;
Trong một cuộc thăm viếng một vị hòa thượng trong Ban Hoằng pháp, tôi đã được vị hòa thượng giới thiệu bài viết “Hội nghị bất thường và những điều bất thường” của tác giả Trần Tuấn Mẫn đăng trên tạp chí Văn hóa Phật giáo số 210 và đề nghị tôi viết bài theo nội dung “Thư Tòa soạn” số 211.
Tuy có một số quan điểm không hoàn toàn thống nhất với tác giả Trần Tuấn Mẫn và cũng thấy là dù sao nhân sự mới được suy cử từ Đại hội nghị bất thường mở rộng của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sáng 11/9/2014 là có thể chấp nhận được, vì xu thế trẻ hóa lãnh đạo, nhưng tôi vẫn cảm thấy cần có bài viết, xem xét hội nghị bất thường trong những vấn đề chung của Phật giáo.
Bài đăng trên tạp chí cho thấy người Phật giáo rất dễ chia rẽ, cũng như thường không thể giải quyết những vấn đề của Phật giáo bằng những nguyên tắc đã được chấp nhận để làm việc. Tôi sẽ thông qua trường hợp nêu trong bài “Hội nghị bất thường và những điều bất thường” của tác giả Trần Tuấn Mẫn để tìm hiểu vấn đề quan trọng này, giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn và lịch sử cụ thể hơn về Phật giáo.
Phật giáo có luật, nhưng luật trong Phật giáo là những giới cấm phục vụ cho việc tu tập, rất ít nội dung phục vụ cho việc quản lý, điều hành tổ chức như luật pháp thế gian, hay giáo luật của tôn giáo tổ chức theo mô hình triều đình.
Trong Phật giáo việc quản lý tổ chức dựa trên uy tín cá nhân, theo hạ lạp và chịu sự chi phối của những lực lượng bảo trợ quan trọng, mà thường là vua chúa, hoàng gia, quý tộc, đại thần, tể quan, trưởng giả.
Ngay trong thời Đức Phật, mặc dù uy tín của Đức Phật là tuyệt đối, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng ly giáo, là một dạng chia rẽ tăng đoàn, phân chia ra một tập đoàn riêng theo một người lãnh đạo. Lúc đó, những nguyên tắc cơ bản, có thể là bất thành văn, đã bị một số tu sĩ không thừa nhận, áp dụng. Cái mà họ theo là một người thuyết phục được họ, có được một sự ủng hộ nào đó vậy thôi.
Tình trạng ly giáo do Đề Bà Đạt Đa thực hiện thời Đức Phật, theo tôi, là rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng vì diễn ra trong tôn giáo ngay khi vị giáo chủ còn tại vị. Đó không phải sự phản bội, bán rẻ như trường hợp kẻ phản Chúa, mà là một sự công nhiên đối đầu, chia tách đoàn thể tăng già.
Sự việc đó cho thấy phải chăng, có một lỗ hổng trong việc kiện toàn tổ chức Phật giáo có từ thời Đức Phật và là điềm báo cho sự giải quyết các vấn đề quản lý tổ chức tùy tiện về sau?
Những người Phật giáo không dễ đi đến những nguyên tắc chung, căn bản, quy định việc quản lý tổ chức. Các đoàn thể Phật giáo thường tồn tại phân tán, riêng lẻ. Tuy về cơ bản những đơn vị trong hình thái cục bộ đó không chống đối, xung đột nhau, nhưng khó đi đến một kỷ luật, một sự tự giác nhất trí, mà theo quan điểm chủ quan của những cá nhân lãnh đạo có uy tín, thường là sự gần gũi về tông môn pháp phái và địa phương.
Cho dù có đi đến một sự nhất trí nào đó, nếu để tự Phật giáo quản lý tổ chức, thì cũng xuất hiện tình trạng giải quyết tùy tiện, bất chấp những nguyên tắc đã cũng chấp nhận, mạnh ai nấy làm theo ý mình.
SỰ TÙY TIỆN TRONG PHẬT GIÁO ĐÃ TRỞ THÀNH ĐIỀU BÌNH THƯỜNG. Vì vậy, nếu điều đó diễn ra với những biểu hiện cụ thể như hội nghị vừa rồi, thì TRONG SỰ BẤT THƯỜNG CÓ SỰ BÌNH THƯỜNG.
Nhưng vì lấy sự bất thường của việc tùy tiện, không theo nguyên tắc nào cả làm bình thường, nên sự bình thường đó mang tính chất bệnh lý, là một vấn đề lớn của Phật giáo!
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, thì sau khi đạt đến những nguyên tắc nhất trí tạo nên sự thống nhất vào năm 1964, thì chẳng bao lâu sau, những nguyên tắc nhất trí đã không được tôn trọng, mà mỗi nhóm Phật giáo, với sự tùy tiện từ những nhà lãnh đạo, đã giải quyết vấn đề phát sinh không phải bằng những nguyên tắc đã đúc kết thành văn bản, mà theo những ý muốn chủ quan, riêng rẽ, tùy tiện của mình.
Điều này không chỉ diễn ra ở những trường hợp chia rẽ, mà có cả những trường hợp vi phạm những nguyên tắc đã nhất trí một cách đồng lòng, như việc trong khoảng đầu thập niên 1970, nguyên tắc Đức Tăng thống và Đức Phó Tăng thống phải ở 2 tông phái khác biệt nhau đã bị một giáo hội ở miền Nam đồng lòng nhất trí vi phạm, suy cử Đức Tăng thống và Đức Phó Tăng thống cùng tông phái!
