;
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, một cựu sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh, cũng đã dành cho bạn đọc một cuộc phỏng vấn về những thành quả mà Viện Đại học Vạn Hạnh đã đạt được.
Qua bài phỏng vấn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm đã chứng minh rằng Viện Đại học Vạn Hạnh không những là một đỉnh cao trong hoạt động giáo dục Phật giáo, mà đây còn là một đóng góp lớn của Phật giáo Việt Nam cho xã hội.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng, có bạn đọc cho rằng Viện Đại học Vạn Hạnh chưa thể nói là một thành công của Phật giáo Việt Nam, vì không có những người tài năng xuất chúng được đào tạo từ viện đại học này. Ý kiến hòa thượng ra sao?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Thế đạo hữu nghĩ sao về cách đánh giá như vậy?
CS MT: Kính bạch HT, con nghĩ là kết quả có đào tạo được những tài năng xuất chúng hay không chỉ là một trong số những tiêu chuẩn để đánh giá một trường đại học.
HT TTT: Đúng vậy. Để đánh giá chính xác về Viện Đại học Vạn Hạnh, chúng ta phải xem xét rất nhiều mặt, trong đó, không thể tuyệt đối hóa kết quả có đào tạo được những tài năng lớn hay không?
Chúng ta cần xem xét Viện Đại học Vạn Hạnh trong mối quan hệ với Phật giáo, với xã hội, với toàn hệ thống giáo dục, với hoạt động hướng ra xã hội của các tôn giáo khác.
Trước tiên, chúng ta xét Viện Đại học Vạn Hạnh trong mối quan hệ với Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam bắt đấu chấn hưng từ những năm 1920. Trong những thập niên sau đó, 1930, 1940…, có lẽ chưa một vị tu sĩ hay tín đồ Phật giáo Việt Nam nào hình dung Phật giáo Việt Nam sẽ mở một viện đại học đa ngành.
Lúc đó, những vị tôn túc và cư sĩ tiên khởi Chấn hưng Phật giáo Việt Nam chỉ mới nói tới mục tiêu giáo dục cao đẳng Phật học cho tu sĩ Phật giáo, còn giáo dục hướng ra xã hội thì chỉ nghĩ đến những trường sơ học (tiểu học những năm đầu tiên bên cạnh các chùa).
Trong khi đó, tại Việt Nam, có tôn giáo đã lên kế hoạch thành lập một viện đại học từ rất lâu, có thể từ thập niên 1930. Đại học được coi sự phát triển tất yếu sau khi tôn giáo này mở các trường trung học đệ nhị cấp. Kiến trúc sư của chương trình, thoạt nhìn có vẻ là nhiều tham vọng này, nhưng thực ra là bước tiến rất chắc chắn và hợp lý là vị tu sĩ sau này là Viện trưởng đầu tiên của Viện Đại học Đà Lạt.
Nói họ có bước tiến chắc chắn vì từ những năm 1930, việc chuẩn bị nhân sự đã bắt đầu, còn hệ thống các trường trung học của tôn giáo đó đã phát triển nhanh chóng, dẫn đến nấc thang kế tiếp đương nhiên là đại học.
Kế hoạch của họ bị chậm lại vì Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945) và Chiến tranh Việt Pháp (1945-1954). Ba năm sau 1954, Viện Đại học Đà Lạt đã được lập trên cơ sở một tu viện rộng lớn.
Việc thành lập Viện Đại học Đà Lạt là một cú hích đối với hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam.
Ngay lúc đó, những vị tăng sinh Phật giáo đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài trở về với học vị tiến sĩ, mà tiêu biểu là Hòa thượng Thích Minh Châu.
Ý tưởng thành lập viện đại học đa ngành Phật giáo hình thành ngay trong những vị tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, mặc dù hệ thống giáo dục trung học và tiểu học Phật giáo còn rất sơ khai.
CS MT: Kính bạch HT, như vậy thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh là thành công của việc đốt giai đoạn trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam?
HT TTT: Đúng vậy. Nếu cứ chờ hoàn thiện hoạt động giáo dục hướng ra xã hội cấp tiểu học và trung học, thì không biết bao giờ Phật giáo Việt Nam mới có đại học đa ngành.
