;
Chánh kiến trong đời sống của những người con Phật
Hiểu chữ Bi - Trí - Dũng trong đạo Phật như thế nào
Vừa qua, tôi có trả lời cho các bạn thanh niên nam nữ Phật tử về câu hỏi: “Phật tử có nên biểu tình không?”. Trong đó, tôi đưa ra dẫn chứng hai câu chuyện thời đức Phật. Câu chuyện thứ nhất kể về việc vua Tỳ Lưu Ly kéo quân qua thành Ca Tỳ La Vệ tàn sát dòng họ Thích Ca, và đức Phật đã đón đường tiến quân để can ngăn vua.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=QDiSa7ErBLc|500|500}
Câu chuyện thứ hai là việc hai bộ tộc Sākya và Koliyā tranh giành nước con sông Rohini dẫn đến đánh nhau, đức Phật đã đến hòa giải. Sau khi nghe xong, các bạn thắc mắc: “Tại sao vua Tỳ Lưu Ly lại tàn sát dòng họ Thích Ca? Và vì sao hai bộ tộc Sākya và Kolyā đánh nhau để tranh giành nước dòng sông Rohini?”.
Các bạn mong muốn tôi kể lại đầy đủ tình tiết của câu chuyện để có thể hiểu rõ hơn. Hôm nay, theo yêu cầu của các bạn, tôi sẽ kể chi tiết hai câu chuyện trên để mọi người cùng tường tận.
Câu chuyện thứ nhất được ghi chép trong kinh Tiểu Bộ, bài kinh số 465, chuyện Sāla, Cổ Thụ Cát Tường, nội dung câu chuyện được tóm tắt như sau:
Vua Ba Tư Nặc, ông Cấp Cô Độc và bà Visākha (Tỳ-xá-khư) thường cúng dường thực phẩm đến chư Tăng. Mặc dù tại cung vua, thực phẩm cúng dường lên chư Tăng luôn đầy đủ cao lương mỹ vị, nhưng đa phần chư Tăng đến nhà hai cư sĩ Cấp Cô Độc và Tỳ-xá-khư để thọ thực. Sự việc này diễn ra nhiều lần như thế, một hôm vua thắc mắc hỏi đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, thực phẩm nào là tối thắng?
Đức Phật trả lời:
- Thưa đại vương, chỉ có thực phẩm của bằng hữu là tối thắng.
Vua hỏi:
- Như vậy, bạch Thế Tôn, Tăng chúng tìm được tình bằng hữu ở những người nào?
Phật trả lời:
- Thưa đại vương, ở các thân tộc của họ hay với dòng họ Thích Ca.
Vua nghe xong liền nghĩ: “Mình nên kết thân với dòng họ Thích Ca, như thế Tăng chúng sẽ là thân hữu của mình”. Ngài cho người đến dòng họ Thích Ca để cầu hôn. Tuy nhiên, phong tục của dòng họ Thích Ca là không được kết hôn với người ngoại tộc. Vua Ba Tư Nặc trị vì nước Kosala hùng mạnh, nếu không gả con gái dòng họ Thích Ca cho vua thì họ sợ sẽ gặp rắc rối.
Sau khi bàn tính, họ quyết định gả con gái của vương tử Mahānāma cho vua Ba Tư Nặc. Tuy nhiên, cô gái này là con của một người nô tỳ từng chung sống với vương tử Mahānāma. Dòng họ Thích Ca đã sắp xếp một cách khéo léo để gả con gái người nô tỳ cho vua Ba Tư Nặc.
Được tin dòng họ Thích Ca gả công chúa cho mình, vua Ba Tư Nặc rất vui mừng và tổ chức đón công chúa thật long trọng, sau đó cử hành lễ quán đảnh và phong cho nàng làm chánh hậu. Vua rất thương yêu và quý mến hoàng hậu. Một thời gian sau, hoàng hậu có thai và sinh ra một hoàng nam, đặt tên là Tỳ Lưu Ly.
Khi lớn lên, hoàng tử hay thắc mắc tại sao các vương tử khác được ông bà bên gia tộc họ mẹ gửi quà tặng, còn mình thì không. Hoàng hậu sợ con biết sự thật về gia tộc của mình nên nói:
- Tổ phụ ở rất xa, không thể gửi quà cho con được.