Việc quản lý tổ chức tùy tiện, dễ dàng thậm chí đồng lòng vi phạm những nguyên tắc căn bản đã được nhất trí là vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam và để tiếp tục chấn hưng Phật giáo, cần phải nhận thức rõ vấn đề, có thái độ dứt khoát và tìm cách giải quyết.
Thật buồn lòng phải nói ra điều này, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tập quán giải quyết vấn đề trong sự quản lý tổ chức đoàn thể bất kỳ, nếu do cá nhân hay những nhóm người quyết định bất chấp những nguyên tắc đã đồng thuận thành văn bản, trong bối cảnh thời đại ngày nay là cách chỉ huy không văn minh, mang tính chất băng nhóm, dù không phải là “giang hồ” nhưng cũng không khác mấy kiểu “giang hồ”.
Nhưng Phật giáo Việt Nam liệu có thể tiến kịp bước tiến thời đại, thực hiện dân chủ, văn minh, hay “… là nhóm người âm thầm sắp đặt quyết định những sự việc quan trọng” (trích Thư tòa soạn”, Tạp chí “Văn hóa Phật giáo” số 210)?
Vấn đề đặt ra trong bối cảnh tu sĩ Phật giáo Việt Nam phần lớn thụ động, vẫn tư duy theo kiểu “đóng cửa chùa đi ngủ khỏe”, không quen với việc suy nghĩ năng động, nhiều chiều, mạnh dạn, thẳng thắn nêu vấn đề. Còn người cư sĩ thì chỉ là đối tượng để hướng dẫn cúng dường, không có vai trò gì. Nếu có “một nhóm người âm thầm sắp đặt quyết định những sự việc quan trọng” như Tòa soạn Tạp chí “Văn hóa Phật giáo” nêu ra, thì trách nhiệm trước hết không phải là ở “một nhóm người” nào đó, mà trách nhiệm ở cả những nhà lãnh đạo Phật giáo, những người đã tạo môi trường như vậy và chấp nhận tập quán như vậy, mà coi chừng, đã trở thành một thứ truyền thống, dĩ nhiên là tiêu cực.
“Văn hóa Phật giáo” là một tạp chí lâu nay chỉ đề cập đến những nội dung xuất thế, thoát tục, xa lánh cuộc đời, bay bổng, nay lại đi vào một vấn đề thời sự và đặt câu hỏi một cách nóng bỏng như thế là một điều bất ngờ nhưng cũng đáng hoan nghênh. Thật đáng hoan nghênh nếu đó là sự tiến bộ, vì lợi ích chung chứ không phải là phản ứng của “một nhóm người âm thầm” khác nào đó.
Đối với sự kiện “Hội nghị bất thường” mà tạp chí “Văn hóa Phật giáo” nói là “những điều bất thường”, như đã nói chúng tôi vừa coi đó là “bất thường” vừa coi đó là “bình thường”.
“Hội nghị bất thường…” chỉ là việc tiếp nối một quá trình “bất thường” đã kéo rất dài, điều mà vị hòa thượng giới thiệu tờ Tạp chí “Văn hóa Phật giáo” với tôi nói là đã có từ khi trong những cuộc họp chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Trị sự bỏ trống nhưng vẫn được xác nhận chủ tọa. Nhưng bất thường mà kéo dài, thường xuyên diễn ra thì đâu còn là bất thường, mà đã “bình thường”. Trong quá trình đã “bình thường” như vậy, tự nhiên nay có tiếng nói khác biệt, thì lại là “bất thường”? Tự Phật giáo Việt Nam đã đưa mình vào tình thế rối rắm như vậy.
Từ đây, theo chúng tôi, chưa thể dân chủ, văn minh là một vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam và tạo thành không phải chỉ là sự đe dọa, mà đã là một căn bệnh của Phật giáo, là một nguyên nhân gây suy thoái Phật giáo Việt Nam. Suy thoái vì chia rẽ, vì bất đồng ngấm ngầm, đã trở thành “bình thường”.
Nếu có thấy một sự bất thường nào đó, thì nên nhìn rõ nguyên nhân của nó, bản chất của nó, mổ xẻ để tìm cách giải quyết nó, vì những lợi ích căn bản và lâu dài của Phật giáo Việt Nam.
Tôi không coi Hội nghị bất thường có những điều bất thường là chuyện quan trọng. Vì những điều bất thường nếu có chỉ là triệu chứng của một căn bệnh. Mà trong bệnh lý, triệu chứng chỉ là sự bộc lộ cụ thể trong một thời điểm. Chữa bệnh không phải là chữa triệu chứng, làm triệu chứng mất đi, mà là phải giải quyết tận gốc căn bệnh.
Triệu chứng thường được coi là điều đáng ghi nhận, có giá trị, nếu không muốn nói là quý, vì nhờ triệu chứng, thì mới biết là có bệnh.
Cần đặt sự vững bền, phát triển và chấn hưng Phật giáo Việt Nam lên hàng đầu. Vì vậy, từ một triệu chứng, mong Tạp chí “Văn hóa Phật giáo” đi sâu hơn có nhiều bài phân tích căn nguyên và tìm cách giải quyết, dù có thể chỉ phần nào.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.
*Bài viết thể hiện văn phong quan điểm riêng của tác giả.