;
Theo quan điểm của người tu pháp môn Thiền tông, thì nghi thức cầu an, cầu siêu (cúng tụng, lạy lục, lễ bái) đều coi là hình thức bên ngoài không thể dẫn đến giải thoát! Xét về bình diện tu (rốt ráo), thiền tông là pháp môn tối thượng thừa của Phật giáo nên vấn đề giải thoát được đặt trên nền tảng của Giác ngộ tự nội (biện tâm) cộng với công đức và (pháp phương tiện) đó là lộ trình đi tới giải thoát toàn triệt ra khỏi Tam giới.
Thực tế ai cũng hiểu pháp môn thiền là cốt tủy căn bản dẫn đến con đường giác ngộ-giải thoát của Phật giáo. Song, thiền cũng có loại thành tựu giải thoát trong tam giới và ngoài tam giới. Thế nên, thiền có đến (9 loại) khác nhau.
Vậy, những người tu theo các pháp môn khác như: công phu trì tụng, giữ giới, cầu nguyện, quán tưởng (theo 37 phẩm trợ đạo) và các pháp hành khác thì vấn đề giải thoát có gì khác biệt, và với nghi thức cầu an, cầu siêu, sám hối… có được coi là pháp phương tiện giải thoát giới của Phật giáo?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải dựa vào sự nhìn nhận thông qua các cấp độ giải thoát tu chứng theo tầng bậc của giải thoát môn thuộc (tam giới hay Phật giới) thì mới đánh giá được mức độ giải thoát (bao hàm cả khác biệt và phổ quát) theo giáo lý, giáo kinh, giáo điều của đạo Phật; và khi có cái nhìn tổng thể như thế, thì chúng ta mới nhận chân thực được con đường Giác ngộ-giải thoát Phật dạy là phù hợp (khế lý, khế cơ) tức trình độ khác nhau của mỗi chúng sinh và muôn loài để không dẫn đến cực đoan luận.
Dựa trên văn bản của một số kinh điển cho chúng ta thấy, trong bất kỳ kinh Nhật tụng nào của các chùa Bắc Tông, đều có các nghi thức cầu an, cầu siêu. Nhiều người nghĩ rằng các pháp đều có nhân quả, phải tự mình mình tu, chớ nên cầu xin bất kỳ ai, vì có ai cho phước mình đâu.
Về lý luận, nói như thế có phần tích cực là (khuyến tu), nhưng kinh Phật sơ thời cũng vẫn có các lời dạy cầu nguyện, cầu an, cầu siêu, sám hối - tuy là nhiều dị biệt với thời chúng ta, nhưng nó vẫn cần cho một (giải thoát giới) nào đó nếu việc làm đó là chánh kiến, chánh tư duy đúng theo trí tuệ và giáo lý kinh điển của Phật giáo.
Lời dạy cầu an trong kinh tạng Pali có rất nhiều. Xin nêu một vài trường hợp có tính nổi bật, đó là trường hợp ngài Angulimala, khi ngài chú nguyện để cứu một thai phụ gặp sản nạn, và rồi mẹ tròn con vuông…
Như đã đề cập, lời dạy cầu an rất phổ biến, nhưng cầu siêu thì hiếm gặp, và cực kỳ khó gặp. Khó gặp tới nỗi hầu hết quý thầy Nam Tông không tin rằng có một thân trung ấm nào, vì khi đức Phật dạy về ba cõi (tam giới) không thấy nơi nào phù hợp cho thân này, nếu gọi là “thân” trung ấm; và do vậy, nhiều thầy tin rằng tái sinh là tức khắc, y hệt như lửa từ ngọn đuốc này chuyển sang ngọn đuốc kia.
Sự thực, đức Phật dạy có thân trung ấm, nhưng Ngài không nói là “thân”. Và sự thực, Ngài có dạy cách cầu nguyện cho thân trung ấm. Để hiểu đơn giản, thân trung ấm được định nghĩa là khi sự sống lìa thân này và chưa thọ thân sau; thân trung ấm theo giáo lý kinh điển Đại thừa đề cập tới đó là thân này mang điện từ âm dương, có tốc độ di chuyển tương ưng 900 cây số/ giây.
Trong bài viết “Kinh Đắc Quả Khi Từ Trần và Kinh Tái Sinh Như Lai Theo Gió” (1) chúng ta đã trả lời hai câu hỏi: Đức Phật có dạy về thân trung ấm không, và thân này nuôi dưỡng bằng ‘nhiên liệu’ gì? Lời đáp là: Đức Phật có dạy thân trung ấm, nhiên liệu nuôi thân này là tham ái. Bài viết giới hạn ngắn ngủi này, chúng ta sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi: Đức Phật có dạy cầu nguyện cho thân trung ấm không, và cầu nguyện thế nào?
