;
Thực tế chúng ta thấy, mọi vật sinh khởi trong thời gian và cũng hủy diệt trong thời gian, hữu sinh tất hữu diệt, đó là một quy luật chẳng những đúng cho vạn vật, mà còn cho tất thảy mọi chúng sinh. Bởi sinh, lão, bệnh, tử là một tiến trình không thể nghịch đảo trong chu trình khắc nhiệt của thời gian tuyến tính.
Thời gian vừa là người sáng tạo vừa là kẻ hủy diệt, vậy nên phải đánh giá như thế nào về vai trò của thời gian trong sự tồn tại của đời sống con người? Và phải đánh giá như thế nào về cái thời gian một đi không trở lại khiến cho bao người luyến tiếc khôn nguôi về những hoài niệm vàng son quá khứ.
Có lẽ cảm xúc trên đã khiến nhà văn Pháp Margel Prous viết nên cuốn tiểu thuyết triết học nổi tiếng “Đi tìm thời gian đã mất”. Trong chuyện, ông đã mê hoặc độc giả bằng hình ảnh của những nàng trinh nữ trong trắng và những chiếc bánh M. anisopli-ae-đơ-len ngon lành từ trong quá khứ ngọt ngào của ông. Thế nhưng cũng chính cái thời gian quá khứ mà không ít người trong chúng ta xem là quý báu vàng son ấy, đối với W.Faulkner - nhà văn Mỹ được giải Nôben, thì thời gian đối với ông nó chẳng qua chỉ là thứ sản phẩm máy móc của chiếc đông hồ mà ông từng ngấm ngầm nguyền rủa mà thôi!
Từ những quan niệm và cảm xúc trái ngược nhau của con người về thời gian đã cho thấy ý nghĩa triết học của nó đối với đời sống con người thật vô cùng quan thiết. Bởi vậy mà không ít các nhà khoa học cũng như các Phật tử tâm huyết rất tâm đắc đối với những luận điểm của Thiền sư Đạo Nguyên (Dozen, 1200-1253) đã được nêu nên trong thiền khảo luận nổi tiếng của ông về thời gian với tên gọi Trực thể thời gian (etr Temps), đại thể như sau:
-Khảo cứu chân lý là khảo cứu thời gian
-Khảo cứu thời gian là khảo cứu đời người.
-Khảo cứu đời người là khảo cứu thân phận “cái tôi” của nó.
Khảo cứu “cái tôi” là khảo cứu sự tồn tại của nó trong thời gian, và qua đó tìm ra ý nghĩa giải thoát tối hậu cho nó.
Có thể vì những ý nghĩa hiện sinh nhân bản như vậy nên từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã có biết bao nhà tư tưởng ra sức tìm tòi, những mong khám phá bản chất đích thực của thời gian, để phục vụ cho mục đích trên.
Quả thật, thời gian là một thực thể khó nắm bắt, khó định nghĩa, bản thân nó là một cái gì đó vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa minh nhiên, vừa hàm chứa, đầy bí ẩn mung lung.
Chẳng thế mà khi được hỏi về thời gian, Thánh Augustin đã nói: “Thời gian, tôi có thể biết rất rõ nó là như thế nào, song tôi lại không sao mô tả cho người khác biết được”. Chung quy, khía cạnh triết học mà con người quan tâm là thời gian có phải là thực thể tự hữu hay không? Hoặc giả nó chỉ trừu tượng, tồn tại đơn thuần trong ý thức của con người? Trả lời những câu hỏi trên theo cả hai hướng khẳng định, hay phủ định đều không đơn giản.
Bởi lẽ theo Thiền sư Long Thọ - người được xem là một trong những triết gia biện chứng lỗi lạc nhất của mọi thời đại - đã xây dựng lên trường phái Trung Quán Luận nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa. Theo trường phái này, bất cứ một luận điểm khẳng định nào cũng tất yếu dẫn đến một luận điểm phủ định. Do đó, sự chứng minh của một định đề thường không vượt qua được một phản đề.
Tuy nhiên, nghịch lý này chỉ là sản phẩm của thế giới hiện tượng, chứ không phải là bản chất bất khả tri của nhận thức. Bởi vậy, chân lý theo Long Thọ không phải là khẳng định, cũng không phải là phủ định, mà là trung điểm (Madhya). Nhân đề cập đến Trung Quán Luận nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa, thêm một lần chúng ta lại có dịp tri ân đối với Tổ Long Thọ trong dòng Thiền tông thanh tịnh Thích Ca Văn, hay còn có tên khác (Như Lai Thanh tịnh thiền).
