;
Website, truyền thông Phật giáo những sự im lặng không đúng lúc
Dùng hình ảnh Phật quảng cáo bóng đèn điện
Phản đối dùng hình tượng Đức Phật trên sản phẩm trang trí nội thất
VTV - Cần phải có trách nhiệm vì tiếp tay cho Thiền tông Tân Diệu phá hoại chánh pháp
Sau chuỗi đầu Phật, là thác trầm Phật nhả khói, làm phong thủy. Nội tâm chưa tốt, phong thủy cũng vô ích. Lòng người suy đồi, nỡ nào đem tượng Phật ra kinh doanh đùa giỡn. Phật mà nhả khói trầm như rồng, khác nào bị xem là linh vật. Người dùng thác trầm phong thủy này, lợi ích ở đâu chẳng thấy hay chỉ chiêu tai hoạ? Nên nhớ, con người là chánh báo, còn ngoại cảnh là y báo. Cảnh tuỳ tâm sanh, lại theo tâm chuyển. Tâm thiện thì hoá hung thành cát, ngược lại, tâm ác thì phong thủy cát lợi chi cũng vô ích. Vì quả báo theo ta như bóng theo hình.
Kinh Địa Tạng nói: “Người hiền thiện, thì thổ địa long thần đem phù sa đến”. Nên đó mới đích thị là phong thủy chân thật. Đó chính là sửa đức trừ hoạ. Nói đúng ra, tin phong thủy, chỉ là phần ngọn. Vì từ nhân đến quả, còn có duyên, tức nhân - duyên - quả. Nếu chỉ lo năm tháng ngày giờ tốt xấu, cục đất cát hung, phương hướng thuận tiện mà chẳng tích phước thì đó chỉ là dùng thuận duyên để tạo ra quả tốt, trong khi chánh nhân chẳng chuyển, thì đó là việc bất khả thi. Tin phong thủy cũng tốt, nhưng nếu chẳng biết gốc mọi thứ do tâm mình, lo ăn chay, niệm Phật, phóng sanh, tích đức, sống sống với việc thuận theo tự nhiên, tạo ra phong thủy tốt, thì đó là mê tín.
Sở dĩ, chư quỷ thần trông coi ngày giờ, phương hướng, địa cuộc tác động được đến mình đều do sự chấp ngã. Chính chư vị ấy cũng là những chúng sanh vô minh như mình. Nhưng nếu mình chẳng có gieo nhân ác thì ai hại được. Số mạng mỗi người đều do chính mình tự tạo, chứ chẳng do chư thần ở cõi u minh định đoạt. Quỷ thần cũng như nhân viên ngân hàng, họ chỉ làm đúng chức trách giữ tiền dùm bạn chứ không thể thay bạn tạo ra tiền. Nên kinh Dược Sư dạy, người sắp mạng chung, hay bệnh nặng không khỏi, nên quy y với Phật Dược Sư, phóng sanh, cúng đèn, treo thần phan tục mạng thì tuổi thọ tăng thêm. Ý là thọ mạng cũng như số tiền để trong tài khoản ngân hàng. Nếu chúng ta làm phước thì tự nó tăng thêm, giàu sang, phú quý cũng vậy. Chứ không thể nào cầu cạnh thần linh. Vì họ không thể thay ta làm phước. Cầu mà linh hiển, đều do phước quá khứ mình đã tạo. Như khi các vị dùng thẻ đi mua đồ, tất nhiên để được sợi dây chuyền, lọ nước hoa như ý, thì tài khoản sẽ cạn dần. Như vậy, cầu quỷ thần đâu bằng cầu chính mình. Đó là “linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
Phật mà nhả khói trầm như rồng, khác nào bị xem là linh vật, người dùng thác trầm phong thủy này, lợi ích chẳng thấy hay chỉ chiêu tai hoạ, con người là chánh báo, còn ngoại cảnh là y báo. Cảnh tuỳ tâm sanh, lại theo tâm chuyển. Tâm thiện thì hoá hung thành cát, ngược lại, tâm ác thì phong thủy cát lợi chi cũng vô ích. Vì quả báo theo ta như bóng theo hình.
