;
Con người luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm và chinh phục thiên nhiên ngoại cảnh, trong khi đó chính chúng ta chưa làm chủ bản thân mình khi gặp những chướng duyên nghịch cảnh trong đời sống gia đình và xã hội.
Kẻ thù là gì? Là kẻ muốn chống đối, phá đám, làm hại lại người khác. Chữ kẻ thù là ngược lại với chữ “bạn” nghĩa là người thuận theo mình, luôn giúp đỡ mình về mọi mặt vì hạnh phúc của mình. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống, có những trường hợp tưởng là thù mà thật ra là bạn và ngược lại. Do đó, ta không nên xét hình thức bên ngoài qua lời nói và hành động mà nên tìm hiểu kỹ tâm ý của người đó trước khi kết luận một điều gì.
Chữ chính mình có nghĩa là “Cái Tôi”, “Cái Ta”, “Ta đây”, “Ta là”, “hay còn gọi là bãn ngã...Đây là chữ chính yếu và quan trọng nhất trong câu này vì nếu mình có thể trả lời được cái “chính mình”đó là ai thì ta mới biết thật sự nó là bạn hay là thù. Vậy ta là ai, ta là gì? Chúng ta có bao giờ tự đặt câu hỏi này không? Chúng ta có thể biết có rất nhiều người sống cho đến cuối cuộc đời cũng không hề thắc mắc mình là ai, mình là gì cả.
Con người khác các loài súc vật là ở chỗ chúng ta có lý trí, có hiểu biết, có lương tâm biết phân biệt được đúng sai nên chúng ta không thể buông xuôi cho số phận để tiếp tục trôi mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Ta không nên để cho phiền não tham, sân, si chi phối nữa mà ngay bây giờ phải biết dừng lại, quay trở về chính mình để tỉnh thức, để biết rõ con người chân thật của chính mình, từ đó chúng ta mới thể nhập được chân lý sống mà dấn thân đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Đa số chúng ta chỉ tin rằng mình có một cái tôi thật sự bằng xương bằng thịt độc lập với mọi người khác, có những suy nghĩ riêng biệt, muốn làm gì thì làm, nghĩa là làm chủ được mình, có sự tự do quyết định vận mệnh của mình và đặc biệt là một số người tin là mình có một linh hồn tách biệt với thân xác, khi thân xác này hoại diệt thì linh hồn vẫn còn tồn tại mãi.
Nói cho chính xác hơn kẻ thù lớn nhất của đời mình là chủ nghĩa cá nhân hay bản ngã của chúng ta, tức là cái tôi, cái ta của mình. Vì cái tôi thấy mình là trung tâm của vũ trụ nên từ đó xãy ra tranh đấu xô xác giết hại lẫn nhau. Ta là trên hết, ta là đấng tối cao, khi con người chấp như thế rồi thì nó trở thành một thứ siêu vi khuẩn rất độc hại, mà hay sinh ra các thứ bệnh hoạn rất nguy hiểm như: Bệnh tham lam, ích kỷ, bệnh lười biếng, bệnh bảo thủ độc đoán, bệnh kiêu ngạo, bệnh ham danh vọng quyền lực, ham hưởng thụ quá đáng và tìm cách triệt buộc giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Thế gian thường gọi là chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của nhiều người khác.
Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích cho riêng mình, gia đình mình lên trên hết, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Họ không có tấm lòng mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình. Khi cái tôi đã hiện diện trên ngôi quyền lực, thì không việc ác nào mà họ chẳng dám làm, vì ta là trên hết. Cho nên Phật dạy kẻ thù lớn nhất của con người là chấp vào cái tôi thật có của chính mình. Người có địa vị cao trong xã hội sẽ lợi dụng quyền cao chức trọng của mình để quan liêu hách dịch tham nhũng bóc lột, lãng phí của công, thiếu ý thức trách nhiệm.
Kẻ thù lớn nhất của con người chính là ai? Chính là sự sai lầm chấp trước vào bản thân mình có cái thật ngã, nên phát sinh ra chủ nghĩa cá nhân mà làm tổn hại cho cuộc đời. Nếu chúng ta chiến thắng được lòng tham muốn của bản thân mình mà hay giúp người cứu vật với tấm lòng vô ngã vị tha thì không có kẻ thù nào có thể hại được ta. Bằng chứng thiết thực là cuộc đời của đức Phật với vô vàn chuyện oan trái do người đời tìm cách hãm hại. Chính sự bình thản an nhiên tự tại mà không cần minh oan, nhưng vẫn lật tẩy được những kẻ si mê thiếu hiểu biết, vì đức Phật không thấy ai là kẻ thù.
Theo quan niệm thông thường của thế gian, chúng ta được sinh ra đời để tìm kiếm hưởng thụ những gì cuộc sống đã ban tặng cho ta. Cuộc sống thế gian có nhiều mật ngọt làm cho ai cũng có thể đắm say đam mê dính mắc vào nó. Nào sự nghiệp gia đình với tiếng tăm, danh vọng, quyền lực, giàu có và tình yêu… Nhưng đến khi ra đi, chúng ta bỏ lại hết tất cả, nhường lại cho những người còn lại thừa hưởng. Chúng ta bỏ lại trong sự nuối tiếc, vì chẳng ai đem theo được thứ gì.
Trong quá trính phát triển sự sống gầy dựng giống nòi nhân loại, con người ta luôn tìm kiếm hạnh phúc và hưởng thụ, nhưng chúng ta lại vô tình làm khổ đau cho người khác. Sự tranh giành, bám giữ để lo cho cái ta này dẫn đến tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Với những người thiếu hiểu biết, nên không sáng suốt mà nghĩ rằng ta đến với cõi đời này, là để có nhiều hơn trong tham muốn vô cùng tận.