“Ngài Long Thọ là Tổ sư đời thứ mười bốn (14) trong số 28 đời tổ sư Thiền tông Ấn Độ. Ngài ngộ thiền và được trao truyền bởi Tổ Ca Tỳ Ma La (Kipimala) tức đời tổ thứ (13) trong dòng Thiền tông nói trên”.
Theo lịch sử thiền tông, trước khi chưa ngộ thiền, tức chưa gặp Tổ Ca Tỳ Ma La truyền trao cốt tủy Thiền tông hay gọi là “Bí mật thiền tông”, ngài Long Thọ mặc dù với kiến thức sâu rộng, nhưng ngài mới chỉ hiểu về sự “Vô thường” của đạo Phật thuộc Tam giới, chứ chưa hiểu được ý nghĩa sâu mầu vi diệu của lý lẽ “Chân thường” ngoài tam giới của Phật giáo. Đó là ý nghĩa giải thoát rốt ráo căn bản được đề cập trong giáo lý, nhằm giúp chúng sinh vượt thoát ra ngoài quy luật cuốn hút luân hồi của (vật lý) trong tam giới.
“ Long Thọ khi còn tại thế, người đời thường gọi là (Bồ-tát Long Thọ), ngài sinh sau đức Phật nhập diệt Niết bàn 517 năm, ở miền Tây nước Ấn. Thủa nhỏ ngài đã bộc lộ pháp khí và thích nghe kinh Phật, có trí nhớ biệt tài khi nghe ông Phạm Chí tụng hết 4 bộ kinh Phệ Đà ngài thuộc lòng ngay. Ngài thích tìm hiểu tất cả những gì ở thế gian này như: Thiên văn, Địa lý, Toán học, Văn học, Thần học, Sấm truyền, Ảo thuật, Tôn giáo... Tất cả các môn học này ngài đều học xuất sắc!
“Trong Phật giáo có môn “Vô thường học”, ngài nhận biết pháp môn này rất rõ ràng tường tận, nên vào núi tìm một hang đá, ngài đặt tên là hang “Vô thường”. Dân chúng xa gần tìm đến ngài học rất đông.
Tổ Ca Tỳ Ma La nghe danh Long Thọ- nên cũng tìm đến hỏi ngài: “Ở đây ông dạy Vô thường, chứ ông có biết gì là “Chân thường” không?
-Ngài trả lời: “Vũ trụ!”
-Nghe Long Thọ trả lời, tổ Ca Tỳ Ma La liền nói với Long Thọ: “Ông biết một, chẳng biết hai / Biết được như vậy, theo hoài trầm luân”.
Vừa nghe xong mấy câu kệ trên của Tổ Ca Tỳ Ma La, ngài Long Thọ liền thưa: “Như vậy, tôi làm sao biết cái “Chân thường” để không trầm luân, xin thầy chỉ dạy, tôi xin cám ơn?!
-Tổ Ca Tỳ Ma La hỏi tiếp: Ông biết cái “Chân thường” để làm gì?
-Ngài Long Thọ như bị thuyết phục thưa: Nếu biết cái gì là “Chân thường”, con sẽ sống với cái ấy.
Tổ Ca Tỳ Ma La đọc tiếp bài kệ 52 câu, ý nội dung bài kệ ám chỉ: “Dù ông có tài giỏi tất cả các môn (chỉ pháp phương tiện thiện xảo thế gian) như Thiên văn, Địa lý, Văn học, Toán số, Thần học, Sấm truyền…thông tuệ đến mức nào, thì cũng chỉ đem cái vô thường của mình lừa người. Kết cục thì cũng đều nằm trong quy luật thành, trụ, hoại, diệt mà thôi (kể cả vũ trụ).
Nghe tổ Ca Tỳ Ma La đọc 52 câu kệ chỉ ra chỗ “Chân thường” mà mình muốn biết, ngài Long Thọ bỗng thốt lên đọc 44 câu kệ của mình trình tổ Ca Tỳ Ma La về sự nhận ra lẽ thật “Vô thường” và “Chân thường” của mình và cho rằng, tất cả các môn học của mình từ trước đến nay đều là (hữu danh giả lập hư vọng) thuộc về thế gian pháp, đây chỉ là (thành tựu trong tam giới) vẫn bị chi phối bởi sinh diệt luân hồi!
