;
Hương Sen thơm ngát xứ người
Bùn đen lặn hụp trọn đời hiến dâng
Đường dài đại sỹ dấn thân
Sá chi khó nhọc, phong trần gầy hao….
Tôi biết đến Ni sư Giới Hương 22 năm về trước, khi tôi du học đến Delhi, Ấn Độ. Đó là lúc Hội lưu học sinh Việt Nam họp bàn kế hoạch tham quan Taj Mahal và danh lam thắng cảnh ở Delhi trước khi vào khóa học mùa thu, 08/1997. Vì NS Giới Hương đã du học Ấn Độ trước chúng tôi 2 năm và học ở cử nhân Phật học, Đại học Vạn Hạnh trước chúng tôi 1 khóa (NS học Khóa II, còn tôi Khóa III), nhưng những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lúc đó đối với Ni sư là: gần gũi, thân thiện, hay giúp đỡ người khác, khiêm tốn, Anh văn khá lưu loát, trân trọng những người xung quanh, vâng giữ Bát Kỉnh Pháp (thể hiện sự tôn Kính đối với những vị Tỳ Kheo cho dù nhỏ tuổi đời và đạo hơn mình).
Chắc hẳn nhiều Ni sinh trong khóa chúng tôi mơ ước và thầm hỏi: không biết đến khi nào biết rành Anh Ngữ và Delhi như Ni Sư dạo ấy. Chuyến tham quan đó có nhiều kỷ niệm vui và diễn ra tốt đẹp. Mới đó mà đã hơn 20 năm trôi qua, cho đến nay, tôi nhận được lời mời viết bài đóng góp cho kỷ yếu: “Tuyển tập 40 năm tu học và hoằng pháp của Ni sư Giới Hương”, tôi góp nhặt nơi đây những kỷ niệm, thông tin và cảm nhận về vị Ni sư đầy nhiệt huyết và năng động này.
Sau khi đến Ấn Độ, tôi sớm quyết tâm vào ở ký túc xá Mansarowar Hostel sau bao nhiêu cân nhắc lựa chọn, vì lúc đó Sinh Viên tự chọn hoặc thuê nhà ở ngoài, hoặc là làm đơn xin vào ở ký túc xá của Đại học Delhi và được biết NS Giới Hương cũng ở PG Womens Hostel suốt 10 năm (1995-2005). Ở ký túc xá thì “mất tự do” hơn, vì phải tuân thủ nội quy của nó, theo giờ giấc và nhiều việc phải xin phép, không được tiện nghi, rộng rãi, thoải mái như phòng thuê bên ngoài, ăn món ăn Ấn Độ đạm bạc, nhưng những sinh viên nghiêm túc, say sưa học tập, muốn dành nhiều thời gian để học hành nghiên cứu, khỏi lo nấu nướng, thực hành nói tiếng Anh với người bản xứ và quốc tế, không tốn nhiều thời gian để tiếp khách thăm hỏi chỉ cho vui thì lựa chọn ở ký túc xá là tốt nhất. Điều đó thể hiện quyết tâm trau dồi, học tập và nghiên cứu, hạ thủ công phu của Ni sư.
Chân dung Ni sư Thích nữ Giới Hương
Thời gian ở Ấn Độ đó, tôi có duyên viết bài gửi đăng ở báo Giao Điểm (Hoa Kỳ) và được Ban biên tập báo này cho biết NS Giới Hương cũng thường xuyên viết bài và được trả nhuận bút để giúp Ni Sư có thêm phần trả chi phí du học Ấn Độ. Đó là việc làm có ích lợi thiết thực, vừa chia sẻ những kiến thức, hiểu biết về Phật giáo và những vấn đề xã hội đang quan tâm, vừa có nhuận bút, phần thưởng và động lực để thấy việc tu học của mình có kết quả cụ thể và giảm gánh nặng tài chánh cho người bảo trợ. Ni Sư đã phát huy tốt sở trường và quá trình học cử nhân Văn khoa của mình tại Saigon từ trước khi du học, “văn ôn võ luyện” cho ngòi bút thêm nhuần nhuyễn sắt bén, là phương tiện để chuyển tải tình đời, ý đạo…
Đó là tiền đề cho sự ra đời những quyển sách như: “Ban Mai Xứ Ấn” (3 tập), “Vườn Nai – Chiếc Nôi Phật Giáo”,… sau này.
