;
Giải đáp thắc mắc tu pháp môn Tịnh độ (7)
Hỏi số 82:
Hôm nay Văn Tập có nói chuyện với một cô bạn là thành viên trong BHN ở HẢI PHÒNG. Cô ấy kể cho VT nghe một trường hợp về người thân của mình ... VT thấy chưa được thông suốt nên nhờ giải đáp.
Cô bạn này có một người Dì bi bệnh nằm nửa mê nửa tỉnh đã một năm nay. Gia đình lại chưa hiểu biết về PHẬT PHÁP. Vì muốn cứu người Dì nên Cô đã cùng BHN đến đọc KINH ĐỊA TẠNG trong 3 ngày (ĐỂ CHUYỂN NGHIỆP CHO NGƯỜI BỆNH SAU ĐÓ NẾU CÓ CHUYỂN BIẾN MỚI CHÍNH THỨC HỘ NIỆM). Sau mỗi thời đọc Kinh có PHÓNG SANH VÀ CÚNG THÍ THỰC. Đối với Gia Đình thì cho xem những băng đĩa của chùa Hoằng Pháp.
Qua sự hướng dãn của Anh và trong những buổi nói chuyện ở NPĐ TỊNH NGHIÊM. VT có nghe Anh giảng, HN cho một người các nghi thức càng đơn giản chừng nào thì ngươì đó càng DỄ VÃNG SANH . Chỉ đọc Kinh khi nào người bệnh yêu cầu rồi sau đó phải NIỆM PHẬT tiếp .
Trong trường hợp này Cô bạn của VT làm có ĐÚNG PHÁP không? Theo Anh phải làm như thế nào? VT kính mong Anh trả lời. Cám ơn Anh rất nhiều
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Trả lời:
Bệnh về nghiệp chướng đọc kinh Địa tạng bồ tát bổn nguyện tốt, phóng sanh hồi hướng công đức cũng tốt. Nhiều oan gia trái chủ họ cảm ứng với kinh Địa Tạng.
Đọc Từ bi thủy sám cũng tốt. Nói chung đọc kinh Phật đều có ảnh hưởng tốt cho người sắp chết.
Người nhà quyết định đọc kinh Địa tạng ba ngày rồi bắt đầu hộ niệm, đây cũng là điều hay, không có gì trở ngại.
Có nhiều oan gia trái chủ có cảm ứng với kinh Địa Tạng Bồ Tát. Đọc kinh này có thể hoá giải phần nào chướng nạn về oan gia trái chủ, và chư đẳng vong linh chung quanh.
Còn việc quyết lòng cứu người vãng sanh thì phải chú trọng vào việc niệm Phật. Cần khai thị giảng giải để cho người bệnh hiểu mà phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh.
Khi hộ niệm, thì chúng ta niệm Phật, dùng công đức niệm Phật mà hồi hướng cho oan gia trái chủ thì cũng có tác dụng tương tự như đọc kinh Địa tạng. Nhưng niệm Phật có lợi hơn vì được phần vãng sanh. Nghĩa là, vừa tiêu bớt nghiệp, nếu nghiệp không hết thì cũng được đới nghiệp vãng sanh. (Đới nghiệp vãng sanh nghĩa là còn nghiệp nhưng mang nghiệp đi vãng sanh). Còn tụng kinh Địa tạng thì tiêu bớt nghiệp cho nhẹ bớt tội, nhẹ nhưng dễ gì hết, thành ra đành phải tùng theo nghiệp mà chịu sanh tử luân hồi. Có thể thoát điạ ngục, chứ không được đới nghiệp vãng sanh Tây phương, một đời thành tựu đạo quả.
Cúng thí thực để hoà giải chư đẳng vong linh cũng không sao. Cúng thí thực cũng là lòng từ bi thương xót chúng sanh, cũng vừa có hình thức lo lót, gỡ bớt những rắc rối từ chúng đẳng vong linh, chúng loại cô hồn, v.v... trong pháp giới.
Nhưng cúng thí thực thường bị vướng vào cái lệ là phải cúng thường xuyên, vì chúng vong linh các nơi khác có thể tới, nếu kẻ có người không đôi lúc cũng phiền hà! Sợ rằng chúng ta không có giờ, hoặc bận bịu đi làm, có ngày cúng, có ngày không cũng tạo trở ngại về sau. Cho nên, cúng thí thực nên dành cho các chùa, miễu... họ làm thì hay hơn, vì ở đó có người thường trực cúng thí hằng ngày, chúng ta đem tiền tới cúng dường cho chùa, nhờ chùa họ làm.
Tụng kinh Địa tạng thì giống như niệm Phật. Hình thức có khác nhưng mục đích đều để hoá giải oan gia trái chủ, giải bớt nghiệp cho người bệnh. Có thể liệt kê ra vài điều cụ thể hơi khác sau đây:
1/Tụng kinh thì cần phải có lòng chân thành trì tụng, lúc tụng phải thành khẩn nhiếp tâm vào lời kinh mới có hiệu dụng, nếu tụng không chân thành thì không có hiệu dụng lắm. Còn niệm Phật thì chỉ có 6 chữ nên rất dễ nhiếp tâm.
2/ Tụng kinh dài quá thường bị lộn, bị quên làm tâm dễ xao lãng, lo ra... còn niệm Phật thì không thể quên được, tâm không lo gì lời kinh cho nên dễ nhiếp tâm niệm Phật, cầu Phật gia trì, tiếp độ dễ dàng.
3/Tụng kinh thì nguời bệnh không thể tụng theo được, khó hiểu được ý kinh và lời kinh. Còn niệm Phật thì người bệnh có thể niệm theo dễ dàng, hiểu dễ dàng.
4/Tụng kinh rất khó khai thị, hướng dẫn, còn niệm Phật thì khai thị hướng dẫn thường xuyên, nhắc nhở kịp thời, thấy chướng nạn xảy ra kịp thời khai thị, hướng dẫn, điều giải, vỗ tay, hoan hô, khích lệ... làm cho người bệnh lên tinh thần, thấy hết khổ, hết sợ chết, vui vẻ cầu vãng sanh.
5/Tụng kinh gieo duyên Phật pháp thì được, chứ trực tiếp cứu độ vãng sanh thì rất phiêu phỏng. Còn niệm Phật thì trực tiếp cứu độ vãng sanh. Nếu niệm có yếu đi nữa thì cũng kết duyên Phật pháp. Rõ ràng, niệm Phật thì có lợi hoặc ít ra cũng được huề vốn, còn tụng kinh nếu tốt thì được huề vốn còn không thì bị lỗ. Như vậy niệm Phật vẫn hay hơn.
Nên nhớ, 10 niệm tất vãng sanh là niệm 10 câu Phật hiệu trước phút xả bỏ báo thân, chứ không phải tụng 10 bộ kinh.