Nên cùng một cuộc đất, có người ở được, người không ở được đều do đủ đức hay không. Bằng lợi dụng long mạch để phát triển mà không tu thì làm sao tránh khỏi nhân quả. Nghĩa là có vay có trả. Chứ phong thủy không thể thắng nhân quả. Nên “có đức mặc sức mà ăn” là vậy.
Do sự khủng hoảng niềm tin trong đời sống xã hội xô bồ dối trá. Nên người ta dễ dàng xuất hiện tâm lý cầu may. Dẫn đến lắm thầy nhiều ma. Ông đồng bà cốt bị vong ốp vong dựa ở đâu cũng trở thành thầy phong thuỷ. Đồ bán phong thủy tràn lan miễn sao bán chạy là được. Chẳng cần biết đúng sai. Nếu cuộc đất xấu mà biết thắp nhang lạy Phật, tụng kinh thì tự dữ hoá lành vì chư thiên, quỷ thần đến nghe kinh ủng hộ. Bằng lấy tượng Phật ra làm trò chơi một cách vô ý thức chỉ chiêu tai hoạ. Nên nhớ Phật rất từ bi, nhưng hộ pháp chẳng tha.
Không lẽ tượng Phật tôn dung đẹp thế kia lại đi nhả khói như các loài linh vật, hoặc tựa hồ như nhả khói thuốc lá thật bất kính, làm tượng mất Iại nghi. Người tạo tượng này, cũng như người bán và cả người mua đều mang tội với Phật vì thiếu hiểu biết.
Tại sao không sử dụng những mẫu Phật ngồi thiền bên thác khói sẽ thong thả an lành. Người đã tin phong thuỷ, có thời có kiêng có thiêng có lành, thì càng nên cẩn trọng. Nếu ai lỡ thỉnh tượng Phật nhả khói trầm để làm tượng trang trí trên bàn trà thì nên bỏ ngay ý định đốt trầm. Đừng để gặp tai hoạ vì cợt nhã với Phật.
Giá trị của nghệ thuật là để mang lại nét đẹp cho cuộc đời. Nếu một tác phẩm xúc phạm đến niềm tin của vô lượng trái tim người Phật tử, làm tổn thương sâu sắc đến hình ảnh cao đẹp của đức Phật thì đó chẳng phải là nghệ thuật chân chính. Vì thiếu văn hoá. Rất mong giới sáng tác nghệ thuật, cũng như các doanh nghiệp, đừng tiếp tục lợi dụng lòng tin của người nhẹ dạ qua những trò phong thủy dỏm như vậy. Vì nghiêm túc đó là một bộ môn khoa học, cần được nghiên cứu khách quan.
Đức Phật đi vào đời, đó là lẽ thật. Đạo Phật là đạo tình thương và sự hiểu biết. Dối trá chẳng làm nên hạnh phúc. Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ, nhưng chẳng thể mang lại niềm tin vào chân lý. Hãy đặt tượng Phật vào trái tim của bạn, đó là phong thủy tốt nhất. Mạng sống vốn vô thường, sanh tử là điều không tránh khỏi. Chỉ có buông xả mọi vướng mắc và chấp nhận hiện thực, dù thuận hay nghịch thì vẫn an nhiên phụng hiến cho đời nụ hàm tiếu tinh khôi. Đừng để những phiền não bâng quơ ràng buộc. Chính Phật là lòng. Nên nói tâm bình thường là đạo. Đấy là lẽ hữu vi như phong thủy chẳng thể thắng được. Vì bản chất các pháp vô ngã.
Trên bàn trà các bạn, Phật đã hiện tiền. Vậy nhé. “Uống trà đi!”
Tất nhiên, chúng ta sẽ cùng nhau nói không với thác khói phong thủy gây mất oai nghi của tượng Phật.