Đốt giai đoạn trong bất cứ hoạt động nào cũng đều mang tính chất phiêu lưu, khả năng thất bại rất lớn. Nhưng ở đây Phật giáo Việt Nam đã thành lập được một viện đại học đa ngành, bây giờ chúng ta gọi là đại học tổng hợp.
CS MT: Kính bạch HT, nhưng cũng có những tôn giáo không có hệ thống giáo dục hướng ra xã hội cấp tiểu học và trung học, nhưng vẫn mở được viện đại học?
HT TTT: Đó là những viện đại học thành lập vào những năm đầu thập niên 1970, hoạt động chỉ 4-5 năm, chưa có kết quả rõ ràng, nên không thể là đối tượng so sánh.
Vấn đề không phải là trương được bảng hiệu viện đại học, mà là ở chỗ viện đại học đó hoạt động có kết quả không, có phát triển không.
CS MT: Kính bạch HT, có thể coi Viện Đại học Vạn Hạnh là kết quả của việc cạnh tranh trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội giữa 2 tôn giáo không?
HT TTT: Thế đạo hữu nghĩ sao?
CS MT: Kính bạch HT, con nghĩ là có, vì 2 hoạt động như nhau, do 2 đơn vị cũng cùng một thuộc về một loại hình nào đó (ở đây cùng là tôn giáo) nhắm vào cùng một đối tượng (ở đây là xã hội Việt Nam) thì đương nhiên phát sinh cạnh tranh.
HT TTT: Nhưng chúng ta nên nhấn mạnh đến chiều kích chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo là nỗ lực phát triển Phật giáo Việt Nam ngang tầm các tôn giáo khác, nhất là trong những hoạt động mang tính thời đại, như giáo dục hướng ra xã hội, văn hóa, nghiên cứu khoa học, truyền thông, y tế.
Cần phải xem xét thành công Viện Đại học Vạn Hạnh trong sự phát triển chung đó của Phật giáo mà không nên chú tâm nhiều vào chiều kích cạnh tranh trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, cho dù là có cạnh tranh trên một lãnh vực nào đó.
Cũng nên lý giải việc cạnh tranh ở đây là một hiện tượng phát sinh khách quan, vì các tôn giáo đều nhằm tới mục tiêu thời đại, có tính nhập thế. Cùng hướng tới một mục tiêu thì tất yếu phát sinh “chạy đua” một cách khách quan, không có không được, đương nhiên phải có.
Không phải Phật giáo Việt Nam chủ trương cạnh tranh trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội. Chúng ta cần xác định rõ ràng và dứt khoát điều này.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy “thi đua” trong hoạt động giáo dục, văn hóa, y tế, học thuật là những cuộc đua mang lại lợi ích cho xã hội, cho đất nước. Thầy đề nghị dùng từ “thi đua” thay cho từ mà đạo hữu dùng là “cạnh tranh”. Thi đua là nỗ lực để càng làm tốt hơn, ở đây là hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo, cùng đóng góp vào thành quả chung của hoạt động giáo dục, không có sự loại trừ như cạnh tranh.
Nhưng trong thi đua thì không cho phép thất bại, mà có thể mình không về nhất.
CS MT: Kính bạch HT, thế Viện Đại học Vạn Hạnh có về nhất không, trong khi có bạn đọc cho là không thành công vì Viện Đại học Vạn Hạnh không đào tạo được những nhân vật xuất chúng, tài năng?
HT TTT: Về thứ hạng thành công thì phải xét nhiều mặt.
Chẳng hạn, có thể về tổng số sinh viên được đào tạo thì Viện Đại học Vạn Hạnh không bằng Viện Đại học Đà Lạt, một viện đại học tư thục của một tôn giáo khác.
Nhưng về tốc độ phát triển thì có thể là nhanh hơn, và nếu xét riêng điều đó, thì Viện Đại học Vạn Hạnh có thể đã về đầu trong số các trường đại học tư thục.
Không thể so sánh Viện Đại học Vạn Hạnh với các viện đại học công lập quốc gia như Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế… Nếu so sánh như vậy để nói Viện Đại học Vạn Hạnh không thành công thì sẽ rất khập khiễng.
Về đầu vào, đại học tư thục không thể so sánh với đại học công lập. Những học sinh đậu tú tài với điểm cao sẽ đi du học trước tiên, hay thi vào những phân khoa đại học danh tiếng, tốt nghiệp có ngay nhiệm sở, là công chức tốt nghiệp đại học, lương cao, chức lớn, nhiều quyền lợi.
