nguoiphattu.com Hai mươi năm đã qua kể từ khi Đức Pháp chủ nhẹ nhàng “quẩy gót về Tây” vậy mà mới như ngày hôm qua, bởi trong mỗi Tăng ni, Phật tử, hình ảnh của Ngài vẫn còn đậm nét, công đức và sự ân cần, chu đáo của Ngài vẫn khắc sâu trong tâm trí.
Ngài luôn lấy giới hạnh tinh nghiêm làm thân giáo để răn dạy, sách tấn kẻ hậu lai; luôn thể hiện tinh thần bi, trí, dũng trong công hạnh vô ngã vị tha, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, chú trọng đào tạo Tăng tài để có nguồn nhân lực Tăng ni có đạo hạnh phục vụ nhân gian.
Khác với nhiều triều đại trước, Phật giáo dưới triều Nguyễn phải đối diện với khá nhiều khó khăn, bởi ngay từ khi lên ngôi, vị vua đầu triều - Gia Long - đã đưa ra nhiều chính sách bất lợi cho Phật giáo, như: nhà nước tăng cường quản lý số sư tăng, bắt tăng ni tham gia các công việc xã hội, chủ trương thu hẹp ảnh hưởng của nhà chùa đối với người dân; hay như việc ban hành những quy định ngặt nghèo, nhằm giảm bớt việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông cũng như đề ra quy định về việc xuất gia….
Cùng quan điểm với ông Tổ của mình, vua Tự Đức cũng ban lệnh “chùa quán thờ Phật, có đổ nát thì cho phép sửa chữa, còn như làm chùa mới, đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp, hết thảy đều cấm cả…”.
Bên cạnh chính sách hạn chế phát triển, nhà Nguyễn còn tiến hành phê phán Phật giáo, nhằm đánh đổ tôn giáo này từ mặt giáo lý.
Nhưng, không phải tất cả các vua nhà Nguyễn đều bài Phật. Những vị vua như Minh Mạng hay Thiệu Trị - vốn được cho là những người sùng Phật, tín Phật và tạo điều kiện để Phật giáo phát triển thì cũng chỉ chú ý đến việc làm chùa hay tô tượng, đúc chuông….
Mặc dù, mục đích chủ yếu của việc làm ấy là nhằm an dân và phục vụ cho chính trị nhưng cũng đủ để tạo thuận lợi cho việc chùa tháp được xây dựng ở khắp nơi và số chư tăng ngày thêm đông đảo.
Tuy nhiên, do những chính sách mang tính chất đối lập đó, nên dù các chùa trong nước rất nhiều nhưng hoạt động lại riêng rẽ, chỉ trong phạm vi sơn môn chứ không có sự liên lạc chặt chẽ với nhau và không có một tổ chức thống nhất; vì thế, sự giao lưu phát triển về Phật học cũng suy giảm, nhất là từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, thì Phật giáo lại càng bị chèn ép.
Song song với những tác động khách quan, bản thân Phật giáo thời kỳ này cũng thể hiện rõ sự “suy thoái” và không khí bi quan, yếm thế đã bao trùm cửa thiền. Việc mượn danh Phật để mưu lợi cá nhân, nơi thờ Phật bị biến thành chỗ cúng bái, mê tín dị đoan, nhà sư trở thành thầy cúng… khiến cho những người học Phật, hiểu Phật cũng phải lên tiếng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tôn giáo mới được tách ra từ đạo Phật truyền thống trở thành những tôn giáo mới và nhiều tín đồ Phật giáo đã bỏ đạo của mình để đi theo các đạo khác, đã thực sự là một thách thức lớn đối với Phật giáo thời bấy giờ.
Trước tình hình đó, giới Phật học Việt Nam bắt đầu ý thức chấn hưng bảo vệ đạo pháp. Chấn hưng Phật giáo Việt Nam là một phong trào vận động cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và phát triển hoằng bá Phật giáo tại Việt Nam, bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Công cuộc này đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo ở Việt Nam.
Nội dung chủ yếu của cuộc chấn hưng Phật giáo lúc này gồm một số nét cơ bản, như:
- Truyền bá lại đạo Phật về căn bản đã thất truyền, bằng chữ quốc ngữ và thành lập các trường đào tạo tăng ni.
- Mang lại cho đạo Phật một tinh thần mới, phù hợp với thời đại.
