;
Upasika Kee Nanayon (1901-1978)
Lời giới thiệu của người dịch
Bài chuyển ngữ thứ 8 dưới đây kết thúc loạt bài "Phật giáo và người Phụ nữ":
Bài 1: Phật giáo và người phụ nữ: một sự nghịch lý hay mâu thuẫn (Philippe Cornu)
Bài 2: Phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo (Dominique Trotignon)
Bài 3: Con đường của sự quyết tâm (Ilan Dubosc)
Bài 4: Tenzin Palmo: Một nữ du-già nơi xứ tuyết (Dominique Dutet)
Bài 5: Phụ nữ và Phật giáo (Gabriela Frey)
Bài 6: Làm mẹ với tấm lòng của Phật (Jaqueline Kramer- Sanitsuda Ekachai)
Bài 7: Người nữ tu sĩ Phật giáo trong thế giới ngày nay (Ven. Karma Lekshe Tsomo)
Bài 8: Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình (Upasika Kee Nanayon)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thứ năm trong số chín bài giảng trong quyển "Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình"của Bà Upasika Kee Nanayon:
Bài 1: Làm thế nào để phát huy sự nhận định
Bài 2: Các cách hiểu biết khác nhau
Bài 3: Con đường quân bình
Bài 4: Lợi ích của sự bình thản
Bài 5: Một khối nhựa đường
Bài 6: Sự sụp đổ của sự thật quy ước
Bài 7: Sự phức tạp của vô minh
Bài 8: Tánh Không là gì?
Bài 9: Mở rộng con tim
Bài VI
Sự sụp đổ của sự thật quy ước
Nếu muốn mang lại cho mình sự bình lặng thì các bạn phải thực hiện được nó trên tất cả mọi mặt: yên lặng trên phương diện hành động, yên lặng trên phương diện ngôn từ, và yên lặng cả bên trong tâm thức. Làm được như thế thì các bạn mới có thể theo dõi và suy nghiệm được về những gì xảy ra bên trong nội tâm mình. Nếu không tạo được thể dạng bình lặng đó thì các bạn sẽ không sao tránh khỏi chạy theo các sinh hoạt bên ngoài. Cuối cùng thì các bạn sẽ lâm vào tình trạng quá sức bận rộn, lúc nào cũng có việc phải làm và điều phải nói. Tình trạng đó sẽ khiến các bạn không sao thực hiện được sự chú tâm (awareness) và sự tỉnh thức (mindfulness) (tiếng Pa-li là samma-sati, kinh sách gốc Hán ngữ dịch là "chánh niệm" (正念), thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ phép luyện tập thứ 7 trong Bát Chánh Đạo. Thế nhưng thuật ngữ "chánh niệm" không nói lên được ý nghĩa của chữ samma-sati trong tiếng Pa-li. Samma là "chánh" hay "đúng đắn", sati có nghĩa là ghi nhớ, ghi nhận, tỉnh thức hay tỉnh giác. Trong các tự điển Pa-li - Anh ngữ, chữ sati có nghĩa là: mindfulness, lucidity of mind, wakefulness of mind, active state of mind, fixing the mind strongly upon any subject, attention, attentiveness, thought, reflection, consciousness... Trong khi đó theo các từ điển tiếng Hán và Hán-Việt thì chữ sati/"niệm" (念) có nghĩa là:"trí nhớ" "sự hồi tưởng", "đọc", "nghĩ ngợi", "tụng niệm", "đọc nhẩm", v.v., là gần như không dính dáng gì với ý nghĩa trên đây của chữ sati nói lên thể dạng tập trung của tâm thức. Nói chung thì thuật ngữ tiếng Anh "mindfulness" mang ý nghĩa gần nhất với chữ sati trong tiếng Pa-li, và có thể dịch sang tiếng Việt/Hán-Việt là "tỉnh thức" hay " tỉnh giác" hoặc "tâm linh tỉnh thức" thay vì "chánh niệm"!?) thăng bằng và vững chắc được. Các bạn phải dừng lại, không làm, không nói và không suy nghĩ bất cứ gì nếu không cần thiết. Chỉ có cách đó mới có thể giúp các bạn phát huy được một sự chú tâm không gián đoạn. Các bạn không nên để mình rơi vào bất cứ gì thuộc bối cảnh bên ngoài.
