;
Clip sử dụng hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, bị nhóm thực hiện “chế” thành “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... bao cao su”! Ðây là clip do sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền dàn dựng, vừa được trao giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - Trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên thuộc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Bắc (Trung ương Ðoàn) vào đầu tháng 2-2012.
Thời gian đưa lên mạng chưa bao lâu Clip đã trở thành đề tài chế giễu kể cả những trang mạng chính thống của đài truyền hình, nó không còn tác dụng giáo dục cộng đồng như nhóm sinh viên Báo chí “sáng kiến” nghĩ ra.
Trước đây trái Sầu Riêng cũng một thời gian điêu đứng cũng vì ai đó “sáng kiến” liên hệ giữa những gai nhọn bên ngoài của một loại trái cây thơm ngon bổ dưỡng đồng với bệnh AIDS, sau đó phải đính chính và loại bỏ “sáng kiến” đó.
Một cá nhân nào đó vẫn chấp nhận được, bởi tầm nhìn và giới hạn kiến thức. Đằng này, Clip hoạt hình Đường Tông đi thỉnh bao cao su có cả một tập thể gồm 25 sinh viên thuộc 10 trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Và Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ cho biết cuộc thi nhằm tìm ra năm thông điệp xóa ngăn cản, kỳ thị, tạo sự tiếp cận và sử dụng bao cao su tích cực. Thành phần giám khảo là chuyên gia về khoa học vui, đạo diễn phim hoạt hình, chuyên gia làm công tác dân số. “Phụ trách chung trung tâm với rất nhiều mảng nên tôi không có điều kiện theo dõi sát sao nội dung cuộc thi. Nếu clip bị độc giả phản ảnh là “phản cảm” thì đó là điều hoàn toàn nằm ngoài ý muốn" - ông Minh phân trần[1].
Qua sự trần tình trên cho thấy Clip được cân nhắc chứ không phải nhầm lẫn hay sơ ý mà có cả “chuyên gia khoa học”! Theo định nghĩa Khoa học (trong tiếng Latin scientia, có nghĩa là “kiến thức” hoặc “hiểu biết”) là các nỗ lực thực hiện phát minh, và tăng lượng tri thức hiểu biết của con người về cách thức hoạt động của thế giới vật chất xung quanh[2]. Vậy thì Clip đó không ở lĩnh vực phát minh mà chỉ dựa vào cốt truyện Đường Tăng thỉnh kinh đã có từ thời Ngô Thừa Ân khoảng 1368 đến 1644 năm.
Ai cũng biết Đường Tăng là một vị thánh tăng có tên thật là Trần Huyền Trang (chữ Hán: 玄奘; bính âm: Xuán Zàng; 602–?) là một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Nhà sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (zh. fǎxiàngzōng 法相宗), một dạng của Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên nhà sư còn mang danh hiệu là Tam Tạng (pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.
Như vậy lời của ông Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ khẳng định có “chuyên gia khoa học” tham dự. Chúng tôi đề nghị kiểm tra tính xác thực các vị “chuyên gia khoa học” còn như chỉ mang tính hình thức có thuyết phục không? Hay chỉ để hù dọa cụm từ “chuyên gia khoa học” khi sự việc lỡ dở để khỏa lấp khoảng trống trách nhiệm và kiến thức phổ thông, khi đưa ra một tiểu phẩm không mang tính giáo dục mà trái lại bị phản cảm.
Không biết có phải vì cái vía quá lớn của ông Trần Sỹ Minh-giám đốc Ngôi nhà Tuổi trẻ và Clip đoạt giải nên đồng loạt các trang báo mạng có cả các trang chính thống của đài truyền hình cũng đưa tin như là một thành quả phát minh vĩ đại, mà không cần thẩm định lại quả là đáng buồn cho cái tính xu thế thời thượng ngày nay.
Vào đầu thập niên 90, Trương Quốc Dũng đã hư cấu một Huyền Trang khác trong truyện thật ngắn mang tựa đề “Đường Tăng”. Trong lời bạt của cuốn sách “40 truyện rất ngắn”, nhà phê bình Lê Ngọc Trà nhận định sắc nét: “Truyện Đường Tăng đầy những câu văn ngắn có hồn. Chữ ít nhưng dường như chữ nào cũng sống, cũng có một âm điệu tình cảm, một không gian[3]...”. Sau đó không lâu tờ báo SGGP đã đính chính và tác phẩm bị thu hồi. Những tưởng cách làm cẩu thả đó đã được rút kinh nghiệm, nào ngờ hôm nay lại có một cuộc thi do một cơ quan Trung Ương đứng ra tổ chức, người dự thi lại là giới trí thức trẻ mà lại có nội dung bỡn cợt quá đáng và xúc phạm nặng đến tín ngưỡng tâm linh như vậy thật là đáng thất vọng. Bởi tương lai đất nước do thệ hệ trẻ quản lý mà tư tưởng lại ấu trỉ đến thế là cùng, thử hỏi sông núi Việt Nam sẽ đi về đâu?
13.03.2012
Lệ Thọ