Cuộc sống người thế gian cứ như thế mà tạo ra ba thứ độc hại là phiền não tham, sân, si, càng làm cho ta bị dính mắc vào sự chấp ngã cho thân tâm này là thiệt có. Trong suốt quá trình sống chúng ta tìm cách chiếm đoạt tranh giành tạo ra sự tham đắm vô cùng tận, ta làm hư hại đời sống chung quanh bằng những thói quen và hành động của mình do thiếu hiểu biết hay biết mà cố phạm.
Nắm giữ chất chứa về cho mình thật nhiều, là những thói quen thâm căn cố đế, là nghiệp tập sâu dày của tất cả con người. Từ khi mở mắt chào đời cho đến khi lớn khôn chúng ta sống và làm việc rồi lập gia đình gây dựng giống nòi nhân loại để bảo vệ cái ta ích kỷ này. Cuộc sống bình thường của mọi người là sự phát triển cái ta, cái của ta và bảo vệ cái ta. Chính vì chấp vào cái ta này mà chúng ta đành lòng triệt buộc lẫn nhau để gìn giữ cái ta giả có này.
Cũng chính sự bám víu vào tâm thức này khiến con người bị trói buộc về mặt nhận thức vào đối tượng mình bám víu. Chúng ta càng nắm giữ nhiều chừng nào thì sự dính mắc lệ thuộc vào nó càng lớn, do đó ta khó bề buông xả được, đó chính là thói quen chất chứa từ cái chấp thân tâm này làm ngã.
Cuối cùng, do chúng ta không nhìn thấy rõ bản chất thật hư của thân tâm này mà ta bị lệ thuộc, bị trói buộc bởi nhiều thứ mà ta cho rằng nó là vĩnh viễn của ta ở trần gian này. Tài sản của cải dù chúng ta đã tạo ra nó nhưng thực chất nó không hẳn là của ta. Chúng ta chỉ nắm giữ tạm bợ một thời gian nào đó thôi, và khi ta trút hơi thở cuối cùng thì chúng ta phải bỏ lại hết tất cả.
Càng chấp giữ cái ta và của ta ấy, chúng ta vô tình càng củng cố thêm cái ta của mình. Khi mình đã chấp chặt vào cái ta này thì phiền não tham sân si ngày càng nhiều hơn và sự hoang mang lo sợ khi bị mất mát dẫn đến tổn thương nặng nề. Chúng ta cũng cần phải thấu rõ mọi vấn đề, không nắm giữ ở đây không có nghĩa là không có gì hết mà là sự không dính mắc bám víu vào cái ta và của ta.
Ta vẫn phải ăn uống để sống làm việc, đóng góp phục vụ gia đình và xã hội. Ta có cái nhà để ngủ nghỉ hay để tránh mưa nắng. Ta vẫn có tất cả các thứ để phục vụ cho nhu cầu sự sống, nhưng không dính mắc tham đắm vào nó. Khi có thời gian ngồi suy xét lại, mỗi người chúng ta đã làm thiệt hại nhiều đóa hoa của cuộc đời, của bè bạn, của gia đình người thân, của những tương quan mật thiết trong xã hội, của thiên nhiên hùng vĩ với bạt ngàn điều kỳ diệu chỉ vì sự mong muốn tranh giành chiếm đoạt hưởng thụ cho riêng mình.
Với người có nhận thức sáng suốt và hiểu biết chân chính, họ đến với cuộc đời này để tô điểm làm đẹp thêm cho cuộc đời. Họ đến để học hỏi và sẻ chia, dấn thân và phục vụ, nâng đỡ và cống hiến chứ không phải đến để cai trị con người. Họ ung dung tự tại đi qua cuộc đời này mà không lấy không bỏ, do đó không tranh chấp dính mắc vào cái ta và của ta, nhờ vậy họ đóng góp được nhiều lợi ích lớn lao cho nhân loại.
Càng không bám chấp thì cuộc đời người ấy càng trải rộng trong tự do không bị ràng buộc bởi những thứ mê muội của cuộc đời. Càng có tấm lòng rộng mở thì cuộc đời của chúng ta càng tự do trong đời sống bằng sự bình yên hạnh phúc. Do vô minh che lấp nên ngu si, mê muội chấp thân này làm ta, chấp tâm suy tư, nghĩ tưởng là mình, từ đó thấy biết sai lầm mà gieo tạo các nghiệp thiện ác, tốt xấu.
Chấp thân này làm ta là bệnh thông thường của tất cả mọi người trên thế gian. Chấp tâm này làm ta là các vị tu hành theo quan niệm thần ngã, thấy có một vị chủ tể cố định ban phước, giáng họa như đa thần giáo. Tất cả phàm phu đều chấp thân này làm ngã nên thấy nó thật, nó lâu dài, nó cao quý rồi đam mê, đắm say, tham lam vì nó, nhất là những người có quyền cao chức trọng; từ đó thấy mình là ta, là của ta, thấy mình là trung tâm của vũ trụ nên làm cái gì cũng vơ vét về cho mình và của mình, ai làm trái ý thì sinh thù hận, tìm cách hủy diệt, triệt tiêu.
Thế giới Ta bà từ khi con người có mặt do lầm chấp thân này là thật nên đã nhẫn tâm tranh giành, giết hại lẫn nhau để giành quyền lợi. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rõ ràng như thế. Trái đất này không của riêng ai mà là phước nghiệp chung của tất cả chúng sinh, con người vì thế cần phải ngồi lại bên nhau để tìm ra biện pháp tốt đẹp nhất nhằm giúp nhân loại đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.