Năm 16 tuổi, hoàng tử xin về thăm quê ngoại. Hoàng hậu can ngăn, nhưng chàng một mực xin đi cho bằng được. Cuối cùng, hoàng hậu cũng phải chiều theo ý con. Trước khi hoàng tử về quê mẹ, hoàng hậu đã viết thư gửi về thành Ca Tỳ La Vệ, mong các vị trưởng lão dòng họ Thích Ca tiếp đãi hoàng tử chu đáo, và cũng xin các ngài cố gắng giữ kín bí mật về quá khứ của mình. Tuy nhiên, những người tộc Thích Ca có thái độ không được thân mật khi chàng đến nơi. Thấy hoàng tử thắc mắc về cách thức đón tiếp nhạt nhẽo đó, họ mới cho thiết đãi chàng một cách trọng thể.
Sau vài ngày ở chơi quê mẹ, hoàng tử cùng đoàn tùy tùng trở về Xá Vệ. Họ vừa rời khỏi nhà, một người nô tỳ lấy nước sữa lau chùi cái ghế mà hoàng tử đã ngồi, vừa làm vừa nói những lời nhục mạ, khinh khi. Chẳng may vào lúc đó, một người hầu bỏ quên cây giáo nên trở lại tìm, vô tình nghe được những lời lăng mạ này.
Ông ta dò hỏi và được biết hoàng tử Tỳ Lưu Ly là cháu ngoại của một bà nô tỳ, người từng có mối quan hệ lén lút với ông hoàng Mahānāma. Hoàng hậu xứ Kosala, mẹ của Tỳ Lưu Ly là do bà nữ tỳ này sinh ra. Tin đến tai Tỳ Lưu Ly, hoàng tử rất giận và nghĩ thầm: “Nay các ngươi lấy nước sữa rửa ghế ta ngồi, khi lên ngôi, ta sẽ rửa chỗ ngồi đó bằng máu trong tim của dòng họ Thích Ca”.
Khi hoàng tử và đoàn tùy tùng trở về Xá Vệ, những người này trình sự việc lên vua Ba Tư Nặc. Ông rất tức giận vì dòng họ Thích Ca đã lừa gạt, gả con gái của một người nô tỳ cho mình. Vua phế truất ngôi vị, bỏ hết các đặc ân của hoàng hậu và hoàng tử. Vài ngày sau, đức Phật đến hoàng cung. Vua kể lại sự việc, Phật khuyên rằng:
- Dòng họ Thích Ca đã làm việc sai trái, tuy nhiên, dù sao hoàng hậu cũng là con của vương tử Mahānāma, thuộc dòng dõi quý tộc Sát Đế Lỵ, hoàng tử Tỳ Lưu Ly bây giờ là con vua, cũng mang trong mình dòng máu quý tộc Sát Đế Lỵ. Dòng họ mẹ nào có quan trọng, dòng họ cha mới là chuẩn mực.
Sau khi nghe Phật trình bày có tình có lý, vua rất hoan hỷ, phục hồi lại vương quyền cho hoàng hậu và hoàng tử.
Một lần nọ vua đến thăm đức Phật, Tỳ Lưu Ly cùng với cháu ruột của một vị tướng đã dùng âm mưu cướp ngôi vua. Sau khi biết chuyện, vua Ba Tư Nặc liền cưỡi ngựa chạy về thành Vương Xá, nhờ người cháu trai là vua A Xà Thế đi bắt sống Tỳ Lưu Ly. Vua đến cổng thành thì trời đã khuya, nên vua đành phải nghỉ tạm trong một túp lều phía ngoài thành. Do tuổi già sức yếu cộng với sương gió giá buốt, vua đã băng hà ngay trong đêm đó.
Khi Tỳ Lưu Ly lên ngôi, ông nhớ lại mối thù xưa nên quyết định đem quân đi sát hại dòng họ Thích Ca. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết được ý đồ này nên Ngài đã đến biên giới hai nước, ngồi chờ dưới một gốc cây thưa thớt cành lá trên địa phận Ca Tỳ La Vệ, trong khi gần đó có một cây đa khổng lồ rợp bóng mát trên lãnh thổ Kosala. Khi vua kéo quân qua đánh chiếm Ca Tỳ La Vệ, ông gặp đức Phật đang ngồi bên gốc cây, vua hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn, tại sao Thế Tôn lại ngồi bên gốc cây thưa thớt như vậy, trong bầu trời nóng nực này?