Cho nên, lúc còn tỉnh táo thì có thể tụng kinh để vừa lòng người(!), tụng vài biến rồi niệm Phật cũng tốt chứ không có gì trở ngại, chứ còn cứ tiếp tục tụng kinh cho đến chết luôn thì coi chừng người chết bị lỗ vốn, vì họ không biết đường nào để vãng sanh! Không biết thì phải đành theo nghiệp thọ báo trong lục đạo thôi! Xấu tốt khó đoán lắm! Vì nên nhớ, oan gia trái chủ luôn luôn là mối nguy hại đáng sợ cho người chết. Không biết điều giải, không dễ gì họ buông tha. Nghiệp chướng nặng nề, gỡ một đôi phần không thấm thía gì đâu!
Nói tóm laị, niệm Phật có lợi lạc rất nhiều, tụng kinh cũng có lợi, nhưng không nhiều bằng niệm Phật.
Cố gắng giúp cho nguời bệnh niệm được 10 câu Phật hiệu A-di-đà Phật lúc lâm chung cầu sanh cực lạc thì giúp họ vãng sanh thoát vòng sanh tử thật quí hoá vô cùng, thật là một đại ơn huệ cho họ. Chúng ta hãy cố gắng lên nhé.
A-di-đà Phật
Hỏi số 83:
Tu Thiền là bước đi thẳng, còn tu Tịnh độ mới chỉ về Tây Phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi mà chỉ được sống lâu, ở đó phải tu tiếp thì mới được giải thoát thật sự. Có phải vậy không?
Trả lời:
Hôm trước bàn về vấn đề "Tu Tịnh lâu năm". Hôm nay bàn đến chuyện "Tu Thiền là bước đi thẳng" và "vềTây Phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi".
Xin thành thực nói rằng, câu nói "Thiền là bước đi thẳng" thì đúng mà ở đây người nói có lẽ đã hiểu sai! Còn câu nói: "vềTây Phương, đến đó chưa phải thoát luân hồi" thật là quá tệ hại, quá sai lầm, quá tội lỗi!...
"Thiền là bước đi thẳng" đúng vì đường tu nào cũng có thể gọi là tu thẳng cả, chứ không phải chỉ tu Thiền mới thẳng còn cách tu khác là quẹo. Nhưng vấn đề là "Thẳng tới đâu?". Nếu đặt mục tiêu chính xác thì thẳng tới chỗ thành tựu chánh đạo, mục tiêu sai lạc thì thẳng vào cảnh giới tối tăm! Tu theo Liễu giáo thì thẳng tới chỗ giải thoát viên mãn, tu theo Bất liễu giáo thì thẳng tới cảnh mông lung vô định hướng! Xui xẻo hơn nữa, có rất nhiều người tu hành đã chọn lầm mục tiêu, bước thẳng vào đường tà đạo, gây nhiều thiệt hại cho chúng sanh. Có người cứ tưởng rằng 3 cõi thiện trong lục đạo là tốt, thành ra đời đời kiếp kiếp phải chịu tử sanh luân hồi. Thậm chí, có người mê muội suốt đời cứ mãi tạo nhân điạ ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì tu hành dù có ra gì đi nữa cũng sẽ đi thẳng xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để thọ khổ mà thôi!
Cho nên, tu pháp nào cũng thẳng cả, nhưng phải tự hỏi lại chính mình rằng, liệu có đủ trí huệ để nhận rõ mục tiêu tối hậu một cách chính xác chưa? Nếu trí huệ chưa có, mê mê muội muội chưa rõ đâu là đâu thì mau mau trở về với lời Phật dạy, y giáo phụng hành, nhất định phải lấy kinh Phật làm tiêu chuẩn, chớ ly một ý, một từ thì mới mong thoát khỏi hiểm nạn của thời mạt pháp này. Phật dạy, pháp giới mông huân, nghĩa là rộng lớn vô tận, huyền ảo vô cùng, chúng sanh mê mờ như chúng ta khó lòng phân định. Nếu vội vã lấy cái suy nghĩ cạn cợt của mình cho là đúng, chấp vào đó rồi tự quyết định đường đi, thì tự mình lầm lũi bước thẳng vào nơi hiểm nạn vậy!
Tu hành có rất nhiều tầng cấp, mỗi tầng cấp cần phải có phương pháp, phương tiện, nhu cầu, trí huệ, căn cơ... khác nhau. Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật để lại cho chúng sanh 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu tập, pháp nào cũng vi diệu để đối trị với phiền não, nghiệp chướng. Nếu là tiểu tu thì có cách đi thẳng của tiểu tu, đại tu có cách đi thẳng của đại tu. Viên tu có cách đi thẳng của Viên tu. Nhất định mỗi bậc thành tựu đều có nhu cầu riêng, đòi hỏi những năng lực khác nhau.
Chính vì thế, nói rằng đi thẳng thì cách tu nào cũng có thể gọi là đi thẳng cả.. Nhưng khi nói đi thẳng tới đâu thì lại là vấn đề khác, càng cao càng khó hơn, càng vi tế hơn! Cách đi thẳng của người tiểu tu thì đối với người đại tu có thể chỉ là bước đi lòng vòng. Cách đi thẳng của người đại tu, đối với người viên tu chưa chắc sẽ được đánh giá cao!...
Ví dụ, có người nghĩ rằng con người là nhất, họ chỉ muốn tu sao cho được làm người là đủ. Cách tu này tốt, nhưng đối với người muốn sanh lên Trời hưởng phước thì cách tu làm người trở nên quá nhỏ hẹp. Tu để lên một cảnh giới Trời thật sự khá tốt, nhưng đối với người muốn vượt ra khỏi tam giới lục đạo họ không thèm tới.. Vượt ra khỏi tam giới lục đạo gọi là thoát ly sanh tử luân hồi.
Thoát ly sanh tử luân hồi, cảnh giới này là một trong những cảnh chứng đắc trong pháp Phật, vượt qua khỏi hàng phàm phu, bắt đầu nhập vào 4 cảnh giới cuả A-la-hán.
Tuy nhiên, thoát ly sanh tử luân hồi vẫn còn có những cảnh giới cao hơn nữa. Có rất nhiều người còn nhầm lẫn rằng vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi là cảnh giới cao nhất, tốt nhất, là thành Phật. Điều này hoàn toàn sai lầm! Chứ thật ra, vượt qua tam giới chỉ mới là "Vị bất thối" mà thôi, còn có "Hạnh bất thối", "Niệm bất thối" nữa. Mỗi bậc sau cao hơn bậc trước.