Chí Ngu
--------------------------------------------------------------
CẦN TẨY CHAY CHUỖI ĐẦU PHẬT
“Các pháp đều không, nhưng nhân quả chẳng không”. Vì chẳng có pháp vô vi nào lìa hữu vi mà tồn tại. Chính sự ngộ nhận vào Phật pháp, dẫn đến chúng ta thọ những quả khổ sai lầm không đáng xảy ra. Vì chấp vào lý không mà bỏ quên sự tướng. Lầm tưởng hiểu rồi chẳng cần sợ nhân quả nữa. Quên rằng chư Phật vẫn thị hiện trả quả. Chỉ khác là trong mắt Như Lai, mọi thứ đều huyễn hoá. Thí như bóng trăng, bản chất là chẳng có thật, nhưng đâu thể chấp cho là không.
Hiện tượng lợi dụng lòng tin Phật của đại chúng để trục lợi là điều vô cùng thất đức. Vì trong giới kinh của nhà Phật, cấm kinh doanh hình tượng Phật, buôn bán kinh sách, nếu thấy có người bán Phật tử phải ra sức chuộc hoặc thấy hư rách phải phát tâm tu bổ. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện nay, nhiều Phật tử vì tâm nguyện hoằng dương Phật pháp nên lập phòng phát hành văn hoá phẩm Phật giáo để kinh doanh làm phương tiện quảng bá Phật giáo, vẫn có thể tạm chấp nhận. Dù vậy, thiết nghĩ cả người bán và người mua nên tỉnh giác, trước hiện tượng đánh vào lòng tin Tam bảo đến mê muội.
Hiện nay, trên mạng có trang chuyên bán xá lợi Phật và được cấp giấy chứng nhận từ các chùa bên Thái Lan hẳn hoi. Họ dùng vô số phương thức quảng cáo để lôi kéo khách hành, như thờ xá lợi sẽ làm ăn được, hay xá lợi phân ly... nhưng chẳng ai dám xác tín đó là xá lợi thật của Đức Phật. Nếu có thì làm sao đủ số để rao bán như hàng tôm, hàng cá trên chợ trời!
Lợi dụng tâm lý không dám trả giá do lòng tin Phật của khách hành, nhiều xưởng chế tác tượng Phật, cho đến các phòng phát hành, đôi khi nâng giá lên khá cao, so với giá thực tế của thị trường. Phật mà chúng ta đem ra bán đã là có lỗi, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm ăn, thì quả báo ra sao? Phải chăng đã kinh doanh Phật, thì chắc hiếm ai còn tin nhân quả?
Còn đau lòng hơn, là để đáp ứng thị hiếu của khách hàng mê tín, nhiều chủ cơ sở sản xuất không ngừng chế ra những mẫu chuỗi đầu Phật độc lạ, chẳng nghĩ rằng đó là bất kính. Thử hỏi quý Phật tử, chúng ta là ai mà dám xâu đầu Phật lại đeo tay làm trang sức? Đó là thái độ bất kính, chỉ chuốc tai họa vì thiếu hiểu biết mà thôi.
Có thể quý vị cho rằng, “Phật đất không độ được nước, Phật gỗ không độ được lửa, Phật xi không độ được búa, Phật giấy không độ được lửa”; vì cá pháp đều là giả. Nhưng xin thưa, quý vị đã thực sống được với cái thấy giả ấy chưa? Bằng còn mê đắm thân này, tìm đồ trang sức, cầu bình an cho nó, thì hãy nên cẩn trọng.
Phật dạy, “tâm là nguồn ác, thân là rừng tội”. Nếu chẳng lo bỏ ác làm lành thì ác nghiệp theo nhau như bóng không rời hình. Làm sao tránh khỏi tai hoạ? Huống chi có thân là có hoạ. Bệnh tật, già nua và cái chết là điều chẳng ai tránh khỏi. Nên chỉ có thể dùng phước đức để chuyển hoá, bằng không thì đeo chuỗi mà tâm không niệm Phật, mưu tính hại người thì đó là dối trá! Tự mình chẳng cứu thì Phật nào cứu được? Nên đeo chuỗi là để nhắc mình tu, chứ chẳng phải là món trang sức thông thường. Tuyệt đối không được dùng đầu Phật làm trang sức, đã vô phước, lại tổn đức thêm!