Nếu muốn giữ sự chú tâm không bị gián đoạn hầu giúp mình có thể quán xét sâu xa về chính mình thì các bạn phải thật cảnh giác hầu nhận biết được mỗi khi sự tiếp xúc giác cảm xảy ra, thì tâm thức mình vẫn tiếp tục giữ được thể dạng không xao xuyến (undisturbed/xao động, xao lãng) và bình thường, hay là nó bung ra và hướng vào những gì mà nó ưa thích hoặc không ưa thích. Nếu duy trì được sự cảnh giác đó thì các bạn mới có thể đọc được những gì bên trong chính mình và hiểu được mình là gì. Nếu sự chú tâm (mindfulness/tỉnh thức, tỉnh giác) được phát huy một cách vững chắc, thì tâm thức sẽ không bị chao đảo. Khi chưa giữ được sự thăng bằng đó thì tâm thức sẽ rơi vào sự xao lãng: có nghĩa là tôi thích cái này, tôi không thích cái kia... Các bạn phải canh chừng thật cẩn thận từng sự xao động thật nhỏ trong tâm thức mình. Không nên nghĩ rằng các sự xao động nhỏ nhặt là không đáng quan tâm, nếu không thì chúng sẽ dễ dàng biến thành thói quen.
Nếu muốn duy trì sự nghiêm túc đó thì phải chú tâm vào từng chi tiết thật nhỏ nhặt, từng kẽ hở tí xíu hé ra trong tâm thức mình. Nếu làm được như thế thì mới bảo vệ nghiêm nhặt được tâm thức, như thế tốt hơn là thả lỏng nó tha hồ tham gia vào các chuyện vô bổ của thế giới bên ngoài. Tóm lại là các bạn phải thật cảnh giác, không nên để mình vướng vào các cạm bẫy giăng ra bởi các sự tiếp xúc giác cảm. Đấy là cách mà các bạn phải luyện tập hầu mang lại sự chủ động cho mình. Khi nào thực hiện được sự chú tâm duy nhất hướng vào nội tâm như trên đây, thì khi đó các bạn mới có thể theo dõi và chiêm nghiệm được các sự cảm nhận với từng chi tiết một. Các bạn sẽ quán thấy minh bạch được chúng, hầu buông bỏ chúng.
Vậy các bạn hãy hướng sự luyện tập của mình vào đúng nơi (và thời điểm) hiện lên các sự "cảm nhận" thích thú, đau đớn hay trung hòa (có nghĩa là không-thích-thú cũng không-đau-đớn), và sau đó tìm cách buông bỏ chúng, xem chúng chỉ là những sự cảm nhận đơn thuần, không nên đồng lõa với chúng để tạo ra cho mình mọi thứ xúc cảm và thèm muốn. Sự ưa thích thứ này hay thứ kia sẽ len sâu vào tâm thức, tạo ra các tác động ảnh hưởng đến tâm thức, khiến nó bị phân tán qua các sự cảm nhận bên trong nội tâm và cả bối cảnh bên ngoài. Chính vì thế mà các bạn phải giữ thật bình lặng, sự bình lặng đó sẽ giúp tâm thức các bạn vượt thoát tình trạng bám víu vào hương vị gây ra bởi các sự cảm nhận, và đấy cũng là cách nhổ bỏ tận rễ các tác động gây ra bởi các sự cảm nhận.
Sự thèm muốn thích thú là một con vi khuẩn ẩn nấp thật sâu kín bên trong tánh khí của mình (một hình thức bản năng). Luyện tập thiền định là cách giúp tâm thức mình không nắm bắt các cảm nhận thích thú, cũng không xô đẩy các cảm nhận đau đớn. Sự thèm muốn nắm bắt các giác cảm thích thú là nguyên nhân đưa đến tình trạng ghét bỏ và xô đẩy các cảm nhận đớn đau, vì thế các bạn không nên để cho tâm thức chỉ biết ưa chuộng sự thích thú và kháng cự lại sự đau đớn. Các bạn hãy giữ sự bình thản, không nao núng trước cả hai thể dạng cảm nhận ấy. Nếu tâm thức buông bỏ được các cảm nhận thì nó cũng sẽ vượt lên trên được sự thích thú, đau đớn và cả không-thích-thú cũng không-đau-đớn, và đấy cũng có nghĩa là tâm thức thoát khỏi cạm bẫy của các sự cảm nhận. Và sau đó các bạn nên tự hỏi như thế này: vậy phải làm thế nào để giúp cho tâm thức an trú trong thể dạng không bị xao động bởi sự cảm nhận? Đó là cách mà các bạn phải luyện tập giúp mình chủ động tâm thức hầu hoàn toàn buông bỏ mọi sự nắm bắt các cảm nhận, và đó cũng là cách giúp mình không còn bám vào các sự đớn đau trên thân xác và các mối khổ đau trong tâm thần, và tin rằng chúng là "mình" hay "của mình".