Về vấn đề này ta nên cẩn trọng: Đức Phật dạy giáo pháp vô ngã, do vậy không nên hiểu rằng có một “cái tôi” nào đi từ kiếp trước sang kiếp sau.
Trong Bắc Tông, chữ “thân trung ấm” là gọi cho dễ hiểu, nhưng thường khi gọi là thần thức, nghiệp thức, giác linh, hương linh…Tất cả các cách gọi đó đều chỉ tới một phương tiện của thân trung ấm. Thường nhất, đức Phật gọi là chúng sinh khi lìa thân này và chưa thọ sanh ở thân sau là “thức” (consciousness) - môi trường tái sinh gọi là nghiệp (kamma)…
Kinh MN 38- Mahatanhasamkhaya Sutta viết: (Nghiệp là cánh đồng, thức là hạt giống, và tham ái là nước tưới…)
Có lẽ, cũng là tùy cơ nói từng phương tiện. Lời dạy của đức Phật thâm sâu và thường khi ban pháp là gắn liền với trình độ tu chứng của từng vị Tỳ kheo nghe pháp. Sở học của người viết còn cạn cợt, nên nơi đây chỉ có thể đưa ra các lời giải đoán, chủ yếu dựa vào kinh điển.
Vậy giải thích thế nào về thức này?
Hẳn nhiên không phải là một “cái tôi” vì thức phải biến chuyển theo luật vô thường và cũng biến chuyển theo nhiên liệu nuôi thân là ái.
Trong kinh Mahanidana Sutta (bản Anh ngữ) tạm dịch đoạn 21, đức Phật có vấn đáp với ngài A Nan về thức thọ sinh này - tuy không nói là giữa hai thân, nhưng nói rõ là có thức đang tìm nơi thọ sanh, có thể bị gián đoạn và phải tìm nơi thọ sanh khác (nghĩa là hành trình thọ sinh sẽ cực kỳ gian nan, nếu chúng ta không lo tu học) và dưới đây là đoạn vấn đáp:
“Nếu không vào bụng mẹ, danh-sắc có hình thành trong bụng mẹ không?”
“Bạch Thế Tôn, chắc chắn là không?”
“Nếu, sau khi vào bụng mẹ, thức phải ra đi, danh-sắc có sẽ trở thành như chúng sinh hiện nay không?”
“Bạch Thế Tôn, chắc chắn không?”
Tới đây, chúng ta có thể hỏi rằng, thức tìm nơi thọ sanh có khác gì với các khái niệm về thức như chúng ta đã đọc?.
Hình như không khác nhiều, nếu chúng ta tránh sử dụng chữ “thân” khi gọi về lực sống này. Bởi trong kinh DN 28, ngài Sari putta gọi là (dòng tương tục ya thức không gián đoạn của con người khi được thiết lập trong kiếp này và kiếp sau).
Dĩ nhiên, ngay cả khi gọi là ý thức, chúng ta trong 24 giờ/ngày vẫn có thể mê muội tới 23 giờ (thậm chí mê cả 24 giờ). Ngay cả khi đức Phật dạy trong kinh (SN 35.23 và kinh SN 35.82) rằng toàn bộ thế giới chỉ là tâm-cảnh bất nhị (cũng hiểu là thức, khi nói về dụng) nghĩa của thức này hẳn khác với “thức đang tìm nơi thọ sinh) – tức là khác với “thức” giữa đời này và đời sau?” Trùng trùng nghi vấn vậy.
Trong tác phẩm biên khảo “Giới thiệu Đại cương về Duy thức học” của Ni sư Tuệ Hạnh có đoạn viết: “Tất cả mọi hiện tượng đều là sự biến hiện của thức trong hành vi và hoạt động nội tại của chúng; những nhận thức của chúng ta không phải là do từ đối tượng ngoại tại tạo thành, những đối tượng mà ta tưởng là hiện hữu bên ngoài và tạo thành ý nghĩ của chúng ta. Cũng giống như trong giấc mộng, chúng ta có những kinh nghiệm về thiên hình vạn trạng: người ta, cảnh vật, thời điểm, cảm giác,v.v…tất cả đều y như thật trong giấc mộng đó. Đến khi tỉnh, ta vẫn còn có những cảm giác như thật khi tiếp xúc và phản ứng với những gì trong mộng. Ấy thế mà khi tỉnh giấc, thì chẳng có gì. Cũng vậy, tất cả các đối tượng ngoại tại chẳng qua chỉ do thức hiện khởi mà thôi…”
Kể như Duy thức nhiều phần tương tự với kinh(SN 35.23 và kinh SN 35.82). Trong khi đó Bát Nhã Tâm Kinh, tức bản kinh cô đọng của Trung Luận, so sánh hình ảnh thực tướng như giấc mộng qua câu kinh “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn” đức Phật cũng so sánh các pháp hữu vi với giấc mộng, như trong kinh Pháp Cú- kệ 170 nói rằng các pháp như bọt nước, như cảnh huyễn, “Như mộng, huyễn, bọt, bóng; như sương cũng như điện…”. Tuy các pháp là mộng như thế, yêu cầu giải thoát vẫn luôn luôn là khẩn thiết.