Sau 10 năm miệt mài tu học ở Ấn Độ, chiêm bái thánh tích và học hỏi kinh nghiệm pháp môn từ nhiều tu sỹ sinh viên quốc tế, năm 2005, cơ duyên chín muồi, Ni sư đến Hoa Kỳ để bắt đầu một giai đoạn mới, góp phần chuyển bánh xe pháp luân đến xứ cờ hoa và Phật giáo còn đang mới mẻ đối với dân tộc này.
Tôi đến Hoa Kỳ trước Ni sư một năm, nhưng rất sớm trong năm 2005 ấy, tôi đã nghe Ni sư giảng pháp thoại do Hội Phật học Đuốc Tuệ Nam Cali tổ chức, thật rất khó cho một vị Ni giảng sư được Hội Phật học uy tín này mời thuyết giảng và tôi biết về những sinh hoạt Phật pháp của Ni Sư trong 4 năm đầu tiên ở chùa Phước Hậu, Wisconsin, Hoa Kỳ. Khi đó tôi đang làm chủ nhiệm Diễn đàn Paltalk Phật Pháp nhiệm mầu, chia sẻ Phật pháp quốc tế qua mạng Paltalk, nhiều Phật tử ca ngợi Ni Sư và mở những bài giảng của Ni Sư cho diễn đàn nghe.
Tôi mỉm cười tùy hỷ và tự nghĩ, sao Ni sư này có thể sớm đặt được những dấu ấn hoằng pháp ở Hoa Kỳ như vậy, vì Hoa Kỳ là xứ tụ hội anh tài mà? Nhưng xét lại cũng hợp lý thôi, tất cả đâu phải là do ngẫu nhiên, may mắn hay tình cờ, Ni sư đã xuất gia từ lúc 15 tuổi, tu học thọ giáo thấm nhuần với một vị cố Ni Trưởng Việt Nam nổi tiếng đạo hiệu Hải Triều Âm, chùa Dược Sư, Đức Trọng, Lâm Đồng, “danh Sư xuất cao đồ” mà Ni Sư lại được trải qua các trường lớp bài bản, cử nhân văn khoa rồi tiến sỹ Phật học, hành trang khá vững chắc, đầy đủ thì bước hành đạo thong dong.
Thế rồi, tôi cũng như Ni Sư tùy duyên hành đạo với những duyên của mình cho đến khi tôi gặp lại Ni Sư trong các lễ hội Phật giáo ở chùa Quang Thiện (Ontario) và chùa Đại Bi Quan Âm (San Bernardino). Sau đó, Ni Sư mời tôi về thăm chùa Hương Sen do Ni Sư lập ra tại Fir Avenue, Moreno Valley, sau này chuyển dời về thành phố Perris.
Tác giả tham gia sinh hoạt vấn đáp trong khóa tu.
Hôm đó, tôi được Ni Sư nhờ với một công việc đặc biệt “công tác thư viện”, sắp xếp khối lượng sách đáng kể của Ni Sư, tiếng Anh, tiếng Việt lên các dãy giá sách theo thứ tự tên sách A,B,C,D, để khi tra cứu dễ tìm, dễ thấy. Đây là công việc thử thách lòng kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác, nhưng vì muốn giúp cho Ni Sư ham học hỏi này vun bồi trí tuệ nên tôi đã cố gắng sắp xếp.
Thật là công phu để có thể chuyển được những sách quý giá đó từ Ấn Độ, Việt Nam nhiều nơi đến để làm thư viện chùa Hương Sen. Tôi có thể hình dung Ni sư này ngày đêm, lúc nào có được thời gian rảnh ngồi vào bàn làm việc, đeo kính chăm chú đọc, viết, suy tư, làm bạn với sách vở.
Quả thật như vậy, “Duy Tuệ thị Nghiệp”, mặc dù Phật sự đa đoan, Ni Sư còn tiếp tục đi học đại học bên ngoài, cử nhân và cao học văn chương tại Riverside, Hoa Kỳ.