Nếu không buông bỏ được sự nắm bắt các cảm nhận thì các bạn sẽ không sao thoát khỏi tình trạng bám víu vào chúng, thuộc cả hai lãnh vực thể xác và tâm thần. Nếu một cảm tính sảng khoái hiện ra với mình, thì tức khắc mình sẽ bị thu hút bởi cảm tính đó. Nếu đấy là một thứ cảm tính thích thú hoàn toàn thuộc lãnh vực tâm thần (tâm thức là một giác quan) thì các bạn cứ muốn nó kéo dài, lúc nào cũng ưa thích được có nó. Kết quả mang lại là các bạn sẽ luôn bị thu hút bởi các sự quán nhận tâm thần và các nhãn hiệu (các dòng chữ) đi kèm với sự thích thú đó (dưới một góc nhìn khác thì đấy là sự vận hành tự nhiên và kín đáo của các thứ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết: tức là mong muốn có miếng ăn bổ dưỡng để sống khỏe mạnh, có người phối ngẫu vừa ý để truyền giống, có được sức khỏe tốt để sống lâu, được "tiếp dẫn" vào cõi cực lạc, được "lên" thiên đường để tiếp tục sống thêm và cảm nhận những sự "thích thú" ở các nơi ấy. Con người thường xuyên bị thu hút bởi các sự "thích thú" dù rằng sau khi chết sẽ không còn cảm nhận được gì nữa cả, bởi vì lục giác đã bị tan biến hết. Thay vì gọi những sự "thích thú" đó là những sự thúc đấy của bản năng, thì bà Upasika Kee Nanayon gọi những thứ ấy là sự bám víu, một hình thức nghiện ngập của các giác cảm). Các bạn bám chặt vào những thứ ấy và xem chúng là "mình" hay "của mình" (khi nào chúng ta nhận thấy điều này một cách sâu sắc, thì tất chúng ta sẽ khó tránh khỏi kinh hoàng về sự ích kỷ sâu kín và bàng bạc trong cuộc sống của mỗi cá nhân, của các tập thể xã hội, cũng như của các quốc gia và dân tộc, nói chung là của cả con người - một hình thức bản năng. Một trong các phương tiện "thiện xảo" mà Phật giáo đưa ra để hóa giải sự "ích kỷ" kinh hoàng đó là "lòng từ bi".
Vậy các bạn cũng nên phân tích các sự thích thú trên đây về cả hai mặt: vật chất và tâm thần. Phanh phui chúng hầu giúp mình hiểu được tại sao lại phải buông bỏ chúng. Không nên để chúng lừa phỉnh mình bằng các thứ hương vị do chúng tạo ra. Đối với sự đau đớn, thì không nên tìm cách xô đẩy nó. Hãy xem sự đau đớn đơn giản là một sự đau đớn, hãy xem sự thích thú đơn giản là một sự thích thú. Hãy xem chúng là các thứ "cảm nhận", không hơn không kém. Không nên nghĩ rằng "mình" cảm nhận sự thích thú, "mình" cảm nhận sự đau đớn. Nếu các bạn buông bỏ được các "cảm nhận" theo cách đó thì các bạn sẽ "giải thoát" mình khỏi mọi thứ căng thẳng và khổ đau, bởi vì khi đó mình đã vượt lên trên và ra bên ngoài mọi sự cảm nhận. Đến khi sự già nua, bệnh tật và cái chết xảy đến với mình, thì các bạn cũng không nắm bắt lấy chúng để mà nghĩ rằng "mình" già, "mình" ốm đau, "mình" hấp hối (chúng chỉ là những sự "cảm nhận" đơn thuần mà thôi). Đấy là cách giúp các bạn buông bỏ chúng, không nắm bắt bất cứ một thứ nào cả.