Nếu mỗi con người thường xuyên quán niệm về thân để biết rõ được bản chất thực hư của nó thì thế giới sẽ không bao giờ xảy ra khủng bố, chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất gây đau thương, tang tóc khổ đau cho nhiều người. Theo triết học Phật giáo, tất cả mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian đều không có một chủ thể cố định, chỉ có cái này như thế này thì cái kia như thế kia, chúng nương tựa vào nhau theo nguyên lý duyên khởi mà thành-trụ-hoại-không, hoặc sinh-trụ-dị-diệt. Vậy thân này có thật là ta hay không?
Theo lời Phật dạy, phải hội đủ ba yếu tố mới có thân này. Thứ nhất là tinh cha, thứ hai là huyết mẹ, thứ ba là thần thức của một chúng sinh. Ba yếu tố này đồng thời gặp nhau cùng một lúc, khi đủ nhân duyên sẽ tạo ra một thân mới. Khi người cha giao hợp với người mẹ, tinh trùng của người cha xuất ra (dương) và hòa hợp với noãn bào của người mẹ (âm). Do âm dương hiệp nhau cùng với thần thức của một chúng sinh tạo thành sức mạnh tác động đến chu kỳ thọ thai của người mẹ mà tạo ra thân mới. Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi ngày càng lớn dần nhờ thức ăn uống do người mẹ đưa vào, cho đến khi đủ chín tháng mười ngày thì đến kỳ sinh nở.
Đứa bé mở mắt chào đời sống được là nhờ bầu vú mẹ cho dòng sữa ngọt, đến khi biết lật, biết trường, biết bò, biết đòi ăn, biết nói bập bẹ, biết đi, rồi biết kêu “cha”, “mẹ” từng tiếng đều là vay mượn và huân tập từ bên ngoài. Đã là vay mượn thì làm gì có chủ thể cố định, cái gì là thật thì trước sau như một không thay đổi, biến dạng theo thời gian. Vậy mà ai cũng lầm chấp thân này là ta, là của ta, rồi bám víu vào đó mà sinh ra tranh chấp hơn thua, giành phần thắng về mình và triệt buộc lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư của mình.
Thân này được sống còn là do tứ đại bên trong hòa hợp với tứ đại bên ngoài để cùng nhau nuôi dưỡng. Tứ đại gồm có đất-nước-gió-lửa, chất cứng trong người gọi là đất, chất lỏng gọi là nước, sự hoạt động của cơ thể gọi là gió và nhiệt độ nóng trong người gọi là lửa; rồi hằng ngày phải vay mượn thức ăn, thức uống đưa vào, sáng đem vô chiều đưa ra, cứ như thế từ ngày này qua tháng nọ. Chúng ta chỉ làm một việc vay mượn liên tục, hết đưa vô lại trả ra, chúng ta vay mượn thức ăn uống nhưng nếu lỡ đưa vô mà không trả ra thì sao, thì phải tìm cách uống thuốc để tiêu hóa, bằng không thì phải giải phẫu.
Thân này sống được là nhờ bốn chất tứ đại bên ngoài, hằng ngày cơ thể phải nạp vào rồi trả ra, nếu không sẽ làm tứ đại bất an, sinh ra đủ chứng bệnh. Người hay bị cảm lạnh sẽ sinh đau nhức do trong người chất gió quá mạnh, gió thổi thì đất phải rung rinh. Người hay nóng sốt là trong người nhiều lửa nên phải kiếm cái gì mát đưa vào để quân bình lại. Cứ như thế chúng ta cứ mãi điều hòa thân tứ đại này cho nó quân bình thì không bệnh, đến khi trong người không còn thân nhiệt và sự hoạt động của gió thì tứ đại sẽ tan rã, còn gọi là chết; nhưng chết không phải là hết, chết chỉ là sự thay hình đổi dạng tùy theo việc làm trong hiện tại tốt hay xấu mà có thân mới tương xứng như vậy.
Phật dạy có thân thì phải sinh-già-bệnh-chết, con người muốn sống lâu phải luyện trường sinh bất tử để duy trì đời sống được dài thêm, nhưng cuối cùng ai rồi cũng phải chết, từ xưa tới nay chưa ai có thân mà không chết bao giờ.
Chính Phật Thích ca cũng phải xả bỏ thân này năm 80 tuổi. Cái gì thật thì trước sau như một không biến đổi theo thời gian, dù trái đất này có hoại nhưng cái đó không hoại. Thân này do nhân duyên hòa hợp nên vô thường bại hoại, khi đủ duyên thì có thân này, khi hết duyên thì chuyển sang đời khác. Chúng ta thường xuyên quán chiếu thân này như thế để không cố chấp, dính mắc vào cái thấy sai lầm mà làm tổn hại tất cả chúng sinh. Cái lầm thứ nhất của phàm phu là cho thân này là thật, trong khi thân này là hòa hợp vay mượn, không có chủ thể cố định. Cái lầm thứ hai là thân này vay mượn hơi thở hằng ngày, miệng thở ra mà không thở vào coi như chết ngay trong tích tắc, vậy mà ai cũng lầm chấp rằng mình sẽ sống lâu.
