;
Hội thảo có sự tham dự chứng minh của: HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN; HT. Thích Hiển Tu, Phó thư ký HĐCM GHPGVN, Viện chủ chùa Phật Học Xá Lợi; HT. Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực ban Phật giáo Quốc tế TƯ; HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thông tin Truyền thông TƯ, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội; HT. Thích Huệ Thông, Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯ GHPGVN; HT. Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực ban Hoằng pháp TƯ; HT. Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực HĐTS, Viện trưởng học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; HT. Thích Quang Nhuận, Phó trưởng ban Thường trực ban Hoằng Pháp TƯ; HT. Thích Minh Thiện, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban Hoằng pháp TƯ; TT. Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó ban tổ chức cùng chư Tôn đức Tăng, Ni, Cư sĩ Phật tử tham dự hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của Phó giáo sư – Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức; Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Liên, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Nguyễn Đại Đồng, đồng Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam cùng các vị học giả, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TT. Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó ban tổ chức đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của hội thảo khoa học này. Hội thảo là hoạt động thiết thực của giới nghiên cứu, các nhà khoa học, của Tăng Ni, Phật tử nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học thảo luận, làm rõ thêm, đồng thời khai thác, phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền và định hướng tương lai, mở rộng nghiên cứu Phật học.
Sau lời phát biểu khai mạc là đề dẫn hội thảo khoa học của Phó giáo sư – Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông đề cao vai trò hàng cư sĩ Phật giáo trong sự phát triển ngôi nhà chung GHPGVN, mà Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền cùng với Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, Tâm Minh – Lê Đình Thám là 1 trong 3 cư sĩ có nhiều đóng góp cho đạo pháp, dân tộc, là điểm sáng trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền đối với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp nói chung, với Hội Phật học Nam Việt nói riêng; sự hình thành, phát triển, đóng góp của Hội Phật học Việt Nam; sự hình thành, phát triển, đóng góp của Tạp chí Từ Quang.
Sau phần đề dẫn, HT. Thích Huệ Thông đã thay mặt đọc bài tham luận của HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN với chủ đề: “Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền trong sự nghiệp đóng góp truyền bá Phật học của Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ XX”. Tham luận đã tóm lược về cuộc đời hoạt động của Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền trọng tâm nêu lên 3 ý chính là: “Sự đóng góp cho việc hình thành Hội Phật học Nam Việt”, “Sự đóng góp của ông trong việc xây dựng chùa Phật Học Xá Lợi”, “Sự hình thành Tạp chí Từ Quang”; Hòa thượng còn đề cao tư tưởng Phật học của ông trong quá trình học Phật – tu tâm của mình, nêu cao tầm quang trọng của quy y Tam Bảo cũng như ăn chay niệm Phật để hưởng nhân quả bồ đề, ông là 1 tấm gương sáng cho hàng hậu học mai sau noi theo.
Cuối lễ, ông Lý Việt Hoàng là cháu cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền đã đọc diễn văn chào mừng của chùa Xá Lợi và gia đình.
Sau khi kết thúc lễ khai mạc hội thảo đã chia làm 2 hội trường thảo luận về 2 chủ đề gồm:
Chủ đề 1: Cuộc đời sự nghiệp Cư sĩ Chánh Trí
Chủ đề 2: Tư tưởng, tác Phẩm và hội Phật học Nam Việt.
Trên tinh thần khoa học, khách quan, hội thảo lần này đã nhận được 42 bài tham luận của chư Tôn đức Tăng, Ni, các học giả, nhà nghiên cứu với nhiều nội dung phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau như về cuộc đời, tư tưởng, con đường đến với Phật pháp, những đóng góp của Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền; về Hội Phật học Nam Việt…
Hội thảo đã diễn ra thành công viên mãn để lại cho hậu thế noi theo một tấm gương tư tưởng Phật học cao đẹp của cuộc đời Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Minh Trực - Nguồn Phật Sự online
CƯ SĨ CHÁNH TRÍ MAI THỌ TRUYỀN – CUỘC ĐỜI TẬN HIẾN
Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam. Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 1-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ, ông theo học Trường Sơ học Bến Tre, Trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat. Vào khoảng năm 1931 ở Sa Đéc, cư sĩ thường hay đến tham vấn cầu học với HT. Hành Trụ. Cảm phục đức độ và trí tuệ của vị danh tăng, cư sĩ Mai Thọ Truyền xin thọ Tam quy, Ngũ giới, được Hòa thượng đặt cho pháp danh là Chánh Trí. Sau khi thọ giới, bác Chánh Trí bắt đầu ăn chay trường và đem hết nhiệt thành để phụng sự Chánh pháp. Nhờ tinh thần tinh tấn tu học và không ngừng trau dồi kiến thức, cư sĩ Chánh Trí đã tạo cho mình vốn hiểu biết giáo lý Phật đà sâu rộng và vốn kiến thức cao về triết học Đông – Tây. Nhằm góp phần xây dựng Phật giáo vững mạnh, cư sĩ đã kết hợp vớ i một số đạo hữu trí thức có đạo tâm thành lập Hội Phật học Nam Việt (PHNV). Với cương vị Hội trưởng, cư sĩ Chánh Trí rất quan tâm đến việc kiến tạo cho Hội PHNV một ngôi Tam bảo khang trang để làm nơi thờ tự và đặt văn phòng trung ương của Hội. Đích thân cư sĩ lo liệu mọi thủ tục như xin phép xây dựng, xin phép tổ chức lạc quyên tạo nguồn kinh phí. Sau lễ động thổ khai móng 19 tháng, Hội làm lễ lạc thành rất long trọng vào các ngày 14, 15, 16 tháng Ba năm Mậu Tuất (nhằm ngày 2 đến ngày 4-5-1958) và được HT. Khánh Anh (Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng thời là chứng minh Đại đạo sư của Hội PHNV) đặt tên chùa Phật học Xá Lợi. Chùa được xây cất trên khoảnh đất rộng 2.500 m2, đặc biệt tháp chuông của chùa Xá Lợi với một tỷ lệ cân xứng và những mái cong thanh nhã đã trở thành một biểu tượng đẹp tại TP. Hồ Chí Minh. Ngôi Phạm vũ Xá Lợi sau khi lạc thành đã gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo nước nhà. Các kỳ Đại hội của Tổng hội Phật giáo Việt Nam lần III (năm 1959), lần IV (năm 1962) nhất là Đại hội ngày 21-12-1963, đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sau khi Đại hội đại biểu tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11-1981 đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng II Hội đồng Trị sự Giáo hội đặt tại chùa Xá Lợi mấy năm liền. Trong mùa Pháp nạn năm 1963, chùa Xá Lợi là nơi đặt văn phòng của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Tại đây, Ủy ban Liên phái tổ chức các cuộc họp báo công bố 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo và tố cáo trước công luận quốc tế và trong nước ý đồ triệt hạ Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Một hình ảnh rất cảm động khi rước Pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức về quàn tại chùa Xá Lợi hai tuần trước khi làm lễ trà tỳ tại An dưỡng địa Bình Chánh, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới Pháp thể của Bồ tát từ cổng chính tới cửa giảng đường (ghi theo lời kể của HT. Thích Đức Nghiệp trong khóa hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức). Trong đạo, ngoài chức vụ Hội trưởng PHNV từ năm 1955 đến 1973 (năm cư sĩ Chánh Trí quá vãng), cư sĩ còn đảm nhiệm các chức vụ Tổng Thư ký Tổng hội PGVN (từ năm 1955 đến 1958), Phó Hội chủ Tổng Hội PGVN từ năm 1959 đến 1963, và có một thời gian ngắn làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trên trường Phật giáo quốc tế, cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới trong Đại hội Phật giáo Thế giới kỳ VI năm 1962 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia. Ngoài ra, cư sĩ còn tham dự các Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1956, Hội nghị Văn hóa Phật giáo tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1958, Hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Benarès (Ấn Độ) năm 1964. Trong thập niên 1960, khi cư sĩ được chính quyền cũ miền Nam mời giữ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, cư sĩ đã đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế Văn tự, thiết lập chi nhánh bảo tồn cổ tích Huế, lập Ủy ban Dịch thuật do chính cư sĩ làm Chủ tịch. Thành tựu nổi bật trong vai trò Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, cư sĩ đã tác động chính quyền thời đó chấp thuận xây cất Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, ở đường Lý Tự Trọng). Thư viện này do Kiến trúc sư Phật tử Nguyễn Hữu Thiện chủ trì thiết kế, khởi công năm 1965, hoàn tất năm 1970, là một công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng trên khoảnh đất rộng mà tại đây vào thời thực dân Pháp đã dùng để xây cất khám lớn. Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội PHNV, cư sĩ đã chủ trương thành lập tạp chí Từ Quang do cư sĩ làm chủ nhiệm: Số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày cư sĩ mất, đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì tạp chí Từ Quangđình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất. Trong tạp chí, cư sĩ có dành riêng cho Gia đình Phật tử để đăng các hoạt động gọi là “Trang Gia đình”. Trên lĩnh vực trước tác biên soạn, cư sĩ đã xuất bản các tác phẩm: Tâm và tánh; Lược sử Phật giáo Việt Nam; Ý nghĩa Niết bàn; Một đời sống vị tha; Tâm kinh Việt giải; Pháp Hoa Huyền nghĩa; Địa Tạng Mật nghĩa. Ngoài ra, còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm Pháp yếu; Tây du ký; Hư Vân lão Hòa thượng; Kinh Vô lượng thọ; Kinh Quán Vô lượng thọ; Mười lăm ngày ở Nhật; Vòng quanh Thế giới; Phật giáo; Đạo đời; Khảo cứu về Tịnh độ tông; Mật tông và Kinh Lăng Nghiêm đang viết dở. Ngày 15-4-1973, cư sĩ Chánh Trí chủ trì Đại hội các tỉnh hội thuộc PHNV. Lúc 8 giờ 15 phút ngày 17-4-1973 (rằm tháng Ba năm Quý Sửu), cư sĩ Chánh Trí thanh thản ra đi. Có một điểm trùng hợp lạ là 15 năm trước cũng vào ngày rằm tháng Ba năm Mậu Tuất (1958), cư sĩ tổ chức khánh thành chùa Phật học Xá Lợi. Cư sĩ Chánh Trí đã về với cõi Phật nhưng cuộc đời tận tụy phụng sự Chánh pháp và những cống hiến của cư sĩ thật đáng trân trọng và tồn tại mãi trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nguồn: thuvienhoasen |