- Hô hào Phật tử đoàn kết, phải nhận thức được tu theo đạo Phật không có nghĩa là xa rời thế gian, rút mình vào kinh kệ, chuông mõ; mà phải nhập thế, thực hiện tinh thần từ bi cứu khổ chúng sinh của đạo Phật, nghĩa là phải tham gia vào cuộc vận động giải thoát nhân dân ra khỏi ách thống trị của ngoại bang.
Đề thực hiện cuộc “cách mạng” này, nhiều hội Phật giáo và Tạp chí Phật giáo được thành lập, tiêu biểu phải kể đến như Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học và Tạp chí Từ Bi Âm, Hội An Nam Phật học và Tạp chí Viên Âm, Hội Phật giáo Bắc Kỳ và báo Đuốc Tuệ, báo Tiếng chuông sớm, tạp chí Duy Tâm; các trường đào tạo tăng tài của Phật giáo cũng được hình thành ở chùa Quán Sứ, chùa Sở ở miền Bắc, chùa Trúc Lâm rồi chùa Báo Quốc, Từ Đàm… ở miền Trung và Liên đoàn Phật học xã ở miền Nam…
Có thể nói, phong trào chấn hưng này được khởi xướng từ Hòa thượng Khánh Hòa ở miền Nam, Hòa thượng Phước Huệ ở miền Trung và Hòa thượng Thanh Hanh ở miền Bắc. Ba vị được tôn là Tổ của phong trào và được Nguyễn Lang nhận định là “quang cảnh phục hưng tưng bừng như chưa bao giờ có” (Nguyễn Lang, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Văn học, H, 2000, Tr.756)…
Việc thành lập các Hội và cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động như: ra các tờ báo và tạp chí, sưu tầm kinh sách, giảng kinh thuyết pháp hay mở trường dạy học ở cả 3 miền trong cả nước đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có trong Phật giáo.
Tuy nhiên, cuộc chấn hưng này chưa được tiến hành một cách thực sự và toàn diện bởi nhiều nguyên nhân; vì thế, ngay trong các Hội và Tạp chí đã có những phân hóa do hình thành những khuynh hướng vận động khác nhau.
Sự phân hóa ấy càng trở nên sâu sắc khi các Tăng ni và Phật tử phải quyết định ở lại vùng tạm chiếm hay đi theo cách mạng từ sau tháng 8/1945. Trước tình hình ấy, phong trào chấn hưng Phật giáo dường như bị tạm thời kết thúc.
Sau thời gian này, ở mỗi miền đều có những tổ chức Phật giáo riêng, với tôn chỉ hoạt động và quy định ít nhiều khác nhau, ; đến tháng 11/1981, trên đất Việt Nam có tới 9 tổ chức Phật giáo hoạt động. Mặc dù đã có không ít cuộc vận động thống nhất Phật giáo, như năm 1951, 1960, 1964 và sau ngày 30/4/1975, song do nhiều nguyên nhân, nhất là khi đó đất nước ta vẫn đang bị chia cắt, nên các cuộc vận động này đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tháng 2 năm 1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo chính thức được thành lập, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và có sự tham gia của các cao tăng đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo. Ban đã cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (miền Bắc) - làm Chứng minh Ban vận động. Sau nhiều lần tiếp xúc và làm việc với các tổ chức hệ phái ở cả 3 miền, Ban vận động đã nhận được sự ủng hộ để việc thành lập một tổ chức chung cho Phật giáo.
Và, ngày 4/11/1981, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã long trọng tuyên bố “lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một hội nghị gồm đủ các đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái trong cả nước về vân tập, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà Thống nhất Phật giáo Việt Nam”.
Sau Hội nghị này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời và là ngôi là chung của Phật giáo Việt Nam. Cũng tại Hội nghị này, toàn thể đại biểu đã khẩn thiết cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận đảm nhận ngôi vị Pháp chủ. Không chỉ là bậc long tượng đạo cao đức trọng về đức độ tu hành, tinh nghiêm giới luật, Hòa thượng còn là người đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo tăng tài.
Ngay từ năm 1940, sau khi nghiệp sư viên tịch, Hòa thượng trở về trụ trì chùa Đồng Đắc (Kim Sơn - Ninh Bình đã thành lập 2 trường Phật học, một trường đặt ngay ở chùa Đồng Đắc và trường nữa đặt tại chùa Kỳ Lân (Gia Viễn – Ninh Bình).
Từ hai ngôi trường này, lớp lớp các thế hệ tăng sinh đã được thấm nhuần ơn giáo dưỡng của Ngài và trở thành những bậc tôn túc có cống hiến lớn cho Giáo hội sau này.