Vị bất thối là cảnh giới chứng đắc của Nhị thừa, mới phá được kiến-tư phiền não, vượt qua cảnh giới phàm phu, chứng vào 4 cảnh giới A-la-hán. Hạnh bất thối thì phá thêm được trần sa hoặc, vượt qua cảnh giới Nhị Thừa, cao hơn cảnh giới cuả các vị A-la-hán cuả Nhị thừa. Còn Niệm bất thối thì bắt đầu phá được từng phẩm Vô minh chứng từng phần pháp thân của các vị Pháp thân đại sĩ, từ Sơ Trụ Bồ tát trở lên, cao hơn các cảnh giới trước rất nhiều..
Trong khi đó, một người vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc, đều chứng được tam bất thối, tức là, Vị bất thối, Hạnh bất thối, Niệm bất thối họ đều được chứng đắc cả. Không những thế, mà trong kinh Phật, cũng nhu các luận của chư Tổ đều nói rằng, người vãng sanh Cực-lạc, dẫu cho hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng được "Viên chứng tam bất thối". Nghĩa là, Kiến tư hoặc, trần sa hoặc đã được sạch, và vô minh hoặc không phải chỉ đoạn một hai phẩm, mà đoạn được tới 36, 37 phẩm, và năng lực của họ ngang bằng với Thất Địa, Bát Địa bồ tát ở cõi Hoa Nghiêm. (Xin xem thêm giảng ký của HT Tịnh Không & xem kỹ kinh Vô lượng Thọ).
Ấy thế, nhiều người không hiểu cảnh giới, chưa nghiên cứu kỹ kinh điển của Phật, đụng đâu nghe đó, dám mạnh dạn nói rằng về tới cảnh giới Tây-phương vẩn còn trong sanh tử luân hồi! Một câu nói hoàn toàn tráí ngược với lời Phật dạy. Nếu không cẩn thận, đem ý tưởng này hướng dẫn, truyền rộng cho người khác thì tội này thuộc loại phỉ báng Phật pháp, vô cùng nghiêm trọng! Xin thành tâm khuyên rằng, hãy mau mau sám hối gấp. Vì không biết, lỡ nói sai thì thành tâm sám hối sẽ gỡ được tội rất nhiều.
Còn nếu cố chấp, không chịu sửa sai, thì cũng đành tùy duyên thôi! Tội ai nấy lo.. Gặp nhau trong đời này, dù dưới hình thức nào thì giữa chúng ta cũng có duyên với nhau. Có duyên thì cố gắng khuyên, nhiều lắm cũng chỉ là dám mạnh lời khuyên nhắc nhau thôi. Khuyên rằng, phải tự thương lấy tương lai của mình, phải cố tránh những bước chân đi thẳng vào cảnh đọa lạc, khổ đau, tối tăm nhiều kiếp. Đừng nên để cái tội này trở nên quá lớn, quá nặng. Lúc đó, dù cho, giả như chư Phật 10 phương muốn xuống cứu cũng cứu không nổi. Xin chớ xem thường!
Trên cảnh giới Tây phương có 4 độ là: Phàm Thánh Đồng Cư độ, Phương Tiện Hữu Dư độ, Thực Báo Trang Nghiêm độ, Thường Tịch Quang Tịnh độ.
Phàm phu như chúng ta sanh về Tịnh độ ở cảnh Phàm Thánh Đồng cư. Các vị A-la-hán đã vượt qua tam giới, thoát ly sanh tử luân hồi, các Ngài niệm Phật cầu vãng sanh về Tây phương thì được sanh ở Phương Tiện Hữu Dư độ. Như vậy tại sao có người lại nói sanh về Tây Phương còn sanh tử luân hồi? Chẳng lẽ các Ngài A-la-hán đã thoát luân hồi lại ngày đêm niệm Phật cầu đi đến chỗ chết đi sống lại, sanh tử luân hồi nữa sao?
Các vị Pháp thân đại sĩ ở cõi Hoa Nghiêm, cao hơn A-la-hán của Nhị thừa rất nhiều, họ có thể hiện thân Phật ở các quốc độ để giáo hóa cứu độ chúng sanh, cũng được đức Bồ tát Phổ Hiền dạy 10 đại nguyện vương để cầu sanh về Tây phương, hầu trọn thành Phật đạo, các Ngài được sanh về cảnh Thực Báo Trang Nghiêm độ. Pháp thân đại sĩ mà còn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thi hàng chúng sanh phàm phu sao dám nói lời sai trái với kinh Phật.
Nói lời sai là tạo khẩu nghiệp. Nếu khẩu nghiệp này mà trái nghịch Pháp Phật thì trở thành lời đại vọng ngữ, phỉ báng pháp Phật . Xin nhớ cho, tội phỉ báng Phật pháp thuộc về "Ngũ vô gián tội", nghĩa là 5 tội bị đọa vào điạ ngục A-tỳ, thuộc Vô gián điạ ngục, vô cùng kinh khủng!
Phỉ báng pháp Phật là ý nghiệp. Ý tưởng không thuận theo pháp của Phật, không y giáo phụng hành, đây thuộc về tâm cuồng ngạo, dẫn đến tội bất kính, bất kính thuộc về thân nghiệp. Từ một điểm sơ suất là lời nói thôi, mà 3 nghiệp thân khẩu ý đã sai phạm cả rồi! Tu hành là bước đi thẳng, đi thẳng vào chỗ sai để sửa. Sao không bắt đầu ngay chỗ này mà sửa liền đi?!...
Chúng sanh ai mà không mê mờ! Nếu nhận rõ, chính ta cũng là một chúng sanh thì cũng bị mê mờ! Vì mê mờ nên tạo nghiệp. Tạo nghiệp nên phải tu để chuyển nghiệp, tiêu nghiệp, phá nghiệp. Tu hành là bước đi thẳng tới chỗ phá nghiệp. Thì sám hối lỗi lầm kịp thời không phải là một bước tu thẳng đó sao?
Vậy thì, xin khuyên lần nữa rằng, những ai lỡ nói Phật pháp mà sai với chánh pháp của Phật, hãy mau mau sám hối. Thanh tâm sám hối, kiệt thành sám hối, chắc rằng vẫn còn kịp để chuộc tội. (Đây là lời chân thành, xây dựng nhau, vì thấy quả báo quá nguy hiểm nên nhắc nhở, nhấn mạnh nhiều lần chứ không dám có vọng ý gì khác!).
Trở lại vấn đề "Tu Thiền là bước đi thẳng". Đúng đấy, trong pháp môn Thiền định được gọi là pháp "Trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật". Thành Phật là trở về chính cái chơn tâm bổn tánh của chính mình. Trực chỉ nhân tâm là đi thẳng vào tâm. Cho nên, đây là pháp đi thẳng nhất rồi chứ còn gì nữa? Nhưng thực ra, xin chư vị hãy nhớ cho, từ cái cửa miệng này đi vào chơn tâm nó cách ngăn đến 88 phẩm Kiến-hoặc thô lậu. Ai là người có khả năng phá được đây? Nhiều vị Tổ sư mà than rằng mộ vài phẩm phá không được, chẳng lẽ ta hơn Tổ sư sao? Phẩm Kiến-hoặc thô thiển mà phá không nổi thì đến phần 81 phẩm Tư-hoặc tế vi là sao phá đây?