Qua 44 câu kệ trình tổ, Long Thọ đã nói rõ được sự ngộ đạo của mình qua lý “Vô thường” và “Chân thường”, tổ Ca Tỳ Ma La sau đó đã nhận Long Thọ làm đệ tử, khi ngài Long Thọ được 52 tuổi, tổ Ca Tỳ Ma La (đời thứ 13) đã truyền y bát và “Bí mật thiền tông” cho Long Thọ - tiếp nối dòng Thiền tông hay còn gọi là Như Lai Thanh tịnh thiền. Long Thọ là Tổ thứ 14”.
Vậy nên, Trung Quán Luận ra đời đã bác bỏ những quan điểm phiến diện, cực đoan và siêu việt lên trên mọi có chấp của đời thường. Xuất phát từ ý nghĩa vi tế và sâu mầu của luận điểm nói trên mà Trung Quán Luận có hai loại chân lý:
1-Chân lý Tuyệt đối (Absolute Reality): Chân lý này bất khả tư nghị (unthikable), không có thể nghĩ bàn mà tới được và chỉ có thể được chứng nghiệm bởi những ai đã ngộ đạo.
2-Chân lý Tương đối (Relative Reality): Thuộc thời gian nên nó còn được gọi một cách rất có ý nghĩa là Chân lý Thời gian, bởi những khái niệm của nó thường chỉ có giá trị trước những gì xảy ra trong khuôn khổ của thời gian tương đối thuộc về thế giới hiện tượng, nên nó hoàn toàn bất lực trước chân lý tuyệt đối nằm trong Không - Thời gian.
Như vậy, theo các nhà khoa học nếu phải so sánh, thì trước A.einstein gần 2000 năm Thiền sư Long Thọ đã thấu hiểu tính tương đối của thời gian, và coi đặc điểm tuyến tính của thời gian chỉ là ảo giác nơi con người. Tuy nhiên, khái niệm về thời gian tuyến tính đã thống trị tư duy vật lý cổ điển của Newton trong suốt mấy trăm năm.
Thời gian - theo quan niệm của vật lý cổ điển là một thực thể độc lập tuyệt đối trong vũ trụ, nó đã trôi đi theo một chiều bất thuận nghịch từ vô thủy đến vô chung, nó không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ những gì xảy ra trong vũ trụ, mặc cho không gian bao la, mặc cho các vật thể chuyển động, các lực hút, lực đẩy tạo nên trường hấp dẫn trong đó, nó vẫn cứ liên tục, đều đều trôi đi một cách vô cảm và bất biến. Vậy nên ý nghĩ cho rằng, thời gian là một thực thể tuyệt đối đã ngự trị đầu óc con người từ ngàn xưa âu cũng là chuyện tự nhiên vậy.
Phải tới năm 1915, khi thuyết tương đối toàn phần của A.einstein ra đời, ông chỉ ra rằng: “Tất cả mọi chúng ta đều đã bị lừa, bản chất đích thực của thế giới không phải như chúng ta tưởng, những gì mà chúng ta vẫn cho rằng ổn định, là bất biến, tuyệt đối, thật ra chỉ có giá trị tương đối trong phạm vi nhỏ hẹp của đời sống hàng ngày mà thôi. Xét về căn bản, chúng chẳng có gì là bền vững và ổn định mà hoàn toàn hư ngụy - Vật chất hư ngụy - Không gian hư ngụy - và thời gian, cái tưởng như tuyệt đối, cũng chỉ là hư ngụy nốt”.
Einstein đã chứng minh thời gian tuyến tính chỉ là ảo giác của con người thay thế nó bằng khái niệm Không - Thời gian bốn chiều (Continuous for dimensional space time). Theo khái niệm này, Thời gian kết hợp với Không gian thành một liên thể bốn chiều thống nhất, và sự thống nhất đó còn được mở rộng sang phạm trù vật chất qua hệ thức vật lý căn bản nổi tiếng: E = MC2. Hệ thức này nói với chúng ta rằng, vật chất vốn chỉ là năng lượng ẩn trong khối lượng, và nó là dạng thức tồn tại chủ yếu trong thế giới hiện tượng.