Còn đối với đại học tư thục, thì chỉ ghi danh, phải đóng học phí. Đầu vào sinh viên như vậy thì không thể đòi hỏi đại học tư thục có đầu ra là những nhà khoa học tiếng tăm xuất chúng.
Sinh viên tốt nghiệp Viện Đại học Vạn Hạnh đạt tiêu chuẩn đào tạo cử nhân, có thể làm việc tốt với trình độ cử nhân, đã là một thành công lớn.
Văn bằng cử nhân phân khoa giáo dục Viện Đại học Vạn Hạnh đương nhiên không thể so sánh với văn bằng cử nhân Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhưng giáo sư trung học tốt nghiệp phân khoa giáo dục Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn có thể hoàn thành trách nhiệm của mình trên bục giảng.
Không phải tất cả đại học ngoài Harvard (Mỹ), Oxford (Anh), không đào tạo được bác học, chỉ đào tạo những cử nhân để làm việc, đều là không thành công sao?
Viện Đại học Vạn Hạnh càng về sau càng được tín nhiệm, càng được nhiều sinh viên ghi danh, là một thành công lớn.
Đòi hỏi Viện Đại học Vạn Hạnh đào tạo được bác học thì mới gọi là thành công là không thực tế và không hiểu về hoạt động giáo dục đại học. Viện Đại học Vạn Hạnh không đề ra mục tiêu đào tạo nhân tài ở cấp đó, nên không có gì là không thành công, nếu chỉ đạt được mục tiêu đề ra ở cấp thấp hơn.
Trước năm 1975, ở miền Nam có nhiều đại học tư thục. Đó là các Viện Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Cao Đài, Hòa Hảo, Tri Hành, Phương Nam. Số sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh ở mức cao nhất xấp xỉ Viện Đại học Đà Lạt thành lập 7 năm trước đó. Sự lựa chọn sinh viên, chọn đại học đóng học phí và ghi tên trên văn bằng của mình trong tương lai tốt nghiệp đã thể hiện sự thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Nếu chương trình đào tạo Viện Đại học Vạn Hạnh không cao thì số sinh viên sẽ không thể gia tăng hàng năm, thậm chí giảm sút, phải đóng cửa trường, hay thu hẹp phạm vi hoạt động.
Đàng này, đạo hữu cũng biết Viện Đại học Vạn Hạnh đã mở rộng cơ sở vật chất, liên tục mở thêm nhiều phân khoa và chuẩn bị mở thêm những phân khoa mới, không chỉ ở lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, mà còn là khoa học kinh tế, khoa học tự nhiên và hướng đến y học.
Như vậy, không chỉ là thành công mà còn là thành công rất lớn.
CS MT: Kính bạch HT, con nghĩ thành công này cần được xét đến trong bối cảnh Phật giáo chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội?
HT TTT: Đúng vậy, Phật giáo đã vào cuộc “thi đua” hoạt động giáo dục hướng ra xã hội chỉ với một thực lực, có thể nói chỉ 1/10 so với tôn giáo khác. Giáo dục hướng ra xã hội chỉ là hoạt động mà Phật giáo chỉ có vài mươi năm kinh nghiệm, số tiến sĩ chỉ trên đầu ngón tay. Trong khi đó, có tôn giáo, hoạt động giáo dục hướng ra xã hội đã là một hoạt động truyền thống, có bề dày lịch sử, có nhiều kinh nghiệm, nhân sự là các nhà khoa bảng rất đông đảo.
Nếu Viện Đại học Vạn Hạnh, thành lập muộn hơn, chỉ đứng hạng 2, thì vẫn là thành công. Trong khi đó, có nhiều mặt, Viện Đại học Vạn Hạnh là đại học tư thục vượt lên hàng đầu. Thành công nên được xem xét trong bối cảnh đó, chứ nên không chỉ nêu câu hỏi ai là bác học tiếng tăm mà Viện Đại học Vạn Hạnh đào tạo.
Viện Đại học Vạn Hạnh không thể tự hào vì một vài khuôn mặt bác học tiếng tăm nào đó, mà rất tự hào vì đông đảo sinh viên đã “chọn mặt gửi vàng”, vì tốc độ phát triển và phát triển rất vững chắc của mình.
