Chiều 2/6, hàng ngàn du khách nườm nượp rời Khu du lịch Suối Tiên (phường Tân Phú, quận 9-TPHCM) để trở về nhà sau một ngày vui chơi lễ hội trái cây được tổ chức tại đây.
Hàng trăm lượt người thành tâm “góp” tiền cho “sư giả”. |
Ngay cầu thang bước lên cầu vượt, một “vị sư” là thanh niên khoảng 35 tuổi tay cầm bát khất thực chờ nhận tiền bố thí của khách thập phương. Chỉ gần 2 giờ có mặt quan sát, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm lượt người với vẻ thành tâm, kính cẩn để tiền vào bát của “thầy”. Thậm chí có người còn để vào bát những tờ tiền có mệnh giá lớn.
Khi thấy bát tiền đầy, cặp mắt láo lia quan sát lúc thưa người, gã thanh niên giả sư này nhanh chóng hốt bạc cho vào giỏ xách đeo bên cạnh rồi tranh thủ lấy bộc nước mía để uống giải khát rồi tiếp tục “thành kính”…chờ tiền.
Phút thư giãn giải khát của “sư”. |
Có lẽ do đứng hoài mỏi chân không chịu nổi nhưng “tiếc” vì khách còn quá đông không thể bỏ về nên ‘sư giả” tiếp tục chờ bố thí bằng cách ngồi bệt xuống đường, một hình ảnh vô cùng phản cảm.
Được biết, Thành hội Phật giáo TP.HCM đã thông báo rộng rãi rằng, Thành hội không chủ trương cho các nhà sư đi khất thực, các nhà chùa cũng không tổ chức khất thực.
Quá mỏi chân nhưng còn “tiếc” tiền, “sư giả” đành ngồi bệt xuống đất hành nghề. |
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, khẳng định: “Tất cả những người khất thực trên đường phố đều là sư giả. Người dân muốn làm từ thiện thì nên đến chùa hoặc đóng góp cho các tổ chức xã hội, các chương trình vì người nghèo”.
Thế nhưng, nhiều người vẫn cho tiền những kẻ giả sư, vô tình tiếp tay cho thói lười lao động của họ.
Người thanh niên còn khá trẻ lại khỏe mạnh nhưng lười lao động đi làm “sư” giả |
Vũ Sơn - KTO