Chính sự tồn tại và vận động của nó đã tạo nên không gian và thời gian, hay chính xác hơn là tạo nên những đặc tính của không gian và thời gian. Như vậy, không gian định hình bởi vật, và thời gian định tính bởi sự liên kết mật thiết với vật chất và không gian, theo nghĩa tương tác nhân duyên, tức là cái này tạo tác thành cái kia và ngược lại. Đúng như lời dạy của kinh điển giáo lý đạo Phật: “Không làm gì có cái gọi là Thực thể tuyệt đối tự hữu”.
Theo các nhà khoa học nghiên cứu cho rằng, sự đồng nhất đã khiến các thực thể vật chất, không gian và thời gian dung thông nhau, nên có những đặc tính của nhau. Do đó, về mặt lý thuyết, thời gian trong thuyết tương đối có thể tiến về tương lai hoặc lui về quá khứ, hệt như trong không gian ta có thể tiến lên phía trước hoặc lùi lại phía sau vậy. Tuy nhiên, điều này chỉ được quan sát thấy trong thế giới vi mô, biểu hiện qua sự phân rã của các hạt cơ bản mà sự hợp tan, tan hợp của chúng đúng với cả hai chiều thuận nghịch. Lại nữa, thời gian cũng không phải trôi đi đều đều bất biến, mà sự trôi nhanh hay chậm là tùy thuộc vào sự vận động và mật độ vật chất quanh chúng tạo ra.
Tính đồng nhất của thế giới hiện tượng còn bao gồm cả con người chúng ta, biểu hiện trong sự nhận thức thế giới đó. Giáo sư Hubert Reever giảng dạy khoa Vũ trụ luận trường Đại học Paris đã nói rất hay rằng: “Phải chăng con người chúng ta nhận thức được vũ trụ sinh ra từ vụ nổ Big Bang là vì cơ thể của chúng ta được cấu tạo bởi những nguyên tử của vụ nổ đó, nên vẫn còn mang theo những ký ức về nó?”. Giả định đầy lãng mạn đó của ông không phải không có những nhân tố hiện thực.
Thật vậy, theo giáo lý đạo Phật con người chúng ta đặc trưng bởi cái cơ thể Tứ đại gồm: đất, nước, gió, lửa vốn có cấu trúc từ những hạt vật chất cơ bản tạo thành vũ trụ. Nên những đặc tính của không gian ba chiều và thời gian một chiều đã nằm ngay trong những giác quan nhận thức của chúng ta về thế giới đó. Nói một cách dễ hiểu hơn, sở dĩ chúng ta nhận thức được các vật thể có ba chiều trong thế giới bởi chúng ta là những sinh vật ba chiều.
Với thời gian một chiều cũng vậy, mặc dù A.einstein đã chứng minh nó chỉ là ảo giác của con người; song, không một ai trong chúng ta có thể khắc phục được cái cảm giác về mũi tên thời gian luôn luôn chuyển động từ quá khứ đến tương lai. Điều này cho thấy cơ chế thời gian một chiều dường như đã được lập trình trong từng tế bào của mỗi chúng ta là để đi từ chiếc nôi (sinh) đến nấm mồ (tử) chứ không phải theo chiều ngược lại. Tóm lại, chúng ta nhận thức được thế giới hiện tượng đúng như quan niệm truyền thống, là do sự tương đồng của chính bản thân chúng ta với những thành phần cơ bản của thế giới ấy.
Khái niệm đồng nhất như vậy đã được mở rộng sang lĩnh vực nhận thức thuộc phạm trù tinh thần của con người. Điều này rất có ý nghĩa, bởi nó xóa nhòa cái ranh giới giữa khách thể và chủ thể mang tính nhị nguyên, mà theo nhận định bất hủ của Đạo sư Tây Tạng nổi tiếng Milarepa thì đó chính là: “Hai ngụy thuyết căn bản đó đã giam hãm con người trong vỏ bọc vô minh”.
Tuy nhiên, tính đồng nhất của thế giới hiện tượng một mặt đã tạo nên chỉnh thể của nó, mặt khác đó cũng chính là sợi dây ràng buộc vô cùng khắc nghiệt đối với mỗi cá thể bất kỳ, trong một thế giới bị những điều kiện hóa chặt chẽ bởi những đặc trưng cố hữu của nó nên đạo Phật gọi là hữu ngại. Trong thế giới đó con người bị trở ngại, bị hạn chế, bị ngăn cách bởi không gian, thời gian và bởi các sự vật khác mà nguyên nhân chính là do sự đồng nhất của bản thân con người với thế giới đó! Ngẫm lời Phật dạy thật chí lý “hữu thân hữu khổ”, hoăc câu của Lão Tử cũng tương tự: “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân”. Nghĩa là (ta sở dĩ còn khổ vì hoạn nạn cũng bởi do có cái thân này).
