;
>Kinh Phật nói về kẻ ngu si phá hoại công việc của mình
>Dâng sớ cầu an & Cúng sao giải hạn
>Phương tiện như vậy đến khi nào mới Dĩ chơn hủy huyễn?
Sau tết, một số chùa thường tổ chức coi sao hạn và cúng sao giải hạn cho Phật tử. Thực ra, Kinh Phật nói rõ là sao trời không có vai trò gì trong cuộc sống con người. Và những kẻ lợi dụng việc coi sao là “tà mạng ngoại đạo”.
Người hiền trí trong kinh dưới đây dẫn từTiểu Bộ Kinh, vốn là tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,đã bình luận như sau về các ngôi sao: “có nghĩa lý gì là các vì sao?”, và nói bài kệ:
“Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành
Điều lành chiếu điều lành
Sao trời làm được gì?”
Như vậy, chẳng những bài kinh phủ nhận vai trò của coi sao, cúng sao, bói sao, mà xác định rõ quyết định điều lành là do chính việc lành.
Vì vậy, chúng ta không cần coi sao, bói sao, cúng sao, mà chỉ chuyên tâm làm việc lành, thì điều lành sẽ đến với chúng ta, theo lời kinh: “Điều lành chiếu điều lành”.
Dưới đây là bài kinh “Chuyện các vì sao (Tiền thân Nakkatta)”, Kinh Tiểu Bộ, tập IV, HT. Thích Minh Châu dịch, nhà xuất bản TPHCM, PL 2545-2001, từ trang 332.
“Chuyện các vì sao (Tiền thân Nakkhatta)
Chờ đợi các vì sao...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc đạo Sư đã kể về một tà mạng ngoại đạo. Theo truyền thuyết, một thiện nam nữ ở thôn quê hỏi cưới cho con trai mình cô con gái một gia đình ở Xá vệ, và hẹn ngày cưới. Khi đến ngày ấy, ông hỏi một kẻ tà mạng ngoại đạo thân tín với gia đình:
- Thưa Tôn giả, hôm nay chúng tôi sẽ làm một lễ phù hợp ngày lành, vậy các vì sao có tốt không?
Vị này tức giận suy nghĩ: "Người này không hỏi ta trước, đã quyết định ngày, nay mới hỏi ta. Ta hãy cho nó một bài học". Vị ấy nói:
- Hôm nay, các vì sao không tốt. Chớ nên làm lễ hôm nay. Nếu làm lễ, sẽ có nạn diệt vong lớn.
Các người trong gia đình ở thôn quê tin vị ấy, và không đi rước dâu trong ngày ấy. Trong khi ấy, những người thuộc gia đình nhà gái ở thành thị đã sửa soạn tất cả để làm lễ cưới. Thấy các người kia không đến, họ nói:
- Chính họ quyết định ngày hôm nay, và họ không đến, chúng ta đã phí tổn rất nhiều. Họ là hạng người gì? Chúng ta sẽ gả con gái chúng ta cho một người khác.
Rồi họ gả con gái cho một người khác và làm lễ cưới như đã sửa sọan. Vào ngày sau, đám người thôn quê đi đến và xin rước dâu. Những người ở thành Xá vệ nói:
- Các ông gia chủ sống ở thôn quê là những người độc ác. Chính các ông đã quyết định ngày, lại khinh thường chúng tôi không đến. Các ông hãy về lại theo con đường các ông đã đến. Chúng tôi đã gả con gái cho người khác rồi.nguoiphattu.com
Họ mắng những người kia như vậy. Những người kia cũng mắng lại, rồi cuối cùng đi về theo con đường họ đã đến.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo biết được toàn bộ câu chuyện ấy và thầm trách kẻ tà mạng ngoại đạo ấy đã làm trở ngại lễ ngày lành của những người kia. Các Tỷ-kheo ngồi hội họp trong Pháp đường nói:
- Này các hiền giả, kẻ tà mạng ngoại đạo kia đã làm trở ngại ngày lành của gia đình ấy.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo hôm nay, ở đây các ông ngồi hội họp bàn chuyện gì?
Khi được biết câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ tà mạng ngoại đạo ấy mới làm trở ngại ngày lành của gia đình kia. Thuở trước, kẻ ấy tức giận họ và cũng làm trở ngại ngày lành.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, những người dân ở thành phố xin cưới cô con gái ở thôn quê, đã định ngày cưới và hỏi một kẻ tà mạng ngoại đạo, bạn của gia đình:
- Thưa Tôn giả, hôm nay chúng tôi định làm lễ ngày lành. Vậy các vì sao có tốt đẹp không?
Người tà mạng ngoại đạo tức giận suy nghĩ: "Những người này đã quyết định ngày theo sở thích của mình, nay mới hỏi ta. Vậy ta sẽ làm trở ngại ngày lành của họ". Kẻ ấy nói:
- Hôm nay các vì sao không tốt. Nếu các ông làm lễ, các ông sẽ gặp nạn diệt vong lớn.
Họ tin kẻ ấy, nên không đi đến. Những người ở thôn quê biết được họ không đến liền nói với nhau:
- Nay họ đã định ngày, nhưng lại không đến. Họ là hạng người gì đối với chúng ta?
Và họ gả con gái cho người khác. Những người ở thành phố đến vào ngày sau và xin đón con dâu. Những người ở thôn quê nói:
- Các ông, những người ở thành phố, là những gia chủ không có liêm sỉ. Chính các ông đã định ngày, nhưng không đón con dâu. Vì các ông không đến, chúng tôi đem gả con cho người khác rồi.
- Chúng tôi hỏi một vị đạo sĩ, biết được các vì sao không tốt, nên chúng tôi không đến. Hãy cho chúng tôi rước dâu.
- Vì các ông không đến, chúng tôi đã gả nó cho người khác rồi! Nay làm sao lại có thể dắt nó về được?
Trong khi họ đang cãi nhau như vậy, một người hiền trí ở thành phố đi đến thôn quê vì một công việc gì đó, nghe kể lại câu chuyện ấy, liền nói:
- Có nghĩa lý gì là các vì sao? Ðược người con gái đâu có phải nhờ các vì sao?
Rồi người hiền trí đọc bài kệ này:
Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hỏng điều lành,
Ðiều lành chiếu điều lành,
Sao trời làm được gì?
Các người ở thành phố cãi lộn xong, không rước dâu được, đành ra về.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay kẻ tà mạng ngoại đạo này mới làm trở ngại ngày lành của gia đình ấy, thuở trước cũng đã làm rồi.
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư kết hợp hai mẩu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, kẻ tà mạng ngoại đạo là kẻ tà mạng ngoại đạo hôm nay, các gia đình ấy là một. Nguời hiền trí nói kệ là Ta vậy”.