Có nhiều người thắc mắc: tại sao Ni Sư đã tốt nghiệp Tiến sỹ tại Ấn Độ rồi mà đến Hoa Kỳ còn học làm chi cấp Cử nhân, Cao học, vậy là học thụt lùi hay sao? Thực ra, không phải vậy. Ni Sư tốt nghiệp Tiến sỹ Phật học nhưng khi vào lĩnh vực văn chương thì phải ôn học lại từ cử nhân ở Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, anh/chị là tiến sỹ cơ điện tử (toán học…) nhưng với lĩnh vực triết học, tôn giáo, khi đi học, anh/chị phải cần có nền tảng căn bản (background) và phải học lại từ cử nhân, hoặc xem cử nhân thiếu những phần nào phải bổ sung phần đó. Biển học và kiến thức mênh mông, biết bao giờ đến đích, học chỉ là quá trình khám phá cái dốt của mình.
Chúng ta biết được bao nhiêu văn hào, dòng văn học Anh Quốc, Hoa Kỳ? Khi đi học lại như vậy, Ni Sư trở lại thời học sinh, tâm hồn trong trắng, khiêm cung, sẵn sàng học hỏi, đón nhận những cái hay, cái đẹp, hơn nữa, đó là cơ hội để giao tiếp Thầy Bạn, người bản xứ và quốc tế, để nâng cao Anh ngữ, để cho ngòi bút thêm sắc nét, để tiếp thu, thâm nhập văn hóa Hoa Kỳ và các nước, điều này rất quan trọng trong việc hoằng pháp vì phải khế cơ và hợp với Xứ, Cơ, Thời, Giáo. Cũng giảng đề tài ấy, những khi giảng cho người sống và hấp thu nền văn hóa Hoa Kỳ, giảng sư phải có cách giảng và khai triển khác với khi ở Việt Nam, nếu không muốn bị tẩy chay hoặc trở thành lạc hậu.
NS Giới Hương nỗ lực để hình thành nên chùa Hương Sen, Perris, Cali, Hoa Kỳ. Đây thật là kỳ công và đầy rẫy những gian nan thử thách. Vì tùy duyên phương tiện, nhiều Phật tử bận rộn công việc cuộc sống Hoa Kỳ cho nên tu sỹ đứng tên trực tiếp làm chủ nhà – đất của chùa và chủ động lo mọi thứ : trả các hóa đơn (bills), lo tu sửa, xây dựng trang trí, chăm sóc vườn tược. Vì để tiết kiệm tiền công cho nên chính Ni sư phải lái xe đến Home Depot mua sắm vật liệu xây dựng rồi cha – con cùng nhau sửa sang tự viện (có giai đoạn phụ thân của Ni Sư qua thăm và giúp Chùa Hương Sen). Biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ ra trên mảnh đất già lam Hương Sen ấy.
Chắc hẳn nay nhiều người không còn tưởng tượng xứ Hoa Kỳ là thiên đường trần thế, có phước đến đó mặc sức mà hưởng, trái lại, nơi đó tu sỹ cả tuần một thân một mình cầm búa, cầm xà beng, lo làm, gánh vác đủ thứ. không thị giả, không người trợ giúp, chỉ đến ngày Chủ nhật mới có Phật tử về tu học.
Cứ như vậy nhẫn nại ngày qua ngày cho đến khi nên chùa và tiếp tục bảo trì chùa cũng như xoay trở kinh tế làm sao gìn giữ và phát triển được chùa. Nhiều nhà thờ các tôn giáo khác phải bán đi vì không đủ kinh tế duy trì. Chúng ta trồng cây bồ đề trên cây thánh giá thì mọi việc đâu có đơn giản. Những vị Tổ sư hành đạo ở nước ngoài phải nỗ lực 200 % sức lực và luôn quý thời gian từng giờ từng khắc như vậy thì mới có thể tạo dựng đạo nghiệp nơi đó.