Để nhận lời đảm trách ngôi vị Pháp chủ, Hòa thượng đề nghị toàn thể Đại hội chấp thuận đưa những đề đạt của Ngài lên Chính phủ, cho phép Giáo hội được thực hiện 3 vấn đề cơ bản, đó là: công nhận việc người thừa kế ở chùa và người làm việc trong chùa; tín đồ Phật giáo được tự do đến chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý và mở các trường Phật học. Cụ thể, Hòa thượng đề nghị:
1. Trường Phật học được thành lập trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tại thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tùy theo khả năng nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được.
2. Đề nghị Chính phủ cho phép mỗi chùa được chính thức cư trú, tiêu chuẩn từ hai đến năm người, tùy theo chùa lớn hay nhỏ mà quy định.
3. Đề nghị Chính phủ cho phép các tín đồ Phật giáo từ thành thị đến nông thôn được tự do tới chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý.
Qua những đề nghị của Hòa thượng nói trên, có thể thấy tầm nhìn cao rộng của Ngài, mặc dù bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, những đề nghị này quả thực đã “gây sốc” không chỉ trong Hội nghị, mà còn trên cả chính trường và ngoài xã hội.
Lý do là bởi trong thời kỳ đó, các ngôi chùa ở miền Bắc hầu hết chỉ có một sư trụ trì hoặc không có người trụ trì. Không chỉ thế, việc tu học và thuyết pháp ở chùa đang còn là điều khá xa lạ với chính quyền, người dân địa phương và ngay cả với các tăng ni. Trong suy nghĩ của họ, việc quan trọng nhất của các nhà sư chỉ là giữ/trông chùa và lao động sản xuất.
Đó cũng là thời kỳ mà trong nhận thức của một số người (kể cả chính quyền địa phương), các ngôi chùa nói riêng, di tích tín ngưỡng tôn giáo nói chung chính là tàn dư của chế độ phong kiến còn để lại. Vì thế, các sinh hoạt tín ngưỡng, thuyết giảng, tu tập ở chùa không phải là những hoạt động được khuyến khích và tạo điều kiện.
Bên cạnh đó, cũng chính bởi cả nước phải dành toàn bộ nhân lực, vật lực và tài lực cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, nên việc mở các trường học của Phật giáo thực sự là việc hết sức khó khăn và chưa được quan tâm.
Đọc lại những lời tâm huyết ấy ta có thể hiểu những trăn trở, suy tư của Hòa thượng: để Phật giáo có thể tồn tại và phát triển một cách vững chắc, điều kiện cốt yếu không thể thiếu là con người – các tăng tài, những người không chỉ theo Phật mà còn phải thực tu Phật, thông hiểu giáo lý Phật, nghiêm trì giới luật Phật để đạt giải thoát giác ngộ.
Để có được những con người đó, không có cách nào khác hơn ngoài việc giáo dục đào tạo tăng ni, ngõ hầu họ sẽ là người xây dựng ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam ngày một vững mạnh và phát triển.
Nhưng, nếu chỉ chú trọng việc đào tạo tăng tài mà không quan tâm đến việc thuyết pháp, giảng dạy giáo lý và nhất là không có Phật tử, không có tín đồ, thì dù có cố gắng và giỏi đến đâu, đội ngũ tăng tài ấy cũng không thể hoằng dương được chính pháp, không thể đem tinh thần từ bi của Đức Phật đến với cõi nhân sinh.
Nhưng, những trăn trở tâm huyết, tinh thần “dám nói, dám làm” và sự chỉ bảo ân cần của Hòa thượng đã là cơ sở, sự khích lệ động viên lớn, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực cố gắng và đạt được kết quả đáng kể như ngày hôm nay.
Phật giáo Hà Nội may mắn có được sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa thượng Pháp chủ. Ngay từ năm 1969, khi Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá – nơi Ngài trụ trì, Ngài đã hoan hỉ nhận lãnh trách nhiệm làm Hiệu trưởng, chỉ đạo mọi hoạt động đào tạo của ngôi trường này.
Đây cũng là ngôi trường đầu tiên có tổ chức sau ngày miền Bắc được giải phóng. Trên cương vị của một Hiệu trưởng, nhiều quyết sách về chương trình đào tạo cũng như hoạt động của Trường đã được Ngài dành cho nhiều tâm huyết, nên đã trở thành nơi đào tạo nhiều bậc tăng tài cho Phật giáo miền Bắc lúc đó.
Một câu nói của Hòa thượng còn được các tăng ni sinh lúc đó nhớ tới bây giờ: “Tôi có thể thuê được người làm, nhưng không thể thuê được người tu”.