Đức Phật đáp:
- Thưa đại vương, cứ để mặc ta. Bóng cây của thân tộc khiến cho ta mát mẻ.
Vua Tỳ Lưu Ly nghĩ rằng: “Chắc hẳn bậc đạo sư đến đây để che chở cho thân tộc của Ngài”. Vua liền đến đảnh lễ đức Phật rồi rút quân về Xá Vệ, đức Phật đứng lên trở về Kỳ Viên. Lần thứ hai rồi lần thứ ba, cả ba lần vua kéo quân đi tàn sát dòng họ Thích Ca đều nhìn thấy đức Phật ngồi bên gốc cây, vì nể ngài nên vua đành phải rút quân về.
Cuối cùng, Phật biết đây là quả ác nghiệp của dòng họ Thích Ca, không ai có thể thay đổi nghiệp quả cho họ được, vì thế Ngài không ngồi chờ nơi biên giới nữa. Lần thứ tư, vua Tỳ Lưu Ly kéo quân qua thành Ca Tỳ La Vệ thành công.
Sau cuộc tàn sát đẫm máu đó, trên đường trở về, đoàn quân của Tỳ Lưu Ly hạ trại nghỉ ngơi bên bờ sông Á-chí-rá-quá-ti (Aciravatī). Nửa đêm hôm đó, bỗng đâu mây đen kéo đến, mưa gió bão bùng, dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn phăng đi tất cả lều trại, vua Tỳ Lưu Ly cùng quan quân và khí giới về phía hạ lưu. Chỉ một số ít binh lính dời lên đồi cát gần đó nghỉ là còn sống sót. Đó cũng là bài học về nhân quả hiện tiền mà chúng ta nên ghi nhớ.
Câu chuyện xảy ra hơn 2500 trước, nhưng bài học lịch sử vẫn còn giá trị cho đến tận ngàn đời. Có phải đức Phật Thích Ca đã biểu tình bất bạo động không? Vậy, biểu tình là gì? Đó là biểu lộ tâm tư tình cảm của mình.
Biểu tình bất bạo động là biểu lộ tình cảm của mình mà không có những hành vi bạo động. Bây giờ, người ta biểu tình thì cần phải có nhiều người để tạo thành sức mạnh tập thể. Ngày xưa, đức độ của Phật quá lớn, cho nên chỉ một mình Ngài biểu tình bất bạo động là đã đủ để cảm hóa lòng người, làm chùn bước chân tiến quân tàn sát dòng họ Thích Ca của vua Tỳ Lưu Ly.
Có một chi tiết trong câu chuyện mà chúng ta cũng nên chú ý. Khi đức Phật biểu tình, Ngài không ngồi ở tàn cây to cao bóng mát bên đất của vua Tỳ Lưu Ly, mà ngồi dưới tàn cây thưa thớt lá bên đất của dòng họ Thích Ca.
Tình cảm của Thế Tôn dành cho vạn loại chúng sanh là như nhau, nhưng ngài cũng có một tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dòng họ một cách đặc biệt. Khi vua Tỳ Lưu Ly hỏi: “Tại sao Phật lại ngồi ở một cái cây không có bóng mát?” (trong khi đằng kia có cây đa to nhiều bóng mát mà không ngồi!). Đức Phật đã trả lời: “Bóng cây của thân tộc khiến cho ta mát mẻ”. Đây là câu nói mà người con Phật chúng ta cần phải suy nghĩ cho thật nhiều, mới có thể hiểu hết tấm lòng của đức Phật. Đó là câu chuyện thứ nhất.