Đề cập về thân trung ấm nhập thai và tái sinh trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng chúng ta thấy trong cuốn “Tử thư Tây Tạng” nổi tiếng đã đề cập khá rõ về khái niệm của phạm trù thân trung ấm. Mặc dù với mắt phàm chúng ta không thấy, nhưng với các chân sư có tuệ nhãn khai mở - họ thấy rất rõ từng hoạt động cũng như thần thức (ý nghĩ) tương tác giữa thân trung ấm qua thái độ của người thân đang hiện hữu đối xử với họ, mặc dù họ ở trạng thái trung ấm.
Điều này thiết nghĩ cũng chẳng còn xa lạ với một số Phật tử chúng ta, bởi thực tế không ít người đã gặp và chứng kiến một thân trung ấm tái sinh là những bậc chân tu giữ giới miên mật khi xả bỏ xác thân đã xuất hiện những hiện tượng như mùi thơm, quầng sáng lạ (dù chỉ là giây phút ngắn ngủi) nhưng cũng cho thấy sự chuyển sinh vi tế của thân trung âm. Để minh định điều này, xin tóm lược kể ra đây một trường hợp tại Chùa Thubten Dhargyeling (Tây Tạng) đó là “Ngài Geshe Tsultim Gayeltsen trước khi viên tịch đã dặn dò đồ chúng tại chùa này là chờ vài ngày, sẽ có hiện tượng lạ rồi mới làm tang lễ.
Bởi tuy ngài đã chết nhưng vẫn còn trong thiền định nhiều ngày, thân thể còn hơi ấm…cho tới khi có hiện tượng cầu vồng xuất hiện trong chùa khoảng hơn nửa tiếng, thân của ngài mới bắt đầu cứng lại, nghĩa là kết thúc thiền định. Lúc đó, nhục thân ngài được đóng quan tài và phi cơ chở sang Bắc Ấn Độ để làm nghi lễ hỏa thiêu, do chính Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện. Vài năm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận một cậu bé sinh ở hải ngoại (ngoài Hoa luc) là thân sau của ngài Geshe Tsultim Gyeltsen. Và cũng chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đón cậu bé này về Dharamsala để cho học đạo”.
Như vậy, có nghĩa là vị Cao tăng Geshe Tusultim Gyeltsen đã có nhiều ngày trong thân trung ấm?
Tới đây, chúng ta nói về kinh Karaniya Metta Sutta (Sn1.8 PTS-Sn 143-152). Trong kinh này, đức Phật có dạy là hãy cầu nguyện cho thân trung ấm.
Duyên khởi của kinh này được kể là, trong khi đức Phật cư trú ở thành Xá Vệ, một nhóm các Tỳ kheo trước đó đã nhận được nhiều đề tài thiền định từ đức Phật - tới một cánh rừng để nhập hạ.
Các vị thần cây cư trú trong rừng này lo ngại khi chư tăng tới, thì chư thần phải từ trên cây xuống ở mặt đất. Dù vậy, chư thần hy vọng các chư tăng đến ít ngày rồi đi sớm, nhưng khi biết chư tăng sẽ ở tới ba tháng, nên mới quấy nhiễu chư tăng bằng nhiều cách suốt đêm, nhằm cho quý thầy không chịu nổi phải bỏ đi. Thấy hoàn cảnh bất ổn như thế, quý thầy đến gặp đức Phật trình bầy về sự khó khăn như thế.
Đức Phật mới dạy kinh Từ Bi (Metta Sutta) tức kinh Yêu thương và Ngài khuyên chư tăng hãy về lại cánh rừng cũ với kinh này sẽ bảo vệ. Chư tăng trở lại cánh rừng, thực tập lời đức Phật dạy, rải tâm từ chói sáng.
Chư thần cảm phục vì sức mạnh (năng lượng) tâm từ, mới để quý thầy bình an tu học. Kinh này có hai phần. Phần đầu nội dung yêu cầu tu tập về giới và định; phần hai nói về pháp Tâm từ. Kinh này vừa là cầu an, vừa cầu siêu.
Sau đây là toàn văn bản kinh này bằng Anh ngữ của Acharya Buddharakkita được Việt dịch để chúng ta cùng tham khảo:
“Những người muốn tự lợi mình
Đã từng nhìn thấy lóe lên cõi tịnh lặng
Với năng lực, lương thiện và cương trực
Lời nói dịu dàng, khiêm tốn và không ngã mạn.
