;
Giới lớn nhất là giới bình đẳng. Phải thấy tâm bình đẳng. Phải giữ tâm bình đẳng. Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu đã nói với
tôi như thế từ nhiều thập niên trước. Bản thân tôi vốn là một kẻ tối dạ, nên đã choáng váng ngay từ khi nghe câu nói đó. Tôi thấy như dường những lời dạy như thế chỉ có trong ruyền thống Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam, và đặc biệt là Thiền Tông. Tôi tự nhủ là phải học Anh văn để tìm đọc Kinh Phật từ các nguồn khác để hiểu tới nơi tới chốn, và cũng vì văn phạm tiếng Anh luôn luôn rõ nghĩa, minh bạch hơn. Nơi đây, tôi chỉ dám nói là dò theo Kinh điển, không dám nói là chứng ngộ gì hết.
Để thấy tâm bình đẳng là một tiến trình rất lâu dài. Thực ra, không có gì bí ẩn hết, bởi vì bài Bát Nhã Tâm Kinh đã nói minh bạch rồi, rằng tất cả các pháp vốn thực sự bình đẳng trong cái nhìn của một hành giả khi thấy năm uần tức là không. Nghĩa là, trong tánh Không, hay trong Không tánh, không có gì dị biệt nhau giữa ta và người, không cách biệt gì giữa người nhìn hoa và hoa được ngắm. Chư tổ đã nói như thế. Nhưng từ việc tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh hàng ngày cho tới khi hốt nhiên đốn ngộ là một chặng đường rất dài.
Dòng chữ mà độc giả vừa đọc là một nghịch lý, xin đọc kỹ lại, bởi vì nói rằng từ tụng kinh tới khi hốt nhiên đốn ngộ là một chặng đường rất dài. Chỉ có nghĩa là, phải chuẩn bị lâu dài, phải có giới, phải có định, và phải có tuệ, tới một khoảnh khắc thì đột nhiên thấy được thân và tâm của mình thực sự là Không, đi đứng nằm ngồi chỉ là một khối lung linh hiển lộ của Không, và trong tâm vắng bặt mọi nghĩ ngợi tư lường. Nghĩa là, một cách tự động, hễ trong tâm vừa chợt khởi lên hình ảnh của Đức Phật thì hình ảnh đó được thấy biến mất ngay trong cái nhìn của tâm bình đẳng này. Nơi tâm rất mực thanh tịnh của tánh Không này đã không còn thấy có bờ này hay bờ kia.
Khi không còn thấy bờ nào nữa, lúc đó là gặp Phật thì giết Phật, nhưng vẫn phải giả vờ khuyến tấn người tụng kinh và lạy Phật để lấy phước đức. Lúc bấy giờ, có khuyên người ngồi tập thở, hay khuyên người tập sống tỉnh thức cũng chỉ vì có nhiều người chưa đủ duyên để vào cửa Tổ sư. Tuy nhiên, nên thấy sẽ có một số người an trụ trong “cái bây giờ và ở đây” của thiền tỉnh thức, dễ gặp mối nguy khác, rằng họ không chắc gì thấy được ánh sáng trí tuệ nơi Bát Nhã Tâm Kinh nói là “vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” để phủ nhận pháp Thanh Văn, rồi nói là “vô Trí” để phủ nhận pháp của Bồ Tát Đạo (vì Trí Tuệ Ba La Mật là tận cùng Lục độ), rồi nói là “diệc vô Đắc” để phủ nhận tất cả những quả vị giải thoát bởi vì thực tướng là các pháp bình đẳng, nơi phiền não và Niết bàn bất dị.
Nếu có ai hỏi, xin tìm giùm một lời khuyên ngắn gọn cho pháp Thiền Tổ Sư, tôi sẽ do dự, vì thực sự lời nào cũng có thể gây ngộ nhận. Bởi vì, nếu nói là phải nhìn vào tâm để thấy tánh, lập tức người nghe sẽ nghĩ rằng có một cái gì đó, nhưng hễ nói là phải thấy tánh không, người nghe lại dễ nhầm là không, một đối nghịch của có. Đây là trí tuệ, là đại trí tuệ, không thể vin vào chữ mà vào được.