Câu chuyện thứ hai được ghi chép trong kinh Tiểu Bộ, bài kinh số 536, chuyện Chúa Chim Kunāla. Nội dung câu chuyện được tóm tắt như sau:
Con sông Rohini chảy giữa hai thành phố Kāpilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) và Koliyā (Câu Ly), nó được ngăn bằng một con đê duy nhất, nhờ đó dân chúng hai bên có nước canh tác. Vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 6, nước sông khan hiếm trong khi lúa lại bắt đầu trổ bông, nên dân chúng hai bên đều lo lắng.
Nếu người dân ở cả hai thành đều bơm nước vào ruộng của mình, sông Rohini sẽ không đủ nước để cung cấp cho cả hai bên, do vậy bên nào cũng muốn giành phần hơn. Họ tranh cãi nảy lửa với nhau, không bên nào kiềm chế được, cuối cùng dẫn đến ẩu đả. Sự việc đến tai người lãnh đạo, thế là các vị vua cũng tham gia vào việc tranh giành nước sông Rohini bằng vũ khí. Đức Phật biết tin, đích thân ngài đến biên giới hai nước để giải hòa. Khi thấy Phật, người dân hai bên đều bỏ vũ khí xuống. Đức Phật hỏi:
- Nước sông, đất và mạng sống con người, cái nào là quý nhất?
Các vua đáp:
- Thưa Thế Tôn, mạng người là quý nhất.
Phật nói:
- Vậy tại sao chỉ vì một chút nước mà các vị lại hủy diệt lẫn nhau?
Sau đó, đức Phật phân tích sinh mạng của con người là quý hơn tất cả vật chất trên thế gian này. Lúc ấy, các vị vua và dân chúng đã nhận ra lẽ thật, hoan hỷ với nhau và không tranh giành đánh nhau.
Đó là hai câu chuyện mà các bạn yêu cầu tôi kể lại cho đầy đủ hơn. Ngoài ra, một vài người “chuyên tu” cũng có những góp ý rất chân thành khi nghe bài nói chuyện của tôi về đề tài: Phật tử có nên biểu tình không? Họ nói: “Ông thầy Chân Tính lo tu đi, đừng có nói chuyện chính trị nữa, tu hành mà bàn chuyện thế gian làm gì!”. Xin rất cảm ơn tấm lòng tốt của quý vị! Nhưng tôi chưa hiểu mình nói chính trị là nói cái gì?
Còn quý vị khuyên tôi đừng bàn chuyện thế gian. Xin thưa, tôi phải có bổn phận trách nhiệm bàn chuyện thế gian. Vì sao? Vì hiện tại, tôi là người xuất gia tu học Phật pháp, sống tại thế gian này. Tôi ăn cơm của người thế gian nấu. Tôi mặc quần áo của người thế gian may. Tôi sử dụng mọi thứ trên đời này do người thế gian chế tạo.
Tôi sống ở đất nước Việt Nam là do người thế gian bảo vệ. Do vậy, tôi phải có bổn phận, trách nhiệm góp phần xây dựng con người và đất nước Việt Nam ngày một tốt đẹp hưng thịnh.
Đạo Phật không phải trốn đời hay lánh đời, mà sống trong cuộc đời để nhìn thấy lẽ thật, để chỉ người ta sống thật, làm đúng với lương tâm, trách nhiệm, trong một chuẩn mức đạo đức nhất định. Tôi là Tăng sĩ hướng đạo cho Phật tử, họ có những thắc mắc gì trong đời sống tu tập đến hỏi tôi, tôi theo đúng chánh pháp mà trả lời.
Đức Phật dạy người xuất gia không được nói sai sự thật, sự thật như thế nào nói đúng như thế đó, không thêm bớt, không xuyên tạc, không vu khống,… Tôi cũng không phát ngôn những điều trái với quy định pháp luật.
Trong Hiến pháp năm 2013 của nước Việt Nam, điều 25 có ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trong kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, đức Phật dạy người Phật tử phải biết ân và báo bốn ân lớn là: ân cha mẹ, ân Tam Bảo thầy Tổ, ân chúng sinh, ân tổ quốc. Người biết ân và báo ân là người có bổn phận góp phần xây dựng con người tốt đẹp, sống có an lạc, hòa bình, hạnh phúc, phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc giang sơn của mình.
