;
Thực hiện tinh thần thông tư của TW Giáo hội và công văn hướng dẫn của BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2020 (nhằm ngày 23 tháng 04 nhuận năm Canh Tý), tại Tổ đình chùa Bồ Đề - phường Bồ Đề - quận Long Biên – Hà Nội, toàn thể Tăng Ni quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp an cư kiết hạ PL2564 – DL2020.
Được biết năm nay 1429 vị Tăng Ni sẽ an cư tại 18 điểm an cư trên toàn thành phố Hà Nội, chưa tính điểm an cư tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và chùa Quán Sứ - Trụ sở TƯ GHPGVN.
Tại trường hạ Bồ Đề, buổi lễ khai pháp được đặt dưới sự chứng minh và chủ trì của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Thủ tọa của trường hạ và hơn 130 hành giả Tăng Ni cùng sự tham dự của đông đảo Phật tử.
Đúng 7 giờ, ba hồi chuông trống thượng đường được thỉnh lên, chư tôn đức trong ban kinh sư đã trang nghiêm lên trước Đại hùng bảo điện làm lễ cúng dường Tam bảo và trở về Tổ đường cúng dàng lịch đại tổ sư.
Tiếp đến, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni hạ trường đã trở về giảng đường lễ cầu gia bị và bắt đầu nghi thức khai pháp. Tại đây, Hòa thượng thủ tọa cùng đại chúng đối trước Pháp tòa vọng bái Đức đệ tam Pháp chủ, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp Ngài. Sau đó đại chúng đã ra làm lễ Hòa thượng thủ tọa và ban giảng sư để cung thỉnh ban giảng sư thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại tổ đình Bồ Đề.
Tại buổi lễ, Hòa thượng thủ tọa Thích Bảo Nghiêm đã chia sẻ cho đại chúng hiểu về tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ đối với người đệ tử xuất gia, đồng thời giảng giải rốt ráo về ý nghĩa của bộ kinh "Thiền lâm bảo huấn".
Hòa thượng chia sẻ “Đức Phật dạy mùa hạ an cư là nghĩa vụ vô cùng cao cả và thiêng liêng của người đệ tử xuất gia thuộc hàng Tăng Bảo. Mùa hạ là mùa thời tiết khắc nghiệt, côn trùng sinh sôi, do đó Đức Phật chế cho chư Tăng 3 tháng hạ an cư, từ 4 vị trở lên cùng nhau ở tại một trụ xứ hoặc nơi nào đó để kết giới và giữ phép lục hòa, cùng tiến tu tam vô lậu học. Cho nên mùa hạ an cư còn có tên khác là vũ kỳ an cư hay cửu tuần tam nguyệt cấm túc an cư.
Sau 3 tháng an cư, chư Tăng nhận thêm một tuổi hạ. Người xuất gia không quan trọng tuổi đời mà tính theo tuổi hạ, nương tựa vào năng lượng tu tập của 3 tháng mùa hạ an cư mà tăng trưởng đạo tâm, nuôi lớn đạo lực và trưởng dưỡng bồ đề tâm. Ngày mãn hạ là ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng nhận thêm một hạ lạp. Phép hạ an cư có nhiều phép. Đối với Phật giáo Bắc truyền, hạ an cư bắt đầu từ ngày 16/4 âm lịch cho đến ngày 16/7 âm lịch, đó chính là tiền an cư.
Còn hậu an cư bắt đầu từ ngày 16/5 âm lịch đến ngày 16/8 âm lịch. Còn đối với Phật giáo Nam truyền, an cư vào 16/6 âm lịch và kết thúc vào 16/9 âm lịch. Dù vào thời điểm an cư nào, nhưng cũng phải đủ 3 tháng 90 ngày, gọi là cửu tuần tam nguyệt cấm túc an cư. Có nơi sẽ kết túc an cư xuân hoặc đông an cư. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là mùa hạ an cư. Suốt 45 năm trụ thế của Đức Phật là 45 năm mùa hạ an cư. Chư Tăng Ni Phật giáo các hệ phái đều nghiêm chỉnh thực hiện giáo luật trong phép hạ an cư, bởi đó là điều thiêng liêng và cao cả”.
Qua đó, Hòa thượng đã điểm lại cho đại chúng về những tấm gương hoằng pháp trong quá khứ của Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo thời Trần của Việt Nam. Đời nhà Đường, theo lịch sử có Ngài Huyền Trang đi nhập trúc cầu pháp 17 năm từ Trung Hoa sang Ấn Độ. Nhưng trong suốt thời gian đó, khi tới mùa hạ an cư, Ngài dù đang ở đâu cũng dừng lại không tiếp tục hành trình mà kiết hạ an cư. Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi lại trang sử vàng về Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài kiết hạ an cư cho tới năm cuối cùng là năm 1308 Mậu Thân.