Bởi hai cái lầm này mà con người phải chịu khổ đau luân hồi vô số kiếp không có ngày cùng. Có ông già kia đã trên 80 tuổi đang cất nhà, Phật biết được nhân duyên tuổi thọ của ông sẽ mãn phần trong chiều hôm đó nên thương xót mà cho ông biết và tìm cách khuyên nhủ để ông thức tỉnh hồi đầu, ông không lắng nghe mà cứ mải mê chỉ dẫn đám thợ. Ông nói, “hôm nay lão bận quá, phiền Ngài nói tóm lại bằng bài kệ để khi nào lão không còn bận bịu công việc nhà nữa sẽ đem ra thực hành”. Đức Phật nói về bài kệ vô thường để nhắc nhỡ ông lão tỉnh giác. Ông lão miệng tuy khen bài kệ rất hay nhưng hẹn Phật dịp khác rảnh rỗi sẽ tham khảo. Sau đó Phật trở về tịnh xá. Vào buổi chiều, một số tịnh nhân cư sĩ đến báo với Phật ông lão đã bị cây kèo đập vào đầu chết liền tại chỗ.
Bởi do lầm chấp thân này sống lâu nên các phàm phu tục tử cứ mãi bận rộn hết chuyện này đến việc kia mà chẳng lo tu tập để chuyển hóa các phiền não, khổ đau từ chỗ lầm chấp thân này là ta, là của ta. Như ông già đó Phật đã biết trước nhân duyên nên đến khuyên nhủ, tìm cách giúp ông thức tỉnh hồi đầu nhưng ông chẳng chịu nghe, cuối cùng ông bị cây đập đầu chết trong nỗi tiếc nuối khi công việc dang dở. Trường hợp của ông sẽ rất khó đầu thai, nhiều khi thần thức phải vất vơ vất vưởng, quanh quẩn đâu đó vì tiếc nuối việc làm chưa xong. Phật đã biết trước việc sắp xảy ra nhưng vẫn không cứu được ông lão, như vậy là Phật quá dở hay sao?
Chúng ta nên biết, Phật chỉ là vị thầy hướng dẫn, làm được hay không do bản thân ta quyết định. Phật không phải là người ban phước giáng họa, chúng ta cần phải thấu đáo chỗ này kẻo nhầm lẫn với các học thuyết thần ngã. Thân vô thường bại hoại mà chúng ta cứ lầm chấp thân này là ta, là của ta rồi tạo nghiệp thọ khổ làm hại cho nhau. Tất cả mọi người hầu như đều tự xưng là tôi, là ta, là mình, nhưng chẳng ai biết rõ ràng cái gì là tôi, là ta, là mình ở đâu.
Nếu nói cái thân năm bảy chục ký lô này là tôi, là ta, là mình, nhưng xét cho cùng nó sống nhiều lắm 100 năm cũng phải chết. Vậy khi đó thân xác thúi này là tôi phải không? Là tôi làm sao phải được, bởi thân này do nhân duyên hoà hợp nên nó vô thường bại hoại, đủ duyên thì có thân này, hết duyên thì thay hình đổi dạng chuyển sang đời khác. Chính vì thế nên nó sinh-già-bệnh-chết, vậy mà ai cũng lầm chấp thân này là ta, là tôi, là mình rồi làm tổn hại cho nhau.
Chấp tâm làm ngã là căn bệnh thâm căn cố đế của mọi người nên ai cũng thừa nhận cái hay suy tư, nghĩ tưởng, phân biệt, nhận thức, cảm thọ làm tâm mình. Có người nói “tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu”, vậy những lúc không suy nghĩ là ai, chẳng lẽ mất mình hay sao? Cái hay suy tư, nghĩ tưởng có cả trăm ngàn thứ, buồn-thương-giận-ghét, phải-quấy-tốt-xấu, hơn-thua-đúng-sai, thiện-ác-lành-dữ; có lúc hiền như Phật, có khi dữ như cọp, tâm niệm luôn dời đổi liên tục không lúc nào dừng nghỉ. Khi nghĩ thiện là tôi, vậy khi nghĩ ác là ai, không lẽ cái tôi có nhiều thứ như vậy? Mới vừa buồn giận được người xin lỗi lại hoá ra vui, vừa ghét người đó rồi được năn nỉ lại hoá ra thương. Tâm niệm luôn thay đổi triền miên không lúc nào dừng nghỉ, nhưng chung quy cũng nằm trong hai tâm niệm thiện và ác. Từ đó suy ra, tâm niệm luôn thường xuyên thay đổi theo thói quen huân tập hằng ngày.
Sở dĩ con người tranh đấu, giết hại lẫn nhau là do ngu si, chấp ngã mà ra. Ai cũng muốn mình hơn thiên hạ và tham lam bắt mọi người phải phục vụ cho mình, con người phục vụ cho con người vì có giai cấp chủ và tớ. Theo quan niệm của đấng sáng tạo, mọi thứ đều cố định không thể nào thay đổi, loài vật dùng để cúng tế thần linh và đáp ứng cái ăn cho con người.
Ai theo truyền thống này sẽ cám ơn thượng đế đã ban tặng cho họ sự sống. Mọi cái, mọi thứ đều do đấng tối cao sắp đặt. Phụ nữ thì có nhiệm vụ sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, lo mọi việc trong nhà, không được làm việc hay quan hệ bên ngoài. Giai cấp quý tộc thì được quyền ăn trên ngồi trước, bóc lột kẻ cùng đinh, hạ tiện để phục vụ cho mình cũng từ sự phân biệt, tính toán khôn ngoan của ý thức con người.
Tất cả chúng ta dù lớn hay nhỏ khi có mặt trên thế gian này, ai cũng thấy bản ngã của mình là quan trọng, là hơn hết cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, nên muốn mọi người đều kính trọng quy hướng về mình, còn ta lại coi thường mọi người.