Đức Phật không chỉ dạy chúng ta biết ân và báo ân, bản thân ngài đã thể hiện điều này qua việc tự thân biểu tình bất bạo động ngăn cản sự tiến quân tàn sát dòng họ Thích Ca của vua Tỳ Lưu Ly để bảo vệ thân tộc của mình.
Ngài cũng đã đến tận dòng sông Rohini để hòa giải một cuộc xung đột giữa hai bộ tộc Sākya và Koliyā. Nếu ai xuất gia cũng ngồi đó tu chờ ngày đức Phật đến rước về Cực Lạc, thì bao nhiêu cái khổ của người thế gian ai cứu giúp? Đất nước chẳng may bị ngoại bang xâm lược, thì liệu chúng ta có được ngồi yên mà tu hành hay không? Hãy nhìn những hình ảnh các nhà sư Tây Tạng mất nước bị quân Trung Quốc đánh đập dã man để làm bài học cảnh tỉnh cho chính mình.
Xa hơn một chút là cuộc tàn sát Tăng Ni và đốt phá chùa chiền của quân Hồi giáo tại Ấn Độ hàng trăm năm trước, khiến cho đạo Phật một thời gian bị diệt vong ngay trên mảnh đất quê hương đức Phật. Có những Phật tử học Phật pháp chưa đến nơi đến chốn, nghĩ rằng người xuất gia chỉ lo chuyên tu, không nên lo chuyện thế gian. Chắc hẳn người đó chưa từng nghe câu nói nổi tiếng của ngài Lục Tổ Huệ Năng được ghi lại trong kinh Pháp Bảo Đàn:
Phật pháp nơi thế gian,
Không lìa thế gian giác,
Lìa thế tìm Bồ-đề,
Giống như tìm sừng thỏ.[1]
Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều vấn đề của con người như gia đình, xã hội, kinh tế, tài sản, quốc gia,… chứ không phải chỉ có dạy chuyên tu giải thoát. Cụ thể như:
- Đạo hiếu trong kinh Vu Lan và Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân.
- Bổn phận người chồng đối với vợ, vợ đối với chồng, con đối với cha mẹ, cha mẹ đối với con, học trò đối với thầy, thầy đối với học trò,… trong bài kinh số 31, Giáo Thọ Thi Ca La Việt, thuộc kinh Trường Bộ.
- Mẫu người đàn ông lý tưởng hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân: kinh Tương Ưng Bộ IV.
- Bảy hạng vợ trên đời: kinh Tăng Chi Bộ III.
- Làm thế nào để giữ gìn tài sản bền vững: kinh Tăng Chi Bộ III.
- Sáu nguyên nhân dẫn đến phung phí tài sản: kinh Trường Bộ II.
- Cách thức chọn bạn tốt thân cận: kinh Tăng Chi Bộ III.
- Phương pháp hóa giải tranh cãi: bài kinh số 103 Trung Bộ.
- Bảy pháp vượt qua tranh chấp và sáu pháp hòa hợp: bài kinh số 104 Trung Bộ.
- Mười điều nên tránh đối với người lãnh đạo đất nước: phẩm Kết Cấm, chương 10 pháp, kinh Tăng Nhất A Hàm.
- Phương pháp nào làm cho quốc gia cường thịnh: kinh Tăng Chi Bộ II.
Còn và còn rất nhiều những bài kinh Phật dạy cho con người, xã hội, đất nước trong mọi hoàn cảnh khác nhau.
Hiện tại, Tích Lan là một quốc gia có hơn 70% dân số theo đạo Phật, chắc chắn sự hiểu biết về Phật pháp của người dân khá cao. Quốc gia nào cũng có những biến động trong lịch sử, các triều đại hình thành và suy vong là một quy luật rất tự nhiên, và Tích Lan cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Vậy, khi xảy ra binh biến, những người con Phật ở Tích Lan đã có thái độ như thế nào? Trong quyển Phật Giáo Tích Lan, trang 108, tác giả Trần Quang Thuận viết:
Theraputta – Abhaya, cựu tu sĩ (Tích Lan) đã cởi áo nhà tu, gia nhập đoàn quân giải phóng. Sau khi chiến thắng quân thù, đuổi quân thù ra khỏi nước, vị này xuất gia trở lại, tu chứng quả A La Hán.
