - dù là tôn giáo nào cũng vậy - thì phải nghiêm túc. Phải chân thật và không nên mong đợi quá nhiều (bước theo tôn giáo là một sự hy sinh, hy sinh thời giờ, sức khỏe và tiện nghi của mình cho kẻ khác. Mong chờ lợi lộc trong cuộc sống hiện tại, cũng như các sự "ưu đãi" và "tiện nghi" sau này nơi cõi thiên đường hay cực lạc là một sự ích kỷ và vô trách nhiệm).
Chắc các bạn cũng hiểu, một khi đã bước theo con đường tâm linh thì phải hăng say và quyết tâm. Trên con đường đó dần dần các bạn sẽ đạt được các cảm nhận ngày càng sâu xa hơn (các cảm nhận sâu xa đó chính là niềm hạnh phúc tối hậu mà người tu tập đạt được trong kiếp sống này). Việc phát huy các khả năng tâm thần bao giờ cũng đòi hỏi nhiều thời gian - nào có phải là một bộ máy đâu (bấm nút hay bật lên là chạy ngay). Phải để ra hàng tuần, hàng tháng, hàng năm hay hàng chục năm.
Vì thế tôi khuyên các anh, chị, em của tôi một khi đã bước theo một tôn giáo nào, thì phải nghiêm túc và thành thật (một lời khuyên vô cùng sâu sắc, vậy hãy nhìn vào chính mình và những người "chung quanh" mình thì sẽ hiểu rõ hơn về lời khuyên này).
Xin cám ơn tất cả.
Vài lời ghi chú của người dịch
Bài phỏng vấn trên đây đã mang lại hình ảnh của một Vị Phật trong thời hiện đại, đầy đủ khả năng thuyết giảng cho những con người hiện đại, một Vị Phật toàn vẹn trong lòng nhân loại ngày nay. Ngày xưa có một vị hoàng tử từ bỏ tất cả, chấp nhận mọi sự gian khổ để trở thành một Vị Phật. Ngày nay cũng có một nhà sư bị buộc phải rời bỏ quê hương chấp nhận hiểm nguy và gian khổ để trở thành một vị Lạt-ma được hàng tỉ người mến mộ và tôn kính như một Vị Phật, và thật ra thì cũng là một Vị Phật.
Đức Đạt-lai Lạt-ma là một nhà sư rất hiền lành, từ bi, thương yêu và rộng lượng, các phẩm tính đó toát ra qua từng cử chỉ và ngôn từ của Ngài. Ngài luôn đến gần với mọi người, từ các đứa bé đến các cụ già, từ các khoa học gia, triết gia cho đến các lãnh tụ tôn giáo và chính trị. Thế nhưng cũng có nhiều kẻ không dám đến gần với Ngài, kể cà một số các tổ chức đại diện cho các thể chế và quyền lực không dám tiếp Ngài. Đìều đó cho thấy dù tuổi cao thế nhưng Ngài vẫn phải đóng vai trò của một chiến sĩ nhẫn nhục, chịu đựng và can trường.
Thật vậy Ngài là một chiến sĩ nhưng là một chiến sĩ tranh đấu cho Hòa Bình, khí giới của Ngài là tình thương yêu và lòng từ bi. Ngài là một chiến sĩ không quê hương, thế nhưng trận chiến của Ngài thật to rộng, đó là lòng người trên khắp năm miền lục địa. Ngài là một chiến sĩ cô đơn, thế nhưng hàng tỉ người trên hành tinh này hướng về Ngài và mở rộng con tim với Ngài. Ngài là một chiến sĩ thua cuộc đánh mất quê hương, chưa một lần về nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn, thế nhưng Ngài đã chọn được cho mình một chỗ đứng mới, một quê hương mới trong lòng nhân loại.
Trên đây có thể chỉ là những gì mà chúng ta gán cho Ngài, bởi vì thật ra Ngài cũng chỉ là một con người thật bình dị, một con người ngay thật và lương thiện, chỉ có một sự khác biệt duy nhất là lúc nào Ngài cũng đứng thẳng dù tuổi tác trên vai. Điều đó khiến chúng ta không khỏi xúc động và liên tưởng đến một câu phát biểu rất nổi tiếng của Mahatma Gandhi:
"Một người ý thức đứng thẳng nguy hiểm cho quyền lực hơn cả một vạn người ngủ mê và ngoan ngoãn"
"A conscious & standing individual is more dangerous to the power than ten thousand people asleep & submitted"
"Un individu conscient et debout est plus dangereux pour le pouvoir que dix mille individus endormis et soumis" .
Thật ra một người ý thức và đứng thẳng nào có gì là nguy hiểm đâu, chỉ có quyền lực là tự cảm thấy mong manh và yếu đuối trước một người đứng thẳng. Do đó quyền lực thường phải sử dụng sức mạnh và sự hung bạo - vũ khí, tuyên truyền, biển lận, lừa lọc... - để tự che chở mình, hoặc là phải thu mình ẩn nấp phía sau một vạn người ngủ mê và ngoan ngoãn.
(The Ultimate Happiness: An exclusive interview with the Dalai Lama)
Bures-Sur-Yvette, 21.12.16
Hoang Phong chuyển ngữ