Hài lòng, vị này (tức chỉ Tỳ kheo) sống biết đủ,
Không quá bận rộn, và sống đơn giản.
Giữ các căn tịnh lặng, vị này khéo léo,
Biết hổ thẹn, không bận tâm chuyện có nhiều Phật tử ủng hộ.
Thêm nữa, vị này phải tránh bất kỳ hành vi nào,
Khiến các bậc trí giả phải khiển trách.
(Rồi vị này hãy giữ chánh niệm sau đây:)
Nguyện cho tất cả đều được an lành ,
Nguyện cho tất cả chúng sinh hạnh phúc!
Bất cứ chúng sinh nào hiện hữu
Không loại trừ, yếu hay mạnh,
Dài, khổng lồ hay cỡ trung,
hoặc ngắn, nhỏ hay kềnh càng,
Cho dù hữu hình hay vô hình.
Và cả chúng sinh sống xa và gần,
Đã sinh ra và cả những [trung ấm] đang tìm nơi thọ sinh,
Nguyện tất cả các chúng sinh đều hạnh phúc!
Nguyện cho không ai lừa gạt ai,
Không nguyền rủa ai ở bất cứ nơi nào;
Nguyện không ai ước điều nguy hại cho ai,
Dù trong cay đắng hay trong căm ghét.
Cũng như với chính sinh mạng của mình
Bà mẹ ngăn che tổn thương cho chính con trai bà,
Đưa con duy nhất của bà,
Hãy khởi tâm từ vô lượng này,
Cho tất cả chúng sinh [như mẹ lo cho con].
Hãy tu dưỡng tâm yêu thương vô lượng này,
Đối với tất cả chúng sinh khắp vũ trụ các cõi,
Trên cao, dưới thấp và chặng giữa.
Hướng tâm từ này cho tất cả đều an lành,
Và vượt qua mọi thù nghịch, giận dữ.
Khi đứng, đi, ngồi hay nằm
Hễ bất cứ khi nào tỉnh thức
Hãy ra sức gìn giữ tâm từ này
Vì là nơi của Đời sống Cao quí nơi đây.
Không rơi vào tà kiến
Với giới hạnh và cái nhìn trí huệ tận cùng
Vượt qua mọi tham dục
Sẽ không bao giờ thọ sanh nữa. (hết bản Việt dịch)
Qua tất cả các bản dịch kinh có tên trên đều có cầu nguyện hạnh phúc cho “những vị đang tìm nơi thọ sanh” với nội dung như nhau là: (Những vị đã sinh ra và những vị đang tìm nơi thọ sinh. Xin nguyện cho tất cả chúng sinh đều hạnh phúc!)
Như thế, Đức Phật có dạy cầu nguyện cho những hương linh đang tìm nơi thọ sinh, nói theo ngữ cảnh quen thuộc của chúng ta là cầu siêu cho thân trung ấm.
Từ những dẫn chứng trong kinh điển nêu trên cho thấy: nhiều bản kinh đức Phật cũng đã nói tới, hay đã dạy các Tỳ kheo thực hành (pháp phương tiện) cầu nguyện cho các hương linh hay nói sát nghĩa hơn là cầu siêu cho thân trung ấm.
Nhưng theo pháp môn Thiền tông, mục đích của pháp tu tối thượng thừa này, chúng ta thấy các thầy chỉ dạy về pháp “Không có gì để tu hết”. Ngang đây người viết thiển nghĩ và cho rằng: Với mục đích tối hậu của Thiền tông tức pháp tối Thượng thừa là giải thoát khỏi tam giới để về (vô sanh) Phật giới.
Nhưng với người chưa có được công đức cao dầy (duyên lành) thoát khỏi tam giới, thì vấn đề giải thoát cũng đã nói tới trong các kinh điển, và đức Phật cũng dạy chúng sinh phương tiện thoát khỏi (tam đồ) khổ; giải thoát này cũng được coi là thành tựu giải thoát trong Tam giới.
Vậy, vấn đề giải thoát, tức (con đường giải thoát) bao hàm có cả thành tựu trong Tam giới và Phật giới. Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn về vấn đề giải thoát giới ở các tầng bậc (trình độ tu chứng) khác nhau để tránh lối nhìn phiến diện (biên kiến cực đoan) làm tổn thương đến giáo kinh, giáo điều và giáo lý của Phật giáo.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo:
1-Xem: http://thuvienhoasen-org/a24987/Kinh dac-qua-khi-tu-tran-và-kinhtai-sinh-nhu-lai-lua-theo-gio.
-Tử thư Tây Tạng.
-Mỗi ngày trầm tư về sinh tử - Sogyalrinpoche- (
dich Thế Hùng (nhóm kiến văn) Nxb-Tôn giáo-2006)