Đó là bệnh chấp thân tâm này làm ngã. Nếu chúng ta còn chấp ngã nặng nề thì chẳng những đối với chân lý, với lẽ thật mình không thấy, không biết mà đối với mọi người chung quanh ta đặt ra nhiều điều bất công, sai lầm khiến cho người, vật sẽ khổ đau vì mình.
Chúng ta chấp ngã được thể hiện qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trước hết là chúng ta chấp ngã đối với thiên nhiên. Một số người cho rằng thiên nhiên là do trời ban tặng, khi trời mưa thì người ta nói có nước để cho người nông dân làm ruộng.
Con người thường nghĩ trời mưa để mình làm ruộng, trời nắng để mình phơi lúa, tất cả mọi thứ đều để cho mình hết. Cho nên người nông dân khi làm ruộng gặp hạn hán liền than vãn kêu than tại trời đất. Ngược lại khi phơi lúa gặp mưa, chúng ta cũng nổi giận kêu trời nữa, bởi vì ông trời không chịu làm theo ý mình.
Từ chỗ chấp thân tâm này ngã cho nên một số người không biết trách móc ông trời, cho rằng trời sao quá bất công đi ngược lại sự mong muốn của mình. Khi việc gì được như ý thì chúng ta vui vẻ hả ha, thích thú từ khen mình sao quá hay, đến khi việc gì trái ý thì chúng ta lại tức giận đổ thừa tại bị thì là…. Vì không hiểu thấu lý nhân duyên nên chúng ta chấp chặt vào cái ta này mà bắt trời đất phải vì chúng ta. Cho nên bắt cả trời đất thiên nhiên đều phải hướng về mình, muốn cái gì trời đất cũng phải chiều theo mình. Bởi chúng ta chấp ngã cho mình là trung tâm của vũ trụ nên không thấy được lẽ thật của cuộc sống.
Kế đến là chúng ta nói về sự chấp ngã đối với muôn loài vật. Bởi chúng ta quen chấp ngã nên con vật nào mình nuôi, cũng đều bắt nó phải làm nô lệ để phục vụ việc làm cho mình khi cần thiết. Như có người nuôi chó nói là để giữ nhà, nuôi mèo để bắt chuột, nuôi gà để báo thức, nuôi trâu bò để kéo xe và cày ruộng. Chúng ta nói nuôi chó để giữ nhà, vì loài chó hay sủa người lạ đó là thói quen của nó chớ nó đâu có ký hợp đồng với mình là giữ nhà như hợp đồng bảo vệ gác cửa. Lỡ hôm nào bị mất đồ ta lại đổ thừa cho con chó tại sao mày ngu quá vậy rồi đánh nó, chúng ta xử sự như vậy có vô lý không? Con người hơn các loài vật là do có sự hiểu biết nhưng chỉ thấy cái ngã của mình là trên hết nên ép bức các loài vật để phục vụ cho riêng mình.
Bây giờ tới những con vật không do mình nuôi, như cá, tôm, cua và các loại thú rừng… Những con đó khi chúng ta giăng bẫy đánh bắt để ăn thịt, thì ta cho rằng là vật dưỡng nhân, trời sanh ra nó để phục vụ cho con người. Song những con vật đó nó có đồng ý để nuôi mình không? Hay là chúng ta ỷ sức mạnh để bắt chúng, con cá, con cua khi bị bắt làm thịt, nó cũng giãy giụa tìm cách thoát thân nhưng không được nên nó phải chịu chết. Chẳng qua vì nhu cầu ăn uống của chúng ta nên mình phải làm như vậy, chớ có ai sanh nó ra để cho con người ăn đâu.
Chỉ vì các loài vật nhỏ quá, không đủ sức chống lại con người dù là những con vật lớn mạnh hơn, con người dùng mưu mẹo để bắt, giết nên chúng đành phải chịu chết dưới tay con người. Nếu những loài vật đó biết nói tiếng người thì nó sẽ kiện loài người tội giết hại vô cớ. Con người vì sự sống của thân này mà ta đành lòng giết hại một cách tàn nhẫn các loài vật có bao giờ chấp nhận sanh ra để cho mình ăn đâu. Con người vì lòng tham lam ích kỷ tự đặt ra những điều kiện như vậy để ăn thịt chúng sanh.
Nhiều người khi ăn thịt cá cảm thấy ngon lành, không chút thương tiếc. Khi đói mình bắt những con vật để ăn, chúng ta phải hiểu rõ đây là do sức mạnh của con người dùng sức mạnh và trí khôn đàn áp nó, chớ không phải nó sẵn sàng tự nguyện nuôi mình. Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh nên khuyên người xuất gia không được sát sinh hại vật để ăn. Còn người Phật tử tại gia tuỳ theo khả năng mà cố gắng gìn giữ cho trọn vẹn. Như vậy ý nghĩa “vật dưỡng nhân” không phải là chân lý mà do một số người lợi dụng có quyền thế áp đặt ra, chính vì vậy nó không phải là lẽ thật. Vì chấp thân tâm này làm ngã mà mình đặt ra những điều vô lý để phục vụ lợi ít cho một số người. Đó là chúng ta nói về bản ngã của con người đối với thiên nhiên và các loài vật.
Kế đến là chúng ta nói đến sự chấp ngã của con người đối với con người. Vì thấy mình là cao sang quyền quý và cho phép mình được ăn trên ngồi trước nên một số người có thế lực sẽ đặt ra giai cấp cao thấp để bóc lột những người khác.