Cùng với tư tưởng minh triết trên, khi nhận định về kiếp nhân sinh, các nhà khoa học hiện đại ngày nay qua nghiên cứu cũng cho rằng, trong muôn ngàn trở ngại của thế giới hữu ngại làm nên nỗi khổ đời người, chung quy thời gian là nỗi khổ đã dằn vặt, ám ảnh con người nhiều nhất. Bởi lẽ mỗi con người là một hệ thống khép kín, nên nó chịu sự chi phối chặt chẽ của một định luật khoa học rất nổi tiếng, có liên quan đến thời gian, và định luật này đã ảnh hưởng sâu sắc tới triết học và xã hội học đương thời.
Đó là Định luật thứ hai của Nhiệt động học (Law of entropy) thường được phát biểu như sau: “Trong những hệ thống khép kín thì vô trật tự tức là sự hỗn độn của hệ thống đó luôn gia tăng theo thời gian. Bởi vậy mà các nhà khoa học cho rằng, mọi vật luôn tiến triển theo chiều hướng xấu đi”. Chẳng hạn, một chiếc cốc lành ở trên bàn biểu thị cho trạng thái trật tự cao, một chiếc cốc vỡ trên sàn nhà biểu thị cho trạng thái hỗn độn. Con người chúng ta chỉ có thể đi từ chiếc cốc lành ở trên bàn trong quá khứ, đến chiếc cốc vỡ dưới sàn nhà trong tương lai, chứ không thể đi theo chiều ngược lại.
Có thể nói, sự chuyển động của mũi tên nhiệt động học theo hướng gia tăng sự hỗn độn trong thời gian, đã minh họa cho lời dạy đúng đắn của giáo lý đạo Phật về tính chất vô thường của chúng sinh và vạn vật trong thế gian. Thật vậy, mỗi chúng sinh chỉ là một hệ thống nghiệp báo được khép kín trong chu trình Sinh, Lão, Bệnh, Tử nên toàn thể vạn vật trong vũ trụ cũng chỉ là một hệ thống nghiệp báo cộng đồng, cho dù vô cùng rộng lớn, vô cùng dài lâu, cũng vẫn phải khép kín trong chu trình Thành, Trụ, Hoại, Không của nó. (Quan điểm này đối chiếu giữa khoa học hiện đại ngày nay với Phật giáo đã gặp nhau).
Hiển nhiên, ngày nay chúng ta đều đã biết vũ trụ mà chúng ta đang sống được sinh khởi cùng với thời gian cách đây khoảng 15 tỷ năm trong một vụ nổ lớn, và tất yếu sẽ đứng trước hai cái chết đang chờ đợi nó trong tương lai. Hoặc chết bởi sự tiêu hủy của một vũ trụ ‘co’về trạng thái nhiệt độ ban đầu khủng khiếp của nó, hoặc chết do sự giá lạnh của một vũ trụ dãn nở cho đến hết năng lượng. Bề nào thì sự kết thúc của vũ trụ cũng sẽ khiến vật chất của nó bị phân rã và tan vào hư không, do đó sẽ kéo theo sự kết thúc của thời gian.
Trạng thái này của vũ trụ hoàn toàn giống với thời kỳ gọi là (không kiếp) được mô tả trong nhiều cuốn kinh của Phật giáo. (Đương nhiên điều nói trên sẽ xảy ra, nhưng thời gian lâu hoặc mau còn phụ thuộc vào “thức” của con người). Bởi trong giáo lý đạo Phật chúng ta thấy có một câu kinh điển bất hủ có ý nghĩa “giải mã” cho mọi hoàn cảnh đó là “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Vậy rất cần chúng ta cùng suy niệm vấn đề này cho tinh thần Thiện Pháp.