Mùa hạ đó, Ngài kiết hạ an cư tại chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang, giảng bộ Ngữ Lục cho nhị Tổ Pháp Loa. Đối với Phật giáo Việt Nam, dù trong thời kỳ đất nước thanh bình hay khi đất nước loạn lạc chống giặc ngoại xâm, chư Tôn đức Tăng Ni tiền bối hay các bậc Tổ sư cũng không xao nhãng việc kiết hạ an cư. Trong thời kỳ chống Pháp, chư Tổ tiền bối đã nương tựa vào các Tổ đình để an cư.
Những năm đất nước bị chia cắt hai miền, tại miền Bắc, chư vị Tổ sư tiền bối vẫn giữ phép hạ an cư nghiêm chỉnh. Dù thời đó chiến tranh nghèo đói, các bậc tôn túc thời đó vẫn góp gạo, đóng tiền để cùng nhau vân tập về một chốn Tổ đình thực hiện việc an cư kiết hạ. Chính những điều này đã nói lên tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ đối với đời sống Tăng đoàn.
Trong ba tháng hạ, đối với Phật giáo miền Bắc sẽ kết hợp giữa việc Tu và Học. Tu là hành trì ngày đêm 6 thời chuyên tâm tu tập, Học là khai giảng vô thượng Pháp bảo. Mỗi năm, trường hạ chọn một bộ sách trong Tam Tạng Thánh Giáo để giảng ở Đại trường cho đại chúng cùng nghe vào các buổi sáng. Luật tạng sẽ giảng riêng. Còn Kinh Tạng và Luận Tạng sẽ giảng lợi ích cả 7 chúng. Truyền thống đó được giữ gìn từ trước tới nay.
Bộ “Thiền lâm bảo huấn” được biên tập và hoằng truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam. Những lời vàng ý ngọc của các bậc Tổ sư thời nhà Đường cho tới nhà Tống đã được ghi lại trong 292 bài, cũng chính là 292 vấn đề giảng dạy cho Tăng Ni trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt dạy cho vị trụ trì. Bộ “Thiền lâm bảo huấn” đã được các bậc Tổ đức trong quá khứ coi như sách quý luôn bên người để hàng ngày dạy bảo Tăng Ni.
Từ năm 1973, sau khi du học ở Nhật về, cố trưởng lão Hòa thượng – Đức viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm (thành phố HCM) thượng Thanh hạ Kiểm đã biên dịch, giải thích bộ “Thiền lâm bảo huấn”. Từ đó tới nay, các trường hạ đã nương tựa vào bộ dịch đó của Cố trưởng lão Hòa thượng để giảng dạy. Tuy nhiên, Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong bản Hán có thể thấy ở Việt Nam, có hai bản khắc 3 lần. Đó là bản khắc vào thời nhà Lê, bản khắc vào thời nhà Nguyễn.
Bản thời nhà Nguyễn do Tổ Đa Bảo khắc vào thời Tự Đức và bản khắc của Tổ đình Tế Xuyên – Tổ Phổ Hài khắc vào thời Bảo Đại. Hai bản này là một, đều chú giải một cách rõ ràng nhưng chưa có người dịch. Sau đó, Hòa thượng có nhờ Thượng tọa Thích Tiến Đạt chú giải và phiên dịch. Trong mùa hạ năm nay, Thượng tọa đã tặng tới chư Tăng Ni thủ đô 2000 bộ. Tới nay, bản cổ, bản trung và bản kim đều đã có, các vị giảng sư có thể thuận lợi nghiên cứu để giảng dạy cho các vị Tăng Ni học tập.
Qua đó, Hòa thượng mong muốn chư Tôn đức Tăng Ni trong mùa an cư sẽ cố gắng sắp xếp công việc trụ xứ để cấm túc an cư, lắng nghe những thời pháp để suy nghĩ, chiêm nghiệm mà tu học. Tu trước nhất là lợi ích cho mình, không uổng phí công lao, không hổ thẹn với ngôi trụ trì và sau là lợi lạc cho thập phương tín thí.
Nhân đây, Hòa thượng cũng sách tấn các Phật tử "hãy dành thời gian để trở về trường hạ an cư lễ Phật, nghe Pháp và hộ trì chư Tăng để cả thân và tâm đều lợi ích. Từ công đức và năng lượng tu tập đó để hồi hướng cầu an cho xã hội và gia đình, cầu siêu cho cửu huyền Thất Tổ trong nhiều đời nhiều kiếp, như vậy âm dương đều lợi lạc”.
<