Ở trang 138 của quyển sách này, cũng kể về một vị vua từng là một nhà sư, đã hoàn tục để khởi nghĩa đánh đuổi quân Tamil xâm lược ra khỏi đất nước, đó là:
Sáu quốc vương Tamil tiếp tục cai trị Anuràdhapura. Quốc gia bị điêu đứng, kinh tế, văn hóa Tích Lan bị ngưng đọng. Nhiều gia đình chạy đến Rohana tị nạn, một số khác hợp tác với người Tamils. Dhàtusena đuổi quân xâm lăng ra khỏi nước, ông nguyên là một nhà sư, được người chú là một vị sư thông thái nuôi dưỡng và dạy dỗ. Dhàtusena hoàn tục, khởi quân đánh bại kẻ xâm lăng, tái thiết nền độc lập cho Tích Lan, rất có công trong việc an bang, tế thế và hộ trì Tam Bảo.
Ở nước ta, đời Lý và Trần được xem là hai triều đại có thời gian tồn tại lâu đời và phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử nước nhà, cũng trong gian đoạn này, Phật giáo được xem là quốc giáo. Thành công vang dội nhất thời nhà Trần là ba lần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, một trong những đội quân hùng mạnh nhất lịch sử thế giới thời bấy giờ.
Có nhiều nhân vật kiệt xuất trong giai đoạn ấy, nhưng nổi tiếng nhất là ba người: vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Hai vị vua, một vị tướng, cả ba người đều là thiền sư. Khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng xông pha ra chiến trận. Khi thái bình, họ lui về chuyên tu.
Ngày xưa, các vị quốc sư là những người lãnh đạo tinh thần cho đất nước, các ngài không bao giờ bỏ mặc sự tồn vong của dân tộc. Có những khi, vua đến hỏi ý kiến các thiền sư về việc trị quốc an dân, như trường hợp của vua Lê Đại Hành tìm đến thiền sư Pháp Thuận để hỏi về vận nước, ngài đáp:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư đạo các
Xứ xứ tức đao binh[2].
Đại ý bài thơ là vận nước như dây mây quấn lấy nhau. Ta phải giữ gìn đất nước này như thế quấn của dây mây. Một dây mây tuy có dẻo dai nhưng vẫn dễ làm đứt nếu ta biết thế, còn nhiều dây mây đan lại thành bó thì khó có sức mạnh nào làm đứt được. Muôn dân hướng về vua với một lòng kính phục, thì vua hãy lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, thấy khó khăn của dân cũng là khó khăn của mình.
Từ đó, vua hãy tìm cách hóa giải những xung đột trong nội bộ quốc gia. Nếu liên kết nhân dân lại với nhau thì giống như những dây mây riêng lẻ được đan thành một bó.
Muốn cho đất nước yên bình, vua phải biết cách áp dụng phương pháp “lòng thanh tâm tịnh” để xử việc, áp dụng nguyên tắc tu dưỡng đạo đức ngay nơi triều đình. Nếu một người không hiểu gì về chính trị, không có lòng vì nước vì dân, thì có được lời khuyên sâu sắc như thế hay không?
Chúng ta cần phải học cho nhiều để hiểu, có hiểu mới thông cảm, có thông cảm mới thương yêu, từ đó tư duy và thực hành đúng lời Phật dạy. Đừng như những người mù rờ voi, chỉ biết một phần thân thể của voi rồi đoán mò cho là toàn bộ con voi. Cũng đừng như con ếch đáy giếng, nhìn bầu trời chỉ bé bằng miệng giếng.
Qua dẫn chứng nêu trên, người xuất gia có nên bàn chuyện thế gian, có nên tham dự vào việc thế gian hay không? Quý vị chắc hẳn bây giờ đã có đủ trí tuệ để hiểu việc này. Vậy, chúng ta nên đoàn kết, hòa hợp, chung tay góp sức xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp, hòa bình, an lạc, hạnh phúc, biến thế gian này thành Tịnh độ hiện tiền, giữ gìn bảo vệ tổ quốc Việt Nam trường tồn.
Ngày 24 tháng 6 năm 2018.
Thích Chân Tính
*Tựa đề do BBT Người Phật Tử đặt lại