Là sứ giả Như Lai, hành Bồ Tát đạo, Ni Sư tích cực đi thăm các trại tù, nhà giam các phạm nhân, đặc biệt là tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, để làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau cho cuộc đời.
Trong 14 lời dạy của Đức Phật có câu: “Phá sản lớn nhất của đời người là Tuyệt vọng” và “Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là Vươn lên sau khi vấp ngã”.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng: “Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng phạm tội. Những phạm nhân bị giam vào ngục tù, thực sự, không tệ hại, thấp hèn hơn bất cứ người nào trong chúng ta. Họ bị sự vô minh, tham muốn và phẫn nộ, những căn bệnh mà chúng ta dễ bị nhiễm phải nhưng tùy các mức độ cao thấp khác nhau. Bổn phận của chúng ta là cố gắng giúp đỡ các phạm nhân ấy”.
(His Holiness, The Dalai Lama said: We are all potential criminals, and those who we have put into prison are no worse, deep down, than any one of us. They have succumbed to ignorance, desire, and anger, ailments that we all suffer from but to different degrees. Our duty is to help them). Ni Sư thường xuyên tặng quà, an ủi, khuyên lơn, tặng sách họ và sau đó thường viết thư thăm hỏi họ. Khi một người đã sa cơ ngã xuống, chúng ta hãy chìa cánh tay và tiếp sức cho họ thêm động lực, thêm niềm tin, thêm sức mạnh đứng dậy và làm lại cuộc đời và quay đầu là bờ. Kỷ niệm những tương tác giúp đỡ tù nhân này được ghi chép trong sách: “Nữ Tu và Tù Nhân Hoa Kỳ” (Thích Nữ Giới Hương).
Đó là những ấn tượng cảm tưởng ban đầu của tôi khi nhớ nghĩ về Ni Sư này. Thế nhưng, dể đúc kết có hệ thống hơn về 40 năm tu học và hành Đạo của Ni sư Giới Hương, chúng ta thấy những điểm nổi bật và có thể trở thành bài học cho các thế hệ sau như sau:
1.Có nền tảng vững chắc trong giai đoạn đầu xuất gia
Ni sư Thích nữ Giới Hương bên hình tượng bổn sư.
Chúng ta thường tụng đọc bài “Sám Quy Mạng” có câu “Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo” (sanh ra ở nơi trung tâm của đất nước, lớn lên gặp được minh sư, xuất gia với niềm tin và động lực chân chánh, tuổi trẻ đã vào cửa đạo). Điều này phản ảnh đúng trường hợp của Ni Sư xuất gia lúc 15 tuổi với minh sư là Ni trưởng Hải Triều Âm ở chùa Dược Sư, Đại Ninh, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ni Sư đã thấm nhuàn biết bao nhiêu điều hay ý đẹp trong thời gian hầu cận Cố Ni trưởng như trong thi điếu tưởng niệm khi tôn sư viên tịch, Ni Sư bày tỏ cảm xúc:
Sông núi dẫu mai có chuyển dời
Ân tình thâm trọng chẳng thể vơi
Con nguyện khắc ghi lời dạy bảo
Làm gói hành trang suốt cuộc đời.
(Thích Nữ Giới Hương, Chùa Hương Sen, Hoa Kỳ, ngày 01/08/2013)
Đạo phong của vị thầy đầu tiên, môn quy hun đúc nên thiền vị của một người tu sỹ và làm hành trang hành đạo, ảnh hưởng cả cuộc đời. Tình Thầy – Trò, quê hương, chiếc nôi đạo pháp là động lực vô biên để hành giả vượt bao chướng ngại trên hành trình trở về bảo sở.
Do đó, khi xuất gia, hành giả nên chọn môi trường phù hợp với mình, có minh sư hướng dẫn, nền nếp tốt đẹp cho dù nơi đó không được sung túc về vật chất, tiện nghi. Hơn nữa, những vị trụ trì, Tăng chúng…hãy trang nghiêm tự thân và tự viện tạo nên một môi trường tốt cho “Thiền uyển tập Anh”, “đào tạo Tăng tài” và không vì bao nhiêu Phạt sự mà lơ là bổn phận độ chúng, quan tâm giáo dưỡng đặc biệt cho những lớp trẻ, mới xuất gia.
