;
Trong xã hội nói chung và trong đạo pháp nói riêng, khi mà chúng ta giao tiếp ứng xử với nhau hằng ngày thì dùng lời nói thay điều cần diễn đạt cần nói muốn người khác hiểu. Bên cạnh những lời nói đầy sự thương yêu nhân ái cũng có lắm lời nói nhẫn tâm tàn
độc, những lời chửi rủa thóa mạ xúc phạm nhau hay cũng có những lời nói nịnh nọt hoa mỹ, lại có những lời nói thì nói ra cho có gọi là lời nói khách sáo mang tính sáo rỗng thì nhiều, những lời hứa hay hứa đẹp hứa hão hứa huyền mà khi làm thì chẳng được như lời đã hứa.
Có những lời nói êm ái nhẹ nhàng nhưng có những lời nói như xát muối trái tim người nghe. Có những lời nói khích nói xấu hãm hại nhau, hay cũng có nhiều lời nói mà theo kiểu "bán nước cầu vinh, gây bạo loạn lật đổ"...
Còn đối với người tu hành thì kiểu lời nói còn có những dạng sau:
- Kiêu mạn tà kiến, tự cho mình giỏi, hay nói lỗi người, chấp mê bất ngộ, hay bám chấp pháp tu của mình mà che bai pháp môn tu của người khác.
- Chưa hiểu chưa ngộ pháp tu, giáo lý kinh Phật mà như kiểu "ngựa non háu đá" , đã vội truyền bá Phật pháp, đem cái hiểu của mình ra mà luận đạo nói đạo thì lời nói đó mang bản chất Ngã là nhiều, ít nhiều làm cho người nghe hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ, mà sợ nhất là người nghe tu sai theo lời nói của mình thì đọa nghiệp thêm.
- Nói dối người nghe, nói xấu người khác, buông lời ác độc đối với nhau, hay đâm thọc nhau trước mặt hay sau lưng làm mất tình nghĩa đồng đạo, phá hòa hợp tăng, gây mất uy tín giáo hội chùa chiền, mất niềm tin người khác đối với đạo pháp.
Như vậy, khẩu nghiệp có muôn hình vạn trạng, cách thức, hình thái khác nhau. Tùy tâm tác ý mà nghiệp khẩu nặng nhẹ tương ứng. Nếu tâm chưa tác ý mà khẩu xuất theo kiểu "phản xạ, cảm tính, bộc phát" thì nghiệp có phần nhẹ hơn vì khẩu nghiệp đó là "vô ý mà xuất khẩu", đó là do nghiệp thức còn lưu lại từ quá khứ còn gọi là "tập khí".
Tu hành là việc xóa đi tập khí xấu đó mà đem lại những gì tốt lành đẹp đẽ trong tâm hồn mình như sự tinh khiết trong sáng của hoa sen, như vậy trần gian mới bớt đi bao nhiêu nghiệp chứng, giảm đi bao nỗi phiền não ở đời, đem tới sự an lạc trong tâm, muốn vậy ta phải tu khẩu nghiệp, giữ gìn khẩu nghiệp cẩn thận.
Khẩu nghiệp có dạng đặc biệt là ngôn ngữ chữ viết. Khi viết ra cũng được coi là khẩu nghiệp nhưng kèm thêm ý nghiệp và thân nghiệp nằm trong đó, vì ý nghĩ thì tay viết mà ngôn từ là lời nói thông qua chữ viết.
Sự tu khẩu nghiệp trong thập thiện nghiệp là:
- Không nói dối, chỉ nói sự thật.
- Không nói thêu dệt, hoa mỹ làm rối loạn lòng người mà nói những gì cần nói, đi thẳng vào vấn đề chứ không nói những lời sáo rỗng.
- Không nói hai lưỡi là không nói quanh co dua nịnh, ngồi người này mà lôi chuyện người khác ra mà nói xấu, hay ngồi với người khác mà lôi chuyện người này ra nói xấu.
- Không nói đâm thọc nói ác độc, chửi rủa người khác, xúc phạm nhân phẩm, thóa mạ nhau. Không dùng những từ chửi ra nói kèm trong câu giao tiếp, vì cũng có những người nói quen miệng chứ không có ý gì nhưng đó cũng là đang tạo nghiệp.
Và sự tu hành là tu khẩu nghiệp rất quan trọng. Khi ta Niệm Phật phát ra tiếng hay niệm thầm danh hiệu chư Phật, sự chú tâm vào câu danh hiệu Niệm Phật làm cho khẩu nghiệp được thanh tịnh.
Nên Niệm Phật ngoài được Phật lực gia hộ, cảm được ơn đức chư Phật, bồ tát còn có công năng tu khẩu nghiệp, đưa khẩu nghiệp về với sự thanh tịnh giải thoát nghiệp chứng do vô minh tạo tác thông qua lời nói.