Nếu các bạn suy tư về mọi thứ đơn giản bằng các tên gọi - chẳng hạn như năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) mang tính cách vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã - thì các bạn sẽ không còn tự nhận mình là chúng, không còn xem chúng là "tôi" hay "của tôi" nữa. Trái lại nếu không đủ sức suy tư theo đường hướng đó, thì các bạn tất sẽ vướng vào cạm bẫy của cái chết, của xương tủy, thịt da, v.v., tất cả sẽ là "mình" hay "của mình". Chính vì thế nên chúng ta phải tập suy tư về cái chết, để hiểu rằng cái chết của thân xác không có nghĩa là "mình" chết. Các bạn phải suy tư với tất cả sự chú tâm của mình cho đến khi nào hoàn toàn ý thức được điều đó. Nếu không thì các bạn sẽ rơi vào cái bẫy do nó giăng ra (sợ chết là cái bẫy do sự tái sinh giăng ra để tóm lấy mình). Các bạn phải phát huy một sự bén nhạy giúp mình trông thấy thật minh bạch xương cốt, thịt da của mình hoàn toàn trống không và không hề hàm chứa một "cái tôi" nào cả. Đấy là cách giúp các bạn không tự buộc mình vào với chúng. Sự kiện các bạn nắm bắt các thứ ấy (xem xương cốt, thịt da là "mình" hay "của mình") chứng tỏ các bạn không hề nhận thức sâu sắc được tính cách vô thường, bất toại nguyện và bản chất vô thực thể của chúng.
Khi các bạn trông thấy xương cốt của một con vật thì điều đó không gây ra cho mình một sự xúc động nào đáng kể, thế nhưng mỗi khi trông thấy một bộ xương người thì tức khắc sự nhận thức của các bạn sẽ dán lên cho nó một nhãn hiệu (viết lên tâm thức mình một dòng chữ) như sau: "Đây là hài cốt của một người nào đó. Xương sọ đúng là của người ta". Nếu trông thấy quá nhiều hài cốt thì cũng có thể khiến các bạn cảm thấy sợ hãi. Dù trông thấy một bộ xương người, hoặc bất cứ gì khác nói lên tính cách vô thường và vô thực thể của thân xác, thế nhưng các bạn lại không hề ý thức được minh bạch bản chất ấy của chúng, thì các bạn cũng sẽ vẫn tiếp tục bám víu vào cấp bậc xương cốt và thịt da đó mà thôi (nhận biết đấy là xương cốt và thịt da khiến mình khiếp sợ nhưng không trông thấy được tính cách vô thường và vô thực thể của những thứ ấy, thì mình vẫn cứ tiếp tục xem chúng là "mình" hay "của mình"). Trên thực tế, không hề có "xương" mà chỉ toàn là các thành phần cấu hợp (câu này khiến chúng ta liên tưởng đến "Bài kinh ngắn về Tánh Không"/Culasunnata-sutta, MN 121 nêu lên các đối tượng thiền định: toàn là rừng, toàn là đất, toàn là không gian, v.v… không có bất cứ gì khác). Phải phanh phui bản chất của xương để nhận thấy nó cũng chỉ là các thành phần, nếu không thì các bạn cũng chỉ dừng lại ở cấp bậc bộ xương người mà thôi. Tóm lại là khi còn chưa nhận biết được bản chất đích thật của mọi sự vật thì các bạn khó tránh khỏi rơi vào các sự lo âu và bấn loạn. Điều đó cho thấy là các bạn không hề thấu triệt được Dhamma (Đạo Pháp), mà chỉ loanh quanh ở cấp bậc bên ngoài (các sự hiểu biết quy ước), chẳng qua là vì các bạn không cố gắng phân tích các sự vật cho đến khi nào có thể trông thấy được cấp bậc thành phần của chúng (chẳng hạn như nhìn vào một cá thể, chúng ta chỉ "trông thấy" tổng thể của cá thể ấy: tên gọi, nam, nữ, tuổi tác, nghề nghiệp, chức phận, liên hệ gia đình, xã hội... , nhưng không trông thấy năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn - hình tướng, giác cảm, sự cảm nhận, sự tạo nghiệp và tri thức - tạo ra cá thể ấy, hoặc không trông thấy các thành phần đất, nước, lửa, khí tạo ra thân xác của cá thể ấy, hoặc không trông thấy vô số nghiệp và cơ duyên tạo ra một nhân dạng trước mặt mình, giúp mình nhận thức được bản chất trống không của cá thể ấy) .
Mỗi khi nhận thấy ngày và đêm nối tiếp nhau, thì không nên nghĩ rằng chỉ có thời gian trôi đi. Thân xác cũng không ngừng suy thoái và tan biến. Thân xác suy sụp từng chút một, thế nhưng thường thì chúng ta lại không hề ý thức được điều đó. Chỉ khi nào thân xác biến đổi thật quan trọng: tóc bạc, răng rụng, thì khi đó mình mới nhận thấy là nó đã già. Đấy chỉ là một sự hiểu biết thuộc cấp bậc thô thiển, phủ phàng và hiển nhiên. Trong khi đó các sự suy thoái tuần tự và kín đáo bên trong con người mình thì không mấy khi chúng ta quan tâm đến (mà chỉ lo tính về các thứ khác: tiền bạc, "tình yêu", mua sắm, khoe khoang, chưng dọn nhà cửa, xem hát, du lịch, v.v.)