Một khi ta nhận thức được tính hữu hạn của thời gian là sinh khởi và kết thúc cùng vũ trụ tức thị, thì đặc điểm tuyến tính giả hiệu của nó biến mất, mà thay vì chỉ còn một thời gian cầu tính, tròn trịa - sản phẩm của nghiệp báo luân hồi – được khép kín cùng chu trình sinh diệt thế gian. Từ khái niệm tuyến tính (Linear) kéo dài vô hạn, đến khái niệm cầu tính (Spheric) khép kín hữu hạn, thời gian đã thay đổi bản chất của nó, biểu hiện ở sự gắn liền của nó cùng với chu trình sinh diệt của cảnh giới mang nghiệp báo luân hồi. Nên về thực chất, thời gian là đồng nhất với nghiệp.
Nhận thức này sẽ khiến ta ngộ ra rằng: không hề có sự trôi đi của một thời gian đích thực nào cả! mà chỉ có chu trình sinh diệt của những thực thể mang nghiệp báo luân hồi (bao gồm vạn vật vô tri và chúng sinh hữu tình), được lập trình theo trật tự nhân quả, đã tạo ra cái ảo giác về sự trôi đi theo một chiều của cái gọi là Thời gian tuyến tính.. Hoặc nói một cách khác chặt chẽ hơn, khái niệm thời gian tuyến tính chỉ là sản phẩm được sinh ra từ ý niệm nhân quả mà thôi.
Tình hình cũng giống như khi ta đang đi trên một con tầu vậy. Sự chuyển động của ta theo con tầu luôn tạo ra cái ảo giác về sự trôi đi của cảnh vật hai bên đường. Khi nào con tầu dừng lại, cảnh vật sẽ dừng trôi. Điều này hoàn toàn đúng cho những chủ thể đang hành trình trên con tầu nghiệp báo của chu trình sinh diệt. Chính là sự chuyển động theo tiến trình nhân quả của con tầu đã tạo nên cái ảo giác về sự trôi đi của thời gian. Một khi con người dừng lại, xem như các chủ thể đã đoạn nghiệp nên thấy thời gian lập tức ngừng trôi.
Các nhà Thiền học nổi tiềng của đạo Phật hiểu rõ điều này không phải bằng suy luận thuần túy, mà bằng sự trải nghiệm qua thiền định của chính bản thân họ. Ta hãy nghe Thiền sư Đạo Nguyên nói về bản chất bất động nói trên của thời gian:
“Hầu hết mọi người tin rằng thời gian đã trôi qua; trong thực tế nó ở đâu vẫn nguyên đó. Cái ý niệm về sự trôi qua này có thể gọi là thời gian, nhưng đó là một ý niệm không đúng, bởi vì người ta chỉ coi như nó đi qua, mà người ta không hiểu được rằng, nó ở chỗ nào vẫn nguyên chỗ ấy” (Nguyên văn trong tiếng Anh - tác giả Chí Anh).
Ý tưởng về sự bất động của thời gian nói trên có vẻ là một nghịch lý đối với chúng ta, nhưng nó lại rất tương đồng với sự suy luận của các nhà vật lý hiện đại về bản chất động và bất động của thời gian, biểu hiện qua sự khác nhau của thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Thời gian tâm lý là thời gian trôi theo đời người, mà tất cả mọi chúng ta đều phải gánh chịu.
Hiển nhiên sự phân chia giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đã chi phối đời sống của chúng ta, làm nên những số phận khác nhau và chính nó đã tạo nên nền tảng ngôn ngữ của con người với các động từ được phân chia rành rẽ ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Như vậy, xem như thời gian có chuyển động, song, khi mô tả cụ thể sự chuyển động của nó lại không phù hợp với ngôn ngữ của vật lý học hiện đại.
Chẳng hạn, nếu thời gian có chuyển động thì vận tốc của nó bằng bao nhiêu? - một câu hỏi thật vô nghĩa! Mặt khác, nếu cho rằng chỉ có thời điểm hiện tại là thực tại thời gian duy nhất. Điều này lại không tương thích với thời gian của lý thuyết tương đối mà einstein đã nói rõ rằng: “Quá khứ của người này có thể là hiện tại của người khác và thậm trí còn là tương lai của người khác nữa!”
Vậy, với thời gian vật lý, không còn phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả mọi thời điểm là bình đẳng như nhau, vì khái niệm phân chia ba thời bị loại bỏ nên thời gian ở đây thực chất đúng như sự mô tả của Thiền sư Đạo Nguyên là nó ở chỗ nào vẫn nguyên chỗ ấy.