Theo lịch sử Ấn Độ cổ xưa, người Ba Tư cổ đại nay là Iran thuộc giống dân da trắng xâm lăng toàn thắng, dân gốc Ấn Độ là da đen. Để nắm quyền cai trị phân biệt chủng tộc giai cấp, một số người có quyền thế họ chế tác ra luật manu cho rằng trời Phạm thiên sanh ra vạn vật. Theo tập cấp phong kiến cổ xưa, ai sanh ra thuộc giai cấp nào thì trước sau phải chịu như vậy không thể nào thay đổi được, giống như tổ chức của các loài ong, loài kiến.
Bốn giai cấp này được sắp đặt và hình thành theo hệ thống pháp lý hẳn hòi dựa theo truyền thống xa xưa, có một đấng tối cao ban phước giáng họa trên thế gian này là đấng Phạm Thiên. Vậy phong kiến là gì? Phong kiến là phong chức cấp đất và phong kiến còn mang ẩn nghĩa là một tổ chức được sắp đặt theo loài ong, loài kiến.
Trong tổ của loài ong cấp nào việc đó, ong thợ chỉ một việc xây tổ, ong nước chuyên đi lấy nước, ong mật chuyên đi hút mật hoa, ong thầy thuốc chuyên lo pha chế mật hợp với từng loài, ong bảo vệ có trách nhiệm giám sát tuần tiểu cẩn thận, ong đực lo truyền giống, ong cái lo đẻ trứng. Chỉ một con ong cái, nhưng có cả hàng trăm con ong đực, nên ong cái được tôn vinh là ong chúa. Ong chúa được ăn một loại thức ăn đặc biệt, gọi là mật ong chúa. Khi ong chúa đến chỗ mật để ăn thì tất cả ong dân đều quỳ mọp hết, tỏ vẽ cung kính khép nép và sợ sệt.
Một con ong chúa, có khả năng sinh nhiều trăm ngàn con ong con. Trong tổ thiếu ong gì, ong thầy thuốc chế thức ăn để ong chúa ăn và đẻ ra thứ ong đó. Như tổ thiếu ong hút mật, thì ong chúa đẻ nhiều ong hút mật. Đặc biệt là đẻ ong chúa con, lâu lắm mới đẻ một lần, mỗi lần chỉ ba trứng. Nhưng thật dã man thay, ong chúa biết được giờ ong chúa con nở, nên ong chúa mẹ đã đến nằm chờ sẵn, trứng thứ nhất vừa nở ra, ong chúa mẹ liền cắn chết ong chúa con. Kế đến ong chúa con thứ hai, tiếp tục được sinh ra và vẫn bình yên vô sự.
Đây là điều kỳ lạ của loài ong, nhưng chị ong chúa con thứ hai này nằm chờ sẵn, đợi đến cô em ong chúa thứ ba vừa chào đời liền cắn chết. Dã man thay, gia đình loài ong là thế đó.
Tuy nhiên, con người thì khôn hơn, nên lợi dụng quyền thế sắp đặt chẳng khác nào loài ong, dưới danh nghĩa một đấng tối cao có quyền ban phước giáng họa để áp đặt và cai trị. Con người ngày xưa với thiên hình vạn trạng, so với bầu vũ trụ bao la này thật là nhỏ bé, nên không đủ sáng suốt biết rõ sự thật trước những hiện tượng như sấm sét, sóng thần, động đất, hõa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng của con người mà không ai tìm ra nguyên nhân, nên đành chấp nhận xuôi tay phó mặc cho số phận thượng đế đã an bài.
Ngày xưa người có quyền hành thế lực lợi dụng con người thiếu hiểu biết, nên đã đặt ra đấng quyền năng và tự xưng mình là thiên tử, tức con trời được đấng tối cao sai xuống trần gian để trị vì thiên hạ.
Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, con người ngày càng văn minh hơn nên đã phát hiện mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này đều do nhiều nguyên nhân hợp lại, không có cái gì do một nhân mà hình thành. Chính khoa học đã làm sáng tỏ học thuyết nhân quả nhà Phật, “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Không có gì là cố định cả, không ai có quyền ban phước giáng họa, giả sử nếu có thượng đế thì chỉ là thượng đế tối cao của chính mình. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Nếu thượng đế có khả năng ban phước giáng họa, tại sao không ban phước lành hết cho tất cả chúng sinh để cùng nhau chung hưởng sự bình yên, an vui hạnh phúc.
Theo truyền thống cổ xưa phong tục tập quán của người Ấn Độ luôn quan niệm rằng con người và vạn vật do đấng Phạm thiên sanh ra, ai như thế nào thì trước sau phải chịu như vậy. Giông giống như tổ chức của loài ong, chỉ có ong chúa mới định đoạt tất cả, mạng sống tất cả loài ong đều do ong chúa sắp đặt, không có ong dân nào có quyền làm khác. Con người có phước hơn các loài vật nhờ sự học hỏi, tư duy, suy xét, quán chiếu, các loài vật thì sống theo bản năng do sự tạo nghiệp nhân nào quả nấy nên chịu quả cố định, hay còn gọi là định nghiệp, nghiệp không thể thay đổi.
Con người ai sanh ra trong giai cấp nào thì phải chịu số phận của giai cấp đó, cụ thể như thời Phật còn tại thế và cho đến ngày nay vẫn còn như vậy ở đất nước Ấn Độ, phân chia ra làm bốn giai cấp:
1-Giai cấp Bà La Môn giáo nay là Ấn Độ giáo.
2-Giai cấp Sát Đế Lợi.
3-Giai cấp Tỳ Xá.
4-Giai cấp Thủ Đà La.