CS MT: Kính bạch HT, nhưng có những đại học tư thục thành lập sau Viện Đại học Vạn Hạnh, nhưng cũng có những bước phát triển nhanh chóng, như Viện Đại học Minh Đức đã mở được Đại học Y khoa?
HT TTT: Đạo hữu nhìn nhận thế nào về Viện Đại học Minh Đức trong sự phát triển của các viện đại học tư thục ở miền Nam trước 1975 là trong quan hệ với Viện Đại học Vạn Hạnh?
CS MT: Con hiểu, Viện Đại học Minh Đức là một phản ứng đối với thành công lớn của Viện Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn trong cuộc “thi đua” hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của các tôn giáo ở cấp đại học tại miền Nam trước năm 1975?
HT TTT: Thì hiểu trong bối cảnh một cuộc thi đua giáo dục hướng ra xã hội cũng không phải là không phù hợp. Tuy nhiên, Viện Đại học Minh Đức cũng không thể lấy làm một đối tượng so sánh với thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh. Viện Đại học Minh Đức có sẵn cơ sở vật chất là một số trường lớp trước đây dùng cho giáo dục bậc trung học, có sẵn nhân sự quản lý là các tu sĩ khoa bảng.
Tuy nhiên, như thầy đã nói ở trên, muốn so sánh thì cần có thời gian, kết quả đào tạo. Viện Đại học Minh Đức chưa có những điều đó. Đã có bác sĩ y khoa nào do Viện Đại học Minh Đức đào tạo đâu?
CS MT: Kính bạch HT, nghe HT nói, con nghĩ đến việc hiện nay, việc đào tạo kỹ sư, ngoài Đại học Bách khoa, còn còn nhiều trường khác, cả công lập, dân lập, tư thục, nhưng có những trường ngoài Đại học Bách khoa cũng rất nổi tiếng?
HT TTT: Đạo hữu đã hiểu vấn đề rồi và hy vọng bạn đọc nào đó đã nêu câu hỏi hoài nghi về thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh cũng hiểu như vậy.
Mỗi trường dù là đại học, có mục tiêu đào tạo khác nhau. Không thể nói Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là không thành công nếu so với Đại học Bách khoa TPHCM được. Đại học Bách khoa TPHCM có mục tiêu đào tạo của Đại học Bách khoa TPHCM. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có mục tiêu đào tạo của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có mục tiêu đào tạo giáo viên kỹ thuật, thì nếu đứng trên bục giảng, kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM có thể không giỏi về nghiệp vụ sư phạm so với kỹ sư Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Cũng thế, nếu chúng ta so sánh Viện Đại học Vạn Hạnh với những viện đại học công lập khác.
CS MT: Kính bạch HT, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu các tôn giáo được phép hoạt động giáo dục hướng ra xã hội ở cấp đại học, thì liệu Phật giáo Việt Nam có lặp lại thành công ngoạn mục như Viện Đại học Vạn Hạnh hay không?
HT TTT: Câu hỏi này thầy xin hẹn lại một dịp khác, khi chúng ta đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thành công của viện đại học. Đây là một câu hỏi khó, và lại là một câu hỏi dự báo. Điều có thể nói bây giờ là chúng ta Phật giáo Việt Nam hãy tự hào về những thành công ngoạn mục của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Riêng thầy, thầy rất tự hào vì mình là một cựu sinh viên của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Chúng ta hãy cầu nguyện Tam bảo gia hộ và cùng chung tay góp sức cho tương lai của hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.
Viện Đại học Vạn Hạnh là cơ sở để chúng ta có thể lạc quan về tương lai giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam chúng ta không có ý định khôi phục Viện Đại học Vạn Hạnh, nhưng Viện Đại học Vạn Hạnh là một nền tảng để ngày nay trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam đã thống nhất toàn diện tất cả các hệ phái, chúng ta đoàn kết xây dựng giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội phát triển ở mức độ cao hơn nữa, tương xứng với tầm vóc của GHPGVN, giáo hội Phật giáo của nước Việt Nam thống nhất từ Nam Quan đến Cà Mau, thay vì trong hoàn cảnh chỉ có ở nửa nước phía Nam như Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây.
CS MT: Thành kính đa tạ Hòa thượng về cuộc phỏng vấn.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.