Còn nữa, Trần sa hoặc, những dụ hoặc của thế trần, cạm bẩy của ma chướng, những thế lực của ngũ ấm ma, v.v.. và v.v... bủa vây, lôi kéo, ngăn che... tính làm sao đây? Từ cái vọng tâm này muốn cho được khai tâm thấy tánh thực sự phải trải qua trùng trùng chướng nạn, chứ đâu phải dễ dàng như ta đang ngồi trước ly càfé tán gẫu, noí huyền nói diệu đâu!
Phá trần sa hoặc chưa hết đâu, còn đến Vô-minh hoặc nữa, nếu sơ ý cứ lý hay luận giỏi mãi thì vạn kiếp sau chưa cũng chưa nhận ra nó là gì, ngược lại coi chừng còn vô minh hơn nữa, chứ đừng nói chi đến chuyện phá Vô minh để viên thành Phật đạo! Thật quá thê thảm!
Thực ra, đây là pháp tu của chư vị Bồ-tát, những vị thượng thượng căn, thượng thượng trí chứ đâu phải là pháp tu hành của kẻ hạ ngu như chúng ta. Người đời ưa Lý cao mà quên Sự thấp. Vô tình suốt đời cứ chạy theo lý huyền luận diệu, vô tình tu thì có tu, nhưng cũng chỉ là "Bước chân đi thẳng" vào cảnh thất bại, bẽ bàng, chua xót! Sanh tử vẫn còn nguyên, đọa lạc khó tránh khỏi! Buồn thay, buồn thay!
Đức Thích-Ca Mâu-ni xuống trần lập đạo để cứu chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, Ngài dạy chúng sanh phải cầu vãng sanh Tây phương để sớm thành tựu đạo quả, có bao giờ Ngài lại bày cho chúng sanh đi tới chỗ sanh tủ luân hồi dẻ chịu khổ!
Vậy thì sao không sớm quay đầu niệm A-di-đà Phật, cầu vãng sanh Tịnh-độ? Vãng sanh Tịnh-độ thì viên mãn ba bậc không thối chuyển. Đây là nhờ đại nguyện của đức Phật A-di-đà gia trì, chúng sanh nhờ công đức cuả Ngài ban tặng mà một đời thành đạo vô thượng. Há không hay hơn sao?
A-di-đà Phật
Hỏi số 84:
Vấn đề cảm ứng có thực hay không?
Trả lời:
Sự cảm ứng chắc chắn có. Nhưng có lúc thực, có lúc giả. Đây là điều chúng ta cần bàn tới.
"Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng" . Quang minh của Phật ở khắp mọi nơi, ở ngay trong nhà của mình, ở sát bên cạnh mình. Người thành tâm cầu nguyện thì tự nhiên đều được cảm ứng.
Hữu cầu tức là: CẢM, tất ứng tức là: ỨNG. Như vậy sự cảm ứng sao lại không có!
Những chứng minh cụ thể. Ví dụ như những người trước phút lâm chung, được hộ niệm, bạn đồng tu luôn luôn nhắc nhở người sắp xả bỏ báo thân phát tâm niệm A-di-đà Phật nguyện cầu vãng sanh về Tây-phương. 10 người thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh, lại được hộ niệm đúng pháp thì 9 người được vãng sanh, tướng hảo xuất hiện bất khả tư nghì.
Được vãng sanh là được CẢM ỨNG đạo giao.
Nếu không có cảm ứng đạo giao thì thời này làm sao có được 1 người vãng sanh thoát vòng sanh tử.
Ngài Thiện Đạo đại sư đời nhà Đường bên Trung Quốc nói, niệm Phật nếu không được nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung phải cần đến sự hộ niệm. Niệm Phật và được hộ niệm thì 100 người tu 100 người đắc, 1000 người tu 1000 người được đi, gọi là: "Muôn người tu muôn người chứng".
"Tu" ở đây là niệm Phật; "Chứng" có nghĩa là vãng sanh, vì Ngài đang nói về pháp môn Niệm Phật. Sự chứng đắc này không phải là tự tu tự chứng, mà người niệm Phật thành tâm tha thiết cầu vãng sanh, được cảm ứng đến Phật lực gia trì, cảm ứng với 48 đại nguyện của đức A-di-đà Phật mà được Phật tiếp độ. Có cầu tất ứng, thành tâm cầu nguyện thì được linh ứng, Phật không bỏ sót một người nào hết.
Phật dạy như thế, chư Tổ cũng dạy như thế, chúng sanh nên y giáo phụng hành. Trên thực tế cũng đã có rất nhiều chứng minh cụ thể. Những người niệm Phật, được hộ niệm cẩn thận, 10 người ra đi, có đến 9 người vãng sanh. Xác xuất này quá cao. Trong thời này, có tu cách nào khác mà thành tựu được như vậy đâu?
Nhưng tại sao trong 10 người niệm Phật, vẫn còn có 1 người bị lọt lại trong lục đạo, nghĩa là bị chết, không được vãng sanh?
Vì, một là, bản thân người đó không tin tưởng pháp môn niệm Phật, không chuyên tâm niệm Phật, còn tham chấp chuyện thế gian, còn luyến lưu lục đạo, còn ham muốn sự nghiệp, còn mơ đến công danh, còn muốn đi lòng vòng trong sanh tử, còn muốn chịu cảnh luân hồi... chứ không thấy sự vãng sanh là quí. Họ là người không quyết lòng buông xả để niệm Phật cầu vãng sanh! Nếu ai cũng vướng những điều này, thì cả 10 người đều bị chết, vô số người không được vãng sanh chứ không phải chỉ có 1 người!
Tu hành mà tạp loạn quá cũng khó đưọc vãng sanh. Trong ba điều không nên (gọi là kỵ) của pháp niệm Phật vãng sanh là: nghi ngờ, tạp nhạp, gián đoạn, thì tu tạp nhạp tạo nên sự trở ngại lớn nhất làm mất phần vãng sanh. Tu nhiều pháp môn quá thuộc về Giáo-hạ, chỉ dành cho người thượng căn hoặc trung-thượng căn mới làm nổi. Người hạ căn trong thời này rất khó thành tựu.