2.Chuyên lo trau dồi tu luyện
Chúng ta đã thấy không phải ngẫu nhiên mà Ni Sư hành đạo có nhiều thành tựu đáng kể như vậy. Đó là kết quả của mộ quá trình dài huấn luyện khi còn ở chùa Dược Sư, Đại học Văn khoa, 10 năm miệt mài kinh sử, thời gian du học Ấn Độ, học hỏi ở Cử nhân và Cao học Văn chương Hoa Kỳ và tự học qua sách vở ở các thư viện,…
Đừng bao giờ tự mãn và cho rằng “kiến thức của tôi ngang đó là đủ rồi, dư xài”. Phải có hành trang tốt và đầy đủ mới an tâm đi xa, muốn cứu người trước hết phải biết bơi cho vững, không thể ở tình trạng “nhất manh dẫn quần manh” (một thằng mù dẫn cả đám sai đường lạc lối, rơi xuống hố).
Thật đáng tiếc cho những tu sỹ nào sau khi học xong Trung cấp hoặc cử nhân Phật học rồi về chùa sau đó cả tháng không giở ra một trang kinh nào khác, ngoài hai thời tụng niệm và cúng đám hoặc các Phật tử đi chùa chỉ chủ yếu làm “công quả”, “tụng niệm” không quan tâm việc học hỏi hoặc nghe giảng pháp.
Chúng ta vẫn còn vô minh và nên phát triển trí tuệ qua Văn – Tư – Tu, việc này chúng ta thường xuyên làm mãi mãi cho đến khi đắc thánh quả, giác ngộ, đắc trí tuệ vô thượng viên mãn.
3. Công đức tạo dựng cơ sở tự viện
Như trên đã mô tả, Ni Sư nhẫn nại, đảm đang, tháo vác, sáng tạo lo làm các việc dựng sửa tự viện, vườn chùa, trang trí tạo nên một cảnh nhân gian tịnh độ cho những ai có duyên viếng thăm tu học tại Perris, Cali.
Ni Sư dấn thân nơi xa xôi hẻo lánh đó là vì nhận thấy Nam và Bắc Cali đã có nhiều chùa Việt Nam, đế tránh giẫm chân lên nhau, nhiều chùa mà thiếu Phật tử, còn thành phố Perris và các vùng phụ cận thì không có chùa Việt, chính Đức Phật đã dạy 60 vị Tỳ Kheo đầu tiên: Này các Ty Kheo! Không nên đi hai người chung một nẻo đường, không ngủ hai đêm dưới một gốc cây, hãy đem chánh pháp toàn thiện đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối đến với khắp chúng sanh, những ai có tai và muốn lắng nghe.
Nếu như chúng ta làm giảng Sư mà có ý chê bai các tu sỹ khác chỉ lo xây chùa, làm trụ trì mà không lo việc chính Hoằng Pháp, vậy thử hỏi : ai tạo cơ sở cho chúng ta, ai gầy dựng đạo trảng sẵn có cho chúng ta đến thuyết giảng? Tùy duyên phương tiện trăm ngàn nẻo, mỗi người hãy đóng góp tốt nhất cho đạo pháp trong sở trường của mình và Tăng đoàn hỗ tương nhau, bổ khuyết cho nhau. Ở Hoa Kỳ xứ lạnh như vậy, liệu tu sỹ có thể ở trong rừng, đi khất thực, ngủ gốc cây mùa đông được hay không, cho nên tùy duyên phải có trú xứ thích hợp để tu học và hành đạo lâu dài.
Có được cơ sở tự viện như vậy, Ni Sư mới dễ dàng tiếp tục đi học Cao học, đọc sách, tu tập và tạo duyên cho hàng xuất gia và tại gia đến đạo tràng Chùa Hương Sen tu học. Ni Sư cũng lo gánh vác trách nhiệm một ngôi chùa ở Bình Chánh, quê nhà. Công việc này khiến Ni sư hao mòn sức khỏe, lo toan và lao lực nhiều.