Có một chữ rất thường được nói trong Thiền Tông: đó là chữ “vô tâm” và chữ này lại mang rất nhiều nghĩa. Hiển nhiên, chữ này trái nghịch với lời Đức Phật dạy về “tứ niệm xứ” – tức là bốn lĩnh vực quán niệm, bây giờ được học giới Tây phương thu gọn thành pháp Thiền Tỉnh Thức.
Chữ “vô tâm” dễ dàng bị hiểu trong nhiều nghĩa khác nhau. Trong nghĩa tiêu cực, “vô tâm” bị hiểu là thất niệm, là không biết, là mê mờ, là vô ý thức, và vân vân. Trong nghĩa đó, hiển nhiên là tương đương với vô minh, là lối đi của sinh tử luân hồi.
Trong khi đó, ở mặt ngược lại, các Thiền sư dùng chữ “vô tâm” theo nghĩa tích cực, đây là cái nhìn tỉnh thức mà không khởi lên bất kỳ tâm nào, dù là tâm thiện hay ác (như lời Lục Tổ Huệ Năng dạy cho Thượng Tọa Minh).
Phương pháp Thiền vô tâm ai cũng có thể tập được. Độc giả có thể tạm ngưng đọc vài phút để thử cái nhìn này. Tức là, tâm thường trực tỉnh thức với tâm không biết, tỉnh thức với tâm không tác ý, như thế, tất cả những gì khởi lên trong tâm đều sẽ tự động biến đi nhanh chóng. Bởi vì bình thường, tâm mọi người lúc nào cũng khởi lên niệm này, niệm kia. Khi tâm thường trực tỉnh thức với vô niệm, sẽ không thấy bờ này hay bờ kia trong tâm, sẽ thấy không có niệm tham sân si nào khởi lên trong tâm đồng thời cũng không thấy có niệm giải thoát nào trong tâm – nơi đó, là bình đẳng. Nơi đó, không gọi tâm là có, cũng không gọi tâm là không.
Tiếng Anh dịch ra cũng mơ hồ. Ngài Suziki dịch “vô tâm” là “no mind,” nghĩa là đúng từng chữ. Nhưng nếu bạn tìm đọc nhiều sách hơn, sẽ thấy có những cách dịch khác hơn. Thiền sư Gil Fronsdal dịch là "not-knowing." Trong khi đó, các Thiền sư người Hoa Kỳ bản xứ theo truyền thống Thiền Tông Đại Hàn dịch là “don’t know mind” và các vị này đã giải thích Thiền pháp “don’t know mind” tràn ngập trên các video YouTube.
Chúng ta không nên chấp vào cách dùng chữ, vì chữ có khi không nói rõ nghĩa. Bản thân tôi lại không giỏi tiếng Anh như người Mỹ bản xứ, nên không dám nói là cách dịch nào thích nghi hơn. Tốt nhất, bạn nên xem như chữ nào dịch cũng đúng, nhưng chắc chắn là không có nghĩa tiêu cực, không có nghĩa là tâm mê mờ hay thất niệm, mà chỉ có nghĩa tích cực, đó là tỉnh thức thường trực với tâm không biết (bởi vì hễ biết, là bít lối của tâm liền…).
Đức Phật nói gì về pháp Thiền của vô tâm? Đức Phật gọi đây là pháp Thiền Vô Tướng. Trong Kinh SN 22.80, Đức Phật dạy chư Tăng ni rằng hoặc là tu Tứ niệm xứ, hoặc là tu Thiền vô tướng thì đều sẽ đoạn diệt không có dư tàn.
Trong Kinh SN 47.9, Đức Phật kể rằng, bấy giờ bệnh trầm trọng khởi lên, thân thể đau đớn, Ngài mới dùng Thiền Vô Tướng bằng cách "không tác ý" để cơ thể dứt những cơn đau: "Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy, thân Như Lai được thoải mái.”
Trong Kinh vừa dẫn, Ngài Bodhi dịch là: “nonattention to all signs”
và ngài Sujato dịch là: “not focusing on any signs”
và ngài Minh Châu dịch là "không tác ý đến tất cả tướng."