Ngoài ra còn có hạng người không được xúc chạm gọi là Chiên Đà La, hạng người này không được học hành, không có các quyền lợi về văn hóa kinh tế, nhu cầu sống bị mọi người xa lánh, coi thường, khinh rẻ, không gia đình không nhà cửa, không thân bằng quyến thuộc, bệnh tật, thất nghiệp, bị xã hội ruồng bỏ, sống lang thang vất vưỡng thiếu thốn khó khăn và đói rét.
Bà La Môn giáo thuộc quyền giai cấp giáo sĩ chuyên lo nghi lễ cúng tế cầu nguyện, hướng dẫn tu tập phạm hạnh, chuyên làm văn hóa chế tác luật lệ. Giai cấp này họ thường tự hào rằng, họ được sanh ra từ miệng đấng Phạm thiên. Miệng dùng để ăn uống nói năng giao thiệp, thuyết pháp hướng dẫn chỉ dạy cho tất cả mọi người nên giai cấp này được ăn trên ngồi trước, từ vua quan đến thứ dân đều phải tôn sùng và kính trọng.
Sát Đế Lợi là giai cấp vua quan nắm quyền sinh sát trong tay, muốn giết ai thì giết còn gọi là giai cấp chiến sĩ, võ tướng quý tộc. Nắm quyền cai trị điều hành xã hội, coi đất nước giống như lãnh thổ riêng của mình. Giai cấp này họ tự hào rằng được sanh ra từ hai vai của đấng Phạm thiên. Thân thể gồm có đầu mình và tứ chi, đôi vai luôn gánh vác hết cơ thể. Họ cho rằng mình là thiên tử tức con trời, được sai xuống đây để trị vì thiên hạ và thế là họ muốn làm gì thì làm, không ai có quyền ngăn cản.
Tỳ Xá là giai cấp thợ thuyền, buôn bán, làm ăn có nhiệm vụ cung cấp nhu cầu cần thiết cho cả nước, về phương tiện sinh sống đảm bảo an sinh cho hai giai cấp trên và họ tự hào được sinh ra từ bụng Phạm thiên, bụng là một chi phần tiêu thụ và dung chứa thức ăn để nuôi cơ thể. Vì được sinh ra từ bụng cho nên họ phải có nhiệm vụ, đáp ứng chu toàn đời sống no đủ cho mọi người giai cấp nắm quyền.
Thủ Đà La là giai cấp nô lệ phục dịch vô điều kiện sống rất cực khổ và bần cùng, họ được mệnh danh sinh ra từ hai bàn chân của đấng Phạm thiên. Hai bàn chân trong con người phải chịu hết toàn thân, bao nhiêu nặng nhọc hai bàn chân phải chấp nhận gồng gánh hết. Họ làm lụng vất vã nhọc nhằn nhưng cơm không đủ no áo không đủ mặc, lại bị đánh đập một cách vô tội vạ.
Ngày nay nếu ai có dịp đi Ấn Độ sẽ thấy rõ hơn những gì Phật nói cách nay mấy ngàn năm bây giờ vẫn tồn tại, thậm chí còn chia chẻ tỉ mỉ hơn hệ thống phân biệt khi xưa. Các giai cấp này theo học thuyết cha truyền con nối, không được chung đụng lẫn nhau. Người thuộc hai giai cấp dưới có nhiệm vụ phục tùng hai giai cấp trên vô điều kiện, cho nên cuộc sống của họ lúc nào cũng nhọc nhằn, khổ sở, nghèo hèn, thiếu thốn, khó khăn đủ thứ.
Đây là quan niệm theo xưa của thể chế phong kiến đất nước Ấn Độ còn ảnh hưởng đến ngày nay, họ thống trị con người như cách sống của loài ong, loài kiến. Quan điểm trên cho rằng nếu người giàu sẽ giàu mãi theo cách thức cha truyền con nối. Con vua thì được làm vua con sãi ở chùa thì quét la đa?
Ai lỡ sinh ra trong gia đình người nghèo sẽ nghèo cùng mãi mãi dù có cố gắng làm ăn và tệ hại hơn là loài súc sinh sẽ mãi là loài súc sinh để phục vụ ăn uống và làm việc cho con người. Nói như vậy có đúng không theo đạo lý làm người? Thực tế trên đời này thường cho ta thấy, có người thuở nhỏ bần cùng nghèo khó, nhưng khi lớn lên do siêng năng chăm chỉ tinh cần, tích cực làm việc, biết tiết kiệm và đáp ứng đúng nhu cầu sống của xã hội, nên hiện tại đã trở nên giàu có. Ngược lại có người đang giàu, nhưng do phung phí trác táng ăn chơi, hoặc công việc làm ăn bị thua lỗ, con cái bất hiếu phá sản cuối cùng thân bại danh liệt trở thành kẻ nghèo khổ, vậy giàu hay nghèo là do phước nghiệp và sự siêng năng tinh cần của người đó thì làm gì có giai cấp cố định như quan niệm khi xưa! Còn nếu bảo rằng tất cả đều do số mệnh đấng Phạm Thiên đã định sẵn thì vô tình phá huỷ đạo lý nhân quả, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, nên Phật dạy rằng:
Nếu do sự sắp đặt của đấng tối cao đối với bầu vũ trụ bao la này, thì tại sao con người lại giết hại lẫn nhau, trộm cướp, tà dâm, lường gạt, giả dối, sân hận, phỉ báng thô lỗ, khao khát, thèm thuồng, hiểm độc và hiểu biết sai lầm cho nên không biết nhận định đúng sai. Nếu ai đó lỡ làm việc xấu ác hại người vật thì đổ thừa số mệnh tôi là như thế, nên không biết hổ thẹn sám hối, ăn năn chừa bỏ để làm mới lại chính mình. Còn người nghèo dù có cố gắng làm việc thì vẫn nghèo vì số phận đã được sắp đặt và an bài. Nghèo cùng khốn khổ là do không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ chia sẻ khi gặp người hoạn nạn, hoặc do nhân trộm cướp lường gạt của người khác, làm biếng ăn không ngồi rồi, làm ít mà ăn nhiều, lãng phí của chung của mình thì bo bo nắm giữ keo kiệt, bỏn sẻn, hà tiện, rít rắm nên đời này phải chịu nghèo khổ.