Hai là, vì người thân trong gia đình quá tham chấp danh vọng hão huyền, cứ chạy theo tập tục sai lầm của thế gian, không tin tưởng Phật pháp, không coi trọng sự hộ niệm, không biết vãng sanh là gì, không muốn người thân của mình vãng sanh, sát sanh hại vật để cúng tế, đãi đằng. Nói chung, không hiểu Phật pháp, không chịu hoặc chống phá việc hộ niệm vãng sanh, v.v...
Ba là, vọng tưởng nhiều lại không thấu hiểu đạo lý, mập mờ đường giác ngộ, bị oan gia trái chủ lợi dụng phá hoại, gạt gẫm mà bị lạc đường..
Bốn là, vì không cầu Phật lực gia trì, chỉ tự lực phá nghiệp (mà thực ra là phá nghiệp không nổi). Vì thế, bị nghiệp báo hiện hành bức khổ chịu đựng không nổi mà bị loạn tâm. Loạn thì mất tịnh, mất tịnh thì hôn mê, bất giác, chắc chắn phải theo cảnh loạn ác mà chịu nạn.
Chính vì vậy mà không được vãng sanh
Quí đạo hữu nên nhớ rằng, tâm của chư Phật đại từ đại bi, nguyện của chư Phật rộng lớn như thái không, gọi là "Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới", Quí Ngài muốn cứu độ tất cả chúng sanh, không bỏ một người. Cho nên cũng có câu, "Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân". Bất xả nhất nhân là không bỏ một người nào. Trong kinh Phật nói, dẫu cho một người tội chướng sâu nặng, Quí Ngài cũng không bỏ. Chỉ cần thành tâm sám hối rồi niệm Phật vẫn được cứu độ. Chính vì thế mà niệm Phật rất dễ được vãng sanh. Đáng tiếc, con người không nghe lời Phật nên mới phải bị nạn! Tâm Phật luôn luôn là tịch tịnh, có cảm thì tự nhiên ứng, giống cái chuông, hễ có đánh thì tự nhiên phát thành tiếng. Không có CẢM, Phật không có ỨNG. Tất cả đều do tâm tạo. Cảm ứng đạo giao cũng do chính tâm mình khởi CẢM trước.
Như vậy, người "niệm Phật" mà mất phần vãng sanh là tại mình, chứ không phải tại Phật!
Điểm chính yếu vẫn là vì niềm tin quá cạn cợt. Niềm tin cạn cợt chính vì chưa đủ thiện căn. Niềm tin thuộc về thiện căn. Người còn nghi ngờ lời Phật, nghi ngờ câu niệm A-di-đà Phật thuộc là người thiếu thiện căn! Dù cho hình tướng có như thế nào vẫn là thiếu thiện căn! Còn mở tâm niệm câu Phật hiệu thuộc về phước đức. Người không chịu niệm Phật chính vì cái phước báu không khéo vun trồng trong quá khứ. Thiếu thiện căn, thiếu phước đức, thì nghiệp sanh tử nặng, nó xui khiến họ không tin, không thích niệm Phật, họ rất hững hờ với cơ hội thoát ly tam giới, vĩnh đoạn sanh tử, một đời thành Phật này.
Nghi ngờ lời Phật, là một trong 6 thứ căn bản phiền não (tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến) làm cho họ mất phần giác ngộ. Một khi xa lìa kinh Phật thì chắc chắn tham đắm những tư tưởng hão huyền, mê say những thứ thế trí biện thông, ưa nói huyền nói diệu, thích khoe khoang những thứ triết lý vô thực để sau cùng hưởng lấy những cảnh hão huyền, vô thường, đoạ lạc!
Tưởng cũng nên nhắc điều này, rất nhiều người cứ lầm tưởng rằng, ngưòi triết lý hay, lý luận giỏi là người ngộ đạo. Đây là ý nghĩ vô cùng sai lầm! Ngộ đạo là người biết đường một đời này thành đạo, chứ đâu phải là người nói hay! Ngài Vĩnh Minh là một đại quốc sư, đại Thiền sư đã chứng đắc, "Minh tâm kiến tánh" đời nhà Tống, nói rằng, ... người tu niệm Phật (cầu sanh tịnh độ) thì vạn người tu vạn người được vãng sanh. Vãng sanh thì gặp được A-di-đà Phật, gặp được A-di-đà Phật rồi thì lo gì không khai ngộ! Còn không niệm Phật, dù tu có giỏi, có chứng đắc (như Ngài), nhưng lúc lâm chung, chỉ cần khởi một niệm đắn đo, do dự, thì ấm cảnh liền hiện tiền, tức thì nó lôi mình theo nẻo luân hồi sanh tử! Một đại Thiền sư mà vẫn ngộ đạo bằng câu A-di-đà Phật.
Như vậy, một bà cụ già hiền lành, thành tâm niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh, mới chính là người giác ngộ. Vì sao vậy? Vì chính bà cụ này chắc chắn sẽ vãng sanh, gặp A-di-đà Phật, viên mãn Phật đạo trong một đời này.
Còn người giảng giải hay, ưa lý luận cao siêu, nhiều khi có thể chỉ vì có năng khiếu ăn nói, hoặc là, cái tự điển nói, vọng tưởng nói, tâm lý nói, tình thức nói... chứ chưa chắc là thực tâm nói. Nói hay nhưng làm không được thì bị Lão Tử chê là "Ngôn giả bất tri"; Nho gia nói, "Tri hành bất nhất"; còn Phật thì nói, "Giải hành bất tương ưng". Dị âm đồng nghĩa! Có nhiều khi nói hay nhưng hành động trái ngược thì quả thật là tệ hại và tạo nên hậu quả nghịch! Ví dụ, giảng về "Tùy hỷ công đức", mà thấy ai làm một điều gì, bất kể tốt hay xấu, cũng tìm cách chê bai, hạ bệ. Người không phải chân tu thường thể hiện bản chất này. HT Tịnh Không nói, đây là thứ tập khí căn bản của chúng sanh, nó chướng ngại rất lớn cho đường vãng sanh của họ. Ngài Ấn Quang nói, đây là hạng người hẹp hòi, tiểu nhơn, không tốt! Người biết tu hành, đang niệm Phật cầu vãng sanh cần phải chú ý tránh xa điều này.
Còn người có đủ thiện căn phước đức, thì cơ duyên gặp câu Phật hiệu, họ sẽ thành tâm niệm Phật quyết cầu vãng sanh. Nếu người trong gia đình cũng tin tưởng, quyết lòng hộ niệm cho người thân, thì sự vãng sanh hầu như được chắc chắn. Đồng lòng, đồng nguyện, một hướng như vậy, gọi là "Hiển Cảm". Những buổi hộ niệm có khai thị, có hướng dẫn, có nhiếp tâm niệm Phật, v.v... tất cả mọi người đều chí thành khẩn thiết, thì đây gọi là Hiển Cảm. Có hiển cảm thì rất dễ được "Hiển Ứng". Hiển Ứng là sự gia trì của Phật Bồ tát hiển hiện rõ rệt, ai cũng có thể thấy được.