Theo kinh nghiệm, chỉ cần bước vào ngôi chùa hay nhà nào, nhìn vào tượng Phật đang thờ, có tôn dung sáng đẹp, hoan hỷ là người ấy tu tập tốt. Trái lại thì tượng Phật buồn bã chẳng sáng, chẳng hảo tướng, do tín chúng bỏ bê tu tập. Vì tượng Phật đang thờ là hoá thân của chư Phật, theo nghiệp cảm của chúng sanh mà thị hiện. Chứ đâu phải chỉ là tượng cốt, đồng, gỗ, xi, giấy như nhiều người lầm tưởng. Nên người muốn tạc tượng Phật đẹp, phải lo lạy Phật sám hối, chuyên trì kinh chú, trong suốt thời gian mời thợ tạc. Bằng không thì chỉ chuốc chướng duyên, phiền não.
Người muốn tích phước, trước phải lo chú trọng bàn thờ Phật trong nhà, sớm tối hai thời thắp hương, dâng nước, lễ bái thì đã tích phước lâu dài. Hình Phật, dù to hay nhỏ, bằng chất liệu gì, người Phật tử tuyệt đối phải giữ lòng cung kính. Như thế, thì tội lỗi tiêu trừ.
Chúng ta là phàm phu, cứ sống đúng mực phàm phu. Đừng vì học rộng nghe nhiều mà chấp vào sở tri trong khi sở hành chưa tới. Nên đeo chuỗi, thì phải lựa chuỗi đúng Pháp. Đó là các túc số thông dụng như 18, 108 hạt. Kinh Mộc Hoạn Tử nói, trong các chất liệu làm chuỗi, thì chuỗi Bồ đề được công đức thù thắng nhất. Lại nói đeo chuỗi ở cổ tay, tuy chưa niệm Phật mà đã có Phước, tiêu trừ tai hoạ; đeo ở cổ diệt tội tứ trọng (Phạm Ba La Di: Sát, đạo, dâm, vọng); đặt lên đỉnh đầu tiêu tội địa ngục A Tỳ; nếu dùng chuỗi niệm Phật đủ túc số sẽ lần lượt chứng sơ quả cho đến tứ quả. Theo Phật giáo Đại Thừa, lần chuỗi niệm Phật sẽ được vãng sanh tịnh độ.
Nguồn gốc của chuỗi này, là do của người ngoại đạo Bà La Môn, có cậu con trai sắp chết, vì tin cây Bồ Đề là cây thiêng, do Đức Phật trú dưới cây này thành đạo, ông đem con mình đặt dưới gốc cây Bồ Đề và phát nguyện. Sau đó chàng tỉnh dậy. Đó là nhân duyên cho Phật thuyết kinh này. Chỉ rõ cách làm chuỗi hạt. Như vậy, đeo chuỗi đúng pháp, công đức vô lượng.
Dây chuỗi tượng trưng cho Bồ tát Quán Thế Âm, còn bình cam lộ đầu chuỗi tượng trưng cho Phật A Di Đà. Chẳng nên lần qua mà mang tội. Nếu chuỗi đứt, nên lạy Phật sám hối, phóng sanh, rồi thay dây mới, phòng điều bất trắc xảy ra.
Thiết nghĩ, đã tin vào Phật. Muốn thỉnh pháp khí nhà Phật đeo để cầu bình an cho mình, Phật tử nên tìm hiểu kỹ. Tránh để người khác trục lợi kinh doanh trên niềm tin của mình. Đó là chánh kiến. Vì nhân quả luôn theo ta như bóng theo hình. Đừng vì thấy mẫu lạ mà ham. Tốt nhất nên tẩy chay, mẫu chuỗi đầu Phật, xá lợi niềm tin đang được bán tràn lan. Đó là nguyên nhân đem đến tai họa do mê tín gây ra.
Cầu nguyện tất cả an lành.
Chí Ngu