4. Góp phần xây dựng sự hòa hợp trong Tăng đoàn
NS Giới Hương tranh thủ và sắp xép thời gian tham dự các khóa An cư, các khóa tu học tổ chức tại Phật học viện Quốc tế, chùa Diệu Pháp, Chùa Bảo Quang,… ở Hoa Kỳ để tán trợ và đóng góp sự hiện diện cho Tăng đoàn thanh tịnh, tứ chúng an hòa.
Ở đất nước Hoa Kỳ, Phật giáo Việt Nam có nhiều Giáo hội khác nhau. Giáo Hội hay Tăng Đoàn trên cẳn bản là Tăng Bảo là Tăng Già, hãy “tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám” (lời Giáo Huấn của Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu) với nhau. Nếu như giữa Giáo đoàn Phật giáo này với Giáo đoàn Phật giáo kia mà không thể hòa hợp, tương trợ cho nhau thì thật là oái ăm buồn cười, làm sao có thể làm gương và hướng dẫn cho hàng Phật tử, vậy trách gì những mâu thuẫn mạ lỵ tôn giáo, thế giới chiến tranh, sống chất chồng với sân hận, phiền não, hơn thua và đau khổ.
Ngoài công việc Phật sự tại Hoa Kỳ, Ni Sư thường trở về Việt Nam để giảng Pháp qua nhiêu Tự Viện tỉnh thành, giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Saigon không phân biệt Giáo hội trong nước, ngoài nước. Tất cả chiến tranh đều khởi lên từ Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi… phiền não bên trong chúng ta, vậy hãy lo dẹp trừ phiền não và góp phần củng cố hòa hợp Tăng đoàn.
5. Vai trò tiếp Tăng độ chúng
Tôi có duyên đến làm chủ lễ và chủ giảng cho đại lễ Vu lan – Báo hiếu – Chùa Hương Sen, Perris, Cali vào năm 2017 và lúc đó nhận thấy có khá nhiều đệ tử xuất gia và đến y chỉ của NS Giới Hương. Ni Sư còn có những đệ tử xuất gia ở tại Chùa Bình Chánh, Việt Nam. Ni sư noi gương sư phụ của mình, tận tụy trong việc giáo dưỡng hàng đệ tử và hậu học.
Chư Tăng không thể vì công việc của Giáo hội, xã hội, vì “việc lớn” mà lơ là việc hướng dẫn Tăng chúng nội viện tu học. Tre tàn măng mọc, ở ngoài đời, mỗi gia đình cố gắng nuôi dưỡng được 2 đứa con tốt để đóng góp cho xã hội vậy trong tự viện, mỗi vị Tăng phải nỗ lực dẫn dắt đàn hậu học khác để lớp Tăng trẻ đó tiếp tục kế thừa mạng mạch của đạo pháp.
Không có việc gì quan trọng hơn là tạo nên nguồn nhân lực vì sức của mình luôn có giới hạn và chỉ kéo dài đến một khoảng thời gian nào đó. Đức chúng như hải, thế cho nên hãy tạo nên Tăng chúng tốt đẹp. Nếu mỗi vị trụ trì tạo dựng nên mà không có người kế thừa hoặc không có người xứng đáng vậy chẳng phải thế hệ sau sẽ phá đổ đi những gì mà thế hệ trước xây dựng hay sao? Vị trụ trì nên có thời gian để cùng thọ trai, hành trì, tham dự cuộc họp với đại chúng, viếng thăm, nhớ tên tuổi, pháp danh, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng từng người và biết hiện tại họ đang học gì, làm gì, ở vào giai đoạn nào để có thể hướng dẫn, giúp họ vượt khó khăn và định hướng cho họ tinh tiến nỗ lực trên đường đạo.
Tôi thấy Ni chúng Chùa Hương Sen có đủ thành phần, đủ lứa tuổi và có những người vốn là khó phục ai, khó trị. Phải có Tâm và Tầm như NS Giới Hương mới cảm hóa được họ. Khi họ đi xuất gia là họ đã gửi cả thân mạng và tâm hồn cho mình vậy thì mình phải làm sao để cho sự nương nhờ của họ được chắc chắn, bình yên và phát triển đúng hướng.