Thường thường trong các cuộc hộ niệm vãng sanh, chư vị đồng tu dễ chứng kiến được những sự hiển ứng này. Sự hiển ứng xuất hiện dưới rất nhiều dạng thức khác nhau. Vì dụ: Một người bệnh ung thư, đáng lẽ phải chịu đau đớn dữ dội, nhưng khi niệm Phật thì tự nhiên không còn đau đớn nữa. Cụ Lưu Lầu ở Canada vừa mới vãng sanh ngày 15/10/2009 là một ví dụ cụ thể. Ngày 11/9/2009, khi còn nằm trong bệnh viện, bác sĩ báo cho gia đình biết là cụ sắp chết. Cụ bị đau đớn vô cùng. Hễ hết than đau thì liền mê man bất tỉnh (vì tác dụng của thuốc morphine). Nhưng khi xuất viện đem về nhà để hộ niệm, chúng tôi yêu cầu giảm dùng thuốc morphine đến mức tối thiểu, thì ngay đêm đầu tiên niệm Phật, cụ đã tỉnh lại liền. Sau khi bị ói ra một chút, cụ ăn luôn 2 tô cháo và không cảm thấy đau đớn nhiều nữa. Sau đó, Cụ tiếp tục tỉnh táo để niệm Phật, vui vẻ nói chuyện, dặn dò con cháu niệm Phật, dạy người nhà làm thiện làm lành, v.v... Những ngày sau Cụ còn đi lại, thỉnh thoảng đùa vui và con cháu quây quần chung quanh để nghe cụ nói chuyện. Cụ thường tự phát nguyện rằng, cụ quyết lòng vãng sanh, không để lạc đường, vãng sanh xong rồi sẽ về cứu độ tất cả những người đã đến giúp cụ vãng sanh. Có khi cụ còn bảo con cháu dẫn đi dạo vườn để ngắm cảnh. (Nên nhớ đây là tự nhiên được giảm đau chứ không phải là dùng thuốc morphine nữa đâu. Dùng nhiều chất morphine sẽ bị mê man bất tỉnh, một trạng thái tối kỵ cho người muốn vãng sanh).
Có nhiều người vãng sanh, trong ngày vãng sanh có nhiều hoa đồng loạt nở rộ ra, ví dụ như: Cụ Lai Thị Mãnh, cụ Trịnh Kim Tuấn, cụ Nguyễn Minh Công... Có người được chim tụ về (cụ Trịnh kim Tuấn). Có người có hương thơm, có ánh sáng, có ánh rán vàng trên không trung, nước uống tự nhiên biến vị thành ngọt ngào, v.v... Nhiểu lắm. Sự hiển ứng xuất hiện bất khả tư nghì, kể không hết...
Ngoài hiển cảm, hiển ứng, còn có "Minh Cảm, Minh Ứng". Minh Cảm là âm thầm cầu nguyện, Minh Ứng là sự âm thầm gia trì, điều này phải chú ý mới nhận ra được. (Vì thư đã khá dài, xin luớt qua!).
Nói chung, sự cảm ứng chắc chắn có. Vì có cảm ứng nên người niệm Phật mới được vãng sanh. Nếu không có cảm ứng thì không thể vãng sanh được. Vì sao vậy? Vì thời này, chúng sanh nghiệp nặng, chướng sâu, rất khó tự giải thoát. Nếu không nhờ đến Phật lực cứu độ thì vĩnh viễn không có một người đắc đạo giải thoát. Hầu hết người được vãng sanh trong thời này không phải là do tự tu hành chứng đắc mà chính là lòng thành tâm cầu nguyện mà cảm đến Phật ứng hiện tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc.
Tổ Ấn Quang nói, vãng sanh không phải là chứng đắc, mà do lòng chí thành chí kính cầu nguyện mới CẢM đến Phật mà được tiếp dẫn vãng sanh. Cảm đến Phật tức là được CẢM ỨNG.
Người tu hành mà không niệm Phật, không có tâm chí thành cầu nguyện vãng sanh, gọi là tự tu tự chứng, nếu không phải là bậc thượng căn thượng trí, thì chắc chắn không ai có thể phá trừ được nghiệp hoặc. Chính vì thế, sau cùng họ phải bị theo nghiệp thọ báo, không có thể thoát ly tam giới. Nghĩa là, phải kẹt trong sanh tử luân hồi. Hơn nữa, người căn tánh hạ liệt mà quyết tự tu chứng, không cần đến sự cảm ứng của Phật tiếp dẫn vãng sanh, đây chính là một thứ tập khí phát sinh từ bản chất ngã mạn. Tâm ngã mạn này đoạn mất phần cảm ứng, không được hưởng cái phước phần "Đới nghiệp vãng sanh"! Trong nhiều giảng ký, HT Tịnh Không nói, bây giờ thì họ nói hay lắm, nhưng chúng ta biết họ phá không được nghiệp hoặc. Còn nghiệp thì phải tùng nghiệp thọ báo, chắc chắn họ sẽ bị chết và bị lọt lại trong lục đạo luân hồi. Còn chúng ta, vì biết niệm Phật cầu vãng sanh, ta được Cảm Ứng đến Phật lực gia trì mà được vãng sanh Tịnh-độ. Vãng sanh xong ta sẽ thành Phật, thành Phật rồi về cứu họ.
Niệm Phật và cẩn thận sự hộ niệm thì được vãng sanh vững vàng, dễ dàng. Rất nhiều hiện tượng vãng sanh đã xảy ra khắp nơi. Ở VN trong mấy năm gần đây, hàng trăm cuộc vãng sanh hiển hiện bất khả tư nghì, sự thật này đến nay đã quá rõ ràng, khỏi cần phải tuyên truyền nữa. Thành quả này chính là nhờ Niệm Phật và được Hộ niệm vậy.
Còn niệm Phật mà không có hộ niệm, xác xuất vãng sanh thật sự còn quá thấp! Vì sao vậy? Như đã nói bên trên, chúng sanh trong thời này căn cơ thấp, nghiệp chướng nặng, tâm lực quá yếu, không đủ sức đạt đến cảnh giới "Niệm Phật tam muội hay Nhất tâm bất loạn". Ngược lại, vọng tưởng nhiều, ma chướng quá mạnh, oán thân tráí chủ nhiều, tất cả trở lực này sẽ dồn lại công phá lúc lâm chung, làm người ra đi vượt qua không nổi chướng ngại, nên vẫn có thể bị nạn. Nếu có được hộ niệm, thì nhờ lực hộ niệm của đại chúng giúp họ dễ dàng vượt qua chướng nạn và an toàn vãng sanh.