Chỉ một câu nói đơn giản là thế nhưng đã hàm chứa cả quan điểm của Hòa thượng về tầm quan trọng của việc tu học và cũng là lời dặn dò của Ngài đối với các học tăng về trách nhiệm của mình khi bước vào con đường tu tập.
Nhờ có nền nếp đó nên hiện nay, các tỉnh đều có trường Trung cấp và sơ cấp Phật học, nhiều tỉnh đào tạo trình độ Cao đẳng Phật học và cả nước đã có 4 học viện Phật giáo.
Đặc biệt, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã được cấp khu đất 22 ha để chuẩn bị phát triển thành Đại học Phật giáo (theo mô hình dân lập) với danh hiệu ĐẠI HỌC QUẢNG ĐỨC để đào tạo các trình độ: Đại học và Sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Ngoài ra, nhiều lớp đào tạo giảng sư, hội thảo hoằng pháp, bồi dưỡng, thi diễn giảng hay tập huấn hoằng pháp và thuyết giảng cũng được tổ chức thường xuyên, đã thu hút được nhiều tăng ni và Phật tử tham dự…
Hôm nay, khi nhìn vào sự phát triển của Phật giáo, có thể thấy, tâm nguyện của Đức đệ nhất Pháp chủ ghi trong Bản đề nghị đã được thế hệ hậu sinh dốc lòng thực hiện. Không chỉ nhiều trường học Phật được thành lập mà ở các cơ sở tự viện đều đã có sư trụ trì, không phải chỉ một người mà là khá đông đảo.
Có như thế, Phật sự của các chùa mới có thể được thực hiện một cách trọn vẹn, việc thuyết giảng và hướng dẫn Phật tử tu tập mới được thực hiện một cách hiệu quả. Ngôi chùa hiện nay không chỉ đơn thuần là nơi tu hành của tăng ni, nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, mà đã trở thành nơi để Phật tử và đông đảo nhân dân tu tập, “minh tâm kiến tính” qua những khóa tu hàng tháng hay theo mùa.
Đây cũng còn là nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào mỗi khi khó khăn, là chỗ dựa vững chắc để tạo sự cân bằng trong cuộc sống của mỗi người dân trong nhịp sống hối hả. Bên cạnh đó, việc tổ chức, sinh hoạt đạo tràng tại các tự viện được phát triển ổn định, có nề nếp và ngày càng được nhân rộng, hình thức và đối tượng tham gia sinh hoạt tại các chùa cũng được quan tâm để ngày càng phong phú và hấp dẫn.
Ngày nay, người dân không chỉ đến chùa những khi gia đình có chuyện buồn mà cả trong những ngày vui, ngày trọng đại họ cũng đến chùa và thực hiện các nghi thức ở chùa, ví như việc tổ chức lễ hằng thuận cho những cặp nam nữ tại các chùa miền Bắc diễn ra ngày một nhiều.
Không chỉ đơn thuần thực hiện các nghi thức mang tính tôn giáo để đôi trẻ trở thành vợ chồng, trong buổi lễ, các sư còn giảng giải, căn dặn mỗi người để họ ý thức được trách nhiệm của mình đối với người kia và với cuộc sống chung, khi họ đã quyết tâm tạo lập.
Ngoài ra, các chùa cũng rất quan tâm đến thế hệ trẻ, bằng việc tạo ra môi trường và sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, học sinh và sinh viên, để Đạo đi vào Đời một cách thực sự.
Luôn đồng hành cùng dân tộc, vì dân tộc và vì nhân dân, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” của mình trong xã hội ngày nay. Những việc làm ấy một phần được xuất phát từ những lời dạy của Đức đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như mong mỏi của Ngài.
Hai mươi năm đã qua kể từ khi Đức Pháp chủ nhẹ nhàng “quẩy gót về Tây” vậy mà mới như ngày hôm qua, bởi trong mỗi Tăng ni, Phật tử, hình ảnh của Ngài vẫn còn đậm nét, công đức và sự ân cần, chu đáo của Ngài vẫn khắc sâu trong tâm trí.
Trong thời gian ấy, Phật giáo Việt Nam đã thu hái được nhiều kết quả trên con đường hoằng dương chính pháp, nhưng mỗi chúng con luôn nhớ và ý thức rằng, những quả ngọt đó có được là do có Người gieo hạt, ươm mầm, còn chúng con chỉ là người chăm bón.
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm, là tấm gương định hướng cho Giáo hội ngày càng phát triển, trang nghiêm trong lòng dân tộc và để Tăng ni, Phật tử hướng theo mà tu tập./.