6. Làm gương, tạo giềng mối cho hàng Ni giới Phật giáo tại Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, Phật giáo còn non trẻ, thì số lượng Ni trưởng và Sư bà rất hiếm hoi. Thế hệ của Cố ni Trưởng Đàm Lựu (Chùa Đức Viên), Ni trưởng Nguyên Thanh (Chùa An Lạc) chẳng hạn là thế hệ thứ nhất, đến Hoa Kỳ từ trước năm 1990, bây giờ thế hệ của NS Giới Hương, đến Hoa Kỳ sau năm 2003 chẳng hạn, là thế hệ Ni Phật giáo Việt Nam thứ hai tại Hoa Kỳ.
Thế hệ Ni giới thứ nhất do hoàn cảnh Việt Nam chiến tranh và những điều kiện khắc nghiệt đã không dược học hành trường lớp bài bản, không chuẩn bị hành trang kỹ trước khi đến và hành đạo tại Hoa Kỳ, thế nhưng họ lại có thể tạo dựng nên đạo nghiệp và đã có nhiều cống hiến, vậy thì thế hệ Ni giới thứ hai và sau này, được duyên học hành, tiếp cận, giao lưu thế giới rất nhiều, hãy tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đáng kể của Ni giới Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Nhu cầu được nương tựa tu học, được tư vấn, các Giới đàn cần Giới Sư ni truyền giới, quản chúng Ni trong sinh hoạt An cư trong Tăng đoàn…ngày càng tăng lên và những vị ni như NS Giới Hương có mặt tại Hoa Kỳ thật đúng lúc và đáp ứng cho những nhu cầu cấp thiết đó.
Không phải đợi một người đã ra đi chúng ta mới tán tụng và tôn xưng lên hàng Tổ sư, quả nhiên, với thực tế lịch sử phát triển Phật giáo hải ngoại đó, hình ảnh của những Ni Sư đầy đủ khả năng và nguyện lực như NS Giới Hương tạo nên những nét chấm phá, tô điểm cho vườn thiền.
7. Hòa nhập với văn hóa bản xứ, dấn thân trong các hoạt động phúc lợi xã hội
Hành đạo ở hải ngoại đòi hỏi sự sáng tạo, tùy duyên và phù hợp, ví dụ : chánh điện không lớn như vậy thì nên thờ hướng nào, thờ những gì, làm lễ vào ngày nào trong tuần, giờ nào, nên tụng kinh gì, phong tục, nếp sống, công việc và nếp suy nghĩ của họ là như vậy thì nên thuyết giảng thế nào? Chúng ta nên biết họ đang nghĩ gì, mong muốn những gì và lo sợ, kiêng kỵ những điều gì nhất.
Hoằng pháp tuy là đúng giáo lý nhưng mà phải hợp với căn cơ, văn hóa, phong tục, có lợi ích, họ tiếp nhận được như vậy mới có hiệu quả. Đôi khi không thể theo kiểu Việt Nam 100 % hoặc nói: “xưa bày nay làm”. Chẳng hạn, tấm gương hành Đạo của thiền sư Nhất Hạnh rất là phù hợp với văn hóa Âu Mỹ nên có ảnh hưởng rất lớn, đâu có tu sỹ Việt Nam nào dễ làm được như Ngài?
Tuy không sánh bằng, nhưng chúng ta cố gắng noi gương và thích ứng, hòa nhập với nền văn hóa bản xứ. NS Giới Hương đi thăm các trại tù giam, là kỷ sư tâm hồn, an ủi tù nhân tu sửa để trở thành người tốt cho xã hội. NS Giới Hương có nhiều cống hiến cho cộng đồng người Việt hải ngoại và khéo léo uyển chuyển hành đạo ứng hợp với văn hóa bản địa.
8. Tùy duyên bất biến, sử dụng nghệ thuật nhạc – thi ca trong hoằng pháp
Có giới cho hàng Sa di, Sa di ni và cho những người thọ bát quan trai là “bất ca vũ xướng kỹ cập cố vãng quan thính” (không được ca nhạc xướng kỹ và cố đến xem nghe).