Cũng xin xác định rõ điều này, hộ niệm là niệm Phật hỗ trợ cho người sắp xả bỏ báo thân biết rõ đường về Tây-phương Cực-lạc, chứ không phải niệm Phật để cho người bệnh chết, rất nhiều người đã lầm lẫn như vậy! Thực ra, hộ niệm là giúp cho người bệnh an toàn, an toàn vãng sanh, hoặc an toàn hết bệnh. Nếu phần số đã mãn thì được an toàn vãng sanh, tránh các cạm bẫy hiểm nghèo, không bị lạc vào các đường xấu ác. Nếu phần số chưa hết thì nhờ tín nguyện hạnh đầy đủ mà tự nhiên bệnh tình sẽ thuyên giảm, nhiều khi bình phục luôn. Đây là sự thực mà chư Tổ Sư thường xuyên nhắc nhở.
Một ví dụ rất điển hình vừa mới xảy ngay trong tháng 10/2008 này, ở Đức (Germany) có một sự Cảm Ứng đăc biệt, một người bị ung thư, 42 tuổi, đã đến giai đoạn chót, chờ chết. Nhờ phát tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, chỉ trong vòng vài tháng mà bệnh ung thư đã hoàn toàn tự biến mất. Bác sĩ DO THI VAN HUONG, người chuyên trị về bệnh ung thư ở Đức, và cũng là người trong gia đình của người bị ung thư này, đã chứng kiến sự nhiệm mầu của pháp niệm Phật, nên quyết định sẽ đưa vấn đề niệm Phật và hộ niệm lên Hội Đồng Y Khoa Đức. Công việc này đang được bác sĩ VAN HUONG, hội ý với nhiều bác sĩ người Đức khác, để hợp sức thực hiện dự án này.
Đây là một tin rất hay, trong mấy ngày qua chúng tôi có gởi đến chư vị tin này. Cầu chư Phật Bồ-tát gia trì cho bác sĩ VAN HUONG thành công, đưa Phật học vào lòng người Âu châu, cứu độ chúng sanh.
(Chư đạo hữu nào muốn biết rõ thêm về sự phát tâm của bác sĩ VAN HUONG, xin liên lạc với Diệu Âm, Diệu Âm sẽ gởi chính lời thư phát tâm của Bác sĩ VAN HUONG cho quí vị xem qua. Và cũng xin nhắn nhủ rằng, người chí thành niệm Phật đã được cảm ứng là điều rất tốt. Được cảm ứng rồi thì xin quí đạo hữu hãy giữ vững lòng tin, quyết tâm thành khẩn niệm Phật, tha thiết cầu cuối đời được vãng sanh bất thối thành Phật, thì đạo nghiệp của mình mới hoàn thành. Đừng nên mãn nguyện với cảm ứng này mà sanh lòng tự mãn, sanh lòng tự mãn rất dễ bị thối tâm, làm mất sự lợi ích về sau).
Như vậy, sự cảm ứng đạo giao chắc chắn có thực, xin chư vị đừng nghi ngờ.
Tuy nhiên, (xin nhấn mạnh, rất mạnh vào hai chữ TUY NHIÊN này), chư vị cũng cần chú ý đến một điều: Tâm chơn ứng cảnh chơn, tâm vọng ứng cảnh vọng. Nếu tâm ta thực sự chân thành thì cảm ứng sự chân chánh. Nếu tâm ta không chân thành thì cảm ứng đến quả báo tà vạy. Xin hãy tự hỏi lại rằng, tâm ta có thật sự chân thành hay không?
Câu này thực sự rất khó trả lời cho xác đáng! Vì sao vậy? Vì ai cũng nghĩ mình chơn thành, ít có ai nghĩ rằng mình đang vọng tưởng. Trong thực tế, tâm vọng thì nhiều vô số kể, còn tâm chơn thì rất hiếm có, hoặc có mà không bền! Cái khổ nạn vẫn còn nhiều chính vì ở chỗ này đây!
Ví dụ, có một vị kể rằng, tôi thường thấy Phật, thường được Bồ Tát Quán Thế Âm ứng mộng, thường được chư bề Trên khải thị, v.v... Hỏi rằng việc này có đúng không?
Trong nhiều giảng ký, HT Tịnh Không có nói rằng, người thành tâm niệm Phật, chư Phật, Bồ-tát đôi khi cũng phương tiện ứng hiện để khuyến tấn. Đây là sự thật. Nhưng một vài lần thì được, chứ còn ứng đều đều, thường xuyên thì coi chừng chính người đó có vấn đề...!
Thường những người mới phát hiện ra một chân lý, mới ngộ ra được đạo pháp, họ phát tâm rất mạnh. Chính cái sơ phát tâm mạnh mẽ này tạo ra những sự cảm ứng mạnh mẽ. Nhưng đáng tiếc, phát tâm thì cao, nhưng định lực không cao, lý đạo chưa vững, đối với những cảm ứng tốt đẹp họ tham chấp vào. Đã tham chấp thì tâm vọng, tâm vọng thì cảm ứng biến thành vọng. Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh. Tâm chơn sanh cảnh chơn, tâm vọng sanh cảnh vọng! Khi tâm đã vọng tưởng, thì cảnh vọng đã thay cho cảnh chơn, nhưng vì tâm đã vọng nên họ không còn sáng suốt nhận ra sự giả vọng, vẫn cứ tưởng rằng chơn. Đây là điều đáng tiếc!
HT Tịnh Không thường dạy rằng, dù sao mình cũng cần giữ tâm thanh tịnh mới an toàn tốt đẹp. Cho nên chúng ta cần giữ tâm thành thực, tận tụy mà làm đạo. Chú ý kiểm soát đừng để vấ đề danh văn lợi dưỡng chen vào mà biến chất, không tốt! Nói cho dễ hiểu hơn, hãy giữ tâm hồn bình thản, an nhiên, thoải mái, vui vẻ, hiền hòa, khiêm nhường, coi mọi chuyện nhẹ nhàng, tất cả đều vô tư lự... đây vẫn là điều căn bản của người biết tu hành.
Phật dạy, "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Sự cảm ứng của mình khi chân thành thì linh hiển, chân chính. Khi tham đắm thì hư huyển. Chân chánh (hay gọi là chân thật cũng được) hoặc hư huyễn nó biến đổi trong từng một sát na. Sát na trước, lòng chí thành chí kính, sự cảm ứng là thật. Sát na sau, tâm vừa khởi niệm tự hào, vui mừng khấp khểnh, thì lập tức biến thành vọng rồi. Vọng là hư vọng, hư vọng vì tâm mình bị loạn. Rõ ràng từ một cảnh chơn biến thành cảnh vọng chỉ trong vòng một niệm. Phật dạy, "Nhất thiết pháp như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện", là chỉ cho tâm vô thường, cảnh vô thường vậy.
