;
Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.
Đứng về mặt “đời”, “tiền công đức” là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm.
Đứng về mặt “đạo”, “tiền công đức” cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...
Song một số trường hợp cho thấy “tiền công đức” ấy từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, đã bị đánh cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng, một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ tiền công đức ở khu di tích An Phụ 300 triệu đồng...
Trong nhà chùa thường nhắc câu Phật dạy đại ý “một hạt gạo của người đem đến cúng dường nặng như núi Tu Di - ăn gạo ấy tu hành không rõ đạo thì kiếp sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Bốn tiếng “mang lông đội sừng” có nghĩa là phải đầu thai làm súc sinh, làm các loài vật như heo, gà, ngỗng, vịt (loài có lông) hoặc làm trâu, dê (loài có sừng) để trả nợ cho những thí chủ đã cúng dường “tiền công đức”.
Luật “đời” về việc biển thủ công quỹ tất nhiên phải bị xử lý, thậm chí bị khởi tố như trường hợp cán bộ xã ở Hải Dương nói trên. Còn về “đạo” có luật nhân quả bất biến, phải “mang lông đội sừng” vậy. Dù người đó là hòa thượng, là thượng tọa, là đại đức tu hành lâu năm mà xâm phạm “tiền công đức” vẫn rơi vào địa ngục như thường. Vì sao? Vì người tu hành vẫn phải chịu sự tác động của luật nhân quả. Và vì lẽ thập phương thí chủ đến cúng dường bằng vật thực như gạo cơm rau quả, dầu thắp thuốc men, hoặc bằng “tiền công đức” với mong muốn được sử dụng số tài vật ấy nhằm tạo chút phước báu cho mình. Nhưng khi biết tiền mình cúng dường bị rơi vào túi riêng của ai đó, hoặc bị mất mát, bị đánh cắp, bị xài phí ngoài mục đích, thì họ không buồn sao được. Nhưng nói cho cùng, họ cũng không buồn bằng đức Phật khi nghe Ma vương bảo rằng vào thời mạt pháp Ma vương sẽ cho quyến thuộc và đệ tử của mình cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, giả dạng vào chùa tu hành để phá hoại Phật pháp, tựa như một loại trùng sống trong thân sư tử để “ăn thịt sư tử”. Nghe vậy, đức Phật từ bi im lặng và rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết về nguyên do đức Phật đã khóc khi ngài còn tại thế. Đến nay, những hiện tượng không tốt liên quan đến “tiền công đức” khiến nhiều người lo lắng. Nếu là người quản lý di tích hãy có giải pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu là các vị chức sắc ở đền chùa, mong hãy đừng để “tiền công đức” đi sai mục đích phước thiện và hơn nữa - xin đừng làm Phật khóc...
Giao Hưởng
http://www.thanhnien.com.vn/