;
Những dòng ánh sáng từ bên trên tượng Phật chiếu vào chánh điện tại ngôi đền Vihar trong ngày lễ Phật Đản được tổ chức tại vườn Lâm Tỳ Ni, Nepal. Tại di tích này, các nhà khảo cổ vừa khám phá một ngôi đền cổ 600 năm trước Công Nguyên nằm bên dưới ngôi đền hiện nay. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)
LUMBINI, Nepal – Một cuộc nghiên cứu mới của các nhà khảo cổ học cho thấy rằng Đức Phật có thể đã sống sớm hơn hai thế kỷ trước niên đại mà người ta thường nghĩ trước đây.
Theo các nhà khảo cổ cho biết, việc khám phá một cơ cấu kiến trúc bằng gỗ, trước đó chưa được biết ở nơi Đức Phật sinh ra đời, cho thấy rằng có thể nhà hiền triết này đã sống trong thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, tức là sớm hơn mấy thế kỷ so với những gì mà người ta được biết từ bấy lâu nay,
Ông Robin Coningham, nhà khảo cổ cầm đầu cuộc khai quật, nói với hãng thông tấn Al Jazeera đầu tuần này, về sự khám phá đang gây xôn xao trong giới nghiên cứu Phật giáo trong hơn một tuần qua, “Đây là một trong những dịp rất hiếm, khi mà truyền thống, tín ngưỡng, khảo cổ học và khoa học cùng đến với nhau.”
Nhà khảo cổ Robin Coningham tại Lâm Tỳ Ni. (enews.buddhistdoor.com)
Nhóm 40 nhà khảo cổ đã tìm thấy một kiến trúc dường như là một điện thờ bằng gỗ, nằm bên dưới một ngôi đền bằng gạch, ở bên trong ngôi đền thiêng liêng Maya Devi tại Lumbini (Lâm Tỳ Ni), và một nơi thờ phượng cổ được xem là địa điểm Đức Phật đản sinh ở miền nam Nepal, gần biên giới Ấn Độ. Maya Devi là tên của Hoàng Hậu Ma-Da, mẹ của Thái Tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm.
Các dấu vết tìm thấy ở ngôi đền gỗ đã được kiểm nghiệm một cách khoa học và được xác định thời điểm là thế kỷ thứ 6. Điều này có nghĩa là ngôi đền bằng gỗ đã có từ 300 năm trước mọi di tích Phật Giáo khác mà thế giới từng biết, theo trình bày của các nhà khảo cổ.
Được hỗ trợ bởi tạp chí nổi tiếng National Geographic, dự án khảo cổ này đang làm sáng tỏ một cuộc tranh luận đã bắt đầu từ lâu, về vấn đề Đức Phật sinh ra khi nào, và theo đó, giáo pháp của Ngài đã được hoằng dương và bén rễ từ lúc nào, theo ông Conginham cho biết.
Từ bấy lâu nay, theo kinh sách, câu chuyện Đức Phật đản sinh được kể rằng mẹ của Ngài là Hoàng Hậu Ma-Da trên đường từ vương quốc của chồng về thăm cha mẹ mình, thì giữa đường bà dừng chân nghỉ ở Lâm Tỳ Ni, vịn lấy một thân cây và sinh ra Thái Tử Tất Đạt Đa ở dưới gốc cây này. Khi khôn lớn, Thái Tử rời chốn kinh thành, tu hành cho đến khi đạt giác ngộ và trở thành Đức Phật Thích.
Nhà khảo cổ Coningham từ trường Đại Học Durham (Anh) cho biết cơ cấu kiến trúc mới được khám phá này đã có từ thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, và cung cấp một thời điểm chính xác hơn cho sự khởi đầu của truyền thuyết Lâm Tỳ Ni và những gì diễn ra sau đó.
Ông Coningham nói, “Niên đại này ủng hộ những truyền thống Phật giáo bênh vực cho một biên niên sử lâu dài hơn cho cuộc đời của Đức Phật, khác với những truyền thống cho rằng Ngài ra đời khoảng 400 năm trước công nguyên.”
Ông Coningham cũng giải thích rằng phần lớn những gì được biết về cuộc sống của Đức Phật từ trước đến nay đều có nguồn gốc từ truyền thống truyền khẩu với ít bằng chứng khoa học.
Ông nói, “Các nghiên cứu trước đây về thời sơ khởi của Phật Giáo đều dựa trên những văn bản ký lục và những biên niên sử được biên soạn sau nhiều thế kỷ truyền miệng, vì Đức Phật đã sống cách một thời gian rất lâu trước khi chữ viết xuất hiện ở Nam Á.”
Ông nói thêm rằng khám phá này có nghĩa là “chúng ta thực sự có bằng chứng cụ thể về dáng vẻ của các cấu trúc sớm nhất và về những gì mà các đệ tử đầu tiên của Ngài đã thực sự làm, thay vì biết những gì mà những người viết sách sau này nghĩ rằng các đệ tử đã làm.”
Biết chính xác hơn về thời gian Đức Phật ra đời sẽ giúp các sử gia cũng như những nhà Phật học biết nhiều hơn về bối cảnh xã hội và kinh tế trong thời của Đức Phật, và ảnh hưởng của những yếu tố này trên giáo pháp của Ngài.
“Đây là một giai đoạn tương đối hỗn tạp với những xã hội truyền thống trong vùng sông Hằng đang va chạm với sự phát triển của thành thị hóa, ấn hành tiền cắc, sự thành lập các vương quốc, quân đội, sự phát triển giới trung lưu và giới thương gia,” ông Coningham giải thích. “Đây chính là môi trường đưa đến sự từ bỏ thế dục được giảng dậy bởi nhiều đạo sĩ mà trong đó có Đức Phật. Họ giảng dạy rằng cuộc sống phải có những ý nghĩa cao hơn sự giàu sang, tích lũy tài sản.”
Vùng Lâm Tỳ Ni đã bị che phủ bởi rừng già cho đến khi được khám phá lại vào năm 1896. Nay di tích Phật giáo này được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa của thế giới. Hàng triệu người vẫn đến hành hương nơi đây mỗi năm. Thế giới đang có hơn 500 triệu Phật tử.
Trước khi khám phá khảo cổ mới nhất, bà Irnia Bokova, tổng giám đốc UNESCO kêu gọi thế giới “nên có thêm những cuộc nghiên cứu khảo cổ, gia tăng nỗ lực bảo tồn và củng cố thêm” cho Lâm Tỳ Ni trong lúc di tích này sẽ thu hút thêm du khách đến nơi đây.
Nguồn: http://www.viendongdaily.com/duc-phat-dan-sinh-som-hon-hai-the-ky-GSOZhZMn.html