Nhưng thực tế cuộc sống, hàng Phật tử họ đâu phải là Sa di, Sa di ni, họ đâu phải ngày nào cũng thọ bát quan trai giới, nơ ron thần kinh của họ cần thư giãn, nếu không thì sẽ bị căng thẳng, không có nhạc này thì họ nghe nhạc khác.
Vậy thì định hướng cho họ nghe nhạc, thay vì nghe nhạc “đời”, “nhạc vàng” sầu thương, bi lụy, tái tê, ru hồn vào mộng, mộng trùng mộng, họ nghe nhạc Phật giáo để được nhắc nhở về đạo lý và thân tâm của họ được an ổn, dễ chịu hơn. Chúng ta hãy xem dịp Xuân, Phật đản, Vu lan hoặc các đại lễ Phật giáo các chùa Bắc truyền nào mà không có âm nhạc Phật giáo?
Hơn nữa, Phật tử hải ngoại, thông thường mỗi ngày lái xe hơn 2 giờ ngoài đường, nhiều lúc kẹt xe nữa, nghe Thiền Ca có phải là dễ chịu và có bạn đồng hành trên hành trình vất vả mưu sinh của họ? Môn phong Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh cũng có thiền ca, thậm chí còn thay thế những phần tụng niệm tại chánh điện.
Rõ ràng thiền ca là món ăn tinh thần cần thiết cho quần chúng Phật tử tại gia. Thế nên NS Giới Hương sáng tác, phát hành 11 DVDs ca nhạc, thơ ca Phật giáo, tôi có duyên làm người dẫn chương trình (MC) trong một dịp thực hiện và trình diễn 1 DVD âm nhạc của Ni Sư. Ni Sư là một vị Ni có cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực khó làm này, đòi hỏi : nghị lực, kiên nhẫn, thời gian, tỉ mỉ, cảm hứng, trình độ làm thơ, tiết tấu cung bậc âm nhạc,…
Tham khảo các DVD âm nhạc của NS Giới Hương tại địa chỉ :
http://huongsentemple.com/index.php/am-nhac
9.Tấm gương đạo hạnh, tôn kính, vâng hành Bát Kỉnh Pháp
Như phần đầu đề cập, NS Giới Hương là một người hài hòa, gần gũi, thân thiện, khiêm cung, chịu lắng nghe học hỏi, quan tâm đến ngươi khác, sống xây đắp cho đời, luôn tinh tân vì đạo pháp, chúng sanh và tôn kính Tăng bảo, vâng hành Bát Kính pháp.
Không phải vì những thành tựu đạo nghiệp như vậy mà Ni sư có ý tự cao, hoặc không tôn kính chư Tăng, dù họ nhỏ tuổi đời, tuổi đạo hơn mình. Con người càng phô trưởng, càng biểu diễn, càng lấn lướt thì càng trống rỗng, thiếu công phu tu tập, Với đàn hậu học, nếu có khoảng cách xa lạ quá thì họ “kính nhi viễn chi” (họ kính nhưng mà né tránh xa), vậy thì chúng ta không có nhiều cơ duyên để tiếp xúc, hiểu được họ, giúp cho họ.
Tất cả chúng sanh là cha mẹ, là thiện hữu tri thức, là nhân duyên quyến thuộc, hãy thân cận và mang những điều tốt đẹp đến cho mọi người không có giai cấp, phân biệt, đó là những điều mà Ni Sư thể hiện. Tôi đã từng thấy có những nơi người tu mà còn chấp nặng về danh và tướng về vai trò, “tầm” và “đẳng cấp” của mình, nếu người dẫn chương trình vô ý xếp sai chỗ ngồi, giới thiệu sai chức vụ, nếu người Phật tử chắp tay vái chào không đúng cách, nếu có ai đó sai trái hoặc làm điều gì không vừa lòng, họ nổ tung len để thị uy.
chùa hương sen
thích nữ giới hương
đại học vạn hạnh
ni sư giới hương
hoằng pháp
chùa dược sư
sư bà hải triều âm
bát kỉnh pháp
hội phật học đuốc tuệ
giới hạnh viên dung
TIN LIÊN QUAN