Tất cả cách dịch đó trong Kinh Pháp Bảo Đàn đều có thể hiểu tùy ngữ cảnh là: vô tâm, vô niệm, vô tướng… Tức là, tỉnh thức nhìn vào tánh Không của tâm, nơi lìa cả có với không, nơi lìa tham sân si mà cũng không bận tâm với giải thoát.
Có chỗ nào Đức Phật nói cụ thể là vô niệm hay không? Câu hỏi này có vẻ trái nghịch với truyền thống, vì chúng ta thường nghe là những lời dạy về niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp... Vậy mà Đức Phật từng dạy cụ thể là vô tâm, vô niệm, và gọi đó là pháp ngắn gọn.
Trong Kinh SN 22.64, ghi lại rằng:
"Một vị tỳ khưu đến gặp Đức Thế Tôn và thưa với Ngài: 'Kính bạch Thế Tôn, con xin Đức Thế Tôn dạy cho con Giáo pháp ngắn gọn…'
Đức Phật dạy: 'Này Tỳ khưu, khi khởi niệm, ngươi sẽ bị Ma vương trói buộc; không khởi niệm, ngươi sẽ giải thoát khỏi Ác ma.” (“Bhikkhu, in conceiving one is bound by Mara; by not conceiving one is freed from the Evil One.”)
Bạn có thể giữ tâm tỉnh thức với vô niệm, hay với tâm “không biết” (cách dịch sau là dựa vào lời của Bồ Đề Đạt Ma, khi trả lời Lương Vũ Đế). Pháp Thiền này còn gọi là không y chỉ vào bất cứ gì hết. Và Đức Phật trong Kinh AN 11.9 gọi đây là Thiền pháp của tuấn mã, với lòng ngây thơ vô cùng tận, các vị này không tác ý gì hết, không khởi tâm gì hết, không dựa vào bất kỳ đất nước lửa gió, không dựa vào bất kỳ tầng thiền nào hết, và nơi tâm “không biết” thì vô lượng tham sân si rụng sạch. Trước Kinh dẫn trên, có 2 Kinh (Kinh AN 11.7, Kinh AN 11.8) cũng nói rằng có Thiền pháp “không y chỉ vào đâu,” và Thiền pháp này đều không hề tác ý gì về cả thân và tâm và về tất cả những gì khác.
Nơi pháp Thiền này, khi bạn thấy hiển lộ tánh không, bạn sẽ thấy đó chính là bản tâm, vì bản tâm không gọi là có, không gọi là không, tuy là xa lìa tham sân si nhưng lòng từ bi lặng lẽ vẫn khởi lên vì thương xót mình và tất cả chúng sanh trước giờ vẫn mê mờ. Khi bạn thấy bản tâm là tánh không, lúc đó một kinh nghiệm hiển lộ: bạn là tất cả những hình ảnh được thấy, bạn là tất cả những âm thanh được nghe, bạn nhìn thấy người đối diện và chung quanh chính là bạn, bạn nhìn thấy tất cả núi sông cây rừng chính là bạn.
Tất cả đều là bản tâm, một sân khấu khổng lồ trước mắt hiển lộ, là khi một hớp mà uống trọn cả dòng sông.
Bấy giờ, bạn sẽ hiểu Kinh Phật dưới mắt Thiền Tông. Như trong Kinh SN 35.23, Đức Phật nói về toàn bộ thế giới này rằng: “Và, này các Tỷ-kheo, tất cả là gì? Mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, tâm và cái được tư lường. Đây được gọi là tất cả. Này các Tỷ-kheo, nếu có người nào nói như sau: ‘Sau khi đã bác bỏ tất cả điều này, tôi sẽ làm hiển lộ tất cả điều khác’ – đó chỉ là sự khoác lác hư dối.”
Nơi đây là bình đẳng. Tất cả thế giới chỉ là những gì hiển lộ nơi bản tâm. Và nơi đây, là trí tuệ vô cùng tận, là khi tâm bật sáng, tâm thường trực tỉnh thức với tâm không biết, với tâm không tác ý, với tâm vô tâm, với tâm vô niệm, nơi không chút bụi dính vào.