Người giữ tâm thanh tịnh, có định lực thì không tham chấp vào cảnh hư huyễn, thì cảm ứng tốt hay không tốt đối với họ đâu còn có nghĩa gì nữa! Từ đó, khi cảm ứng được một điều tốt họ chắc chắn được thọ đắc tốt, cảm đến điều xấu họ cũng cảm đắc tốt luôn. Vì sao vậy? Vì tâm họ thanh tịnh, tốt hay xấu đối với họ cũng là nhẹ nhàng, vô sự!
Còn người không có định tâm thì thường buồn vui bất chợt, thương ghét vô thường, lòng chân thành, thanh tịnh ban đầu dễ biến thành tham chấp, hiếu kỳ, vọng cầu, v.v.... Sự biến chuyển này quá nhanh, quá tế vi, nhiều lúc chính họ không hay. Chính vì vậy, từ cái tâm chơn dễ biến thành cái mê vọng! Những người tu hành trước thì có được nhiều cảm ứng khá tốt(!), nhưng sau lại chuyển thành không tốt, nguyên nhân chính là vì tâm còn lao chao quá, hiếu kỳ quá, chưa đủ sức định vậy.
Ngài Ấn Quang dạy, tu hành luôn luôn phải tự nghĩ rằng mình công phu còn yếu, coi mình là phàm phu. Ngài dạy như vậy để chúng sanh tinh tấn lo tu hành, mới có hy vọng thành đạo. Còn người khoe mình đã chứng đắc thì khó tránh khỏi nạn tai về sau!
Ấn Tổ, là Đại Thế Chí bồ-tát tái thế, nhưng Ngài chưa từng tuyên bố mình đắc đạo. Ngược lại, Ngài luôn luôn tự nhận mình nghiệp nặng để làm gương cho chúng sanh. Ấy thế, trong đời này, có rất nhiều người laị dám tự khoe rằng mình đã đắc đạo, đã minh tâm thấy tánh, đã được niệm Phật nhất tâm bất loạn, đã được Phật thọ ký rồi, dám mạnh dạn nói ra những cảnh giới bất bình thường!!!
Trong năm 2007, khi về VN có một vài người tới thăm tôi và họ tự giới thiệu rằng chính họ đã chứng đắc rồi, là người đã vãng sanh rồi, họ còn khoe rằng sư phụ của họ ban đêm thì về Tây phương Cực lạc nghỉ, sáng xuống trần cứu độ chúng sanh. Họ hỏi tôi:
- Anh Diệu Âm niệm Phật đã chứng đắc tới đâu rồi?
Tôi thành thật nói, tôi chưa chứng đắc được gì cả. Câu trả lời này làm cho họ thất vọng ê chề! Họ nghĩ rằng tôi đã chứng đắc cao lắm, và yêu cầu tôi nói sự chứng đắc của tôi xem thử có bằng họ không. Nhưng họ đã hiểu lầm và tôi cũng đành xin lỗi! Thôi, hy vọng hay thất vọng là việc riêng của họ, tôi chẳng dám nói sai sự thật...
Cũng xin nhắc lại điều này, trong năm 2007, có một tờ báo ở VN đã đăng một bài viết nói về cảnh giới "Nhất tâm bất loạn", người viết lấy bút hiệu là Diệu Âm. Nhiều người đọc được tưởng rằng là tôi viết, điện thoại tới chúc mừng. Khi nghe đến tôi rất đỗi ngỡ ngàng và đã nhiều lần lên tiếng đính chính việc này. Xin thưa rằng, người viết đó không phải tôi. Hôm nay, nhân bàn về sự cảm ứng, tôi khẳng định thêm một lần nữa rằng chính tôi chưa bao giờ chứng đắc được cảnh giới Nhất tâm bất loạn, chưa bao giờ dám diễn tả điều nhất tâm bất loạn với ai.
Xin chư vị nhớ cho, người thế gian đồng tên đồng hiệu là chuyện thường. Diệu Âm (Úc châu) vẫn còn nguyên là kẻ phàm phu nghiệp chướng sâu nặng! Xin chớ nhầm lẫn!
"Nhất tâm bất loạn" là danh từ của Tịnh-tông, cảnh giới chứng đắc này tương đương với "Minh tâm kiến tánh" của Tông-môn, "Đại triệt đại ngộ" của Giáo-hạ, là sự chứng đắc của các vị không những phá được kiến-tư nghiệp hoặc, phá được trần-sa hoặc mà còn phá được một phẩm Vô-minh chứng một phần Pháp thân, thành bậc đại thừa Bồ tát Sơ Trụ, bậc Pháp-thân Đại-sĩ ở cảnh giới Hoa Nghiêm chứ đâu phải thường. Những người chứng đắc này, thực tế đối với họ vạn pháp đã giai không rồi. Nghĩa là, nói cho dễ hiểu, họ có thể đi xuyên qua bức tường dễ dàng. Có khả năng này hay không, người cho mình đã chứng đắc hãy tự kiểm lấy đi!
Như vậy, đã gọi là "Nhất tâm bất loạn", đã "Minh tâm kiến tánh", v.v... thì chắc phải biết rõ rằng, "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng". Đã hư vọng rồi mà còn dám khoe ra, kể ra những cảnh chứng đắc nữa sao!?
Thành tâm nêu lên vấn đề này, mong chư vị bạn hữu đồng tu gần xa, hãy cố gắng tập tánh khiêm nhường, đừng nên hiếu kỳ mà lỡ gặp điều khó khăn về sau mà bị trở ngại, không tốt!
Ấn Tổ cảnh cáo rằng người thời nay tu hành thường bị trở ngại vì tánh hiếu kỳ. Tu hành có hạ thu công phu, có được thành tựu thì tốt. Nhưng cần chú ý, nhiều người vừa đạt được một điều gì hơi lạ thì vội vã khoe ra, nói khuếch đại đến 100 lần, đến 1000 lần nhiều hơn. Ngài Tịnh Không nói, định lực của quí vị đã bị phá tan rồi. Ấn Tổ nói, tội này lớn hơn sát đạo dâm vọng đến trăm đến ngàn lần, vì nó nhiễu loạn lòng người, (nhất là người sơ cơ, hiếu kỳ), có thể phá tan Phật pháp. Ngài nói tiếp, nếu không chịu khiêm hạ, cứ tham đắm vào đó, đến lúc nặng quá rồi, dẫu chư Phật 10 phương xuống cứu cũng không nổi!
Lời Tổ căn dặn đã quá rõ ràng, xin chư vị lưu tâm nhớ lấy.
Cầu nguyện tất cả đều giữ đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Cầu nguyện tất cả hết báo thân này cùng được cảm ứng đạo giao, đều được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.
Diệu Âm - Nguồn TVHS