Tuy nhiên, các nhà vật lý vẫn chưa hiểu do đâu có sự khác biệt giữa thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Theo thiển ý của chúng tôi, vấn để sẽ khó rõ ràng nếu ta gọi thời gian tâm lý trôi theo dòng sinh diệt thế gian là Thời gian nghiệp báo, và gọi trạng thái không trôi của thời gian vật lý là Thời gian phi nghiệp.
Bởi như đã trình bày ở phần trên, thời gian là đồng nhất với nghiệp, nên chuyển động tuyến tính của nó chỉ là ảo giác của con người còn mang nghiệp báo trong thế giới nhân quả (Điều này đã được Thiền sư Long Thọ chỉ rõ) và một khi không còn nghiệp báo, chủ thể sẽ chứng nghiệm sự tĩnh tại hoàn toàn của trạng thái phi thời gian- tức Thời gian Phi nghiệp vậy.
Phải chăng, vì thấu hiểu điều này, nên các truyền thống tôn giáo Đông phương, mà tiêu biểu là Phật giáo và Ấn giáo luôn chỉ dẫn cho tín đồ của họ những phương cách để vượt lên kinh nghiệm thông thường về thời gian, và tự giải thoát khỏi vòng nhân quả, khỏi nghiệp báo luân hồi. Bởi vậy, người ta thường nói rằng mục đích của Huyền học Đông phương là sự giải thoát khỏi thời gian. Vậy giải thoát khỏi thời gian chủ thể sẽ đi về đâu? Theo quan niệm Phật giáo, chủ thể sau khi tu tập đã dừng nghiệp, tức thị trở về trạng thái chân tâm, hoàn toàn vô ngã nên nó đã siêu việt vượt lên trên mọi cảnh giới còn mang nghiệp báo, để đồng nhất hòa với cái “không” bản thể của cảnh giới phi thời gian tức thời gian phi nghiệp. Đây chính là cảnh giới của các vị Phật và những chúng sinh tu hành đắc đạo, chứng được A-la-hán quả, nên ở đó không còn phân biệt chủ thể, khách thể mà hoàn toàn bình đẳng, tự tại bất biến và thường định trong cái tuyệt đối tĩnh lặng của trạng thái phi thời gian.
Vậy nên các chủ thể một khi đã đồng nhất với nó sẽ không còn sinh diệt, không còn nhân quả, không còn sự phân chia quá khứ hay vị lai. Do đó, không còn khái niệm trước sau. Tóm lại, mọi rào cản hữu ngại đã bị gỡ bỏ, nên tất cả đồng hiện ra trong một cái thấy toàn diện, nhất như của trí tuệ vô ngại trong một sát na (lượng tử thời gian) hiện tiền. Đúng như Đức Phật khi thành đạo, Ngài đã thấy lại vô lượng kiếp của bản thân và vô lượng kiếp vị lai của chúng sinh khốn cùng khổ đau hiện ra trong thời khắc hiện tiền. Đó là cái hiện tiền vĩnh cửu dung nạp cả quá khứ lẫn vị lai trên mặt bằng của nó, mà Thiền sư SUZUKI (Nhật Bản) đã mô tả như sau: “Trong cõi giới tâm linh này, không hề có sự phân chia thời gian thành quá khứ, hiện tại hay tương lai; bởi vì thời gian đã tự thu vào chỉ trong một khoảnh khắc hiện tại mà thôi” (Nguyên văn trong bản tiếng Anh - tác giả Chí Anh).
Và cái hiện tiền vĩnh cửu nói trên chính là sát na thành trụ mà Lục Tổ Huệ Năng gọi là cái hiện tại tuyệt đối, không bị hạn chế bởi ranh giới nào, nên nó chính là niềm vui bất diệt. Nói một cách khác, sát na ấy là cảnh giới “Như thị” của bậc đạt đạo đã chứng nghiệm cái vô sinh của nhà Phật.
Tuy nhiên, đạo Phật không chỉ quan tâm tới mục đích xuất thế siêu phàm mà quên đi nỗi bức xúc của chúng sinh trong thời gian. Bởi chúng sinh hiện hữu ở thời gian, nên tồn tại theo thời gian, do đó, có thời gian từ khi tạo nghiệp cho đến lúc chịu nghiệp báo. Chừng nào còn nghiệp thì thời gian còn theo nó như hình với bóng. Hiểu rõ thực tế này nên các Thiền gia đạo Phật luôn hướng dẫn chúng sinh những phương cách để thích nghi và vượt lên thời gian hiện tồn của chủ thể, bởi xem nó là người bạn đồng hành của những ai còn mang nghiệp báo luân hồi.