Hậu quả của tình trạng vô ý thức đó là chúng ta vẫn tiếp tục bám víu vào thân xác mình và xem đấy là "mình" - từng thành phần thật nhỏ cũng là "mình". Đôi mắt của thân xác cũng là đôi mắt của "mình", những gì "đôi mắt" trông thấy cũng là do "mình" trông thấy, các cảm tính mang lại từ sự trông thấy ấy cũng là do "mình" cảm nhận được (mỗi khi trông thấy một đôi mắt "mơ màng", "tình tứ" hay "chớp chớp"..., nhưng nếu không quán thấy và dừng lại ở cấp bậc cảm nhận thị giác, thì đấy sẽ là cách mà mình đặt vào "bàn tay" của tâm thức mình một cục nhựa đường). Chúng ta không trông thấy được chúng cũng chỉ là các "thành phần". Trên thực tế đấy cũng chỉ là một sự "tiếp xúc" giữa "thành phần thị giác" với "thành phần hình tướng". Sự "ý thức về sự tiếp xúc" đó gọi là "tri thức giác cảm" (tức cấu hợp thứ năm trong số năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể, kinh sách Hán ngữ gọi là "thức") và chính hiện tượng tâm thần này (tức là "tri thức giác cảm") giữ chức năng cảm nhận hình tướng, âm thanh, mùi, vị, sự đụng chạm, v.v. (tri thức giác cảm gồm có sáu thể loại: tri thức thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác và tâm thần). Thế nhưng chúng ta lại không chịu chấp nhận là như thế, nên chúng ta luôn tìm cách nắm bắt tất cả những thứ ấy - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác và cả tâm thần - và xem chúng là "mình" hay "của mình". Khi nào thân xác bắt đầu suy thoái, thì khi đó chúng ta mới nhận thấy là "mình" già, khi thân xác chết và các hiện tượng tâm thần dừng lại, thì mình cũng bảo là "mình" chết.
Trái lại một khi đã phân tách thân xác và tâm thức ra từng thành phần một, thì chúng ta sẽ nhận thấy chẳng có gì còn lại cả. Các thứ ấy tự chúng mất hết ý nghĩa (Đức Đạt-lai Lạt-ma thường dùng cách phân tích này để giải thích về Tánh Không của một nhân dạng). Những thứ ấy chỉ là các thành phần vật chất (đất, nước, lửa, khí) và tâm thần (các cảm nhận, tư duy, xúc cảm, ảo giác,...), chẳng có gì trong đó để mà gọi là bệnh tật hay cái chết cả (bệnh tật hay cái chết là các "tạo tác tâm thần" nhằm chỉ định các sự chuyển động và biến đổi tự nhiên của các hiện tượng). Nếu không thấu triệt thật sâu sắc điều đó thì các bạn vẫn còn rơi vào tình trạng lầm lẫn và mù quáng. Chẳng hạn như trong các giai đoạn mới bắt đầu tu tập chúng ta thường tụng niệm câu sau đây: jara-dhammamhi - có nghĩa là "sớm muộn tôi cũng sẽ chết" - đấy cũng chỉ đơn giản là cách tự đánh thức mình, giúp mình ý thức được là không nên lơ là trong những bước đầu trên con đường. Thế nhưng khi đã đạt được cấp bậc thiền định thâm sâu mang lại cho mình một sự quán thấy sâu xa hơn, thì mọi sự sẽ trở nên khác hẳn với những gì trên đây: Tất cả các sự giả định (assumptions/suppositions, cũng có thể hiểu là các "ảo giác", một thuật ngữ thường thấy hơn) cũng như các sự thật quy ước đều bị quét sạch. Một khi thân xác đã trở nên trống không về "cái tôi", thì sẽ chẳng còn gì để mà bám víu vào nó nữa cả. Tất cả chỉ toàn là các thành phần vật chất và tâm thần, không còn mang tính cách "cá thể" nào cả. Các bạn phải nhận thấy điều này thật minh bạch suốt trên các đoạn đường tu tập còn lại của mình. Nếu không, thì tất cả các thành phần ấy rồi sẽ kết tụ trở lại (sau khi đã tan rã) để tạo ra các "chúng sinh" khác (tái sin