Đạo Phật không chấp nhận học thuyết cái gì cũng đổ thừa cho số phận, nên cuối cùng cuộc sống giống như bèo dạt mây trôi. Trong khi đó mọi người có khả năng làm được tất cả, nếu người đó có ý chí và quyết tâm cao, thì không gì không thể làm được. Họ không biết rằng cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên, mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này, đều nương nhờ lẫn nhau không có một sự vật nào tách rời nhau mà bảo tồn sự sống. Nó là một dòng chuyển biến, chuyển biến liên tục trong từng phút giây. Con người từ khi mở mắt chào đời là đã chịu sự chi phối của nghiệp nhân quá khứ, rồi dần dần lớn khôn huân tập những thói quen mới.
Nếu sống gần gũi và học hỏi bắt chước người có nhân cách đạo đức, luôn làm những điều thánh thiện giúp ích cho nhân loại, thì phẩm chất của người đó trở nên tốt đẹp, cao quý có thể làm lợi ích cho nhiều người. Trái lại nếu sống gần gũi người xấu ác, bị nghiệp ác chi phối, lâu ngày sẽ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, phẩm chất và nhân cách người này trở nên thấp kém luôn làm khổ mình, khổ người. Như thế, cuộc sống của chúng ta đâu có gì là cố định, nó sẽ chuyển biến đổi thay tùy theo hành động của mỗi người nếu biết tu thân, tu giới, tu tâm niệm rộng lớn.
Hiện tại thế giới chiến tranh hỗn loạn, con người độc ác với nhau, bệnh tật nghèo đói, thiếu thốn khó khăn, chết chóc hoạn nạn, chẳng lẽ ông trời lại tạo ra như thế? Còn nếu chúng ta chấp nhận cuộc sống không có nhân quả nghiệp báo, đành phó thác đời mình cho số phận, chẳng cần phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời. Trong khi đó, con người có khả năng suy xét nhận định phát minh tư duy sáng tạo làm được nhiều việc không thể nghĩ bàn, làm gì có ai sắp đặt, nếu có thượng đế, thì chỉ là thượng đế của chính mình, mình làm tốt được hưởng phước báo, làm ác chịu quả khổ đau.
Cuối cùng là dòng Thủ-đà-la, giai cấp hạ tiện, tức dân nô lệ thấp kém nhất trong xã hội. Giai cấp này đi tới đâu phải rung chuông để cho các giai cấp trên tránh, vì họ sợ nhìn phải dòng Thủ-đà-la sẽ nhớp nhúa tới mắt họ.
Như vậy luật này do ai đặt ra? Có phải do những người khôn ngoan, có thế lực tự họ đặt ra để áp đặt những kẻ dưới quyền phục vụ nô lệ cho họ? Họ bắt những người cùng đinh, thợ thuyền, mua bán làm ra của cải để nuôi dưỡng, cung kính, thờ phụng mình. Vì cái gì biết bày ra để bóc lột mọi người?
Do sự chấp thân tâm này làm ngã thấy mình là chúa tể quyền năng vì muốn thụ hưởng cho riêng mình và dòng dõi nhà mình, nên những người có quyền thế đặt ra những điều luật như vậy để cai trị con người. Rõ ràng mọi sự bất công đó là vì chúng ta căn cứ trên nền tảng của sự chấp ngã mà ra. Muốn sung sướng, muốn được ăn trên ngồi trước, muốn được thụ hưởng lâu dài nên người ta đặt ra những luật lệ để khống chế những kẻ yếu thế hơn phục vụ họ vô điều kiện. Ngày hôm nay ai có dịp tham quan đất nước Ấn Độ sẽ thấy những gì Phật dạy năm xưa vẫn còn đó cho đến tận bây giờ.
Thời phong kiến quân chủ, mấy ông vua tự xưng là Thiên tử. Thiên tử là gì? Là con trời. Vì trời sanh ra muôn vật nên trời là trên hết, vua là thiên tử tức con trời, muốn giết ai thì giết, muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, ai không được lòng vua thì bị hạ xuống, không ai có quyền ngăn cản, không ai có quyền làm trái lại. Ở ngôi vị cao, có quyền lực họ tự đặt ra như vậy rồi bắt mọi người phải tuân phục theo họ vì sự làm chấp bản ngã là thật ta.Từ sự chấp ngã của con người cho nên có những quan niệm sai lầm phát sinh để bảo vệ cai tôi ích kỷ đó.
Do thấy biết sai lầm nên con người mới chấp ngã mà dần hồi phá huỷ sự sống của muôn loài vật. Cho nên kẻ thù lớn nhất của đời người là lầm chấp thân tâm này là thiệt, từ đó chúng ta mới sinh ra giết hại lẫn nhau để bảo tồn mạng sống này. Muốn phá trừ chấp ngã đức Phật dạy chúng ta phải biết quán sát và ứng dụng lý nhân duyên. Vì từ thiên nhiên cho tới muôn vật trên thế gian đều tùy thuộc vào lý nhân duyên. Nếu thấu tột được lý nhân duyên, chúng ta sẽ không còn chấp ngã nữa và thành tựu vô ngã, vị tha.