Chấp nhận thực tế này, thông qua việc hành thiền sẽ giúp chúng ta chung sống một cách dễ chịu với thời gian, qua đấy tìm thấy cảm giác tự do và cảm xúc sáng tạo của con người nhập thế. Hơn thế nữa, việc hành thiền sẽ giúp ta tái lập cơ chế bản nguyên của tính con người vốn là tự tại và thường trụ ở bên ngoài thời gian (Điều này được hiểu đó là khơi dậy tánh Phật vốn có trong mỗi con người, bởi tánh người bị tam độc…vô minh che khuất).
Vì vậy, thiền chính là phương pháp hay gọi cho dễ hiểu là phương tiện để làm sáng lại dần dần cái tánh Phật vốn có, nhưng bị (16) thứ của tánh người ngăn che, nhằm đạt tới sự giác ngộ, để thấy rõ “cái tôi” thực sự trong một thực tiễn thời gian duy nhất của một hiện tiền vĩnh cửu. Như vậy, là ta đã siêu việt trên thời gian trong tư cách của con người xuất thế. Khắc chế được cái cảm giác dằn vặt đau đớn về thời gian luôn lẽo đẽo bám theo kiếp người.
Ý nghĩa giải thoát đích thực của con người là sự giải thoát khỏi thời gian.Và muốn vậy, chúng ta hãy đảo ngược những quan niệm cố hữu đã từng dính mắc về thế giới hiện tượng do nghiệp lực tạo nên ở mỗi người chúng ta, bởi sức cuốn hút vật lý trong tam giới. Để thoát khỏi sức cuốn hút này, chúng ta không thể trông chờ vào việc dụng công ngồi thiền quán tưởng mà được giác ngộ-giải thoát (đương nhiên ngồi thiền cúng giúp ta dẹp được những bấn loại thế trí), nhưng cái mấu chốt cốt tủy của thiền là vấn đề trí huệ mới giác ngộ- giải thoát được.
Song phàm tình thì người ta thường nói gộp cụm từ: giác ngộ - giải thoát. Nhưng thực tế, giải thoát theo giáo lý đạo Phật cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Có những thành tựu giải thoát trong tam giới (đây chưa phải là giải thoát đích thực theo quan điểm rốt ráo của nhà Phật); bởi nó vẫn nằm trong luật nhân quả luân hồi trong tam giới. Giải thoát mà đức Phật dạy đó là, về quê hương của cõi vô sinh, tức thoát khỏi sức cuốn hút của tam giới - để trở về Phật giới (bể tánh thanh tịnh).
Vậy, dẫu thực hiện phương pháp thiền nào, thì chúng ta cũng phải hiểu đâu là Phật tánh? Và đâu là tánh người? Thiền cũng có nghĩa là (biện tâm) như thế, là tuệ tri thường hằng như thế. Bởi theo Phật dạy, vô trụ tam giới “để tâm thanh tịnh luân hồi dừng ngay”. Đây là pháp tu Như Lai thanh tịnh thiền mà Bồ tát Long Thọ đã ngộ ra lẽ Vô thường và Chân thường theo Pháp này vậy.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo:
-Thiền học đời Trần - Nhiều tác giả - (Nxb Tôn giáo 2006)
-Thiền học – Nguyễn Đăng Thục- (Nxb. Tp. HCM- 1985)
-Thiền Uyển Tập Anh - Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị tổ sư Thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam.( Nxb-Tôn giáo-2011)
-9 Yếu tố phát triển thiền quán – Sayadaw Ukimdalabhivamsa (Tỳ kheo Thiện Minh dịch-Nxb.Tp.HCM – 2000)
-Bài: Khoa học hiện đại hướng đến Phatgiao -tác giả Truyền Bình - (phatgiao.org.vn- ngày 30/9/2016)
-Vô thường và chân thường – Nguyễn Đức Sinh –phatgiao.org.vn – ngày 30/11,2018)
-Bài: Đối chiều khoa học với Phật giáo và Nghiên cứu Phật giáo hiểu biết già về thế giới - tác giả Truyền Bình - ( phatgiao.org.vn ngày 11/8/2015 và 7/1/2016)
-Thời gian với ý nghĩa giải thoát của đạo Phật – tác giả Chí Anh- (Tạp chí nghiên cứu Phật học - (63) Tháng 1/2003)