;
Chùa Vĩnh Phúc, còn gọi là chùa Sắt, xưa có tên Nông Sắt, ở xã Hương Bộc, tổng Thượng Nhất, nay là xóm 11, xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.
Theo các văn bia, câu đối còn ghi lại, thông qua lời kể của các cụ cao niên, theo lời dịch lại của giáo sư Phan Huy Lê trong lần về thăm chùa năm 2012, cũng như cuốn sách “Chùa Cổ Hà Tĩnh” do nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh chủ biên, chùa được xây dựng giai đoạn năm 654 khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, trên khuôn viên hơn 7.000 m2.
Sau nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, chùa bị đập phá bỏ hoang hàng trăm năm nay, đất chùa bị chiếm dụng, trước đây địa phương đem cơ sở thờ Phật này sử dụng vào các mục đích dân sinh. Tại bản xã nơi có hơn 70% là giáo dân nên việc khôi phục lại chùa không được thuận lợi như mong muốn.
Thời gian gần đây, chùa được nhóm Phật tử thiện nguyện phát tâm phục dựng và nỗ lực hoàn thành các thủ tục để được chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan và cấp giáo hội chấp thuận cho phép hoạt động.
Thời khóa tu tập lần này là sự khởi đầu gieo duyên để kết nối bà con Phật tử lâu nay sinh hoạt rải rác khắp nơi, nhằm tiếp nối tri ân và thắp lại ngọn lửa tu học của lịch đại Chư tổ và tiền nhân khai sáng đã bị vùi tắt hàng trăm năm và hoang hóa nơi ngôi già lam cổ kính.
Nhận lời thỉnh cầu của đạo tràng Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Chúc Huy, Chư tăng BTS Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh lân mẫn quang lâm tận tình hướng dẫn cho đạo tràng tu học.
Đại đức Thích Chúc Huy, vị thầy hướng dẫn khóa tu đầu tiên cho đạo tràng Phật tử chùa Vĩnh Phúc.
Trước lúc thời khóa, Quý thầy cùng Phật tử hướng về chùa Bằng, thủ đô Hà Nội, bái vọng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Viện chủ - chứng minh chùa Vĩnh Phúc; hướng vọng về chùa Hoằng Pháp (TPHCM) bái vọng Thượng tọa Thích Chân Tính chứng minh chùa Vĩnh Phúc.
Mở đầu thời khóa, đại chúng cử hành tụng kinh, trì chú sau đó quán niệm hơi thở, niệm Phật kinh hành, lắng nghe pháp thoại và cuối cùng thực tập ăn cơm chánh niệm.
Pháp hành thiền quán niệm hơi thở là làm cho thân tâm an tịnh, hơi thở một cách đều đặn, nhẹ nhàng, tự nhiên. Ghi nhớ và chú tâm vào hơi thở lấy làm đối tượng duy nhất trong suốt thời gian hành thiền, theo dõi luồng hơi thở vô ra và dán chặt tâm nơi điểm xúc chạm ở cửa mũi hay ngay điểm dưới rốn ở bụng.
An lạc không phải là một cái gì ở ngoài chúng ta mà phải tìm kiếm hay mong đạt tới. An lạc có ngay trong mỗi bước chân thong th. Ngày nay đời sống bận rộn vì lao tâm cho công việc mà đánh mất sự an lạc; nếu có chánh niệm thì ngay giữa những phiền toái và bực bội, ta vẫn có thể thong dong, con đường thực tập chánh niệm, giúp ta quay trở về với con người thật của ta. Muốn có an lạc hạnh phúc, ta sẽ có ngay khi ta thở từng hơi thở ý thức, khi ta nở từng nụ cười chánh niệm.
Với Phật tử chùa Vĩnh Phúc, đây là lần đầu tiên thực hành pháp tu quán niệm hơi thở, pháp này thường dùng cho tuổi trẻ hay trung niên, vậy nhưng đại chúng phần đông người già lại tỏ ra thích thú và có duyên với pháp tu tuyệt vời này, do khuôn viên nhỏ hẹp nên chỉ thiền hành ngắn gọn gieo duyên lần đầu tu học.
Tiếp đến, Đại đức Thích Chúc Huy có thời pháp ngắn nhắc nhở, hướng dẫn và chia sẻ những khó khăn thực tế của các phật tử nơi đây trong cuộc sống mưu sinh và hướng dẫn những phương pháp ứng xử áp dụng Phật pháp với người thân trong gia đình.
Kết thúc thời pháp ngắn, đại chúng đã cảm nhận ngay được sự hoan hỷ an lạc, đồng thời ai nấy đều thích thú khi được khám phá nét mới và cách hướng dẫn tận tình thấu rõ khế cơ khế lý của thầy Chúc Huy.
Phần cuối buổi sáng là bữa cơm đơn sơ đạm bạc trong chánh niệm, của thời khóa tu đầu tiên nơi ngôi chùa nghèo Vĩnh Phúc.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=-8lG_lz66IA|500|500}